Góc Bạn Đọc

Tết và mùa xuân đến muộn

Cập nhật lúc 30-01-2019 21:00:59 (GMT+1)
Ảnh: Mai Phương (vietinfo.eu)

 

Gần 60 tuổi, người đàn ông ấy đã chứng kiến nhiều đổi thay của dòng đời vạn biến. Nếm đủ ngọt bùi cùng vị đắng gói trong phận một con người. Hơn 30 năm xa quê cũng là hơn 30 cái Tết ông âm thầm đón xuân về trong lặng lẽ. Ký ức về những cái Tết nghèo đói nhưng nồng ấm tình người cũng chưa kéo ông trở về thăm quê được đến hai lần. Không phải ông không nhớ quê mà ngặt nỗi đồng lương eo hẹp quá. Đã thử vận may trong nhiều công việc nhưng hình như con người ông chỉ hợp với một nghề:  làm bảo vệ, như ông đang làm bây giờ.


Đã hai lần ông được nắm tay hai người phụ nữ mang hai quốc tịch khác nhau, một người Séc, một người Việt vào trong ngôi nhà hạnh phúc và buồn thay, ông không giữ họ được đến hết đời. Sở dĩ họ chia tay ông là bởi: Tiền cái họ cần ông không có, cái ông có là cần cù, chịu khó, tiết kiệm họ lại không cần.

Người vợ đầu tiên tên Karolina có với ông hai mặt con. Nhớ về những tháng năm sống bên nhau, khi còn cùng đi làm trong nhà máy sản xuất khí cụ thông gió và điều hòa không khí ông không khỏi bồi hồi. Karolina lúc đó làm lái xe nâng hàng trong xưởng. Bằng đồng lương đủ sống nhưng hạnh phúc ngập tràn bởi hai con người đã cùng nhau vượt qua định kiến, mặc cảm để yêu nhau. Hai đứa con lần lượt ra đời, chúng không chỉ là niềm vui mà còn là sợi dây liên kết với ông bà ngoại vốn không đồng tình cho anh chị lấy nhau. Cuộc sống cứ bình yên như thế trôi đi nếu không có cuộc cách mạng Nhung nổ ra. Cuộc cách mạng ấy đã làm thay đổi diện mạo cuộc đời của nhiều số phận. Bạn bè ông mỗi người đi mỗi ngả, người sang nước khác, người tập tành đi buôn. Ông chọn ở lại vì còn gia đình, công việc đang ổn định.

Thời gian trôi, khu chợ rau trong Quảng trường thành phố ngày càng trở nên nhộn nhịp và sầm uất. Từ khi ủy ban mở thêm thời gian và cho phép các hộ kinh doanh được bán các mặt hàng khác, khu chợ như được thay da, đổi thịt. Từ vài sạp hàng rau quả theo thời vụ, bây giờ người ta bày ra bán đủ thứ và lực lượng người bán hàng này phần lớn là người Việt trong đó có vài người bạn từng làm trong nhà máy với ông. Ngày nghỉ cuối tuần, phần vì muốn được giao lưu với người Việt, phần vì tò mò ông lân la trò chuyện với những người đồng hương. Lâu dần mối quan hệ trở nên mật thiết và không biết tự lúc nào ông trở thành người giúp việc cho những người đồng hương này. Cuối tuần ông ra đứng trông hàng cho những ai có nhu cầu. Lâu dần thành quen nên ai có việc gì đều nhờ và tất nhiên họ trả công xứng đáng. Rồi người này khuyên, người kia nhủ để một ngày ông về nói với vợ quyết định của mình xin thôi việc ở nhà máy để đi buôn. Vợ ông không đồng ý bởi cái việc hết ngày này sang ngày khác đứng phơi mặt ngoài trời đã khổ huống hồ lại ở chính thành phố có đầy rẫy người quen này. Chỉ đến khi khi tận tai nghe những người bán háng kể về mức tiền kiếm được trong tháng vợ ông mới đồng ý để ông bán thử.

Rồi ông đi buôn. Cũng một sạp hàng, cũng tất cũng quần nhưng thói quen làm trong nhà máy, thiếu dạn dày nên người ta bán mười ông chỉ bán được năm. Suốt ngày chăm bẵm vào hàng hóa, ngay ngắn nhưng ế ẩm. Thiếu kinh nghiệm khi lấy hàng cộng với sự kém năng động nên hàng lấy về tồn đọng, không có vốn để lấy hàng mới. Rồi vợ chồng ông sinh mâu thuẫn vì tiền hai người tích cóp nằm gần hết trong số hàng không biết bao giờ mới bán hết được kia. Mới đầu còn nhỏ nhẹ sau tăng dần đến khi vợ ông quăng hết những túi hàng của ông ra hành lang, ông hiểu, giới hạn vợ chồng đã quá ngưỡng.

Rồi ông chia tay sau khi bán rẻ số hàng đang có để trả tiền cho vợ. Vật vờ ông đến tá túc nhờ những người cùng thời làm nhà máy với mình và  đi làm thuê cho họ. Dãi nắng dầm mưa cũng đủ tiền trả nuôi con nhưng bảo để có tý vốn nhằm khi có việc gì thì quá khó. Nhiều người thương cảm và ái ngại cho hoàn cảnh của ông. Trong số những người đó có một chị người Việt đã lớn tuổi sang thăm em rồi ở lại. Từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị sang đây để cố quên đi biến cố không mấy tốt đẹp ở quê nhà. Họ gặp nhau ở sự đồng cảm và trên hết chị đang cần người thông thạo tiếng để nương tựa khi trái nắng, trở trời. Về sống chung một thời gian rồi nhờ đứa em cấp vốn, chị mở một sạp hàng ngoài chợ. Cuối tuần họ đi chợ phiên và trong một lần không may ông đứng trông hàng để chị đi mua bữa ăn đã bị kẻ gian xách trộm cả một túi hàng. Sự ngờ nghệch và thật quá của ông đã phải trả giá. Mỗi người có cái lý của mình, nhưng tiếc thay, họ là hai nửa ghép lại khi đã quá nửa đời, không cùng nhau trải qua những thăng trầm từ buổi sơ khai nên dễ vỡ.

Họ chia tay nhau trong tiếc nuối của nhiều người. Chán cảnh bán thuê ông xin việc ở Phòng lao động. Dựa vào đăng ký, người ta cho ông làm  bảo vệ Siêu thị và ở cương vị này ông đã làm được mười năm có lẻ.

Bây giờ, Tết đến rồi nhưng với người đàn ông này hình như mùa xuân chưa trở lại. Có chăng chỉ hằn thêm trên khuôn mặt vết nứt thời gian và tiếng thở dài để gió cuốn đi hoài niệm về một thời đã xa. Lời thơ cũ vọng về:

“Khi tóc bạc trên đầu rơi rụng hết
Cội nguồn ơi chiếc lá vẫn chưa về”.

Thiều Quang

*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo