Bị cảnh sát phạt vì…lương thấp
![]() |
Ảnh minh hoạ. (Tomáš Krist, MAFRA) |
Một tài xế chuyên nghiệp từ Cộng hòa Czech đã bị cảnh sát Pháp phạt 135 euro, không phải vì bất kỳ lỗi vi cảnh nào mà chỉ vì can tội…lương thấp. Từ tháng Bẩy 2016 ở Pháp đã có hiệu lực đạo luật mới, theo đó qui định các hãng vận tải nước ngoài trên lãnh thổ Pháp phải trả lương cho tài xế của mình ít nhất tương đương mức lương tối thiểu ở Pháp.
Cảnh sát Pháp làm việc rất chắc chắn. Muốn mỗi tài xế phải có xác nhận bằng tiếng Pháp, là được lĩnh mức lương ít nhất cũng tương đương với đồng nghiệp ở Pháp. Và tài xế chuyên nghiệp từ Czech không có chứng từ đó nên trở thành công dân Czech đầu tiên bị phạt tiền vì “tội” có mức lương quá thấp so với các đồng nghiệp Pháp làm việc trong ngành giao thông vận tải.
“Chúng tôi đã nộp phạt thay cho người lái xe, bởi chúng tôi không tán thành những biện pháp như vậy. Nếu tài xế không chịu nộp phạt, sẽ không thể tiếp tục hành trình theo kế hoạch,” Radoslav Kusák, giám đốc hãng vận tải ČSAD ở Uherské Hradiště, cơ quan chủ quản của tài xế bị phạt, cho biết.
Trong những năm tới chuyện bị phạt như vậy sẽ trở nên phổ biến là đương nhiên. Bởi các nước Tây Âu ngày càng muốn bảo vệ thị trường lao động của mình trước các tài xế chuyên nghiệp từ các quốc gia có chi phí thấp hơn, bằng cách nghĩ ra nhiều biện pháp nhằm cân bằng chi phí. Và không chỉ qua mức lương, mà cả những cản trở khác, ví dụ như nghĩa vụ nghỉ ngơi của tài xế trong khách sạn chứ không được phép ngủ trong ca-bin xe tải đường trường.
Mối đe dọa lớn nhất cho các hãng vận tải Czech là biện pháp tương tự bắt buộc mức lương tối thiểu ở Đức. Tạm thời qui định này chưa được thực hiện vì đang bị Ủy ban châu Âu điều tra. Trong khi đó, lãnh thổ Đức là nơi các hãng vận tải Czech hoạt động nhiều nhất.
“Cả một số quốc gia khác cũng cân nhắc biện pháp tương tự. Từ đầu năm 2017 là Áo, Hà Lan và Bỉ, còn từ nay đến cuối năm Italia sẽ thực hiện. Điều này với giao thông vận tải khắp châu Âu là hoàn toàn không thể hình dung. Đấy không phải là biện pháp bảo vệ người lao động, mục đích duy nhất là đẩy các công ty chúng tôi ra khỏi thị trường của họ,” chủ tịch hiệp hội các hãng giao thông vận tải Česmad Bohemia Vojtěch Hromíř bình luận.
Qui định của EU về việc cử nhân viên ra nước ngoài đòi hỏi các công ty, phải trả cho người làm công của mình ít nhất mức lương tương đương lương tối thiểu ở quốc gia nơi sang làm việc lâu dài. Với đại đa số các ngành nghề thì qui định này có ý nghĩa. Nhưng với công việc, khi mà trong vòng 24 giờ đồng hồ người lao động phải đi qua lãnh thổ nhiều quốc gia thì qui định này gây rắc rối.
Tình hình hiện nay là tranh chấp, bởi không rõ tài xế xe tải quá cảnh có thuộc vào nhóm nhân viên cử ra nước ngoài làm việc theo qui định của EU hay không, hay các tài xế có qui định pháp lý riêng biệt. Chính vì sự mập mờ này, nên một số quốc gia áp đặt nghĩa vụ lương tối thiểu cho tài xế chuyên nghiệp nước ngoài.
Mai Hương- iDnes©Vietinfo