Huyền bí

Kỳ bí giếng cổ (3): Giếng 'vua' ở Lý Sơn

Cập nhật lúc 18-11-2015 10:01:39 (GMT+1)
Giếng Xó La ở Lý Sơn - Ảnh: T.Đăng

 

Dọc vùng biển miền Trung đã và đang tồn tại nhiều giếng nước ngọt hết sức độc đáo, chỉ cách mép biển chừng vài sải tay nhưng chưa bao giờ bị nhiễm mặn.


> Kỳ bí giếng cổ (2): Giếng nước ngọt giữa biển khơi

Giếng “vuông” hay “vương” ?

Có một điều chắc chắn rằng, tất cả các giếng nước được xây bằng đá rất công phu, trông cũ kỹ ấy đều là của người Chăm để lại. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, người đã có trên 25 năm lăn lộn với văn hóa Chăm khẳng định điều đó.

Theo tiến sĩ Khôi, đặc điểm dễ nhận dạng các giếng nước ấy của người Chăm là các miệng giếng đều hình vuông; riêng thân giếng có nơi hình tròn, có nơi vuông. Giếng được “kè” bằng đá xếp chồng lên nhau, đều tăm tắp. “Qua công tác điền dã và khảo cứu một số vùng ven biển miền Trung thì tôi thấy có thể do cách phát âm của người miền biển, chữ “vuông” kia được đọc lệch thành “vương”.

Hơn nữa, hễ thấy điều gì bất thường, lại kỳ diệu như các giếng Chăm, dân gian thường ghép cho vua (vương) để tỏ sự tôn kính. Giếng Gia Long ở Lý Sơn là một ví dụ”, tiến sĩ Khôi phân tích.

Ở làng Thanh Thủy thuộc xã Bình Hải (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng có một “giếng vua” nằm giữa làng. Vùng này còn có tên Tổng Binh - địa danh gắn liền với những cuộc duyệt binh và tập trận từ thuở cha ông ta đi mở cõi thế kỷ 15. Mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong một lần chinh Nam đã đặt chân lên động Hàng Đô, tức Vạn Tường bây giờ. Dân gian vùng này ghép “giếng vua” ở làng Thanh Thủy cho vua Lê nhưng kỳ thực, đó là giếng nước của người Chăm. Những dấu tích về kiến trúc còn lại của giếng nước này đã xác nhận điều đó. Dù ở gần biển, lại là vùng đất khô hạn quanh năm nhưng chưa bao giờ “giếng vua” làng này cạn nước.

Việc gọi các giếng Chăm cổ này bằng “vuông” hoặc “vương” (tức “vua”) là tùy theo quan niệm của người dân vùng đó. Nhưng có điều này thì ai cũng phải thừa nhận, đó là những giếng nước Chăm cổ đều nằm gần các thương cảng, hoặc ít ra cũng nằm cạnh các bãi biển thoáng đãng, thuận lợi cho những người buôn bán hải sản hoặc trao đổi các loại hàng hóa giữa giới thương hồ với người dân bản địa.

Những thương thuyền vượt đại dương vẫn ghé vào các cảng biển hoặc làng chài để trao đổi hàng hóa, đặc biệt là tiếp thêm nước ngọt cho những chuyến hải hành dài ngày. Nước ngọt từ các giếng Chăm xưa là sự lựa chọn trước tiên của các con tàu xuyên đại dương này. Theo thời gian, các “giếng vương” được đắp bồi thêm sự huyền nhiệm qua những câu chuyện nửa hư nửa thực. Giếng Xó La ở Lý Sơn cũng được người dân ở hòn đảo này thêu dệt quanh nó bao câu chuyện kỳ bí mà người đời sau không thể giải mã được.

“Nước thánh nước thần”

Ông Võ Văn Toại (80 tuổi), một trong hai người chuyên làm “hình nhân thế mạng” để chôn trong các ngôi mộ gió ở Lý Sơn, nói rằng chỉ có thể gọi đó là “nước thánh nước thần” mới có thể lý giải được vì sao cách mép nước biển có vài sải tay mà giếng Xó La chưa bao giờ nhiễm mặn, cũng chưa bao giờ cạn nước, kể cả những năm đỉnh hạn.

Từ Trường THPT Lý Sơn đi về hướng nam chừng 300 m sẽ gặp giếng nước này. Giếng nằm ngay sát mép biển. Theo trí nhớ của ông Toại, cách đây chừng 50 - 60 năm, chỗ mép biển này là một bãi cát rất sạch sẽ. Tàu bè đi biển dài ngày vẫn thường ghé lại lấy nước ngọt từ giếng Xó La. Bãi cát giờ bị xâm thực song giếng nước thì vẫn như xưa. Những năm đỉnh hạn, tất cả các giếng nước trên đảo Lý Sơn bị nhiễm mặn, riêng giếng Xó La thì không. Người dân khắp đảo đến đây lấy nước về dùng. Họ mang can, thùng chen nhau múc nước, không khác nào đi lấy nước thánh.

Quan sát địa thế thì rất khó lý giải vì sao người Chăm lại chọn vị trí này để đào giếng. Đó là một dải đất bình thường như bao chỗ khác ở Lý Sơn nhưng chỉ ở đây mạch nước ngầm mới phong phú đến vậy. Để xây giếng nước này, người Chăm đã xếp các lớp đá chồng lên nhau mà không gắn kết bất cứ một lớp vôi vữa nào. Giữa các lớp đá là những khe nhỏ, nước đã theo khe này để chảy ra giếng. Kỹ thuật xếp đá như thế là một cách “lọc nước” tự nhiên vậy. Nhưng sự bí ẩn nằm ở chỗ, chủ nhân của giếng nước đã nhìn xuyên lớp địa chất để có thể “thấy” được mạch nước ngầm đang vận hành bên dưới.

Sự phong phú của mạch nước ngầm vô tận ấy đã thành đề tài để người dân Lý Sơn thêu dệt quanh giếng nước này nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Họ bảo đây là giếng Gia Long với sự tích gắn liền cùng vị vua này khi lâm nạn. Lúc đã cạn quân lương, nước cũng không còn giọt nào, đào khắp đảo chẳng có nước thì đêm đó ông nằm mơ thấy có người chỉ chỗ đào giếng. Sáng ra, ông cho quân sĩ đào ngay vị trí này. Thế là thành giếng nước. Thực tế thì chưa bao giờ Nguyễn Ánh đặt chân lên đảo Lý Sơn cả.

Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng có lần ghé Lý Sơn và quan sát giếng nước này. Ông nói cái tên Xó La đích thị là tiếng Chăm vì ngoài tên giếng, Xó La không chỉ một địa danh nào khác ở Lý Sơn. Cách giếng Xó La chừng vài cây số là di chỉ khảo cổ học Suối Chình với nhiều hiện vật giá trị có niên đại khoảng 2.000 năm. Các hiện vật ấy đã cho hậu thế biết rằng, từ xa xưa, con người đã có mặt trên đảo Lý Sơn. Các “giếng vương” là một phần di sản độc đáo của tiền nhân trên hòn đảo xinh đẹp này.

Trần Đăng
Nguồn: Thanhnien.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo