Khoa học công nghệ

Núi lửa Bali phun trào có thể làm nguội Trái Đất

Cập nhật lúc 30-11-2017 15:24:41 (GMT+1)
Núi lửa Bali tỏa ra lượng lớn tro bụi vào khí quyển. Ảnh: Media Indonesia.

 

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ núi lửa Agung ở Bali phát ra lượng lớn hợp chất lưu huỳnh khiến nhiệt độ toàn cầu giảm.


Núi lửa Agung ở Bali, Indonesia, hoạt động trở lại và liên tục phun tro bụi lên khí quyển khiến các nhà khoa học lo ngại về khả năng nhiệt độ Trái Đất giảm, Vox hôm 29/11 đưa tin.

Sau khi núi lửa Agung hoạt động hôm 21/11, nhiều chuyến bay bị hủy và hơn 100.000 người sống trong khu vực 10 km xung quanh núi lửa phải sơ tán. Nhà chức trách Indonesia nâng mức cảnh báo lên cao nhất do lo ngại núi lửa Agung có thể phun trào mạnh.

Ngoài nguy cơ gây ra cho khu vực xung quanh, đợt phun trào này còn có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các nhà khoa học cảnh báo, những vụ phun trào núi lửa có thể làm biến đổi nhiệt độ Trái Đất trong nhiều tháng khi hàng triệu tấn khí và bụi tỏa ra khí quyển.

Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào lượng chất phun ra khi núi lửa hoạt động, theo Chris Colose, nhà khoa học khí hậu tại NASA. "Đa số các vụ phun trào không tác động đáng kể đến khí hậu nên chỉ có khu vực xung quanh gặp nguy hiểm. Để phân tích ảnh hưởng với khí hậu, yếu tố quan trọng cần chú ý không phải tro mà là lượng lưu huỳnh phát ra", Colose cho biết.

Các loại khí như lưu huỳnh dioxit (SO2) được phun ra từ miệng núi lửa lẫn trong tro bụi. Số hợp chất lưu huỳnh này phản ứng trong không khí, tạo nên các chất phân tán ánh sáng Mặt Trời, làm Trái Đất lạnh đi. Mức độ làm lạnh phụ thuộc vào số lượng, độ cao và thành phần của chất đó. Các vụ phun trào núi lửa thậm chí có thể thay đổi lượng mưa trên Trái Đất.

Một số nhà khoa học từng đề xuất ý tưởng gây tranh cãi là tạo ra núi lửa giả để kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu. Phương pháp thay đổi khí hậu này còn bao gồm các kỹ thuật khác như gieo mây (cloud-seeding) hoặc phun axit sulfuric vào tầng bình lưu để bù lại phần nào tác động của con người lên khí hậu.

Các nhà khoa học chưa rõ liệu vụ phun trào núi lửa ở Bali có tạo ra đủ lượng khí và tro để thay đổi khí hậu không. Tuy nhiên, đợt phun trào năm 1963 của núi lửa Agung từng làm giảm nhiệt độ toàn cầu 0,1 - 0,2 độ C trong một năm. Thảm họa này cũng khiến hơn 1.600 người trên đảo thiệt mạng dù chỉ là một vụ phun trào trung bình, theo Diana Roman, nhà địa chất tại Viện Khoa học Carnegie.

Sự kiện phun trào núi lửa gần đây nhất làm giảm nhiệt độ thế giới là núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991. Đợt phun trào này thải khoảng 10 triệu tấn lưu huỳnh vào khí quyển, trong khi đợt phun trào năm 1963 của núi Agung chỉ là 6 triệu tấn.

 

Biểu đồ dự đoán nhiệt độ Trái Đất giảm nếu núi lửa Agung phun trào mạnh như năm 1963. Ảnh: Carbon Brief.

Nhà nghiên cứu Zeke Hausfather dự đoán sự thay đổi của nhiệt độ Trái Đất nếu đợt phun trào lần này mạnh tương đương năm 1963. "Biểu đồ xây dựng dựa trên tác động của các vụ phun trào núi lửa tới nhiệt độ trước đây. Nó cho thấy, núi lửa Agung phun trào có thể làm nhiệt độ toàn cầu giảm 0,1 - 0,2 độ C trong giai đoạn 2018 - 2020. Nhiệt độ sẽ khôi phục lại tương đương bình thường năm 2023", Hausfather nhận định.

Biểu đồ cho thấy các đợt phun trào núi lửa ảnh hưởng khá lớn đến nhiệt độ toàn cầu. Nguyên nhân là núi lửa phun các hợp chất lưu huỳnh giúp giảm nhiệt lên tầng bình lưu, dù số lượng này vẫn nhỏ hơn khí thải từ các hoạt động của con người. Lượng khí thải từ con người cũng có ảnh hưởng lâu dài hơn đến khí hậu.

Thu Thảo
Nguồn: vnexpress.net

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo