Kinh tế

Hướng về một nền kinh tế khởi sắc

Cập nhật lúc 01-01-2009 06:54:04 (GMT+1)
Hi vọng về nền kinh tế toàn cầu phát triển

 

Những giờ khắc cuối cùng của năm 2008 nhọc nhằn cũng trôi qua. Cả thế giới đều đau đáu hướng về một chặng đường mới tươi sáng hơn. Những dự báo, xu hướng về kinh tế, chính trị ở các châu lục đã được đưa ra.


Quan điểm của các tỉ phú Mỹ

Những người giàu nhất nước Mỹ nghĩ gì về tương lai của quốc gia này trong năm tới? Tạp chí Forbes đã phỏng vấn 12 tỉ phú có tên trong danh sách 400 người giàu nhất nước. Câu trả lời nhìn chung đều tin tưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khởi sắc trở lại vào khoảng quý 4-2009 hoặc quý 1-2010. Dự báo về tình hình thất nghiệp trong năm 2009, các đáp án dao động từ 7% đến hơn 10%. Tỉ lệ thất nghiệp vào tháng 11.2008 của Mỹ là 6,7%, mức kỷ lục trong 15 năm qua.

Khi được hỏi về xu hướng đáng báo động nhất mà nền kinh tế đối mặt, nhiều người tin rằng đó chính là tâm lý sợ hãi. “Toàn bộ nền kinh tế đã mất niềm tin vào khả năng bật dậy của chính mình. Kết quả là đồng tiền sẽ bị xếp xó lâu hơn mong muốn và khi được đưa ra thị trường, nó sẽ bị quản lý rất chặt” - Mark Cuban, tỉ phú có 2,6 tỉ USD, nhìn nhận.

Một số khác cảnh báo xu hướng mà những người cực giàu đang lo ngại: thiếu tín dụng và việc giải ngân ồ ạt gói cứu trợ liên bang. Ông trùm dược phẩm R.J. Kirk, người có 1,6 tỉ USD, lý giải: “Động thái của chính phủ cho thấy những kẻ đang hiện diện được ưu đãi nhiều hơn, điều đó gây ức chế cho những người có tư tưởng đổi mới”. 

Nhìn chung, tâm trạng của các tỉ phú Mỹ đều ở hai thái cực đối lập: hoặc rất tích cực hoặc rất tiêu cực. Các tỉ phú làm giàu từ tài chính và bất động sản tỏ ra bi quan hơn rất nhiều so với những người giàu lên từ các lĩnh vực khác. Phe đầu cơ giá lên tin rằng chỉ số công nghiệp Dow Jones trung bình đã chạm đáy và sẽ tăng trưởng trở lại, trong khi phe giá xuống dự báo thị trường còn tiếp tục giảm xuống đến mức 6.500 điểm. Chỉ số này vào cuối phiên giao dịch hôm 30.12 đạt gần 8.700 điểm, tăng 184 điểm so với phiên giao dịch trước.

Các thành viên của nhóm Forbes 400 đều rất tích cực đề xuất ý tưởng cho quyết sách tài chính đầu tiên của chính quyền ông Barack Obama. Tỉ phú Cuban cho rằng “sự minh bạch trong bất kỳ khoản trợ vốn chính phủ nào” nên là ưu tiên hàng đầu của tổng thống mới. Trong khi đó, ông trùm địa ốc Leon Charney cho rằng “tìm ra cách để chống lại cuộc khủng hoảng trong ngành ôtô mà không cần sự can thiệp của Cục Dự trữ liên bang” là vấn đề đầu tiên mà Bộ Tài chính nên giải quyết.

Thái độ đối với các hoạt động từ thiện của giới nhà giàu có thay đổi so với những năm trước. Một số tỉ phú cho biết nền kinh tế khó khăn khiến họ cho đi nhiều hơn, số khác ưu tiên tặng quà từ thiện để đáp ứng các nhu cầu xã hội cấp bách thay vì quyên góp cho các tổ chức văn hóa. Ông trùm bất động sản và truyền thông Mort Zuckerman cho biết vẫn duy trì các hoạt động từ thiện, dù quỹ từ thiện của ông thua lỗ 30 triệu USD do dính vào vụ lừa đảo của Madoff.

Hầu hết tỉ phú đều thừa nhận tài sản của họ bị thiệt hại nghiêm trọng trong những tháng qua. Đa số đều cho rằng mức giá trị tài sản tối thiểu để được xếp vào danh sách Forbes 400 của năm 2009 nên được giảm xuống 1 tỉ USD hoặc ít hơn, thay vì 1,3 tỉ USD như trong năm 2008.

Châu Á: vẫn là điểm sáng

Châu Á bước sang năm 2009 với những ảnh hưởng nặng nề và không có quốc gia nào có khả năng miễn nhiễm trước cơn bão tài chính. Nền kinh tế lớn nhất khu vực - Nhật Bản - chính thức đi vào suy thoái, trong khi chỉ số phát triển Trung Quốc được dự báo giảm mạnh. “Viễn cảnh của châu Á sẽ rất khó khăn” - AFP dẫn lời chuyên gia phân tích Glenn Maguire của Société Générale.

Tuy nhiên, châu lục này sẽ vẫn phát triển vượt trội so với các khu vực khác trên thế giới. Kinh tế châu Á được dự báo sẽ hồi phục vào quý 3-2009 cùng với sự ổn định của kinh tế thế giới. Theo dự báo của IMF và WB, chỉ số phát triển của châu Á trong năm 2009 sẽ vào khoảng 4,9-5,3%. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo con số này sẽ là 5,8%, riêng khu vực Đông Nam Á vào khoảng 3,5%. Những số liệu này hoàn toàn khả quan trong bối cảnh bóng đen suy thoái đang bao trùm các khu vực phát triển của thế giới.

Lúc này các quyết sách khôi phục kinh tế vẫn đang được thực hiện quyết liệt. Chính phủ Nhật vừa thông qua khoản ngân sách kỷ lục tương đương 980,6 tỉ USD cho năm tài chính 2009 và cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng hoảng. Đồng thời, gói cứu trợ trị giá 586 tỉ USD của Trung Quốc được đánh giá sẽ mang đến những hiệu quả tích cực trong thời gian tới. Còn Singapore vừa quyết định cắt giảm lãi suất xuống 1,25% nhằm kích thích các khoản vay kinh doanh. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ tung ra những gói cứu trợ kinh tế trong thời gian tới.

Một cuộc khủng hoảng tương tự năm 1997 được tin rằng khó có khả năng xảy ra, bởi giờ đây châu Á đã mạnh mẽ hơn, có khả năng phản ứng nhanh hơn. Ngoài ra, “châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với kinh tế thế giới, bởi cuộc khủng hoảng hiện tại đang buộc cơ cấu của nền tài chính toàn cầu phải thay đổi” - chuyên gia kinh tế Nicholas Kwan của Standard Chartered nhận định.

Châu Âu: một chữ “suy thoái”

Các công dân châu Âu đón nhận năm mới bằng những dự báo không mấy lạc quan. Theo một báo cáo công bố đầu tháng 12-2008 của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London, tổng quan kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy giảm 1,3% trong năm nay. Independent dẫn báo cáo này cho biết Pháp, Đức, Anh và Ý sẽ khó thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm nay.

Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo ở Đức dự báo mức tăng trưởng âm 2,2% đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2009. Chuyên gia kinh tế Parmy Olson bình luận trên Forbes rằng các nước châu Âu, điển hình là Đức, đã tỏ ra thiếu can đảm hơn nhiều so với Mỹ và Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 16 tỉ USD của Đức (tương đương 0,6% GDP) là quá nhỏ nhoi khi đặt cạnh chương trình 586 tỉ USD của Trung Quốc hay 700 tỉ USD của Mỹ.

Riêng tại Anh, những dự báo đều bao trùm màn sương u ám. Hãng tin Bloomberg hôm 31-12-2008 đã đi xa tới mức cho rằng nước Anh, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sẽ hành xử giống nhiều nước đang phát triển: ngửa tay cầu viện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tương lai không xa. Trước đó, CEBR dự đoán kinh tế Anh sẽ suy giảm 2,9% trong năm 2009, đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tại Ý, khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế ISAE về lòng tin của giới doanh nhân trong năm 2009 đưa ra kết quả thấp kỷ lục trong suốt 20 năm qua. Còn ở Pháp, AFP dẫn nguồn Cơ quan thống kê nhà nước Insee dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 1993, với mức sụt giảm lần lượt là 0,4% và 0,1% cho hai quý đầu năm.

Chuyên gia kinh tế Parmy Olson kết luận: “Việc Anh và Pháp đang bán hàng tỉ USD trái phiếu chính phủ để thu về tiền mặt sẽ dẫn tới những khoản thâm hụt tài chính và thuế má cao hơn trong năm 2009. Những chính phủ nợ nần nhiều và có độ tin cậy tài chính thấp (như Ý hay Hi Lạp) sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bán các khoản nợ của họ trước sự cạnh tranh từ phía Anh, Đức. Và như thế với rất nhiều nền kinh tế châu Âu trong năm 2009, việc ngăn chặn suy thoái sẽ là không thể”.

Theo Tuổi Trẻ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo