Gia đình

“Lý lịch hôn nhân" có... tì vết

Cập nhật lúc 26-10-2009 17:04:48 (GMT+1)
Ảnh minh họa

 

Vân Hương, 29 tuổi, hiện đang làm cho một hãng dược phẩm lớn tại Hà Nội. Trước đây, Hương có một tình yêu lãng mạn với một bạn trai cùng lớp đại học. Khi ra trường, vì cả hai bên gia đình đều ở xa nên đôi bạn trẻ quyết định giấu bố mẹ đi đăng ký kết hôn.


Có tiếng mà không có miếng

Thế nhưng, chỉ sau một năm, mọi chuyện đã đổi khác. Người yêu của Vân Hương, sau khi nhận được học bổng du học ở Australia lại có ý định hoàn thành chương trình thạc sĩ sẽ chuyển tiếp nghiên cứu sinh nên cũng chưa xác định rõ ràng khi nào trở về làm đám cưới.

Trong thời gian này, Vân Hương có tình cảm với một đồng nghiệp, người đã dìu dắt cô khi bước vào môi trường mới. Cô không giấu giếm chuyện này và đã thổ lộ hết với “người yêu” cũ. Cuối cùng, họ quyết định chia tay nhau.

Tuy nhiên, khi quyết định kết hôn với người đồng nghiệp ở cơ quan, cô mới thực sự nhớ đến cái giấy đăng ký kết hôn năm nào. Vân Hương không biết phải làm sao để giải thích với chồng sắp cưới, vì rành rành trên giấy tờ là cô đã... “một đời chồng”.

Chuyện đăng ký kết hôn của bạn Mai Trang, thư ký của một công ty điện tử tại Q.Đống Đa, Hà Nội lại có phần rắc rối hơn. Trước đây, Trang học Sư phạm Tây Bắc và cũng yêu một bạn trai cùng khóa. Khi ra trường, họ được phân công đi dạy ở vùng núi một thời gian. Vì hoàn cảnh gia đình, cô không nhận công tác và trở về miền xuôi. Trước khi “hai người đôi ngả”, họ đã đăng ký kết hôn để làm bằng chứng cho sự chờ đợi của Trang với người yêu.

Một thời gian sau, phát hiện người yêu có bạn gái khác, Trang đề nghị ly dị để xóa bỏ hôn ước, nhưng anh ta không đồng ý. Không chỉ dừng ở đó, nghỉ hè, người yêu của Trang còn đến tận cơ quan cô làm việc và thông báo với mọi người rằng Trang đã là vợ của anh, rằng hai người đã kết hôn. Không chịu được cảnh người yêu thay lòng đổi dạ và cư xử không đàng hoàng, Trang buộc phải ra tòa xin đơn phương ly hôn.

Không đăng ký, càng rắc rối

Chuyện của vợ chồng anh Vũ chị Hà, nhà ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội thì lại khác. Khi mới cưới, vì chị Hà bị thất lạc giấy khai sinh nên họ không đi làm giấy đăng ký kết hôn.

Sống với nhau được 7 năm, đã có hai mặt con, bỗng anh Vũ giở chứng “chán cơm, thèm phở”. Chị Hà đã tốn nhiều thời gian “đeo bám đối tượng”, tìm đến tận chỗ hai người hẹn hò để đánh ghen làm cho cả hai bên “mất mặt”. Về nhà, anh Vũ tức khí đuổi vợ ra khỏi nhà và đòi ly dị. Lúc này, chị Hà mới nhớ ra, họ chưa từng có giấy đăng ký kết hôn. Vậy ngôi nhà chung cư mà chị có nhiều công đóng góp vừa mới mua được sẽ được chia như thế nào, chị có toàn quyền nuôi hai con nhỏ hay không?

Hoàn cảnh của gia đình ông Ba, bà Thái, nhà ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng có nỗi buồn vì liên quan đến tờ giấy đăng ký kết hôn. Anh Minh là con trưởng của ông bà hiện đang làm kỹ sư trong ngành dầu khí. Cách đây 2 năm, Minh lấy vợ. Con dâu của ông bà cũng là người có học thức, con nhà gia giáo. Vậy mà chẳng hiểu sống với nhau thế nào, bỗng dưng, cô con dâu ôm cháu đích tôn của ông bà về ngoại và tuyên bố: “Chỉ cần đứa con!”. Cuối cùng, khi hai vợ chồng trẻ không phải ra tòa để phân chia mọi thứ thì ông bà mới biết chúng không có giấy đăng ký kết hôn, cho dù đám cưới đã được tổ chức rất rình rang.

Luật sư Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Theo quy định pháp luật, bất cứ đôi vợ chồng nào trước khi chung sống cũng phải đến UBND xã (phường) đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn là thể hiện ý chí, nguyện vọng, mong muốn được chung sống với nhau suốt đời. Từ đây, mọi sự ràng buộc giữa hai người (vừa được coi là quyền lợi và cả nghĩa vụ) cũng bắt đầu được xác lập. Khi mong muốn làm vợ chồng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, thì khi từ bỏ nó, buộc đôi nam nữ phải tới tòa án để ly dị theo quy định của pháp luật, như trường hợp của Vân Hương, Mai Trang chứ không thể làm khác được. Như vậy, chính họ đã tạo cho mình một “lý lịch hôn nhân” không đẹp vì sự kém hiểu biết”.

Một điều quan trọng khác, theo luật sư Hằng Nga, tờ giấy đăng ký kết hôn cũng là một “căn cứ” để tòa án giải quyết các tranh chấp xung quanh quan hệ vợ chồng như xác định quyền nuôi con, phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái, quyền hưởng thừa kế... Do vậy, Luật Hôn nhân gia đình hiện tại đã không công nhận các trường hợp hôn nhân thực tế (chung sống như vợ chồng mà không có giấy đăng ký kết hôn).

Với những trường hợp này, Luật vẫn  gia hạn và khuyến khích các cặp vợ chồng tiếp tục đi thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND xã phường.

Còn với các bạn trẻ, theo các luật sư, tờ giấy đăng ký kết hôn không chỉ là... tờ giấy, càng không thể là một tờ cam kết để sống thử. Trước khi tiến tới hôn nhân, các bạn trẻ cần hiểu rõ tính pháp lý của nó cũng như cần được tư vấn, khuyên giải từ các bậc cha mẹ, người có chuyên môn để tránh những hậu quả đáng tiếc.
 
Theo PNO

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo