Gia đình

Sự thật bi hài chuyện vợ chồng Tây - Ta

Cập nhật lúc 27-05-2017 12:26:15 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

Việt kiều định cư ở nước ngoài theo diện kết hôn với người bản xứ tuy chiếm tỉ lệ không lớn trong cộng đồng, nhưng lại tạo ấn tượng bởi bản lĩnh cũng như sự va đập mạnh mẽ về văn hóa, lối sống và những thay đổi mà họ tạo nên trong cộng đồng. Họ tiên phong trong hòa nhập nhưng vấn đề về giới lại ảnh hưởng lớn đến độ bền của những cặp đôi Tây - Ta này.


Chồng Việt vợ Tây

Đừng tưởng các chàng trai Việt vóc dáng khiêm tốn, đầu óc ít nhiều dính thói gia trưởng ngàn đời để lại mà không hấp dẫn đối với phụ nữ Tây đâu nhé. Có kha khá các cô gái Tây mê mết đàn ông Việt, theo gãy gót giày mà các anh Việt vẫn chỉ yêu em qua ánh mắt bàn tay, mà cuối cùng sau khi kết thúc thời gian học tập hoặc làm việc ở Tây đã không cưới em Tây, vẫn về nước cưới vợ Việt và sống ở Việt Nam.

Số còn lại những anh chàng Ta trẻ tuổi, đã lấy vợ Tây từ rất sớm, sinh con đẻ cái và nhanh chóng hòa nhập văn hóa, lối sống Tây. Lấy vợ Tây thì có một số điểm lợi theo các anh chồng Ta tổng kết, đó là được nhập quốc tịch nước sở tại sau một thời gian chung sống, được hưởng nhiều quyền lợi y tế, an sinh xã hội. Con sinh ra là con lai, thông minh và cao ráo, đẹp đẽ. Do đó sẽ góp phần cải tạo giống nòi Ta rất tốt.

Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, tỷ lệ các cặp đôi chồng Ta vợ Tây ly hôn cao hơn. Ngoài các lý do chung về hôn nhân rạn vỡ thì có một số lý do đặc thù. Các anh chồng Ta đổ lỗi cho vợ Tây có lối sống quá phóng túng dù đã là người có chồng. Có cô vợ thản nhiên hút thuốc, uống rượu tán gẫu với bạn trong khi lẽ ra phải lau nhà, giặt giũ là lượt quần áo cho chồng con.

Anh Hoàng - người từng có cô vợ Czech và sinh cho anh một con gái, cho rằng vợ Tây không chịu đựng và chia sẻ khó khăn cùng chồng như vợ Việt. Vợ anh luôn đòi hỏi anh phải chu cấp tài chính cho cả gia đình như một chuyện đương nhiên, còn cô sẽ không đi làm và không đóng góp một xu nào cho chi tiêu chung.

Anh Hoàng cũng thừa nhận, rằng mình ít nhiều vẫn có thói gia trưởng nên khó chịu với chuyện vợ anh dành thời gian chăm sóc sắc đẹp cho cô ấy mà ít chăm sóc chồng con. Khi anh gặp khó khăn về tài chính, cô luôn thúc ép anh làm anh căng thẳng thêm. Cuối cùng, họ chia tay. Anh lấy vợ Việt và sinh thêm 3 đứa con nữa, xây dựng một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khá thành công.

Anh Ninh thì cho đến thời điểm này vẫn luôn dành cho người vợ Tây, có với anh hai con - một trai một gái - những lời khen trân trọng dù họ không còn sống với nhau. Cô vợ Tây của anh biết nấu những món truyền thống Ba Lan rất ngon, cô ấy cũng là người rành nghệ thuật thưởng thức rượu vang và dạy cho anh nhiều kiến thức về vang, cô còn có sở thích khiêu vũ và nhảy rất quyến rũ. Làm chồng cô, anh Ninh học hỏi được lối sống văn minh Tây phương và biết cách chăm chút cho đời sống tâm hồn phong phú.

Nhưng sống chung với nhau được 7 năm thì họ li dị. Lý do là vì cô vợ Tây của anh Ninh khó chia sẻ những khó khăn cũng như không chấp nhận một số đòi hỏi cơ bản của người chồng Việt. Khi anh ốm đau, cô nấu món súp cho anh ăn xong thì vẫn đi xem phim với bạn hoặc đi nhảy và uống rượu rất khuya mới về. Anh phải nhờ bạn đưa đi bệnh viện. Hơn nữa, cô cũng không chấp nhận chuyện đón mẹ anh sang Ba Lan ở cùng vợ chồng anh. Cô cho rằng ở với mẹ chồng là cách phá hoại cuộc sống vợ chồng nhanh nhất.

Anh Ninh không kết luận là vợ Tây của anh sai hay đúng. Anh chỉ cho rằng đó là sự khác biệt do cách nghĩ, cách được giáo dục từ nhỏ của người phương Tây. Khi còn là thanh niên thì khác biệt thế nào cũng chấp nhận và cho qua, nhưng khi tới tuổi trưởng thành hơn, anh Ninh thấy cần thay đổi, lấy người vợ Việt để có cuộc sống đầm ấm, đồng thuận hơn.

Anh cưới cô vợ Việt kém anh tới hai chục tuổi và tiếp tục có thêm bốn đứa con. Ở với vợ Việt, anh chỉ cần lo kinh doanh bên ngoài, không cần đau đầu đối phó khỏa lấp những khác biệt trong lối sống của hai vợ chồng ở trong tổ ấm nữa. Anh cười và cho rằng, thời thanh niên sôi nổi thì lấy vợ Tây cho biết thôi, còn khi có tuổi rồi phải chuẩn chỉnh.

Những anh nào đã lấy vợ Tây, sau đó có thể bỏ vợ Tây lấy vợ Việt dễ dàng. Nhưng nếu anh đã có vợ Việt trước rồi thì không bao giờ bỏ vợ Việt lấy vợ Tây được nữa. Bởi sướng quen rồi khổ không chịu được. Anh về nhà anh muốn thấy vợ lúi húi trong bếp, nấu nướng dọn dẹp chăm con chăm mẹ anh, còn anh ung dung uống trà nhả khói xem tivi hoặc lướt nét, chat chit với bạn…

Đến bữa cơm, vợ mời vào mâm anh còn lừng khừng chán chê mới bê cái thân vàng ngọc của anh tới mâm. Trong khi đó, nếu vợ Tây ở nhà thì anh phải vào bếp cùng vợ, lau nhà hút bụi, bê giỏ quần áo bỏ vào máy giặt, trông con và cho con ăn, rửa bát rồi còn biết nói những lời ngọt ngào thú vị để vợ cười vui nữa. Chao ôi là mệt!

Chồng Tây vợ Việt

Những cặp đôi vợ Ta chồng Tây có thời gian chung sống thọ hơn so với những cặp ngược lại. Bởi vợ Việt đã biết nỗi cực làm dâu Việt rồi nên khi lấy chồng Tây chẳng những được chồng trân trọng nâng niu hơn mà còn thoát luôn cảnh làm dâu nhiều nỗi trớ trêu.

Người phương Tây khi đã lấy vợ, chồng thì không bao giờ ở chung với bố mẹ. Hơn nữa, đàn ông phương Tây, cho dù vợ họ có kiếm được rất nhiều tiền thì họ cũng luôn ý thức chung vai xây tổ ấm, đóng góp tài chính cho chi tiêu chung.

Không như một bộ phận các anh chồng Việt, thấy khá thoải mái khi sống dựa hoàn toàn vào nguồn tài chính do vợ kiếm được. Trong trường hợp người vợ Ta không đi làm, không kiếm ra dù một xu nhỏ thì chồng Tây sẵn sàng là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình, nuôi vợ con, giang tay che chở mà không mảy may phàn nàn. Đa số chồng Tây lấy vợ Ta khá hài lòng bởi vợ Ta không những nhu mì chăm chỉ mà còn không ngại làm việc nhà và sinh con.

Anh Peter (người Bỉ) lấy vợ Việt tỏ ra tự hào khi khoe rằng, vợ anh không những biết nấu những món rất ngon, tươi, ngày nào cũng sẵn sàng vào bếp, mà còn sinh liền tù tì cho anh hai đứa con trai. Trong khi đó, Toni bạn anh, lấy vợ Bỉ thì cô vợ chỉ cho anh ăn thức ăn chế biến sẵn mua từ siêu thị và nhất định không chịu sinh con. Trước khi cưới, cô đã yêu cầu anh cam kết là không bao giờ được ép cô sinh con.

Doãn Anh lấy chồng làm kinh doanh thực phẩm ở châu Âu, cũng sinh cho chồng tới 5 đứa con. Không những thế, cô còn tích cực học tiếng mẹ đẻ quê chồng, học kiến thức kinh doanh để giúp anh trong công việc. Nhìn người phụ nữ Việt nhỏ bé thoăn thoắt đi lại giữa các gian hàng thực phẩm của gia đình, điều khiển cả đội nhân công Tây cao to đồ sộ xung quanh, ai cũng thán phục cô.

Còn trường hợp Thục Anh, tuy cô không đi làm, được chồng “bao” toàn diện, nhưng cô lại chăm chỉ học lên cao, có bằng Tiến sĩ khiến cả họ nhà chồng tự hào về cô dâu Việt vì trong gia đình chồng chưa có ai học cao được như thế. Thục Anh phấn đấu sau này khi con đã lớn, đi học thì cô sẽ giảng dạy tại trường Tây, gõ đầu Tây cho bõ công dùi mài kinh sử bấy lâu và cũng để xã hội Tây không xem thường phụ nữ Việt.

Đa số các anh Tây cho rằng vợ Việt không đòi hỏi tài chính cao và đòi đi ăn nhà hàng, bar, đi du lịch nhiều như gái Tây, cũng ít nhiễm thói hư tật xấu như hút thuốc hay nghiện rượu và nhất là khá chung thủy, tận tâm chăm sóc gia đình, bên cạnh đó lại trẻ lâu và nhỏ bé dễ thương. Bấy nhiêu điểm cộng đó khiến phụ nữ Việt được các anh Tây đánh giá cao và chọn làm bạn đời ngày một nhiều.

Nguồn: Hoàng Lan/ doisongphapluat.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo