Gia đình

Ngày 8-3, người nước ngoài nói gì về phụ nữ Việt Nam?

Cập nhật lúc 06-03-2018 07:32:33 (GMT+1)
Ông John Lim cùng vợ con vào dịp Tết Nguyên đán ở Việt NamẢnh: NVCC

 

Phụ nữ Việt Nam được biết đến và được ca ngợi bao đời nay là luôn chịu thương chịu khó, hết lòng vì gia đình. Ngày 8-3 sắp đến, nhiều người nước ngoài mong muốn người chồng phải chia sẻ việc nhà với vợ và phụ nữ phải biết sống cho mình.


Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu.

 Tôi tôn trọng vợ như một “đối tác” trong việc xây dựng một gia đình vững chắc và tràn đầy tình yêu thương."

Ông JOHN LIM

* Ông JOHN LIM (người Singapore):

Vợ chồng tôi chia sẻ việc nhà với nhau

Tôi và vợ mình (người Việt) kết hôn đã được 3 năm. Với tôi, người vợ đóng vai trò quan trọng ngang với người chồng trong gia đình. Người vợ mang đến sự nhẹ nhàng và yêu thương cho gia đình, còn người chồng thường giải quyết những việc đòi hỏi thể lực và các vấn đề lớn như tài sản và tài chính. 

Con trai 11 tháng của tôi sẽ đòi mẹ nếu thằng bé thấy đói hoặc thấy khó chịu trong người, còn lúc muốn chơi thì thằng bé sẽ đòi tôi. Thằng bé biết được vai trò khác nhau của cha mẹ nó trong gia đình.

Tôi nghĩ phụ nữ nên được đối xử bình đẳng như đàn ông. Họ nên được tự do theo đuổi những mục tiêu và những điều họ muốn. 

Theo quan điểm của tôi, việc nhà là việc của cả vợ lẫn chồng. Vợ chồng tôi chia sẻ việc nhà với nhau, cô ấy nấu ăn, rửa chén, còn tôi quét nhà, lau nhà, giặt giũ. Thỉnh thoảng, khi cô ấy mệt, tôi sẽ giúp rửa chén. Cô ấy cho con ăn thì tôi dọn bô, tắm cho con.

Với nền tảng giáo dục tốt hơn, cơ hội làm việc nhiều hơn và sự tự do hơn về tài chính, phụ nữ châu Á hiện nay đang thay đổi. Họ không còn là người "phục vụ" trong gia đình nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm gia đình, mà ngược lại, họ phải cân bằng giữa công việc và gia đình. 

Tình yêu mà một người vợ dành cho chồng con mình luôn là một điều mà tôi thấy rất tuyệt vời. Tôi thật sự không hiểu họ lấy đâu ra sức mạnh để có thể làm nhiều điều cho gia đình mình đến như vậy. Phụ nữ, họ sẽ cho gia đình mình những gì mà họ có thể cho và muốn cho. 

Tôi luôn rất ngưỡng mộ tình yêu của một người mẹ dành cho con mình. Hôm trước, vợ tôi dùng miệng để hút dịch từ mũi con trai chúng tôi ra. Chuyện đó, nói thật, trông rất khủng khiếp đối với tôi, nhưng với cô ấy thì không hề gì.

Phụ nữ và nam giới, chúng ta bình đẳng với nhau và phụ nữ là để yêu, không phải để bị lạm dụng. Để phụ nữ được tận hưởng cuộc sống của mình, điều đầu tiên người đàn ông bên cạnh có thể giúp là đối xử bình đẳng với họ.

* Anh SAENGSWANG HANG (người Thái Lan):

Phụ nữ đừng cam chịu

Gần đây, ở Thái Lan, xã hội đã thay đổi chút ít trong cái nhìn đối với vai trò của nam giới và phụ nữ. Phụ nữ vẫn là người chăm sóc chính cho gia đình nhưng việc này có sự chia sẻ giữa các thành viên. 

Trong nhiều gia đình ở Thái Lan hiện nay, vai trò truyền thống của nam giới và phụ nữ còn trao đổi với nhau. Một số phụ nữ có cơ hội việc làm tốt trở thành trụ cột về kinh tế thay vì người chồng. Phụ nữ cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn trong những nghề nghiệp vốn được quan niệm là dành cho nam giới.

Tôi cho rằng quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ đã lỗi thời. Mỗi gia đình muốn tiến lên thì vợ chồng cần đồng thuận và hỗ trợ nhau. Trong gia đình tôi, tôi và vợ cùng hướng đến mục tiêu làm sao để mọi người trong nhà đều vui vẻ, hạnh phúc. 

Tôi không nghĩ sẽ có người nào hạnh phúc nếu họ phải làm công việc mà mình không muốn, không được lựa chọn chỉ vì xã hội cho rằng đó là công việc của họ.

Mọi người đều có không gian cá nhân nên phụ nữ đừng cam chịu với những công việc làm bạn không hạnh phúc hay thấy mình nhỏ bé.

* Anh PREEM RAY (người Ấn Độ):

Yêu thương bản thân để tự tin, sáng tạo

Trong truyền thống của đa số các văn hóa khác nhau tại Ấn Độ, phụ nữ Ấn Độ cũng giống như phụ nữ Việt Nam - họ thường được coi là người chăm sóc gia đình, nhà cửa.

Tôi nghĩ đây là nếp sống được hình thành theo thời gian trong lịch sử phát triển của loài người mà trong đó nam giới nhận được một số ưu thế. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi mà sức mạnh cơ bắp không mang ý nghĩa quyết định tất cả nữa, càng ngày càng ít có cơ sở để tiếp tục coi phụ nữ là những người chỉ chuyên chăm lo nhà cửa, làm những công việc của "phụ nữ" như hàng bao thế kỷ trước.

Việc nhà chỉ là một ví dụ nhỏ mà tôi nghĩ sẽ là lý tưởng nếu phụ nữ và nam giới có thể chia sẻ với nhau và làm cùng nhau. Nếu chia sẻ việc nhà, hai vợ chồng sẽ có nhiều thời gian hơn cho sở thích của mình. Trong gia đình tôi, chúng tôi chia sẻ với nhau bất cứ điều gì, và dĩ nhiên là có việc nhà.

Tôi rất hiểu sự hi sinh của một số phụ nữ, đặc biệt là trường hợp những người mẹ đơn thân, họ cảm thấy mình cần dành dụm tiền bạc, bỏ các nhu cầu của bản thân như đi du lịch, nghỉ ngơi hay học hỏi những kỹ năng mới... để chăm lo con cái.

Tuy nhiên, tôi nghĩ họ nên dành thời gian cho mình, nên đi du lịch vì việc này giúp họ thấy mình "giàu có", cuộc sống phong phú để tự tin hơn, thấy được những cơ hội mới và sáng tạo hơn trong công việc của mình.

* Ông HERBY NEUBACHER (người Đức):

Yêu thương, tin tưởng, thủy chung

 

Ông Herby Neubacher và người vợ Việt Nam chia sẻ với nhau mọi việc - Ảnh: NVCC

Tôi lấy vợ người Việt Nam. Chúng tôi cưới nhau được 5 năm. Vợ tôi là người đồng hành cùng tôi mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc, cô ấy cùng tôi điều hành công ty. Vợ tôi là người giỏi trong công tác tổ chức nên cô ấy sắp xếp các chuyến công tác, vấn đề tài chính của chúng tôi và cũng lo chu toàn mọi việc trong nhà.

Trong gia đình tôi, chúng tôi chia sẻ hầu hết mọi việc. Về cơ bản, sẽ rất sai nếu bạn để vợ mình làm tất cả những công việc "lấm lem" và bạn chỉ cần lau miệng sau bữa ăn ngon - mà cũng là vợ bạn nấu - rồi đi ra khỏi nhà.

Điều này sẽ làm cho bạn đời của mình tức giận và buồn lòng, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ. Đàn ông và phụ nữ đều muốn sự tin tưởng và chia sẻ công bằng.

Một số phụ nữ quá bận rộn với việc gia đình mỗi ngày và làm mất đi sự hiểu biết cá nhân của mình, cũng như ít liên lạc với thế giới bên ngoài. Điều này không tốt.

Vào những năm 1950, khi tôi lớn lên ở Đức, hình ảnh bà nội trợ Đức cũng điển hình như ở Việt Nam. Ngày nay, người phụ nữ bình đẳng ở hầu hết các khía cạnh và hình ảnh bà nội trợ điển hình ở Đức gần như không còn. Tôi nghĩ điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Phụ nữ ngày càng tự chủ hơn, có những vị trí quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh doanh và được tôn trọng như nam giới.

Theo tôi, việc phụ nữ có thể tận hưởng cuộc sống riêng của mình bên cạnh đời sống hôn nhân và gia đình là chuyện rất cần thiết cho cả tinh thần và sức khỏe của họ. Vợ tôi gặp gỡ bạn bè và các mối quan hệ của cô ấy thường xuyên.

Theo tôi, không có gì ngu ngốc hơn chuyện ghen tuông. Nếu bạn phải ghen vì vợ mình - điều mà tôi thấy ở nhiều người đàn ông Việt Nam - đó là bạn đang có một mối quan hệ sai lầm, và lỗi nằm ở chỗ bạn chứ không phải là vợ bạn.

Tôi nghĩ, để phụ nữ có được cuộc sống dễ dàng hơn, có ba nguyên tắc mà người đàn ông phải tuân thủ. Đầu tiên là yêu thương, tiếp theo là tin tưởng, và sau cùng là thủy chung. Nếu bạn không có những điều này với vợ mình, bạn đã sai lầm, hoặc bạn đã kết hôn nhầm người.

NGỌC ĐÔNG NHI

Nguồn: NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN/ Tuoitre.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo