Gia đình

Một mình chịu đựng biến cố cuối đời, mẹ không cho tôi về quê chăm sóc

Cập nhật lúc 04-12-2021 09:10:16 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Nếu bạn hỏi, đối với tôi, ai là người vĩ đại nhất, câu trả lời chắc chắn là Mẹ. Nếu bạn hỏi, điều may mắn nhất đối với tôi là gì, thì câu trả lời là tôi được làm con của Mẹ!


"Lặn lội thân cò khi quãng vắng"

Ông ngoại tôi có 11 người con, Mẹ tôi là con cả. Ông ngoại tôi vốn dòng dõi con quan nên gia cảnh cũng khá giả. Mặc dù vậy, cũng như đại đa số phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn trọng nam kinh nữ, Mẹ tôi không được học hành gì. Thế nhưng, không hiểu sao, Mẹ tôi lại thuộc rất vô số câu ca dao, tục ngữ và những câu hò ví giặm.

Thú vị hơn nữa, Mẹ có thể nói được rất nhiều câu tiếng Pháp, tất nhiên là theo lối nói bồi. Ví dụ, hồi nhỏ khi chị em chúng tôi làm việc gì đó không đúng, Mẹ đều dạy bảo rất nghiêm khắc và bảo: “enfant choyé, enfant gâté” (con được cưng chiều là con hư).

Khi Mẹ về làm dâu, gia đình ông nội tôi cũng thuộc hàng khá giả, nhà ngói tứ trụ 5 gian toàn bằng gỗ lim, sân gạch, cửa ngăn, ruộng đất thì nhiều vô kể. Thời đấy như thế có thể gọi là giàu sang rồi.

Sau này, tôi nghe kể lại, may mà ông nội tôi đã bán gần như toàn bộ ruộng đất để cho Cha tôi và các chú tôi theo nghiệp đèn sách nên hồi cải cách ruộng đất, sau nhiều lần bị nâng lên, đặt xuống, gia đình tôi mới may mắn được xếp vào hàng “trung nông” chứ không phải là địa chủ.

Trước năm 1945, Cha tôi làm Thông phán (viên chức bậc trung) ở Tòa sứ Trung kỳ. Cách mạng tháng Tám nổ ra, Cha tôi bắt đầu tham gia cách mạng. Do có trình độ học vấn, tổ chức Đảng nhiều lần có ý điều động ra Hà Nội nhưng Cha tôi đều từ chối và say mê với nghề dạy học cho đến lúc nghỉ hưu.

Cha Mẹ tôi có 5 người con: 3 gái, 2 trai. Tôi là con út, sinh sau đẻ muộn nên cuộc sống gia đình trước kia tôi chỉ được nghe kể lại, cũng không hình dung gì được nhiều. Cho đến nay, chỉ có những ký ức kể từ khi mấy chị em tôi đi sơ tán tránh bom Mỹ lúc tôi lên 3 tuổi về sau là vẫn in sâu vào tâm trí tôi.

Hồi đó, tức là vào khoảng năm 72, chị cả tôi phải ở nhà làm dân quân trực chiến, chị hai tôi đi học cấp 3, còn chị thứ ba đưa hai anh em tôi đi sơ tán ở một xã miền núi cách nhà khoảng hơn 30 cây số. Năm đó, chị ba tôi mới 12 tuổi. Trước lúc đi sơ tán, Mẹ đưa cho ba chị em tôi 5 hào bạc và 5 cân gạo để sinh sống trong những ngày sơ tán nơi đất khách quê người. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), ba chị em tôi trở về nhà với 1 đồng bạc với 15 cân gạo nhờ vào tài tháo vát của chị ba tôi.

Hồi đó, dù còn rất nhỏ nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị ba tôi hàng ngày lên núi chặt cây muồng, cây đót về làm chổi, rồi đi mót lúa bán lấy tiền mua gạo và thức ăn. Bé như vậy mà đã biết lo toan nuôi hai em trong hoàn cảnh phải xa Cha Mẹ. Nghĩ lại càng thấy chị tôi hồi đó thật phi thường!

Những năm bao cấp, cuộc sống gia đình tôi cũng khó khăn, thiếu thốn như hầu hết các gia đình khác. Đồng lương giáo viên ít ỏi và tiêu chuẩn 13 kg lương thực/tháng của Cha tôi không thể nuôi sống cả nhà. Cũng không thể trông đợi vào mấy tạ lúa, khoai, sắn,…mà hợp tác xã chia cho.

Để nuôi 5 cái tàu há mồm ăn học đến nơi đến chốn, ngoài những lúc ra đồng cày cấy, gặt hái, Mẹ lại phải tần tảo sớm hôm gánh gồng chạy hết chợ sáng đến chợ chiều.

Lúc nhỏ, tôi không cảm nhận hết được nỗi vất vả cực nhọc của Mẹ. Sau này, càng trưởng thành tôi càng hay nhớ lại những hình ảnh của Mẹ trong những năm tháng khó khăn đó và tôi thấy thương Mẹ vô cùng!

Bất kể mưa hay nắng, cứ 3 giờ sáng, khi mọi người còn ngon giấc, Mẹ đã trở dậy chuẩn bị gánh gồng để đi chợ. Nhất là những ngày mùa đông gió rét cắt da, cắt thịt, Mẹ vẫn phong phanh tấm áo mỏng, khoác tấm ni-lông che mưa gió, lầm lũi một mình bước đi trên những chặng đường quê heo hút. Sáng, đi chợ Mai Trang (Cửa Hội) mua sỉ cá, mắm; chiều chợ Nghi Phú, rồi chợ Vinh, chợ Cửa Viện để bán; tối về lại lo quạt than nướng cá, muối mắm,.. rồi dọp dẹp nhà cửa,.. đến tận khuya mới ngả lưng chợp mắt một lúc rồi lại dậy đi chợ...

Khổ nhất là những phiên chợ Trụ (Hưng Hoà), Mẹ phải gánh gồng lội qua sông, kể cả những hôm lạnh 7- 8˚C, rồi phải đi qua một chặng đường dài hàng chục cây số toàn bùn đất trơn trượt.

Để khỏi ngã, Mẹ phải dò dẫm từng bước trong đêm, mười móng chân bấm chặt xuống bùn, rớm máu. Vất vả, khổ sở là thế nhưng lời lãi chẳng đáng được bao nhiêu, ngày chỉ kiếm thêm được cân gạo và ít cá để nuôi mấy cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn. Hôm nào xui xẻo gặp mấy chú thuế vụ thì coi như toi công! Nói ăn uống khổ sở là so với bây giờ, chứ so với đời sống chung hồi đó thì gia đình tôi vẫn thuộc loại khá, tức là chưa bao giờ phải đứt bữa, dù cũng có nhiều bữa phải đi vay gạo. Cái “khái niệm” vay gạo bây giờ hiếm khi thấy xuất hiện, chứ hồi bao cấp thì phổ biến lắm, ai ai cũng biết.

Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về Mẹ, tôi thường hay liên tưởng đến mấy câu thơ của Tú Xương: "Quanh năm buôn bán ở mom sông; Nuôi đủ năm con với một chồng; Lặn lội thân cò khi quãng vắng; Eo sèo mặt nước buổi đò đông". Có lẽ, một phần do có sự trùng hợp khá thú vị: Cha tôi cũng là một thầy đồ Nho rất hay làm thơ, Mẹ tôi cũng có 5 người con và hay đi chợ ở ven sông Lam.

Mẹ, khu vườn rộng mênh mông và tình làng nghĩa xóm

Cha tôi vốn là người rất hiền lành nên thường chỉ dùng lời nói để dạy dỗ và chưa bao giờ đánh con một roi nào. Nếu nói theo cách tếu táo bây giờ là chỉ dùng văn. Còn Mẹ tôi thì khác. Khi chị em tôi làm điều gì sai trái, Mẹ thường dùng “văn” thì ít mà “võ” thì nhiều. Thế nên, chị em tôi, hễ thấy Mẹ cầm roi là chỉ có nước co giò chạy thật nhanh, đợi đến khi Mẹ hết giận rồi mới dám the le, thét lét mò về.

Là con út nên tôi được cưng chiều hơn so với các chị và anh. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Mẹ chưa bao giờ đánh tôi một roi nào đáng kể. Cũng có lẽ vì Mẹ ưu ái như vậy nên tôi rất dễ tủi thân, cho đến bây giờ vẫn vậy.

Có nhiều hôm bị Mẹ mắng, đến bữa tôi nhất định không chịu ăn uống gì. Có hôm giả vờ trốn đi đợi đến khi không ai để ý, tôi mới nhẹ nhàng leo tót lên cái chạn sách nằm im trên đó. Khi cả nhà tôi hoảng hốt đi tìm, nằm trên chạn sách, tôi lấy làm khoái trá lắm. Đến khi đói quá không chịu nổi, tôi mới lò dò xuống bếp… ăn vụng. Cũng vì cái tính hay dỗi đó mà có lần tôi suýt bị chết đói nếu Cha tôi không phát hiện kịp!

Việc nhà bộn bề như vậy nhưng Mẹ tôi luôn là một xã viên điển hình theo đúng tiêu chuẩn hồi ấy. Không có công trình thuỷ lợi nào của địa phương mà Mẹ không có mặt. Tôi còn nhớ năm 1978, khi tôi học lớp 3, dân mấy huyện ở tỉnh tôi được huy động đi đào Kênh Vách Bắc (một công trình thuỷ lợi bắt đầu từ Phúc Tụ (Văn Thành), chảy về phía bắc của huyện Yên Thành, dài khoảng 20km dùng để tiêu nước cho vùng Hoa Thành, Văn Thành, Tăng Thành về mùa bão lũ, bảo đảm phát triển nông nghiệp) rồi sau đó là cống Hiệp Hoà (ở Đô Lương). Hồi ấy, người ta gọi là đi “chiến dịch”.

Năm ấy, mặc dầu đã ở tuổi 53, Mẹ vẫn xung phong đi chiến dịch, có lẽ một phần do không muốn thua kém ai, nhưng tôi nghĩ, phần quan trọng hơn có lẽ là để có thêm “công, điểm” (đơn vị tính công lao động để cuối năm Hợp tác xã căn cứ vào đấy để chia lương thực) để con cái có thêm cái ăn. Hồi đó, tôi vẫn còn rất nhỏ, chỉ mới học lớp 3 nên khi Mẹ đi xa, tôi nhớ lắm. Có lần, Cha tôi mua trầu cau, gói ghém cẩn thận rồi nhờ người chuyển cho Mẹ tôi, kèm mấy câu thơ lục bát:

“Trầu cau con gửi ra đây,
Mẹ ăn vào thấy vừa cay, vừa nồng.
Ra đi, lòng đã dặn lòng,
Bao giờ chiến dịch thành công Mẹ về”.

Nhân tiện cũng kể thêm, hồi đó tin Cống Hiệp Hoà bị sập làm chết mấy chục người đã khiến dân xóm tôi bồn chồn lo lắng không yên. Sau này nghe Mẹ kể lại, đúng lúc Cống sập, may mắn thay là Mẹ và dân trong xã tôi đang nghỉ ăn cơm ở ngoài nên không sao! Thật là hú vía!

Suốt cả tuổi thơ tôi là những năm tháng hạnh phúc và đẹp đẽ vô cùng! Những lúc gặp khó khăn hay thất bại trong cuộc sống, những hình ảnh của thời thơ ấu chứ hiển hiện về trong tôi như những thước phim quay chậm. Chắc chắn những hình ảnh đó sẽ chẳng bao giờ nhạt phai trong tôi.

Nhưng rồi, đúng là “sông có khúc, người có lúc”! Trong một thời gian khá dài, bất hạnh liên tục giáng xuống gia đình tôi. Năm 1989, Cha tôi về với tổ tiên ở tuổi 72 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ tôi buồn đau khóc suốt 3 năm trời mới tạm nguôi ngoai.

Mười năm sau, tức là năm 1999, chú tôi (em thứ hai của Cha tôi) cũng đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ. Bốn năm sau (2003), đến lượt anh trai tôi và em họ (con chú tôi) về với Cha và Chú tôi.

Sau tại họa đó, Mẹ tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Trước tình cảnh đó, tôi đã định chuyển về quê làm việc để được ở gần Mẹ. Thế nhưng, khi biết tôi có ý định đó, Mẹ đã kịch liệt phản đối.

Mẹ bảo Mẹ đủ sức để tự chăm sóc mình và bắt tôi phải tiếp tục làm việc ở Hà Nội. Có lẽ vì muốn để các chị em tôi yên lòng, Mẹ đã cố gắng lấy lại thăng bằng. Và từ đó đến nay, Mẹ vẫn sống một mình ở quê giữa một khu vườn rộng mênh mông, vắng lặng.

Tuổi của Mẹ ngày một cao, sức ngày một yếu nhưng nhờ ơn Trời, Mẹ vẫn minh mẫn lắm. Năm nay, vào tuổi 90, Mẹ vẫn một mình sớm hôm chăm sóc vườn tược, trồng rau, tự đi chợ nấu nướng. Mỗi lần tôi về quê, Mẹ lại kể đủ thứ chuyện trong làng, ngoài xã, thậm chí cả chuyện thời sự quốc tế ở tận đẩu, tận đâu.

Trong khi chúng tôi ở xa, bà con trong xóm vẫn thường chạy qua, chạy lại thăm hỏi động viên, nhất là những khi mưa bão. Điều đó cũng khiến tôi yên tâm chút nào! Mỗi lần về quê, thấy mấy cụ hàng xóm (cụ "trẻ" nhất cũng ngót nghét 80) quây quần bên ấm nước chè xanh, rổn rảng nói chuyện với nhau, trong tôi thấy dâng lên những nỗi niềm thật khó tả, có cái gì đó vừa thương cảm, vừa pha lẫn những nỗi lo lắng, xót xa, nghẹn lòng...

Chẳng hiểu sao, cả một dãy hàng chục gia đình ở liền nhau ở quê, các cụ ông rủ nhau về với tổ tiên hết, chỉ còn lại toàn là các cụ bà. Có cụ 5- 9 đứa con rồi cũng vẫn phải sống một mình. Được cái, con cháu các cụ đều thành gia, thành thất và đều tử tế cả.

Các cụ đã dành cả đời mình tần tảo nuôi dạy con cái, đến khi khôn lớn rồi thì mỗi đứa một phương, thỉnh thoảng nhoằng qua nhà vào dịp tết nhất, giỗ chạp,… ăn uống no say, rồi quẹt mỏ dắt díu nhau đi, để lại sau lưng những chiếc bóng cặm cụi, liêu xiêu, lủi thủi sớm hôm một mình…

Trong cái thời buổi này, con cái không bất hiếu mà cũng vô tình trở thành bất hiếu là vậy! Thấy Mẹ tuổi cao, sức yếu, tôi bảo Mẹ đừng đi chợ nữa, cần mua gì thì gửi. Mẹ bảo, mỗi khi Mẹ đi chợ, thế nào cũng có người chở đi, chở về chứ chẳng bao giờ phải đi bộ. Cái tình của người dân quê tôi là thế, giản đơn nhưng chân chất và thật đáng quý biết bao!

Dù đã ở lứa tuổi “toan về già”, nhưng mỗi khi về bên Mẹ, tôi thấy mình nhỏ bé vô cùng! Tôi rất thích những món ăn đạm bạc do Mẹ nấu, dù chỉ là mấy quả sung kho với mắm nục hay nắm rau dền nấu canh, tôi vẫn thấy ngon hơn bất cứ món cao lương mỹ vị nào.

Tôi có cái tật xấu mà chỉ mỗi khi về quê mới lộ ra, đó là mỗi khi ăn xong, tôi thường nằm khểnh trên phản, mồm ngậm nguyên cái tăm trong miệng thiu thiu ngủ, để rồi nghe Mẹ mắng: “Cha tổ mi, ăn xong không khi mô chịu uống nước”. Những lúc đó, tôi mới thấy mình được sống đúng nghĩa, còn ở giữa chốn đô thị phồn hoa, giữa bộn bề lo toan này, tôi thấy mình chỉ như đang tồn tại mà thôi!

Nhiều lúc, tôi thấy mình thật tệ! Không phải là người quá ga-lăng nhưng tôi cũng đã không dưới một lần mua những bó hoa hàng trăm ngàn đồng để tặng bạn gái nhân dịp sinh nhật hay ngày lễ, tết...

Ấy vậy mà hơn bốn mươi năm có mặt trên đời này, tôi chưa một lần tặng Mẹ được một bông hoa. Chị em chúng tôi cũng chưa một lần nói được một câu chúc mừng sinh nhật Mẹ! Mỗi lần chúng tôi có ý định tổ chức mừng thọ cho Mẹ, y như rằng đều bị Mẹ mắng cho te tua! Mẹ bảo, nếu Cha còn sống thì đã đồng ý cho chúng tôi muốn bày vẽ thế nào cũng được! Thế đấy, kể từ khi Cha tôi mất, Mẹ tôi không còn muốn tận hưởng một niềm vui trọn vẹn nào dành riêng cho mình nữa!

Tôi biết chắc một điều, dù hi sinh suốt cả cuộc đời cho chồng con nhưng Mẹ chưa bao giờ mong nhận được một bông hoa hay một lời chúc mừng sinh nhật! Và dù có hái được hết những bông hoa đẹp nhất trên trái đất này để dâng tặng Mẹ thì cũng không bày tỏ hết được lòng biết ơn của chúng tôi trước sự hi sinh vô cùng to lớn và những đức tính cao cả của Mẹ. Đơn giản vì Mẹ là Người rất khiêm nhường nhưng vĩ đại nhất trên thế gian này!

Con cầu mong cho Mẹ luôn mạnh khoẻ và sống mãi với chúng con!

P/S: Nếu đọc hết bài viết này, chắc các bạn đã hiểu tại sao dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, tháng nào tôi cũng phải thu xếp công việc để về quê ít nhất một lần.

Doãn Hữu Tuệ (Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt)
Nguồn: Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo