Gia đình

Ám ảnh cái Tết đầu tiên của một nàng dâu ở nhà chồng

Cập nhật lúc 17-01-2018 15:09:59 (GMT+1)
Mâm cỗ ngày Tết là nỗi ám ảnh của nhiều nàng dâu. Ảnh minh họa.

 

Nhớ lại cái Tết đầu tiên ở nhà chồng đến bây giờ Phương vẫn còn hãi hùng.


Phương lấy Hùng năm nay đã là năm thứ 4, cũng có nghĩa là chị đã đón 3 cái Tết ở nhà chồng. Trong ba lần ấy, mỗi lần nhớ về cái Tết đầu tiên Phương vẫn thấy rùng mình.

Nhà Hùng có 3 thế hệ sống cùng nhau, ngoài bố mẹ và em gái Hùng còn có cả ông bà nội. Năm đầu tiên về làm dâu Phương khá hồi hộp, mặc dù cô cũng biết nấu nướng nhưng Phương lo lắng không biết nấu có hợp khẩu vị nhà Hùng hay không. Với lại xưa nay Tết nhất ở nhà Phương, hầu hết chỉ có mẹ Phương chuẩn bị và nấu nướng, hiếm khi cô phải động tay vào việc gì nên Phương càng thấy lo hơn. Nhưng trái với sự lo lắng của Phương, trước khi về quê Hùng an ủi Tết không phải làm gì nhiều đâu khiến Phương cũng an tâm hơn.

Thế nhưng, mọi việc lại trái ngược hoàn toàn với lời nói của Hùng. Hóa ra, là con trai trưởng trong nhà nên Tết Hùng chỉ ăn, ngủ rồi đi chơi là chính, ngay cả việc thắp hương cúng bái cũng là bố Hùng làm hết. Mọi năm chưa có Phương nên việc bếp núc mẹ Hùng làm, nhưng năm đó có con dâu mới nên ông bà tuyên bố năm nay để con dâu mua sắm, chuẩn bị hết. Chưa về đến nhà đã nhận được lệnh đó khiến Phương khá chán nản.

29 Tết, vừa sắp xếp xong công việc, hai vợ chồng Phương vội vàng khăn gói về nhà nội. Vừa đặt chân xuống nhà, cất xong đồ dạc vào phòng là Phương lao vào dọn dẹp. Nhà có em gái nhưng em Hùng lại lười chảy thây, dù đã cận Tết rồi nhưng nhà cửa chưa dọn dẹp gì, tất cả chờ Phương về làm. Thế là chưa kịp nghỉ ngơi Phương đã tay chổi, tay lau từ nhà ngoài vào nhà trong. Xong đó, Phương lại vội vàng nấu cơm tối. Ăn tối xong, cô lại tiếp tục công việc dọn nhà, rửa bát, lau chùi nhà cửa... Đến khi lên giường cũng đã là 11h đêm, vậy nhưng Phương cũng chưa được nghỉ, cô lại phải nằm tính toán xem mai đi chợ phải mua những gì.

Sáng 5h, Phương đã phải dậy chuẩn bị bữa sáng bởi ông bà và bố mẹ Hùng dậy rất sớm, khoảng 6h sáng là đã ăn rồi. Ăn sáng xong, Phương lại dọn dẹp trong lúc chờ Hùng dậy để chở đi chợ vì không biết đường. Mua mua sắm cả một ngày cuối cùng Phương cũng thở phào vì đã sắm sửa xong. Nhưng sự vất vả của Phương mới chỉ là bắt đầu. Nhà Hùng lại có tục lệ, bắt đầu từ chiều 30 là làm mâm cúng. Cứ thế, ngày 30 Tết phải sửa soạn 2 mâm, ngày mùng 1 là 3 mâm, mùng 2 Tết lại tiếp tục hai mâm nữa. Mà mỗi lần mâm cỗ lại là món mới chứ không được dùng đồ cũ.

Nghe bố mẹ Hùng phổ biến mà Phương đã thấy choáng. Tuy có bố mẹ chồng giúp một tay nhưng việc nấu cỗ vẫn là do một tay Phương đảm nhiệm hết. Thế là 3 ngày Tết trong lúc bạn bè khoe ảnh đi chơi nhà nọ nhà kia thì Phương cắm mặt vào bếp và chậu rửa bát. Chưa kể khách khứa, họ hàng đến nhà ăn uống, cứ mỗi lần xong một mâm cỗ là cả núi bát đĩa đang chờ Phương. Cái Tết ở miền Bắc lại rét buốt nên bàn tay Phương hầu như không ấm bao giờ bởi cả ngày dìm trong nước lạnh. Quần quật 3 ngày tết ở trong nhà đến lúc khách vãn, ngẩng mặt lên thì cũng đã đến lúc Phương và Hùng phải khăn gói lên thành phố đi làm.

Mang tiếng là về nghỉ Tết nhưng Phương chẳng thấy nghỉ đâu, chỉ thấy còn nặng nề hơn cả ngày bình thường, đến mức mà giờ thấy mâm cao cỗ đầy là cô thấy ám ảnh. Vất vả là thế nhưng Phương cũng không dám kêu ca nhiều, cô nghĩ một năm chỉ có một lần Tết mình phải về phục vụ vì trách nhiệm của người làm con, làm cháu cho nhẹ lòng vậy. May sao, đến Tết thứ 2 và thứ 3 Phương mang bầu và sinh con nên việc về tết nhà chồng cũng nhẹ nhàng hơn hẳn.

Nguồn: Lily/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo