Kinh doanh

Một thương hiệu cà phê Việt sắp rơi vào tay người Trung Quốc

Cập nhật lúc 18-04-2012 12:03:52 (GMT+1)

 

Sau khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền, một thương hiệu nổi tiếng khác là cà phê Đức Lập đang có nguy cơ rơi vào tay người Trung Quốc.


Bỏ rơi thương hiệu

Từ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thương hiệu cà phê Đức Lập đã nổi tiếng khắp thế giới, không kém tiếng tăm cà phê Buôn Ma Thuột. Sản phẩm cà phê Đức Lập gắn liền với tên tuổi vùng đất đã khai sinh ra nó, tức quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức (nay là huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông). Sau năm 1975, mặc dù địa danh thay đổi, song sản phẩm cà phê ở đây vẫn mang tên “Đức Lập”.

Cà phê Đức Lập nổi tiếng không kém cà phê Buôn Ma Thuột.

Ngày 1.3.1977, UBND tỉnh Đăk Lăk (lúc đó Đăk Nông vẫn chưa tách khỏi Đăk Lăk) có quyết định thành lập Nông trường Cà phê Đức Lập. Và từ năm 1998 đến nay được đổi tên thành Công ty Cà phê Đức Lập- doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài, chính quyền địa phương và doanh nghiệp không hề nghĩ đến chuyện xây dựng và đăng ký thương hiệu tên thương hiệu cà phê Đức Lập của mình.

Tới năm 2004, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh An, có địa chỉ kinh doanh tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil đã chủ động đứng ra làm thủ tục và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa: “Cà phê Đức Lập Minh An & hình” và “Cà phê Đức Lập Đăk Mil & hình”. Đây là HTX hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, có nhà máy chế biến cà phê bột tại xã Đức Minh.

Sau 8 năm sở hữu hai nhãn hiệu trên, tới ngày 7.3 vừa qua, HTX Minh An đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đăk Nông xem xét cho vay 5 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh, nếu không HTX phải chuyển nhượng thương hiệu Đức Lập cho người nước ngoài để lấy vốn kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề nghị trên vẫn chưa được giải quyết.

Giá mua: 18 tỷ đồng

Phúc đáp tờ trình của HTX Minh An, Sở NNPTNT Đăk Nông đã có văn bản trả lời rằng, việc vay vốn hoặc chuyển nhượng thương hiệu cho nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tuy nhiên, Sở NNPTNT cũng đề nghị HTX Minh An chuyển giao chữ “Đức Lập” trong nhãn hiệu cho địa phương nhằm xây dựng thương hiệu chung của tỉnh Đăk Nông, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đăk Nông tạo điều kiện cho HTX Minh An được vay vốn.

Đặc biệt, Sở NNPTNT Đăk Nông cũng đề nghị huyện Đăk Mil không thừa nhận việc bán thương hiệu này cho nước ngoài. Sau khi nhận được trả lời của Sở NNPTNT, mới đây, HTX Minh An lại tiếp tục có tờ trình với những nội dung tương tự gửi UBND tỉnh Đăk Nông, nhưng chưa được trả lời.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil cho biết: UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng nắm lại toàn bộ sự việc sau khi nhận được văn bản của Sở NNPTNT. Quan điểm của tôi là phải ngăn chặn để giữ lại thương hiệu này, vì "Đức Lập" là tài sản chung của địa phương chứ không phải tổ chức hay cá nhân nào, mặt khác nó có ảnh hưởng quan trọng đối với ngành cà phê.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng ban Quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An cho biết: “Đã có một công ty ở Quảng Châu, Trung Quốc đặt vấn đề mua lại thương hiệu cà phê Đức Lập do chúng tôi sở hữu với giá 18 tỷ đồng”.

Theo ông Toàn, doanh nghiệp hỏi mua thương hiệu này chính là công ty đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và hiện đang tranh chấp. Đó là Công ty TNHH cà phê Quảng Châu Buôn Ma Thuột (Guangzhu Buon Ma Thuot Cooffee Co.,Ldt).

Ông Toàn cho biết thêm: “HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu được vay 5 tỷ đồng thì HTX sẽ chuyển giao chữ “Đức Lập” cho địa phương mà không đòi hỏi bất cứ một khoản chi phí nào. Sau đó, chính HTX phải tự đầu tư để xây dựng lại một thương hiệu khác, nghĩa là chúng tôi biếu không cho tỉnh thương hiệu nổi tiếng này”.

Nguồn: Đồng Nguyên/ Danviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo