Góc Bạn Đọc

Hãy tử tế hơn với cả những người mà chúng ta không quen biết

Cập nhật lúc 05-08-2018 13:42:08 (GMT+1)
Bãi tắm Lhota, nơi 2 cháu người Việt bị chết đuối. Ảnh: Wikipedia/ Mirek256

 

Một ngày sau cái chết của hai đứa trẻ 7 tuổi người Việt tại hồ bơi Lhota gần Praha, một người Séc - ông Martin Jaros đã chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân. Suy nghĩ  này đã dẫn ông đến một quyết định cụ thể. 


Phải chăng ông có lý?
Phải chăng người Việt có thể cùng hành động theo tinh thần mà ông đề nghị?
Xin cùng suy ngẫm trong ngày tưởng niệm hai bé.

Tôi cứ đọc các bài báo về hai cậu bé 7 tuổi chết đuối tại hồ Lhota. Và tôi buồn vô cùng - vì hai đứa trẻ, vì mẹ chúng, và cả vì cách thức mà chúng ta nói đến tất cả các chuyện đó.

1. Lên án hai bà mẹ khốn khổ là điều vô nghĩa. Phán xét họ cũng là vô nghĩa. Cả hai người đang trải qua những ngày địa ngục, vậy các bạn còn muốn gì đây? Họ sẽ còn phải nghĩ đến điều đó hàng ngày, hàng giờ và cho đến tận cuối đời mình! Ném đất cát đá sỏi thêm vào họ  sẽ có ý nghĩa gì? Mà những người còn tiếp tục ném đá họ trên các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, là những người có tính cách thế nào?

2. Là bố của hai thằng nhỏ nghịch ngợm, tôi cho rằng các bạn không thể mắt đến con từng giây từng phút. Lạy Chúa, chúng ta không phải là người máy. Trong thực tế các bạn sẽ chỉ làm con hại con mình (một cách khác) nếu như bạn theo dõi con sít sao từng giây. Thời  của tụi tôi thì lũ nhỏ chúng tôi được "ra ngoài" chơi - tức là được phá phách ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ và không bị kiểm soát. Ví dụ như tôi thường đi chơi "tàu hỏa" - cùng mấy thằng bạn tôi đặt đồng 10 xu trên đường ray tàu hỏa và ngay khi tàu vừa chạy qua thì chạy ra tìm đồng xu giữa các thanh tà vẹt bỏng rẫy và bị nghiến bẹt gí thành những miếng đồng to. Chúng tôi lớn lên mà không bị làm sao là một phép màu - đó là sự may mắn chứ không phải là gì khác. Và các bạn ngạc nhiên vô cùng với các bậc phụ huynh thời đó đã để con chạy chơi ngoài đường ư? Rất nhiều bạn bè của tôi vẫn đang hoài cổ nhớ lại những ngày đó, và cười nhạo lũ trẻ ngày nay chỉ ngồi dính bên màn hình mà không biết thế nào là sự nguy hiểm. Vâng, nhưng nếu vậy thì chính những người này không thể trách cứ các bà mẹ nọ vì con của họ đã biến khỏi tầm mắt một lúc! Các bạn biết không, khoảnh khắc trước khi bị chìm, đó chỉ là vài giây đồng hồ và thường im ắng, người ta không kêu cứu - nhưng mà thôi, xin đừng nói về điều này. Cả những bà mẹ cẩn tắc nhất cũng có thể không nhìn thấy! Sẽ là "ăn cắp của người nghèo" nếu như chúng ta vô hình trung tự đề cao mình bằng cách lên án các phụ huynh nọ.

3. Tôi cũng không đổ lỗi cho các nhân viên tại hồ bơi. Đằng nào thì cũng không cứu được các cậu bé. Lẽ ra họ có thể xử sự được tốt hơn, dĩ nhiên là thế. Thái độ thiếu thông cảm được các nhân chứng trực tiếp mô tả, với tôi đã chạm tận trái tim. Cách mày tao đó, cách đổ đầu "lũ đàn bà phát cuồng" - trời đất, là cái gì đây? Nhân tiện đây, tôi biết rằng họ chỉ là một vài người, trong khi đó thì hàng loạt những người khách bơi khác đã thể hiện rất đẹp và cố gắng giúp đỡ. Nhưng chính một vài người ấy - nhất là trong tư cách các nhân viên và trong vị thế của những người có "quyền lực" - sự bẩn thỉu này trong xã hội của chúng ta đã quá phổ biến.

4. Và đây là điều tôi muốn nói với các bạn ngày hôm nay. Như tôi nhìn nước Séc từ bên ngoài, thì tôi thấy vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải là chúng ta nghèo, rằng chúng ta sống khó khăn. Điều này đã từ lâu nay không còn là đúng. Thậm chí tình trạng chính trị ngớ ngẩn hiện nay cũng không phải là vấn đề chủ đạo - và nó cũng chỉ là hậu quả! Vấn đề lớn nhất của chúng ta là không có đủ sự tử tế giữa con người với nhau. Và tôi nói điều này một cách nghiêm túc, ngày cả khi các bạn sẽ cười nhạo, rằng tôi cường điệu và quá lãng mạn. Đơn giản là chúng ta không tử tế đủ.

5. Để được cụ thể hơn. Chúng ta (một số người) mang trong mình một sự cáu bẳn kỳ lạ và sự cáu bẳn ấy thường bật lên khi chúng ta nói chuyện với người ngoài. Tôi tin chắc rằng những người đã mày tao với những người Việt ấy và đã xử sự thô thiển đến thế, trong cuộc sống riêng của mình thì họ có thể là những người ông, người bà tốt bụng. Trong phạm vi gia đình của mình, bạn bè mình, "gốc gác" của mình, chúng ta thường xử sự vô cùng nồng nhiệt. Nhưng chỉ cần ai đó không thuộc về gốc gác ấy xuất hiện, là chúng ta chụp lên một chiếc mặt nạ tàn bạo dùng được trong giao tiếp "đó không phải là lỗi của tôi, anh hỏi cái gì, tôi đây không bận tâm, đừng có động vào mấy thứ đồ đó". Cái gốc gác đó không chỉ là tất cả những người Séc, cái gốc gác đó nhỏ hơn rất nhiều. Đây không phải là sự kỳ thị nào đó.

Những người bán hàng, các viên chức - những gì rất bình thường ở nước ta. Chính tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần - như khi tôi đến sở quản lý khí đốt thu xếp việc gì đó, tôi bị người ta đối xử một cách thô thiển, bị tảng lờ, việc xây dựng bị ngâm cho hai tháng - nhưng khi bà viên chức chợt biết tôi là người vùng Benesov và tôi biết một người bạn của bà ấy từ Tynec, thì lập tức bà rất nhiệt tình, lập tức tất cả đều có thể và tất cả đều xong xuôi chỉ trong một buổi! Đơn giản là bà thu nhận tôi về với gốc gác của bà và tự nhiên tôi thành gã tử tế. Nhưng chỉ cần bạn không thuộc về gốc gác đó, là bạn sẽ không trông đợi được lòng tốt kia. Chúng ta để dành lòng tốt ấy cho "người của mình". Trên thực tế, người Séc là một xã hội dựa trên gốc gác.

Tôi biết rõ các xã hội được xây dựng trên cấu trúc gốc gác, bởi vì tôi sống trong môi trường ấy. Tôi đảm bảo với các bạn rằng chính cách tiếp cận dựa trên gốc gác và phân biệt giáo phái - sự phân biệt từ bên trong: chúng ta đối lại bọn họ - chính là những gì đang làm chìm thuyền các nước như Afghanistan và các nước nghèo khác. Cả tham nhũng cũng chỉ là một nỗ lực hối lộ để lọt vào một gốc gác thích hợp. Các nước giàu là các nước có thể nhận biết được theo cách thức sạch đẹp, mà các nhân viên viên chức xử sự với bạn, họ không biết bạn là ai và bạn chẳng nhét phong bì cho họ. Tất cả chỉ có vậy.

Thế cho nên tôi đề nghị - chúng ta hãy tử tế hơn với cả những người mà chúng ta không quen biết. Với cả những người khách lạ. Dĩ nhiên là bạn, người đang đọc những dòng này, có lẽ bạn là người thiện tâm. Nhưng chúng ta cần lan tỏa hơn. Hãy tích cực ngăn chặn và bồi thường cho sự "thiếu tử tế".

Tôi muốn thay đổi, vì chính mình và sau sự việc ngày hôm qua (bài viết được đăng ngày 4/8/2018). Khi đứng xếp hàng mà nghe thấy ai đó cao ngạo mày tao với người bán hàng người Việt, thì tôi sẽ trực diện với người có lỗi ấy. Tôi sẽ nói, thưa ông, xin đừng mày tao với ông bán hàng, như thế là không tốt. Và tôi sẽ xin lỗi người bán hàng thay cho người khách. Và chúng ta cần làm như thế trong mọi việc. Chúng ta hàng ngày đang tự hủy hoại cuộc sống của mình bằng cách xúc phạm và tấn công lẫn nhau - trong chuyện lái xe, đỗ xe, trong các cuộc cãi vã quanh thùng rác... Cuộc sống tại Séc đầy rẫy các va chạm nhỏ làm bạn mất hứng từ ngày này qua ngày khác. Tôi xin lỗi đã nói ra điều này. Nhưng quả thật là tôi thấy như thế.

Là người Séc, chúng ta hãy cùng nhau thay đổi. Hãy trao cho nhau nụ cười và sự giúp đỡ không vụ lợi - và hãy ngăn lại những ai hẵng còn chưa làm thế. Chỉ với áp lực chung, từ dưới lên thì mới có thể thay đổi. Nếu như chúng ta không làm được việc này, thì chúng ta sẽ không bao giờ có được sự hài lòng - ngay cả khi chúng ta sẽ giàu có như dân Thụy sĩ. Tôi sẽ làm việc này, ngay cả khi tôi chỉ có mỗi một mình. Bạn có tham gia với tôi?

Martin Jaros
Nguồn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10156564558723630&id=699593629
Nguyễn Thanh Mai chuyển ngữ
© Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo