Kinh doanh

Từ bán hàng hè phố vươn lên làm giàu

Cập nhật lúc 08-03-2018 14:24:18 (GMT+1)
Chị Đông (áo trắng) và khách tại xe hàng của chị ở chợ Samsen, Bangkok

 

Dáng người nhỏ bé, lam lũ, ngày nào chị Lương Thị Đông cũng dậy từ sáng sớm để mở hàng ở chợ Samsen.


Chị bán đồ ăn Việt Nam như lạp xường, đậu phụ, dưa món. Ngày Tết chị bán thêm bánh chưng và giò.

Xe hàng của chị Đông là điểm ghé thăm của nhiều người Việt khi tới Thái Lan.

Chị đã bán hàng như vậy gần 30 năm nay để nuôi mình và hai con gái.

Khó có thể hình dung người phụ nữ rám nắng đang rán đậu cạnh một xe hàng cũ kỹ dưới cái nắng gay gắt ở Bangkok lại sở hữu ô tô, nhiều đất đai, nhà cửa.

"Tết nào tôi cũng tự lái xe về quê cách Bangkok khoảng 600 km", chị Đông nói với BBC bằng tiếng Việt khá tốt.

"Tôi đã mua hai xe ô tô. Một xe để đi chơi. Một xe chuyên chở hàng."

'Chăm chỉ' và 'làm nhiều nghề'

Nhiều người Thái gốc Việt ở Thái Lan thường mở hàng ăn, uống nhỏ (ảnh minh họa)

Chị Đông nói chị làm một lúc nhiều nghề và lúc nào cũng nghĩ tới mở rộng hình thức kinh doanh.

"Người Việt mình bản chất là cần cù, chịu khó nên tôi nghĩ ra làm nhiều thứ lắm."

"Hồi xưa xe hàng này bán được nhiều, tôi dành dụm mua mấy mảnh đất ở quê và ở Bangkok, xây nhà ngăn nhiều phòng cho thuê."

"Tôi còn cho vay lấy lãi nữa."

Tất bật đủ nghề nhưng chị Đông không bỏ xe hàng dù nay 'ế hơn'. Ngày lễ Tết, chị vẫn gói cả ngàn cái bánh chưng, bánh giò để bán.

Vừa trở về Thái Lan sau chuyến du lịch Việt Nam, chị Đông nói đang nghĩ tới việc mua tiêu từ Việt Nam mang qua Bangkok bỏ mối.

Năm nay, con gái chị Đông sẽ sang Việt Nam học tiếng Việt. Dự định của chị là 'giỏi tiếng Việt' và 'rành đường' ở Việt Nam để mở dịch vụ đưa người Thái sang Việt Nam du lịch.

"Nhiều người Thái thấy tôi du lịch Việt Nam thì mê lắm. Họ muốn tôi dắt qua Việt Nam chơi", chị Đông nói.

"Tôi lao động nặng quen rồi. Bây giờ vất vả như thế này cũng không ăn thua gì", chị Đông nói với nụ cười tươi.

Vươn lên từ nghèo khó

Nhiều người Thái gốc Việt 'ăn nên làm ra' ở Bangkok (ảnh minh họa)

Sinh ra ở Thái Lan nhưng hoàn cảnh của chị Đông giống như nhiều trường hợp phụ nữ nông thôn Việt Nam.

Chị từng lấy chồng là người Thái từ khi còn rất trẻ và có hai con gái đã chia tay.

Chị Đông không bao giờ quên những ngày chị một mình đội mưa nắng, sáng sớm đẩy xe đi bán, tối đi bỏ mối hàng, đêm về trông con đến kiệt sức.

Nay hai con chị Đông đã trưởng thành. Chị Đông có điều kiện giúp đỡ những người Việt nghèo khó hơn hoặc mới sang Thái Lan còn bỡ ngỡ.

Thế hệ ông bà chị Đông sang Thái Lan từ nhiều năm trước đã dạy cho con cháu cách làm ăn tần tảo và đoàn kết.

Mười anh chị trong gia đình chị Đông Tết năm nào cũng sum họp, gói bánh chưng, giò, lạp xường gửi chị Đông bán ở Bangkok.

Chị Đông nói mình chưa thực sự giàu có, nhưng 'có của ăn của để' và vẫn đang có nhiều kế hoạch phát triển kinh doanh.

Nói về cộng đồng người Thái gốc Việt tại Thái Lan, đặc biệt là nữ giới, anh Đậu Văn Quân, tiến sỹ ngành tài nguyên nước, hiện đang làm việc tại trường Đại học Heriot-Watt, Anh quốc, cho BBC biết:

"Rất khó để đánh giá thế nào là giàu, nhưng so với cộng đồng người Thái thì người Thái gốc Việt khá thành đạt."

"Hầu hết người Việt qua Thái lao động hoặc người Thái gốc Việt thường kinh doanh đơn giản như mở hàng ăn. Nhưng họ biết xoay xở làm nhiều nghề một lúc."

"Điều đáng nói là họ làm được điều đó chỉ trong một thời gian ngắn, vài chục năm. Bởi trước kia hồi chiến tranh, người Việt chạy sang Thái ai cũng nghèo cả."

Anh Quân nói vùng Đông Bắc Thái nơi anh ở ít nhất cũng có tới vài ngàn người Thái gốc Việt.

"Người Thái gốc Việt ở đây rất đoàn kết. An ninh ở Thái Lan khá tốt nên làm ăn hợp pháp, lại chịu khó, cần cù, không ít người mua được ô tô, đất đai."

"Tôi từng biết một chị bán gánh cháo mà một mình nuôi bốn con, còn có tiền mua nhà ở Việt Nam."

Nguồn: Mỹ Hằng/ BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo