Tín ngưỡng

Tôn giáo: 'thiêng liêng và trần tục'

Cập nhật lúc 18-12-2014 21:30:13 (GMT+1)
Tôn giáo và tín ngưỡng tiếp tục có những vai trò gì trong xã hội hiện đại?

 

BBC và các khách mời thảo luận một số vấn đề của tôn giáo trong đời sống hiện nay, từ các vấn đề như nạn ấu dâm, tệ buôn thần bán thánh, thương mại hóa tôn giáo.


Trước hết từ Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng nói với cuộc Tọa đàm của BBC về kinh nghiệm xử lý các vấn đề được cho là lệch chuẩn trong tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là xử lý 'thương mại hóa tôn giáo' trong cộng đồng cũng như trong giới tu hành, tu sỹ.

Linh mục nói: "Ở bên này, người tín đồ người ta khá rộng rãi trong việc cúng dường cũng như đóng góp về phía các tôn giáo khác, còn bên phía Công giáo, tôi thấy liên quan đến những vấn đề sắc dục, thương mại hóa, thì hầu như đều có cơ chế của từng địa phận.

"Ví dụ như tôi đang làm việc trong địa phận Tân Trúc chẳng hạn, thì trong địa phận Tân Trúc có quy định liên quan vấn đề sử dụng, vấn đề quyên góp, hầu như mọi sự phải gửi về cho bên Giáo phận.

"Rồi Giáo phận sẽ kiểm soát và lúc đó sẽ gửi đi cho các nơi có nhu cầu. Thành ra vấn đề thương mại hóa trong lĩnh vực tôn giáo ở địa phận Tân Trúc ở đây, tôi thấy là nó không có.

"Liên quan đến vấn đề tà dâm, cá nhân tôi là tu sỹ của một dòng, ở trong Nhà dòng của chúng tôi có một điều lệ (Code of conduct - quy tắc ứng xử đạo đức) phải tuân theo.

"Và chúng tôi phải theo điều lệ đó, mà bất cứ người nào phát giác những điều gì đó đi sai với cái đó, họ có quyền trình báo và lập tức là Nhà dòng sẽ ngưng ngay công việc của chúng tôi và sau đó họ sẽ điều tra về những việc có người trình báo hay là nghe ngóng."

'Xử lý nghiêm khắc'

Linh mục Nguyễn Văn Hùng

Linh mục Hùng nói giáo hội kiểm soát nghiêm khắc tu sỹ bằng quy định đạo đức ở Đài Loan.

Khi được hỏi hiện tượng "ấu dâm" có hay không trong giới tu hành nói chung ở các tôn giáo ở Đài Loan, và nếu có thì xử lý ra sao, Linh mục Hùng nói:

"Tôi chưa thấy những thông tin đó trên báo chí, nhưng thông thường ngay địa phận tôi đang làm việc ở đây, Đức Giám mục tổ chức những buổi học để nghiêm khắc trình bày những việc đó.

"Và như Đức cha có nói, khi có một sự kiện xảy ra liên quan đó, đầu tiên phải làm thông báo cho ban quản trị để họ đến họ điều tra và làm việc về điều này, đó là cách xử lý nghiêm khắc của Giáo hội Công giáo," Linh mục cho hay.

Hội luận BBC Tiếng Việt hôm nay, 18/12 do Nguyễn Giang chủ trì và cùng tham gia trong phòng thu tại London là sư Thích Tịnh Thông từ London.

Các vị khác gồm có: Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Hùng từ Đài Loan, Giáo sư thần học Nguyễn Đăng Trúc từ Strassbourg, Pháp cùng một số khách mời từ Việt Nam.

Nhân dịp cuối năm chúng tôi nêu ra chủ đề này nói về ý nghĩa của tôn giáo tại Việt Nam hiện nay và đặt ra một số câu câu hỏi:

Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tăng cao tại Việt Nam những năm qua, vì sao?

Sự phát triển này như thế nào trong từng đạo giáo?

Tiền bạc và tôn giáo

Trong quá trình đó, có những vấn đề dư luận nói đến thời gian qua như một số nhà tu hành ăn chơi thác loạn, hay bên Công giáo thì có chuyện lạm dụng trẻ em, rồi cả hai phía là cách tiêu tiền của đóng góp của dân, các vị nghĩ sao? Giải pháp là gì?

Một số câu hỏi khác liên quan tới tiền bạc trong hoạt động tôn giáo. Cần luật nào kiểm soát các chi tiêu đó, hoạt động kinh tế của các giáo hội?

Với các giáo đoàn, giáo hội, liệu có cần thiết phải minh bạch hóa các vấn đề từ tài chính, cho tới quan hệ với các cá nhân lãnh đạo đoàn thể, chính quyền hay không?

Vai trò của Nhà nước tại Việt Nam với các tôn giáo là như thế nào? Chính quyền có trung lập với các đạo giáo hay đang hợp tác chặt chẽ với Phật giáo phái thuộc Mặt trận Tổ quốc?

Một số khía cạnh sẽ được các vị khách mời đề cập và thảo luận như xu hướng, cấp độ chính nào đang diễn ra đằng sau các phát triển tôn giáo ở Việt Nam, hải ngoại và khu vực.

Bên cạnh các chuyển biến mới, tích cực, có vấn đề gì cần bàn về đạo đức tôn giáo, tiêu cực trong quan hệ đạo - đời, đời - đạo hay không?

Nguồn: BBC

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo