Trò chuyện với nữ doanh nhân Việt kiều Đức (2): Đi trước thời gian 10 năm...
![]() |
Ông Lê Từ Dũng- Phó giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế- trao Giấy phép Văn phòng đại diện cho Công ty Asia-Stern-Minh |
“Tôi là người theo dõi rất kịp thời Luật Đầu tư và Luật Đất đai của Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã có cách tiếp cận riêng. Theo tôi luật của Việt Nam nói chung, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Đất đai nhiều chương chung chung rất khó hiểu. Người nước ngoài hay người Việt sống ở nước ngoài phải cực kỳ thông thạo mới có thể vận dụng được”.
> Trò chuyện với nữ doanh nhân Việt kiều Đức (1): Thời gian là tiền bạc!
Tôi được biết, chị là một trong số không nhiều DN Việt kiều ở Đức có về nước đầu tư. Vì sao chị chọn Thừa Thiên Huế là nơi “đất lành chim đậu”! Suy nghĩ và mục tiêu của chị?
Sau nhiều lần về nước kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, tôi thấy điều kiện đi lại ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhiều trắc trở quá, tương tự, thủ tục và môi trường đầu tư cũng chưa hoàn toàn cởi mở như các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế. Với tôi, mỗi lần về nước, yếu tố thời gian còn quý giá và cấp thiết hơn rất nhiều.
Lý do thứ hai, về Việt Nam tôi không thể không về thăm TP.Huế là nơi cha tôi sinh ra. Tôi có bà con làng xóm ở đó. Tại Huế tôi thường ở Khách sạn Hương Giang. Tôi nhận được sự ưu ái hết mực thân tình của anh Nguyễn Hữu Đông- Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Hương Giang. Anh Đông cũng chính là cán bộ từ rừng Trường Sơn cùng những người lính chúng tôi về tiếp quản TP. Huế tháng 3 năm 1975. Năm 1982, tôi chia tay đồng nghiệp, bạn bè ở Bệnh viện Trung ương Huế ra Đại học Ngọai ngữ Hà Nội học tiếng Đức rồi sau đó sang DDR... Sau mấy lần ở Hotel Hương Giang, tôi nhận ra TP. Huế là một trong những điểm du lịch được người Đức ưa thích nhất đất nước hình chữ S. Ngành Du lịch Việt Nam năm 2000 đã tổng kết: “Việt Nam tiếp 50 khách du lịch Nga, doanh thu chỉ bằng đón 3 khách du lịch đến từ Đức”.
Lý do thứ ba, giá bất động sản tại Huế không cao như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, môi trường sống lại trong lành, cách giao tiếp của con người rất nhẹ nhàng, lịch sự. Lớp trẻ làm việc ở các công sở phần lớn được đào tạo bài bản từ các trường Đại học tại TP. Huế và được đưa sang châu Âu, trong đó có CHLB Đức thực tập. Tôi rất ấn tượng phong cách chuyên nghiệp, chuẩn mực của các em làm việc tại Hotel Hương Giang. Thời gian đầu, anh Nguyễn Hữu Đông cử người trợ lý đắc lực giúp việc hết mình vì tôi. Tôi còn phải nhắc đến luật sư Nguyễn Thị Thanh Hà-Trưởng phòng Công chứng Số 2 TP. Huế, một người tốt nghiệp Đại học Luật tại Đức, Hà đã giúp chuyển ngữ toàn bộ hồ sơ tiếng Đức sang Việt ngữ rất nhanh chóng. Những vướng mắc ban đầu chúng tôi thảo luận bằng tiếng Đức và xử lý những ý tứ sát với Luật Đầu tư của Việt Nam.
Cuối cùng, tôi chọn Huế là trở về nơi tôi đã gắn bó và ra đi. Xin nói thêm, tôi có mặt ở tuyến lửa Trường Sơn năm 1972 sau khi tốt nghiệp Đại học Dược. Ngày 20/3/1975, tôi người lính- dược sĩ trẻ nhất trong đoàn cán bộ y tế tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa cấp tốc về lăng Tự Đức rồi trực tiếp tham gia tiếp quản TP. Huế.
Có nhiều đồng đội không được may mắn như tôi, họ đã ngã xuống và hiện còn nằm ở đâu đó dọc những cánh rừng Trường Sơn. Tôi không quên họ và luôn canh cánh muốn dành một phần từ lợi nhuận kinh doanh vào những việc từ thiện xã hội. Sau 3 năm, tôi đã ủng hộ Hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế 20 triệu đồng tài trợ cho dự án môi trường sạch TP. Huế, mỗi năm tài trợ cho Hội y tế Trường Sơn 11 triệu đồng và Trung tâm bảo trợ trẻ em phường An Tây 5 triệu đồng ...

Thạc sỹ- dược sỹ Trương Minh Hương phát biểu tại Lễ khai trương Văn phòng đại diện Công ty Asia-Stern-Minh
Chị có thể “bật mí” chiến lược phát triển của “AsiaMinh” cũng như suy nghĩ của chị về môi trường đầu tư hiện nay ở Việt Nam và dự định trong tương lai?
Tôi là người hay đi trước thời gian khoảng 10 năm. Những vấn đề định làm trong 5 năm hay 10 năm tới tôi đã nghĩ và chuẩn bị từ bây giờ. Không phải tính tôi như vậy, mà do ngày 2/1/2000, tôi theo dõi chương trình kỳ họp đầu tiên thế kỷ XXI của Quốc hội CHLB Đức tại Berlin. Mở đầu buổi họp các Nghị sĩ Quốc hội Đức đã đặt ra câu hỏi rồi thảo luận lấy ý kiến bổ sung Dự luật Xã hội: “Năm nay (2000) các chàng trai, cô gái Đức là 18 tuổi, đến năm 2042 những người này 60 tuổi, họ sẽ sống ra sao?”.
Tôi đã trao đổi đề tài này với con trai (khi đó 22 tuổi – sinh viên trường TU Berlin) và hỏi đến năm 2015 mẹ Hương sẽ sống như thế nào? Do có sự chuẩn bị tốt nên 15 năm qua, chúng tôi đã thực hiện được những mục tiêu sống của mình. Là người thành lập và trực tiếp làm các dự án, tôi rất may mắn là có con trai và con dâu cùng đồng hành trong công việc kinh doanh, các con tôi đều làm rất hiệu quả.
Về môi trường đầu tư trong nước. Tôi là người theo dõi rất kịp thời Luật Đầu tư và Luật Đất đai của Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã có cách tiếp cận riêng. Ngày 1/9/2009, khi đọc về Luật cho người Việt sống ở nước ngoài mua nhà ở, một tuần sau tôi đã mua vé về Việt Nam và mọi việc diễn ra khá thuận lợi ở TP.Huế. Tuy nhiên, theo tôi luật của Việt Nam nói chung, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Đất đai nhiều chương chung chung rất khó hiểu. Người nước ngoài hay người Việt sống ở nước ngoài phải cực kỳ thông thạo mới có thể vận dụng được. Tôi biết nhiều DN Việt kiều về nước đầu tư, thành công đến với họ rất ít. Chính vì vậy, nhiều Việt kiều đã nhụt ý chí định về đầu tư ở ngay trên quê hương của mình? Đây là vấn đề đặt ra và đáng phải suy nghĩ đối với các cơ quan chức năng trong nước.
Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược, rồi học thêm chương trình Thạc sĩ ngành Y học hạt nhân, trong khi về nước chị lại đầu tư vào khách sạn và du lịch… như vậy liệu có “trái tay” không? Về lâu dài, chị có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực y dược?
Đã dấn thân làm DN thì khi phát hiện cơ hội đem lại lợi nhuận và có thể làm giàu thì không ai bỏ qua. Với lại những năm học đại học ở trong nước cũng như chương trình thạc sĩ ở Đức đã trang bị cho tôi những kiến thức cơ bản của một đời người. Thêm nữa, hai chục năm có lẻ bôn ba, bươn trải ở xứ người tôi cũng có kinh nghiệm và sự tự tin trong cuộc sống. Như đã nói, Công ty “AsiaMinh” hoạt động nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch… cho nên việc tôi quyết định đầu tư vào khách sạn và du lịch ở TP. Huế không có gì là “trái tay” cả. Ở đây có thể nói thêm, việc tận dụng cơ hội đầu tư còn là cơ duyên của mỗi người. Tôi là người may mắn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức năng địa phương và anh em, đồng đội, bạn bè một thời mà tôi từng gắn bó.
Tôi có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực y dược không ư? Chắc chắn là không. Vì nạn thuốc tân dược giả và thuốc tân dược có xuất xứ từ Trung Quốc hiện tràn ngập thị trường Việt Nam, giá rất rẻ. Không thể cạnh tranh được. Để kết thúc chủ đề này, tôi xin lưu ý là hàng nhái, hàng giả đến từ Trung Quốc hiện đang bị người Đức rầm rộ tẩy chay!
Sống và làm việc nhiều năm trên đất Đức, rồi trở thành DN Việt kiều thành đạt chị có thể chia sẻ đôi điều về tư duy của người Đức nói chung và doanh nhân Đức nói riêng về thương mại và thị trường mà chị tích lũy được?
Người Đức rất tự hào về sản phẩm của các nhà máy họ sản xuất ra với thương hiệu “Made in Germany”. Khi Liên minh châu Âu mở rộng họp tại Bỉ đề nghị hàng hóa sản xuất tại 27 nước thành viên sẽ in dòng chữ “Made in EU”. Không để cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông trưởng đoàn Đức đã bỏ về với lời phát biểu: Chúng tôi chỉ bán được hàng hóa với dòng chữ “Made in Germany”!
Được học tập với giáo sư người Đức, làm việc nhiều năm với người Đức, tôi cũng bị ảnh hưởng tư duy: Làm việc như người Đức!
Đó chính là chất xám, không tiền bạc nào có thể mua được!
Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn thành đạt!
Nguồn: Nhà văn Bùi Đức Khiêm/ Baocongthuong