Gia đình

Bát cá kho ngọt của bà

Cập nhật lúc 01-02-2023 11:07:57 (GMT+1)
(Tom/ Viễn Đông)

 

Tôi ít có dịp về quê vợ, vì một số lý do đặc biệt, thế nên mỗi khi về quê vợ, lại có một điều gì đó để nhớ, vui có, buồn có. Tết, thường thì đủ các món, nhà nghèo hay nhà giàu cũng cố gắng dành dụm mà mua sắm thức ăn, nhà có nghèo cỡ nào cũng phải có vài niêu thức ăn ngày Tết, để cả nhà ăn dần, để đãi khách khi cần. Trường hợp niêu cá kho của bà nội (vợ) tôi là một ví dụ. 


Cũng xin nói thêm, bà nội vợ tôi sống một mình, đôi lần tôi phàn nàn với nhạc phụ của mình sao lại để bà sống như vậy, trong khi ông có đầy đủ điều kiện… Nhưng, ông cũng phàn nàn với tôi rằng tôi không hiểu ông, đã rất nhiều lần ông đón bà về sống chung, nhưng đến ngày thứ hai thì bà bỏ về, bà không thích ở chung với con cháu, bà đã quen sống một mình, ăn uống không theo bữa và các sinh hoạt của bà cũng cần có tự do, tùy hứng… Cuối cùng, bà chọn sống một mình. Nhạc phụ tôi cũng bó tay vì không có phương án nào khả thể với bà.

Nhà bà nội vợ tôi cách nhà nhạc phụ tôi chừng hai mươi cây số, tiếng là gần biển nhưng cách bờ biển một con lộ, nằm trên động cát hoang vu, một xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà xúm xít trên động cát chỉ có phi lao và mộ địa. Buồn, cảnh này thực sự buồn, nhất là khi Tết về, trẻ con nơi đây cũng xúm xít chơi trò bầu cua cá cọp, cũng xúng xính áo quần mới, mặt mày rạng rỡ, phong bì lì xì cầm trên tay… Thế nhưng lại cho cảm giác buồn và có chút gì đó hoang liêu khó tả. Thành thử, nếu về quê vợ thăm Tết, tôi thường chọn thăm nhạc phụ chừng hai mươi phút rồi chở vợ con phóng thẳng lên nhà bà nội, ở lại đó ăn cơm trưa với bà.

Thường thì mỗi năm mỗi khác, tuổi bà ngày càng già, nên món ăn của bà nấu cũng khác trước, nếu như những năm đầu tôi làm rể, món bà thường để dành ba ngày Tết là nồi thịt kho tàu, hoặc nồi giò hầm, cũng có khi miếng thịt heo ba chỉ hon cháy sém để xắt thành lát nhiều lần, mỗi khi dọn cơm hay cúng kính… thì năm đó, năm cuối cùng tôi gặp bà, lại là món cá kho ngọt. Có lẽ năm đó kinh tế khó khăn, có lẽ năm đó bà không còn răng để ăn thịt heo, cũng có lẽ, năm đó, bà muốn để lại một món, lạ miệng cho con cháu… Tôi nghĩ là vậy.

Mồng Ba Tết, tôi chở vợ con vượt gần hai trăm cây số về thăm bà. Vẫn dáng ngồi cố hữu, bắc một cái ghế dựa bằng gỗ cũ kĩ, ngồi trước cửa nhìn ra ngõ, căn nhà cấp bốn xây và trét vữa đã xong nhưng tối om vì không được quét vôi hay sơn, dáng bà ngồi như thể chỉ có bóng tối ôm choàng lấy bà, nhỏ thó và trắc ẩn. Sau mấy phút chào hỏi, chúc Tết, mừng tuổi bà, điệp khúc nhiều năm nay vẫn là câu hỏi của bà: “Mấy đứa ăn chi chưa?” Đương nhiên là tôi phải khai thật, chưa ăn gì, trên đường có nhiều quán nhưng dành bụng về ăn cơm của bà thôi. Bà cười móm mém, đi bưng mâm thức ăn, đặt ra bàn, dường như năm nào cũng vậy, bà biết gia đình tôi sẽ về thăm bà vào ngày Mồng Ba, sẽ ở lại ăn cơm trưa, nên bà dành hẳn một mâm cúng đưa ông bà cho gia đình tôi.

Một mâm cơm có tô canh bún tàu, dĩa cơm trắng, dĩa đậu tây xào, dĩa thịt heo luộc, chén nước mắm ớt bột và thêm dĩa cá kho ngọt, kèm lời giải thích, “Cá dìa biển, cá này ngon lắm, của người bên làng chài họ mang sang bán, năm nay bây gởi tiền lì xì sớm, bà mua được cá dìa, kho ăn tết đó, còn nhiều lắm, tụi bây nhớ ăn nhiều vào nghe!” Một dĩa cá dìa biển kho với thơm và cà chua, có thêm vị hành, ngò, tiêu, ớt chín và một chút dầu phụng phi hành tỏi, hơi béo, một chút đường hơi ngọt, mọi thứ như quyện vào nhau, thật khó tả.

Đó cũng là cái Tết cuối cùng, bữa ăn cuối cùng bà nấu cho chúng tôi, năm sau, đại dịch Covid-19, chúng tôi không về thăm và chúc Tết bà được, rồi năm sau, bà qua đời, dịch, chúng tôi không thể vượt qua cửa khẩu tỉnh để ra chịu tang bà. Mãi đến hôm nay, Tết, chúng tôi cũng không về thắp nhang cho bà được, mà thú thực, dường như cái ngày ấn định hằng năm về thăm bà trở nên xao nhãng, giờ thì lúc nào nhớ, lúc nào thuận lợi lại về thăm, thắp nhang bà.

Tết, nhớ bà, nàng lại kho món cá dìa kho ngọt, một dĩa cá có tiêu, hành tím, ớt, cà chua, thơm, hành lá và ngò… nghi ngút khói, bên một bát cơm nóng, Tết trở nên thi vị và gần gũi hơn. Và đây là cách chế biến: Cá dìa làm sạch vi, ruột, rửa sạch, cho vào nồi, cho nước mắm vào, tỉ lệ 1 muỗng canh nước mắm đậm đặc trên 2 con cá bằng bàn tay, hành tím bóc vỏ, giã dập, cho  vào, tiêu bột, nửa muỗng cà phê trên 4 con cá bằng bàn tay, đường cát nửa muỗng cà phê trên 4 con cá bằng bàn tay, cho một trái ớt chín để nguyên cọng vào và thêm một chút ớt bột, đảo đều để nước mắm, gia vị thấm vào cá, sau đó cho thêm nửa muỗng cà phê dầu phụng phi hành tỏi vào, đảo nhẹ một lần nữa rồi cho cà chua xắt miếng theo kiểu cắt cam, cho thơm xắt lát mỏng vào, đậy nắp, bắc lên bếp để lửa riu riu, khi nhiệt bắt đủ, nghe tiếng sôi xèo xèo thì cho thêm nửa chén nước sôi vào nồi cá, đậy nắp, để lửa riu riu chừng mười phút, nếu cá lớn thì để lửa chừng mười lăm phút, sau đó cho cá ra dĩa, xắt thêm hành ngò lên trên.

Cá kho ngọt là món dễ làm, đổi khẩu vị sau những ngày Tết với nem, chả, thịt, bánh chưng, bánh tét… Ngoài cá dìa, quý vị có thể thay bằng cá vượt, cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trắm… Mỗi loại cá sẽ có một hương vị riêng nhưng mùi hành, ngò, tiêu… miếng cá thấm vị cà chua, thơm không lẫn vào đâu được. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng món này ăn với cơm trắng thì ngon hết sẩy, nếu dùng để nhâm nhi vài cốc bia vẫn được, dùng để uống rượu nặng thì càng thú vị. 

Kính chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng và ấm áp!

Nguồn: viendongdaily.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo