Khoa học công nghệ

Mỹ âm mưu dùng tin nhắn định lật đổ chính quyền Cuba

Cập nhật lúc 06-04-2014 08:27:58 (GMT+1)
Ngày càng có nhiều người Cuba sử dụng điện thoại di động truy cập internet (Nguồn: AP)

 

Hãng thông tấn AP của Mỹ vừa có bài điều tra về việc chính quyền Mỹ sử dụng mạng xã hội theo kiểu Twitter để gây bất ổn chính trị tại Cuba, quốc gia đang bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận một cách vô lý suốt bao năm qua, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.


Theo AP, tháng 7/2010, Joe McSpedon, một quan chức Mỹ đã bay tới Barcelona (Tây Ban Nha) để thực hiện các điều chỉnh cuối cùng về một kế hoạch bí mật, nhằm xây dựng một dự án truyền thông chống lại chính quyền Cuba.

McSpedon và đội nhân viên công nghệ cao của mình tới từ Costa Rica, Nicaragua, Washington và Denver. Nhiệm vụ của họ là triển khai một mạng nhắn tin có thể vươn từ nước ngoài tới hàng trăm ngàn người Cuba.

Để che giấu mạng này khỏi bị chính quyền Cuba phát hiện, họ đã lập một loạt các công ty bình phong, sử dụng một tài khoản ngân hàng ở quần đảo Cayman và tuyển dụng nhiều quản trị viên làm việc cho họ. Những người này không được cho biết về mối quan hệ của công ty với chính quyền Mỹ.

McSpedon không làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ. Đây là một chương trình được chi tiền và điều hành bởi Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID), nổi tiếng vì giám sát hàng tỷ USD chi cho các hoạt động nhân đạo.

Theo các tài liệu do hãng tin AP thu được và qua nhiều cuộc phỏng vấn với những người liên quan tới chương trình, kế hoạch là phát triển một dạng mạng xã hội "Twitter Cuba", sử dụng các tin nhắn SMS của điện thoại để né tránh hoạt động kiểm soát thông tin và Internet của Cuba. Nó được gọi là ZunZuneo, tiếng lóng Cuba dùng để chỉ tiếng kêu ríu rít của chim ruồi.

Các tài liệu cho thấy chính phủ Mỹ định xây dựng một mạng lưới người đăng ký thuê bao dịch vụ, thông qua việc cung cấp "nội dung không gây tranh cãi": cụ thể là các tin nhắn về bóng đá, âm nhạc, thông tin bão...

Khi mạng đã đạt lượng thuê bao đủ lớn, có thể lên tới hàng trăm ngàn người, các nhà điều hành sẽ thêm vào những nội dung chính trị nhằm khuyến khích người Cuba tổ chức các "đám đông thông minh" - thực tế là các cuộc tụ họp đông người có thể tạo ra sự kiện “Mùa Xuân Cuba,” nhằm thay đổi cân bằng quyền lực giữa nhà nước và xã hội.

Joe McSpedon chỉ là một quan chức tầm trung và đã từ chối đưa ra phát biểu sau khi ZunZuneo bị AP phanh phui

"Hoàn toàn không được nhắc tới sự dính líu của chính quyền Mỹ" - là dòng nhắc nhở ghi trong bản ghi nhớ phát hành nội bộ trong năm 2010 ở Mobile Accord, một trong các nhà thầu của dự án - "Đây là yếu tố cốt yếu dẫn tới thành công dài hạn của dịch vụ và đảm bảo sự thành công của nhiệm vụ".

Tính pháp lý của chương trình này chưa được làm rõ. Luật Mỹ yêu cầu rằng bất kỳ hành động bí mật nào của các cơ quan liên quan thực hiện phải được sự phê chuẩn của Tổng thống. 

Giới chức USAID không nói ai đã phê chuẩn chương trình hoặc Nhà Trắng có biết chuyện hay không. McSpedon chỉ là một quan chức tầm trung và đã từ chối đưa ra phát biểu sau khi ZunZuneo bị AP phanh phui.

Ở đỉnh điểm, dự án đã thu hút hơn 40.000 người Cuba chia sẻ tin tức và quan điểm. Nhưng những người thuê bao sử dụng dịch vụ chưa bao giờ biết nó do chính phủ Mỹ tạo ra và các nhà thầu Mỹ đứng sau chương trình đang thu gom dữ liệu cá nhân của họ để phục vụ mục đích chính trị.

Khi danh tiếng của ZunZuneo tăng lên, nó đã thu hút sự chú ý của chính quyền Cuba. Giới chức Cuba đã tìm cách lần theo dấu vết các tin nhắn và đột nhập vào hệ thống của ZunZuneo. Chương trình này đột ngột dừng vào tháng 9/2012 khi một khoản tiền của chính quyền Mỹ cấp cho nó bị cắt.

ZunZuneo biến mất và chính quyền Cuba vẫn đứng vững, không có một sự kiện “Mùa Xuân Cuba” nào xuất hiện. 

"Khoảnh khắc ZunZuneo biến mất, nó đã để lại một khoảng trống" - một người dùng ZunZuneo tên Guerra cho biết - "Sau rốt chúng tôi không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra, cũng như dịch vụ này từ đâu tới"./.

Nguồn: Vietnam+

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo