Góc Bạn Đọc

Khổ quen rồi sướng không chịu được

Cập nhật lúc 11-04-2019 21:08:42 (GMT+1)
Ảnh minh hoạ - Tuổi già. Foto: mahjongnews.com

 

Câu thành ngữ mới nghe tưởng như đùa vậy mà nó khắc họa trọn vẹn nhiều cuộc đời, nhiều số phận của những người ở thế hệ U60 và U70 đang sống ở nước ngoài. Cả một đời vươn lên từ nghèo khó thậm chí lam lũ, vượt qua mặc cảm dưới cái nhìn của người dân bản xứ, thế hệ này đã tự mình xoay chuyển để mưu sinh, để tồn tại. Chắt chiu, tằn tiện không chỉ cho mình, cho con cháu mà còn cho một đại gia đình ở trong nước đã khiến họ quên đi chính cuộc đời mình. Nhiều người làm đến khi bệnh sập xuống, thậm chí nằm liệt một chỗ mới hối tiếc, mới khát khao ước gì được khỏe, được nghỉ ngơi thì đã muộn.


Sang Séc từ những năm 80, bà Lan tính đến nay đã có một hành trình khá thuận lợi so với nhiều người cùng trang lứa. Từ một người kinh doanh nhỏ, bằng sự linh hoạt cộng thêm sự sắc sảo trên thương trường bà đã gây dựng cho gia đình và con cháu mình một chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng ở nhiều thành phố. Mặc dù đã có chút của ăn, của để có cả cháu nội ngoại nhưng bà không sống chung với đứa nào mà chỉ trông hộ khi bố mẹ chúng có công việc đột xuất. Bà không chịu nổi sự quậy phá của lũ trẻ nhưng quan trọng là bà không còn thời gian dành cho chúng nữa. Hết ngày này sang tháng khác bà đi giúp cửa hàng của con cháu. Lúc đi nhặt hộ hàng, lúc trông hàng, lúc gắn chíp chống ăn cắp rồi phụ giúp hàng tỷ việc không tên. Thấy mẹ đi lại quá vất vả và cũng không cần thiết, các con nhiều lần lên tiếng đề nghị bà hãy nghỉ ở nhà với ông rồi thư thả đi chơi theo thú vui của người có tuổi. Thế mà bà dỗi, bà giận, bà mình mẩy với ông, rằng chả ai cần bà nữa, rằng mọi người đủ lông, đủ cánh, chưa khỏi vòng đã cong đuôi và tuyệt thực. Ông hấp tấp gọi cho các con rồi đề nghị chúng hãy để cho bà được toại nguyện, chứ thế này mệt lắm! Khổ nỗi bà đi làm có nghĩa là ông phải chở bà đi mà điều này không đứa con cháu nào mong muốn cả. Ở cái tuổi 70 lại dính tiểu đường, kiêng cữ về ăn uống nên trông ông lúc nào cũng như cái bóng sắp đổ. Hôm nào tự đi bằng xe buýt còn đỡ nếu không ông phải chở bà đi rồi ở lại cửa hàng ngồi trông trộm hoặc về nhà tối đến đón bà.

Hôm ấy bà chờ mãi không thấy ông đến. Sốt ruột gọi mấy lần nhưng ông vẫn không nhận điện. Linh tính, bà gọi cho các con và khi mọi người về thấy ông nằm trên sàn nhà, thoi thóp thở. Bệnh viện cứu sống ông nhưng di chứng của căn bệnh tai biến đã làm chân tay co quắp và không nói được. Bác sỹ khiển trách gia đình không quan tâm tới tình trạng sức khỏe của ông bởi nếu đến kịp những di chứng kia sẽ được giảm thiểu. Bà nấc lên trong tuyệt vọng. Trong co quắp của bàn tay, ông cố truyền sang bà những gì còn lại của một trái tim đang đập những nhịp cuối với thông điệp: Bà ơi, hãy yêu lấy mình khi còn chưa muộn, đừng ham nữa!

Sang đây theo diện hợp tác lao động rồi ở lại sau khi Cách mạng Nhung nổ ra, ông Nguyễn đã kịp xuống đường kinh doanh từ những ngày đầu trứng nước. Chuyển qua nhiều giai đoạn, với tư chất của người có xuất xứ từ đồng quê nên ông chắt chiu và cóp nhặt từng đồng tiền kiếm được nhờ vào sự chuyển đổi này. Khi đã có vốn trong tay ông đón được vợ con sang và từ vị trí đứng bán ông chuyển sang đi đánh hàng rồi về đổ lại cho bà con đi bán lẻ. Những năm hàng hóa khan hiếm ông cùng vợ ngày đêm rong ruổi trên đường, gặp gì ăn nấy, tối về uống chai bia đi ngủ để lấy sức hôm sau lại lên đường. Tích cóp mãi rồi ông cũng mua được ngôi nhà ở trung tâm thành phố, tuy cũ nát nhưng dưới con mắt của ông nếu biết sửa chữa nó sẽ trở thành điểm trên ở dưới là cửa hàng. Nghĩ là làm, ngoài những ngày đi đổ hàng ra cứ lúc nào có thời gian ông cho gọi mấy người rỗi việc đến cùng làm. Gần 2 năm trời với biết bao công sức ngôi nhà đúng như dự tính của ông đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Phần cửa hàng vợ ông muốn đây sẽ là nơi để hai ông bà buôn bán cho đỡ vất vả còn nhượng lại các mối đổ hàng cho con trai và con dâu. Ông không đồng ý vì cho rằng mình chịu khổ đã quen, bạn hàng cũng đã có thâm niên, đồng nợ đồng chịu ông còn biết chỗ để đòi.

Rồi một ngày đang đổ hàng ông khụy xuống, bất tỉnh. Khi hồi tỉnh lại, các bác sỹ nói ông đã chớm lao phổi và khuyên ông hãy nghỉ ngơi, không  làm việc quá sức mà đặc biệt là tuân thủ chế độ ăn và ngủ, sao hợp lý, đúng giờ. Ra viện được gần 3 tháng, ngồi nghỉ ở nhà, ông bần thần bứt dứt nhớ tới những chuyến đi, tới khuôn mặt bạn hàng và cảm giác được sờ đếm những đồng tiền. Biết tính bố, người con trai hàng ngày cho vợ lên báo cáo tài chính thu được ở cửa hàng để đảm bảo rằng, bố mẹ cứ yên tâm, đã đến lúc chúng con có trách nhiệm lo cho bố mẹ được nghỉ ngơi rồi.

Để ngoài tai tất cả ông quyết định đi lấy hàng vì mới ngoài 60 còn sức sao phải làm gánh nặng cho các con. Năm ấy tuyết rơi nhiều, đường đi khó khăn xe đang đi chết máy, không nổ. Giữa mênh mông tuyết, lại vào con đường có ít xe qua lại phải mất hơn 3 tiếng sau mới có xe đến kéo trợ giúp. Khi ấy cả ông và vợ đã không thể nói được bình thường vì rét. Ngay đêm ấy hai người lên cơn sốt phải nhập viện. Bệnh tái phát ông ho ra máu, một thời gian sau ông ra đi.

Bây giờ sau nhiều năm vợ ông không chịu nổi những biến cố đầy đau thương bà chia tay con cháu rồi về nước xin nương nhờ cửa Phật. Nhìn ngôi nhà có vị trí rất đẹp trong quảng trường kia, ít ai biết rằng nó mang trong mình một câu chuyện đầy bi thương về số phận của những con người xa xứ làm việc quên mình chỉ bởi điều giản đơn: sướng không chịu được.

Thiều Quang - vietinfo.eu

*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo