Gia đình

10 sự khôn ngoan về tiền đến tuổi 40 tôi mới nhận ra

Cập nhật lúc 16-03-2019 08:12:00 (GMT+1)
Marc nhận ra nhiều bài học về tài chính khi bước sang tuổi 40. Ảnh: BI.

 

Blogger người Anh chia sẻ đến tuổi 40 anh nhận ra lương cao hơn không có nghĩa là việc bền hơn, nên phải chừa đường lui cho mình.


Marc, một blogger nổi tiếng, chủ của nhiều trang web, đã chia sẻ những đúc rút bản thân về tiền bạc khi gần bước sang tuổi 40, trên Business Insider:

Khi sinh nhật lần thứ 40 của tôi đang đến, tôi nghĩ về cuộc sống của mình và những trải nghiệm tiền bạc đã qua. Tuổi 20 của tôi không hiệu quả từ góc độ tài chính. Tôi đã có bốn công việc khác nhau, nhưng lương thấp. Việc này khiến tôi không thỏa mãn. 28 tuổi, tôi bắt đầu làm thêm bên ngoài với công việc thiết kế web và viết blog. Bước sang tuổi 30, tôi rời bỏ việc đang làm để theo đuổi viết lách toàn thời gian. May mắn là tôi đã có thể làm việc ở nhà trong 10 năm qua.

Tuổi 30 của tôi đạt năng suất hơn nhiều. Tôi đã tự xây dựng web, blog... của riêng mình. Ba trong số các trang web/blog được bán với giá hơn 200.000 đôla mỗi trang. Dù bắt đầu chậm, mọi thứ dần dần được cải thiện. Vợ tôi cũng đã có thể nghỉ việc 6 năm trước để toàn tâm chăm sóc cho con gái mới ra đời.

40 năm, không phải quãng thời gian quá dài nhưng tôi đã học và rút ra được nhiều bài học về tài chính:

1. Tiền không phải là tất cả

Tiền không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có những ưu tiên khác nhau. Đối với nhiều gia đình, sức khỏe, bạn bè và đức tin đều có thứ hạng cao hơn tiền bạc. Khi bạn dành toàn bộ thời gian để làm việc, bạn dễ bị phân tâm và đánh mất những ưu tiên đó. Hãy lùi lại một bước và suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng nhất.

2. Cần phải bắt đầu tiết kiệm sớm

Hầu hết mọi người không nghĩ về việc tiết kiệm tiền khi họ còn trẻ, nhưng đó thực sự là thời điểm tốt nhất. Tiết kiệm từ sớm đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều năm tích lũy, số tiền sẽ dần tăng lên. Không chỉ vậy, đó còn là cách giúp bạn phát triển những thói quen tốt có thể tồn tại suốt đời. Tôi đã tiết kiệm được một chút khi còn trẻ, nhưng tôi ước mình đã có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

3. Không hùa theo đám đông

Đừng bị ảnh hưởng bởi cách tiêu tiền từ bạn bè, gia đình hoặc hàng xóm. Bạn không thể chắc chắn họ tiêu dùng thông minh hay lúc nào cũng đầu tư đúng chỗ. Có thể họ cũng đang hối hận về cách họ đang đầu tư hoặc tiêu tiền quá phung phí.

4. Biết và làm là hai việc khác nhau

Khi tôi ở độ tuổi 20, có một người đồng nghiệp thường xuyên kể với tôi về những quyết định tài chính tồi tệ mà cô ấy và chồng đã đưa ra. Chồng cô là một cố vấn tài chính. Anh ấy đã làm trong ngành này nhiều năm và có nhiều kiến thức. Nhưng những gì diễn ra trong thực tế không giống họ nghĩ. Đôi khi khoảng cách từ biết và làm, là quá xa nhau.

5. Quản lý tiền kém thì có nhiều tiền hơn không giải quyết được vấn đề

Rất nhiều người nghĩ rằng nếu họ có nhiều tiền hơn thì những khó khăn về tài chính sẽ biến mất. Nhưng thực ra vấn đề nằm ở cách quản lý tiền, tiền ít hay nhiều mà không biết dùng có kế hoạch đều sẽ bị tiêu phí phạm. Hãy tập trung vào việc quản lý số tiền bạn có, khi bạn có nhiều tiền hơn, bạn sẽ biết cách chi tiêu thế nào cho đúng.

6. Nhiều tiền hơn không có nghĩa là ít căng thẳng hơn

Tiền chắc chắn có thể giúp cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn bằng nhiều cách, nhưng căng thẳng về tài chính sẽ không hoàn toàn biến mất khi bạn có nhiều tiền hơn. Tôi đã may mắn khi thấy tiền của mình tăng lên đáng kể ở độ tuổi 30, nhưng cuộc sống của tôi không giảm căng thẳng so với trước.

7. Lương cao hơn không có nghĩa việc bền hơn

Khi tôi 29 tuổi, năm 2008, ông chủ của tôi đã sa thải khoảng 25% nhân viên, trong đó nhiều người đã làm việc rất lâu và được trả lương cao. Các sếp nghĩ rằng loại bỏ những người này tiết kiệm cho công ty nhiều tiền hơn, thay thế bằng những người mới tràn đầy năng lượng và nhu cầu lương thấp hơn. Tôi đã không mất việc, nhưng điều đó thúc đẩy tôi xây dựng doanh nghiệp của mình nhanh hơn.

8. Tận hưởng số tiền kiếm được

Bạn không cần phải tiết kiệm 24/7, tiền bạn kiếm được hãy tận hưởng nó. Tất cả những gì chúng ta cần là sự cân bằng. Đừng cảm thấy tội lỗi về việc chi tiêu cho những thứ quan trọng, khi bạn hoàn toàn có đủ khả năng chi trả.

9. Không phải các chuyên gia tài chính đều biết những gì họ đang nói

Đừng làm theo lời khuyên của ai đó đơn giản vì họ làm việc trong ngành tài chính. Chắc chắn có nhiều chuyên gia thực sự ngoài kia, những người đã trực tiếp trải nghiệm thực tế.

Năm ngoái, tôi có một khoản đầu tư và cần nhờ tư vấn của một chuyên gia. Anh ấy thực sự không biết về đối thủ cạnh tranh, mà chỉ quen với việc cung cấp những thông tin theo dạng một chiều.

10. Đừng lãng phí cuộc sống để chạy theo tiền bạc

Tôi không thể nghĩ rằng gần 40 năm cuộc đời mình lại trôi nhanh đến vậy. Tiền là một phần quan trọng của cuộc sống, nhưng theo đuổi tiền vì mục đích có tiền không nên là trọng tâm chính.

Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền, bạn sẽ không bao giờ có nhiều hơn 24 giờ mỗi ngày. Hãy sử dụng thời gian của mình hợp lý, đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào mục đích kiếm tiền, hãy cho mình những thú vui riêng.

Mộc Miên
Nguồn: vnexpress.net

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo