Góc Bạn Đọc

Bầu cử

Cập nhật lúc 06-05-2019 21:32:34 (GMT+1)
Ảnh minh họa (aktualne.cz)

 

Bố tôi, một trong những 70 000 người Việt đã rời quê hương, bỏ xa người thân và gia đình sang Tiệp Khắc lao động từ năm 1969. Đến thời điểm hiện tại đang có hơn 550 000 người ngoại quốc có cùng hoàn cảnh như bố tôi tại Séc. Họ cùng có giấc mơ sẽ kiếm được nhiều tiền để lo một tương lai tốt hơn cho gia đình mình“.


Đó là lời mở đầu của Trần Văn Sang, một người đàn ông trẻ, gốc Việt để thông báo việc mình ứng cử vào nghị viện châu Âu cho đảng PRO Sức khỏe và Thể thao. Anh thông báo trong một nhóm kín những người Việt  kinh doanh cỡ vừa và nhỏ, phần lớn có cửa hàng thực phẩm. Và anh tiếp tục: „Ngược lại, hàng trăm nghìn người Séc trẻ cũng đã rời xa quê hương đi khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm công việc lương cao hơn là ở lại Séc. Với con số hơn 2,5 triệu người gốc Séc sinh sống xa quê, và hàng trăm nghìn người Séc lao động trong khối EU, thì chúng ta có thể tưởng tượng được tương lai của thế hệ trẻ nước Séc sẽ đi về đâu. Họ sẽ rời xa bố mẹ mình, để sang nước khác sinh sống?“

Hãy bỏ qua một bên, liệu sứ mệnh mà anh đề ra sẽ thu hút được những ai. Hãy bỏ qua một bên cả việc, liệu Trần Văn Sang có nghĩ đến con số người Việt thuộc mọi lứa tuổi, vẫn đang tìm cách ra đi từ xứ sở vốn là quê hương cũ của anh, và đã từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cộng đồng Việt đang ngày một đông tại Cộng hòa Séc cũng chính là kết quả của hiện tượng này.

 Sang kêu gọi sự giúp đỡ của hơn 40 ngàn thành viên trong nhóm, phần lớn có hộ chiếu Việt, bởi anh còn muốn lấy lại "danh dự và sự tôn trọng đối với người Việt tại châu Âu". Và anh đã nhận được sự giúp đỡ ấy: thành viên trong nhóm giúp anh các tờ rơi quảng cáo và phát tờ rơi quảng cáo, có thể cả với chữ ký.

Có được người đại diện của mình là một sự cần thiết và là điều tự nhiên, mà những người Việt bán thực phẩm cũng đều hiểu. Điều này có thể thấy rõ, thông qua sự giúp đỡ mà đông đảo người Việt trong cộng đồng dành cho Sang. Trong khi đó thì tự ứng cử và bầu cử tự do là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với phần lớn người Việt, đặc biệt là với người dân trong nước. Mặt khác, thì có thể thấy các nỗ lực vận động của Việt nam cho các chính sách chính trị của mình, nỗ lực ấy dường như đã vượt qua biên giới Liên minh châu Âu, vào đến Cộng hòa Séc.

Quốc hội - người đại diện của người dân

Hệ thống chính trị của Việt nam không khác nhiều so với hệ thống chính trị của Tiệp khắc dưới thời toàn trị của một đảng cầm quyền. Theo thông tin từ trang web chính phủ, cả nước có 4.5 triệu đảng viên trên tổng số 95 triệu dân. Tức là chiếm khoảng 4.7% dân số.

Sau dịp bầu cử Quốc hội năm 2016, tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt nam công bố tỉ lệ cử tri bỏ phiếu là 99,35%. Trong số toàn thể 496 đại biểu trúng cử có 494 người là do các cơ quan, tổ chức cấp trung ương và địa phương đề cử. (1)

VN express, một trong các trang báo của truyền thông nhà nước, đưa ra các tổng kết ít nhiều tỉ mỉ hơn: toàn bộ có 870 ứng cử viên ứng cử. Trong số 496 đại biểu được bầu có:
- 95.8% là đảng viên
- 4.2% là người ngoài đảng, tức là 21 người.
- trong đó thì 0.4% là tự ứng cử, tức là 2 ứng cử viên độc lập (2)

Tờ BBC tiếng Việt cho biết, có 154 ứng cử viên độc lập đã vượt qua vòng Hiệp thương thứ hai, 11 người trong số họ vượt qua được vòng ba. Đắc cử chỉ có hai người đã nói ở trên và tỉ lệ trúng cử là 1.2% so với tỉ lệ trúng cử của các ứng cử viên do các cơ quan, đoàn thể đề cử giới thiệu là 68.99%.

Tiến sĩ Quang A, vị khách mời của Forum 2000 năm 2017 và ca sĩ Mai Khôi, thành viên ban giám khảo Liên hoan phim Một thế giới, là các ví dụ về các ứng cử viên độc lập không lọt qua vòng Hiệp thương.
Trong cuộc bầu cử vào Quốc hội châu Âu thì Trần Văn Sang không phải lo ngại điều này.

Mặt trận dân tộc

Khi được hỏi, Hiệp thương là gì, do cơ quan hay là tổ chức nào triệu tập và chủ trì, tờ Quân đội Nhân dân, tờ báo chính thức của Quân đội nhân dân Việt nam đã giải thích như sau: Hội nghị Hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội nghị Hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì;
Hội nghị Hiệp thương ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của Hội nghị hiệp thương ở cấp mình. (4)

Có thể thấy, về chức năng, Mặt trận dân tộc của Việt nam hiện nay không khác biệt gì Mặt trận dân tộc Tiệp khắc. Từ 1948 Mặt trận này đã là một công cụ chính trị để phục vụ cho quyền lực tuyệt đối của Đảng cộng sản Tiệp khắc và đã ngừng hoạt động từ tháng Hai 1990. Phiên bản Việt của nó thì vẫn tiếp tục vô tư vận hành, thậm chí cả tại Séc, cho dù không đích danh: năm 2009 một người Việt nam tại CH Séc trở thành Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tới năm 2014 ông được bầu vào Đoàn chủ tịch, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  Theo một bài viết trên  trang của Hội người Việt tại CH Séc "hiện nay tại CH Séc có 50 chi hội trên cả nước từ trung ương đến các tỉnh; và 30 Hội thành viên như Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Văn hóa nghệ thuật, Hội Sinh viên thanh niên, Hội Cựu chiến binh... các hoạt động tại CH Séc rất bài bản và chuyên nghiệp thông qua 101 Ủy viên Ban chấp hành". (5)

Hội người Việt tại CH Séc vẫn thường đăng tải thông tin về các cuộc thăm viếng của chính phủ Việt nam tại Séc. Vậy mà họ lại im lặng một cách bí ẩn về chuyến đi thăm của Thủ tướng chính phủ trong hai ngày từ 16/4 đến 17/4 vừa qua, mặc dù đã mang lại nhiều hứa hẹn về đường bay giữa Việt nam và Praha. Rất có thể, một trong các lý do cho bí ẩn này chính là đoạn video đầy nghịch lý được quay vào ngày 17/4 tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và đồng bào do Hội người Việt nam tại Séc tổ chức. (6)

Trong video này, ông Thủ tướng đã gọi một số người Việt sinh sống tại Séc và có thái độ phê phán đối với chính quyền Việt nam trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền là "phản động", ông kêu gọi cộng đồng "giám sát, hạn chế tối đa những cái tổ chức mà chống đối đối với đất nước“. Đối với những kẻ "phản động" này ông kêu gọi "các anh các chị, hãy quay về con đường lương thiện, lo làm ăn, xây dựng quê hương đất nước hơn là chống đối đất nước“. Ngoài ra ông cho biết „sẵn sàng lắng nghe những tồn tại khuyến nghị của bà con, nhưng mà xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, cũng là cái hướng cương quyết… không có thế lực nào có thể ngăn cảm được việc này đối với đất nước, đối với tổ quốc“.

Trong video có thể thấy ông giận dữ "Thậm chí có một số vị bị cấm nhập cảnh, cấm nhập cảnh như vậy đấy, vì quá đáng trong chuyện này chuyện kia. Thủ tướng mong mỏi "rằng Trung tâm Sapa, bà con Việt kiều ở Praha, nước Cộng hòa Séc sẽ làm gương cho các tổ chức khác, trong các đất nước khác để mà không có tình trạng đó tái diễn“.

Còn có một bí ẩn nữa xảy ra trong chuyến đi thăm CH Séc của ông Thủ tướng chính phủ Việt nam. Bí ẩn này liên quan đến một công dân Séc gốc Việt. Ông N. là một trong những người "phản động" nọ, ông đã bị từ chối khi xin thị thực nhập cảnh để về Việt nam chịu tang cha. Khi biết đến Diễn đàn Doanh nghiệp nhân chuyến đi thăm của Thủ tướng, ông đã đăng ký tham gia.

Ngày 8/4 ông N. nhận được chứng nhận đăng ký "Cám ơn bạn đã đăng ký. Rất mong được gặp bạn vào ngày 17/4/2019“. Một ngày trước sự kiện, ông nhận được một bức thư với thái độ ngược lại:

„Chúng tôi rất lấy làm tiếc phải báo rằng vì khả năng giới hạn của phòng họp, chúng tôi không thể xác nhận đăng ký của Ngài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Séc-Việt ngày 17.4.2019 tại Khách sạn Hilton. Vì lý do an ninh, chỉ có những người có tên trong danh sách cuối cùng mới được tham gia sự kiện.

Rất xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra cho Ngài và chúng tôi tin rằng sẽ được gặp Ngài tại các sự kiện khác.

Chúc Ngài những ngày nghỉ cuối tuần tốt lành“

Không biết người ta đã chọn lọc như thế nào mà chính ông N. là người bị loại. Và cơ quan nào làm việc trong những ngày cuối tuần? Chỉ mong sao điều bí ẩn này không phải là minh chứng của sự kỳ thị vì bất đồng chính kiến. Nếu không thì..

Danh dự và sự tôn trọng

Nếu không thì... không chỉ có những lời hùng biện của Thủ tướng chính phủ Việt nam mới kéo thời gian ngược lại cả 30 năm. Có lẽ, Thủ tướng cũng không ngờ rằng với những lời phát biểu của mình, ông đang vi phạm tự do ngôn luận, rằng ông đang đưa ra cho tất cả thấy một cách hùng hồn, rằng ông chẳng có chút khái niệm gì về nhà nước pháp quyền, và ông đang làm tất cả những việc đó trên xứ sở của Hiến chương 77, là nơi ông đang viếng thăm chính thức với tư cách là một chính khách.

Các chính khách hàng đầu của CH Séc đã hứa với Việt nam sẽ thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt nam - EU (EVFTA) tại Hội đồng châu Âu sẽ nói sao về việc này? Như Thủ tướng Andrej Babis hay là ông Jan Zahradil (ODS), Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu, ủy viên thường trực của EVFTA.

Đã từ lâu ông Jan Zahradil đã có nhiều liên quan với cộng đồng Việt nam: năm 2009 ông là thành viên trong cuộc thi Hoa hậu Việt nam tại Séc. Nhờ có thư ký gốc Việt, nhiều phần ông không xa lạ với phong tục và văn hóa Việt nam. Trong năm 2016, một phái đoàn của Hội người Việt tại Séc do ông chủ tịch dẫn đầu đã đi thăm Nghị viện châu Âu theo lời mời của ngài nghị sĩ.

Cũng tháng Mười năm ấy ông Zahradil là khách mời trong phiên họp thành lập Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu đã nói ở trên. Phiên họp này đã có sự tham gia của Phó chủ tịch thứ nhất của Mặt trận dân tộc Việt nam và 8 vị Đại sứ của Việt nam tại châu Âu. Rất khó có thể hình dung rằng Jan Zahradil không biết rằng Liên hiệp này hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận dân tộc Việt nam, mà là một các trụ cột của quyền lực tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt nam. Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp này ông đã để cho người ta bầu mình vào vị trí Chủ tịch Uỷ ban cố vấn của Liên hiệp. (7)

Dường như vấn đề nhân quyền tại Việt nam không phải là điều quan trọng đối với ông Jan Zahradil, mặc dù Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về Việt nam từ 15.11.2018 đã "kêu gọi chính phủ Việt nam và EU, với tư cách là hai đối tác quan trọng, cùng cam kết cải thiện việc tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các quyền tự do cơ bản trên đất nước, bởi vì đó là hòn đá tảng cho mối quan hệ song phương giữa Việt nam và EU, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt nam (EVFTA) và Hiệp định về hợp tác và đối tác toàn diện giữa EU và Việt nam (PCA) (8). Trong các phát biểu và bài viết của ông Jan Zahradil trên internet, cụm từ "nhân quyền" không mấy xuất hiện, trong khi vi phạm nhân quyền chính là một trong các nguyên nhân làm chậm việc phê chuẩn cái Hiệp định mà ông nghị sĩ là ủy viên thường trực. Hiện nay thì không có gì chứng tỏ là ông Nghị sĩ đang tiếp tục tham gia ứng cử lần nữa này có thái độ gì đó mới.

Và bầu cử

Thương mại là điều hữu ích. Tuy nhiên cuộc chơi có lẽ không đơn thuần chỉ vì "danh dự và sự tôn trọng đối với người Việt tại châu Âu". Trong video nọ, Thủ tướng có nhắc đến việc bầu cử như là một trong các khuyến nghị mà ông nhận được trong chuyến công du Séc. Không rõ, ông muốn nói đến bầu cử cụ thể nào. Nhưng dù sao đi nữa thì bầu cử tự do và công bằng là một trong các khuyến nghị mà Cộng hòa Séc đã đề đạt với Việt nam trong các kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền. (9)

Dẫu cho đến Việt nam có thay đổi thay đổi hay không – kỳ bầu cử Quốc hội tới sẽ diễn ra vào năm 2021 - thì Trần Văn Sang vẫn được hưởng đầy đủ quyền bầu cử của mình tại Séc. Một ngày sau khi công bố ứng cử, anh đã nhận được lời mời cộng tác, ông Jindrich  Voboril đối tác mới của anh, cũng là thành viên của đảng ODS nọ. Người Séc có câu rằng, "sự may mắn thường đến với người có chuẩn bị"...

Thanh Mai

-----

(1) http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/30169802-tong-ket-cong-tac-bau-cu-quoc-hoi-khoa-xiv-va-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap-nhiem-ky-2016-2021.html
(2) https://vnexpress.net/thoi-su/tong-thu-ky-quoc-hoi-khong-dam-noi-chat-luong-ung-vien-ngoai-dang-khong-tot-3417195.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160522_vietnam_bau_cu_quochoi
(4) https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap/tu-lieu-dien-dan/hoi-nghi-hiep-thuong-la-gi-473011
 (5) http://hnvn.cz/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4044
 (6) https://www.youtube.com/watch?v=B8zdAB14Wuk&feature=youtu.be&fbclid=IwAR1RGFoek12sEMiLxYeXCpEXAaVZY16nrNVCMCJwxJFUFJOaKR5ZEdLfZqs
(7) http://www.hoivietsec.org.vn/news/view/3470
(8) http://www.europarl.europa.eu/doceo/document/TA-8-2018-0459_EN.html?redirect 
(9) https://www.upr-info.org/database/index.php?limit=0&f_SUR=191&f_SMR=All&order=&orderDir=ASC&orderP=true&f_Issue=All&searchReco=&resultMax=300&response=&action_type=&session=&SuRRgrp=&SuROrg=&SMRRgrp=&SMROrg=&pledges=RecoOnly: Enhance equal political participation of its citizens, including by taking steps towards multi-party democracy

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo