Du lịch

Chưa đi chưa biết China

Cập nhật lúc 12-06-2017 09:08:18 (GMT+1)
Muốn phát triển tất nhiên phải có đầu tư

 

Như người ta nói, trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ ... Cuối năm ngoái, trường SJTU (ĐH Giao Thông Thượng Hải) mời tôi sang làm “visiting professor” 1 năm với mức lương cao hơn ở Mỹ. Nhưng tôi còn có rễ cắm ở Pháp nên chỉ nhận lời sang một học kỳ vào đầu năm 2017.


Nhờ chuyến đi này mà tôi có dịp tìm hiểu rõ hơn nhiều về đất nước và con người TQ, có được cái nhìn khách quan dựa trên thông tin xác thực, thay vì định kiến nghe hơi nồi chõ.

Giá tôi có nhiều thời gian thì có thể viết cả quyển sách về TQ thời nay. Nhưng vì thời gian không có, nên sẽ viết vài “titbit” không đầu không đuôi, để chia sẻ với bạn bè, những ai chưa có dịp tìm hiểu nhiều về TQ.

***
Có những người không biết thực tế TQ mà phán cứ như thật. Một ví dụ đơn giản là chuyện “cấm xe máy”, có người cứ đòi VN phải cấm xe máy để giải quyết vấn đề giao thông, và lấy TQ ra làm “gương” về chuyện đó, rằng TQ đã cấm sao VN không học tập.

Thực tế thì như thế nào?

Tôi đi nhiều thành phố TQ, từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đến Thiên Tân đến Cát Lâm đến vân vân, đều thấy xe máy chạy thoải mái trong nội thành.

Thế họ có “cấm” không? Có “cấm”, nhưng phải hiểu nghĩa từ “cấm” đó, không phải là “cấm tiệt” mà là những quy định hạn chế, điều tiết thôi, chứ ở Việt Nam hiểu thành “cấm tiệt” là sai hoàn toàn. Họ xây dựng và quy hoạch đường phố tốt hơn hẳn ở VN. Các phố lớn có đường riêng cho xe máy loại nhẹ và xe đạp đi. Cấm là cấm đi vào đường ô tô (và ngược lại cấm ô tô đi vào đường của xe máy nhẹ và xe đạp) chứ không phải là cấm tiệt. Khi có đường riêng và hạn chế tốc độ, thì xe máy nhẹ khá an toàn, và do vậy cũng không có bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Trên thực tế, hầu hết các xe máy tôi nhìn thấy ở TQ là xe chạy điện loại nhẹ (tốc độ thường đến 45km/h là cùng), và không ai đội mũ bảo hiểm.

Thậm chí, các thành phố lớn ở TQ bây giờ có dịch vụ xe máy điện (và xe đạp) dùng chung rất tiện: xe dùng chung để ở các nơi, ai thích đi thì lấy mà đi (phải mở khoá theo mã gửi qua điện thoại, và trả ít tiền).

Cấm xe máy hiển nhiên không phải là giải pháp chống tắc đường (những ai có đầu óc phân tích thiếu khoa học mới nói ngược lại). Giải pháp phải là phát triển tốt phương tiện giao thông công cộng và xây đường, quy hoạch tốt hơn. Về khoản giao thông công cộng thì TQ phát triển khá tốt, đặc biệt là hệ thống metro ở các thành phố lớn TQ an toàn và tiện lợi hơn nhiều thành phố lớn bên Âu-Mỹ như New York, London, Paris (ở Paris và New York thì metro khá lộn xộn kém an ninh, ở London thì giá đắt cắt cổ).

Money talks, bullshit walks ...

Tàu có nhiều cái dở nhưng cũng có nhiều cái hay. Phải biết học cái hay tránh cái dở, chớ như xứ Lừa cái dở thì vơ vào cái hay thì né đi ...

Nói chuyện phát triển khoa học công nghệ, thì tốc độ của TQ có thể nói là thần kỳ, phương Tây phải thán phục. Trong hầu hết các lĩnh vực, anh TQ đang ngoi lên đứng hàng đầu thế giới, Âu Mỹ không cẩn thận là thua.

Muốn phát triển tất nhiên phải có đầu tư, phải biết dùng người (và ngoài ra có thêm lợi thế tỷ dân thị trường lớn số 1 thế giới). Và đầu tư thì quả là anh Tàu có biết. Về các số liệu có thể đọc trên internet. Trên thế giới chỉ có vài nước đạt ngưỡng trên 4% GDP dành cho khoa học công nghệ thôi, như là Hàn Quốc và Israel, và TQ đang tiến đến mức đó và hơn thế, trong khi châu Âu về cơ bản là dậm chân tại chỗ và thậm chí cắt giảm thê thảm.

Lấy ví dụ cụ thể: trường Shanghai Jiao Tong (SJTU), cách đây 5 năm lượng tiền dành cho nghiên cứu mới chỉ bằng 1/5 của Đại học Tokyo lớn nhất Nhật Bản, thì năm nay đã vượt Tokyo. Tốc độ quốc tế hoá (hay “thoát này thoát nọ” theo lối nói chém gió của các cụ lãnh đạo đảng đoàn xứ Lừa) phải nói là chóng mặt. Các suất tuyển việc academic ở SJTU bây giờ đều mở cho ứng cử viên ngoại quốc, và chế độ lương bổng và điều kiện làm khoa học (ví dụ như tiền quỹ khoa học) không kém gì Âu Mỹ, trong khi giá cả sinh hoạt nói chung vẫn rẻ hơn Âu Mỹ nhiều. Các chương trình hợp tác quốc tế, cấp bằng chung, v.v. thì mọc lên như nấm, và tất nhiên họ toàn nhắm tới các đại học danh giá thực sự chứ không phải loại đại học “rẻ tiền”. Và sinh viên TQ tôi tiếp xúc nói chung đều nói tiếng Anh khá tốt, nhiều SV chưa hẳn trôi chảy nhưng đủ để học chuyên môn bằng tiếng Anh, và một số SV trong số đó đã từng đi học theo chương trình trao đổi ở những nơi như kiểu MIT của Mỹ.

Các giáo sư ở TQ nói chung, và GS người nước ngoài nói riêng, nói chung khá được coi trọng và đối xử đàng hoàng. Ví dụ như tôi cũng chỉ là GS như bao GS khác thôi, khi đến Bắc Kinh chủ yếu để chơi nhân tiện báo cáo được cho ở căn hộ cao cấp trải thảm đầy đủ tiện nghi, 2 phòng tắm, không kém gì suite trong KS 5 sao. Ông bạn tôi người Mỹ-Thuỵ Sĩ, làm việc ở TQ bây giờ, từng được thủ tướng TQ mời thảo luận trực tiếp về các chính sách phát triển khoa học công nghệ, và họ lắng nghe và áp dụng thực sự lời khuyên của chuyên gia.

So với xứ lừa thì một trời một vực. Tôi từng đi đến nhiều nước cả giàu như Luxemburg lẫn nghèo như Senegal, không ở đâu các nhà khoa học thực sự bị coi rẻ như là ở xứ Lừa. Toàn dự án rởm rít, đầu tư như shit, coi khoa học như kít, mà đòi hoá rồng, thì chỉ là rồng kiểu 10 giun của trạng Lừa tự sướng.

Ầm ỹ, vứt rác, khạc nhổ bừa bãi

Nói về các tật xấu của người TQ, có hai thói hay gặp phải là vứt rác khạc nhổ bừa bãi, và nói năng oang oang ở nơi công cộng như là cãi nhau.

Về thói ở bẩn của người Tàu, thì tôi đã chứng kiến ở các phố Tàu tại những nơi khác nhau trên thế giới. Ví dụ như đi qua phố nào ở Toronto buổi tối mà thấy rác vứt đầy trên vỉa hè thì đó hẳn là phố Tàu. Thói quen ở bẩn thấm vào người Tàu từ trước khi di cư nên có sang Pháp, sang Mỹ vẫn ở bẩn, nhà vẫn có gián mà không thấy có làm sao. Một anh bạn tôi giáo sư xịn gốc Tàu ở Mỹ cũng không bỏ được thói quen “chổi cùn giế rách", phòng làm việc nằm trong một toàn nhà rất đẹp nhưng trong phòng có mấy cái ghế rách bươm không vứt đi. Khi tôi sang Thượng Hải, ở một khu xa trung tâm thì buổi tối thấy phố cũng bị vứt nhiều rác.
Tuy nhiên ...

Càng ngày càng nhiều người TQ có ý thức cao về văn minh, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Ở trong Shanghai Jiao Tong tôi không hề bao giờ thấy ai nói to oang oang nơi công cộng. Đi nhà ăn dành cho cả sinh viên lẫn cán bộ (mà nhà ăn của nó to và một lúc cả nghìn người ăn như là cái xưởng) cũng có thể ngồi nói chuyện với nhau ở bàn, không bị các tiếng ồn xung quanh làm ảnh hưởng, vì tất cả những sinh viên ở đó đều nói nhỏ nhẹ. Và sân trường và các phòng học nói chung khá sạch, hiếm có rác vứt lung tung.

Trên metro hay tàu hoả cao tốc nói chung cũng khá lịch sự, sạch sẽ và không ồn ào xô bồ như là ở New York. Một điều thú vị là các khẩu hiệu “nếp sống văn minh" hiện lên rất nhiều ở các bến tàu và trong các toa xe. Có lẽ các khẩu hiệu đó có tác dụng nhắc nhở liên tục người dân tạo cho mình các thói quen văn minh.

Về an toàn thì Thượng Hải được xếp vào một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, chắc chắn là hơn Paris nhiều lần. Mất trộm thì có thể có nhưng ít hơn nhiều so với nơi khác, còn bạo lực thì hầu như không xảy ra. Tất nhiên vẫn có thể có nguy cơ khủng bố (thế nên ở các bến tàu, metro có kiểm tra vũ khí) và nguy cơ chen lấn chết bẹp ở các nơi quá đông, nhưng nói chung là OK. Trong mấy tháng đi trên đường phố Tàu, chỉ có hai lần tôi thấy có vụ to tiếng, và hai lần đều kiểu một bà mắng xa xả một ông, và ông gắt lại theo bản năng tự vệ.

Đường phố ở các khu trung tâm các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh thì nói chung khá sạch sẽ, và cũng có các thùng rác rải và các nhà vệ sinh công cọng rải rác khắp nơi, khiến cho người dân nâng cao ý thức sạch sẽ và giảm nhu cầu phóng uế bừa bãi.

Về cơ bản, taxi ở Thượng Hải khá là trung thực (taxi chính hãng đậu đúng bến -- để an toàn nên tránh taxi dù mời chào ở sân bay hay bến tàu), tuy thỉnh thoảng có người kể bị taxi lừa đi lòng vòng thêm để tăng tiền. Lừa chỉ đến mức vậy thôi chứ không bạo lực, và nếu ghi lại số taxi doạ gọi về tổng đài thì tay lái taxi sợ xanh mặt thậm chỉ bỏ của chạy lấy người không thu tiền nữa. Có những lúc taxi muốn đòi giá cao hơn so với giá chính thức, nhưng khi đó sẽ là mặc cả trước khi lên xe.

TQ cũng có các loại xe chở thuê cá nhân khác như xe xích lô, xe ba bánh, xe ôm đậu ở những nơi đồng người kiếm khách. Một lần tình cờ tôi và thủ trưởng đang ngơ ngác thì được một bác xe ôm gạ, cho lên xe máy điện chạy mấy km từ nhà ga ra một khu thắng cảnh, hết có 2 đô la. Bác này làm xe ôm kiếm cơm một cách hiền lành thôi (tôi trước khi nhận lời đi xe nào thì nhìn mặt lái xe xem có đáng tin không), chỉ có điều bác ấy phóng cũng liều như dân xe ôm xứ ta, tức là bất kể đèn xanh đèn đỏ bác đều tìm cách lách!

Nguồn: FB Tien Zung Nguyen

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo