Du lịch

Bệnh viện cổ nhất tại Séc, nơi các bác sĩ học mổ tử thi và nơi lần đầu tiên người ta cắt bỏ chi dưới

Cập nhật lúc 28-10-2020 16:46:35 (GMT+1)
Bệnh viện Na Františku (Ảnh: ctidoma.cz)

 

Tại Séc khó có thể tìm thấy bệnh viện nào cổ hơn. Bệnh viện Na Františku đã có từ thời vua Charles IV cai trị vùng đất Séc. Bệnh viện vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ và đây là một trong số các điểm lấy mẫu thử covid. Trong lịch sử, đã có vô số các căn bệnh khác nhau diễn ra sau những bức tường bệnh viện. Vậy câu chuyện về bệnh viện Na Františku là thế nào?


Hiện nay bệnh viện Na Frantisku là một cơ quan hoạt động nhờ các đóng góp của Praha 1. Đây là một trong các trung tâm điều trị ung thư vú hàng đầu của Séc. Hầu hết các ca phẫu thuật ung thư vú ở Cộng hòa Séc đều diễn ra ở đây. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng bệnh viện chỉ chú trọng đến căn bệnh này. Đây cũng là nơi chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân phải mổ  và phải chỉnh xương.

Ở đây có cả các bệnh nhân phải điều trị dài ngày và cả các dịch vụ cấp cứu. Tuy nhiên, điều thú vị nhất trong toàn bộ câu chuyện lịch sử của cơ sở y tế này không phải chỉ là các trang bị y tế. Chỉ riêng ngày thành lập của nó cũng đủ cho ta thấy rằng lịch sử y học đã đi qua đây.

Nhà thương từ thời trung cổ

 Mặc dù nhà thương địa phương này được coi là được ra đời năm 1354, nhưng ngày tháng cụ thể này mang tính phỏng đoán nhiều hơn. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhà thương trên con phố Na Františku ngày nay đã được nhắc đến trong các biên niên sử và các tư liệu lịch sử từ giữa thế kỷ 14. Thời đó, ông Bohuslav từ làng Olbramovic đã cho xây nhà thương và một nhà nguyện, rồi công trình còn dang dở này được Arnost từ Pardubice, đức Tổng giám mục đầu tiên của Praha tiếp quản. Năm 1354, ngài thánh hiến nhà nguyện cho Thánh Simon và Giu-se.

Thế là lịch sử chăm sóc sức khỏe tại nhà thương Na Frantisku đã có thể chính thức bắt đầu. Người kế nhiệm của Arnost từ Pardubice là đức Tổng giám mục Jan Ocko từ Vlasim đã tiếp tục công việc của người tiền nhiêm, với sự ủng hộ của vua bấy giờ là Karel IV (Charles IV), vào năm 1368 ông lập Quỹ để vận hành nhà thương với 24 giường bệnh.

Năm 1620 đã diễn ra một thay đổi cơ bản trong cấu trúc hoạt động của bệnh viện. Hoàng đế Ferdinand II. giao việc quản lý và chăm sóc người bệnh cho Dòng anh em bác ái, và Dòng này đã thành lập một tu viện tại đây. Trong những năm này, số giường bệnh đã tăng lên 55 và một hiệu thuốc được mở ra ở đây. Năm 1703, tòa nhà được nâng thêm một tầng, số giường bệnh tổng cộng là 90 giường.

Món quà của nữ hoàng Marie Terezie

Sự giúp đỡ về tài chính của nữ hoàng Marie Terezie đã giúp nhà thương lớn dần thành một bệnh viện, trung tâm này lớn dần cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: nó trở thành một trong các chi nhánh của Khoa Y. Con trai của Hoàng hậu là vua Joseph II cũng quan tâm đến sự phát triển của bệnh viện. Ông phê duyệt các kế hoạch phát triển bệnh viện và ủy nhiệm Jan Theobald Held đứng đầu bệnh viện. Đó là một bác sĩ nổi tiếng và sau này là trưởng khoa và hiệu trưởng trường Đại học Charles.

Trong quá trình phát triển, các nghiên cứu trên loài linh trưởng cũng được tiến hành ở đây. Năm 1847, chính tại đây, lần đầu tiên tại châu Âu người ta đã phẫu thuật cắt cụt chi dưới gây mê toàn thân. Việc sinh viên trường Y đến đây tập làm quen với việc khám nghiệm tử thi cũng là điều hoàn toàn bình thường. Có thể thấy “sự nổi tiếng” của bệnh viện này thông qua sự quan tâm của các quốc vương Séc từ dòng Habsburg. Francis Joseph I và người kế nhiệm Francis Ferdinand d'Este đã đích thân đến thăm bệnh viện. Chính họ là người đã khởi xướng việc mở rộng thêm công suất lên 200 giường, biến bệnh viện Na Františku trở thành cơ sở y tế lớn nhất tại miền Trung Séc.

Sự hỗ trợ của Masaryk

Như thể trong suốt thời gian tồn tại của mình, bệnh viện Na Františku đã trở thành một bộ phận của đời sống chính trị cả dưới thời quân chủ và cả với những người kế vị họ sau này. Khi nước Tiệp Khắc độc lập được thành lập, trung tâm y tế trên bờ sông Vltava đã không bị quên lãng. Ngược lại, nhờ có sự hỗ trợ về tài chính dồi dào do Tổng thống Masaryk, do bộ trưởng Bộ ngoại giao Edvard Beneš và Giáo hoàng Pius XI chu cấp, tòa nhà bên bờ sông đã được hoàn thành như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, số phận của bệnh viện trong Thế chiến thứ hai cũng thật thú vị. Chỉ có các phi công bị thương của Đức quốc xã Luftwaffe mới đươc chữa chạy ở Na Františku. Nếu bạn ghé bờ sông mạn Phố Cổ Stare mesto, như đi thăm tu viện xinh đẹp St. Agnes chẳng hạn, hãy để ý khi đi ngang qua bệnh viện Na Františku. Lịch sử ngành Y tế tại Séc đã được viết ở đây.

Nguồn: www.ctidoma.cz

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo