Luật LB Đức

Khi có nguy cơ rơi vào nợ nần, cần biết

Cập nhật lúc 22-11-2010 15:35:32 (GMT+1)
Ảnh minh họa: internet

 

Theo một khảo sát mới đay của Học viện nghiên cứu về Dịch vụ Tài chính (Institut für Finanzdienstleistungen-IFF), tại Đức có tới 3 triệu hộ gia đình hiện đang lâm vào cảnh 'nợ nần chồng chất'. Mức nợ trung bình vào khoảng 33.000 Euro. Làm thế nào để tránh được những cạm bẫy này? Làm thế nào để giải quyết các món nợ? Dưới đây là một vài hướng dẫn:


Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc nợ trầm trọng, nhưng chúng ít khi là những lý do cá nhân, mà thường vì mất việc làm, việc làm thêm không đủ chi phí hoặc vì ly hôn. Nhóm người thiếu nợ lớn nhất gồm 19% là những người nuôi con một mình. Bên cạnh đó, những nguyên nhân đáng kể đến nữa là cách tiêu xài, mua sắm phung phí hoặc sáng kiến tự thành lập công ty, tự hành nghề nhưng không thành.

Mắc nợ trầm trọng là khi thu nhập hàng tháng của một người không đủ trang trải mọi khoản chi phí và sinh hoạt hàng ngày trong thời gian dài, kể cả khi đã giảm thiểu tối đa các nhu cầu cuộc sống.

Người rơi vào hoàn cảnh nợ nần thường bị tâm lý lẩn tránh mọi người, và đáng tiếc chỉ tìm đến văn phòng tư vấn khi chấp hành viên toà án đã đứng trước cửa, hoặc khi tài khoản bị kê biên. Theo kết quả khảo sát của Học viện IFF, những ai sớm tìm người giúp đỡ chuyên nghiệp, có thể thoát khỏi nợ nần long đong nhanh hơn tới 3 năm. Hiện nay, thời gian từ lúc một người rơi vào hoàn cảnh khốn khó, dẫn đến nợ nần chồng chất rồi sau đó vực lại khả năng tài chính toàn vẹn, trung bình kéo dài 14 năm. Người sáng lập ra Học viện IFF, ông Udo Reifner, khuyến cáo rằng, sau khi mất việc làm hoặc ly thân với bạn đời, nếu cảm thấy tình hình tài chính của mình có phần không ổn định, nên tìm ngay người giúp đỡ.

Rất nhiều văn phòng tư vấn cho người mắc nợ thuộc các tỉnh, thành, các hiệp hội thiện nguyện (như Caritas, Diakonie, DRK-Hội chữ thập đỏ Đức và AWO-Tổ chức thiện nguyện của người lao động) được công nhận và hoạt động dưới dạng Văn phòng tư vấn cho người mất khả năng trả nợ (Insolvenzberatung). Đầu tiên, người mắc nợ và nhà tư vấn phải cùng bàn luận và tổng kết lại tình hình tài chính, đặc biệt đối với người lao động cần xem xét những nguồn chi tiêu có thể tiết kiệm như các loại bảo hiểm không cần thiết. Bước thứ nhất là làm sao đưa mức tài khoản từ âm trở về 0, tiếp theo có thể dàn xếp ngoài toà với chủ nợ và thoả thuận phương pháp trả góp linh động. Tại các văn phòng tư vấn cũng có nhiều dạng mẫu thư và đơn, ví dụ thư/đơn xin hoãn trả nợ.

Privatinsolvenz (phá sản tư nhân) là thế nào? Trước tiên, người mắc nợ phải cùng cộng tác với văn phòng tư vấn có thẩm quyền của mình hoặc một luật sư nhằm xoá nợ ngoài toà. Nếu không đạt được thoả thuận nào, cần đặt đơn xoá nợ qua xét xử toà án. Khi quá trình này cũng không mang lại kết quả gì, toà án sẽ bắt đầu trình tự phá sản của người tiêu dùng (Verbraucherinsolvenzverfahrren). Lúc đó, người mắc nợ phải trao toàn bộ tài sản và thu nhập có thể kê biên 6 năm cho một cán bộ giám hộ của toà. Tất cả những khoản tiền gom góp được trước tiên dùng để trả các phí tổn toà án và thủ tục, phần còn lại để chia trả cho các chủ nợ. Nếu người mắc nợ chấp hành đầy đủ các quy định luật pháp, sau 6 năm họ sẽ được xoá bỏ hết phần nợ còn lại.

Chủ nợ có thể đặt đơn xin kê biên tài khoản của con nợ bằng một quyết định kê biên và chuyển đổi tài khoản. Việc này sẽ do toà Amtsgericht thi hành. Nếu chủ nợ là các công sở nhà nước, họ có quyền tự ra lệnh kê biên và tịch thu tài sản mà không cần đơn từ của Toà án. Tại Đức, mỗi tháng có khoảng 300.000-350.000 vụ kê biên tài khoản. Nhưng theo thống kê cho thấy, khoảng 80% các món nợ đều không thể đòi lại. Trong trường hợp kê biên tài khoản, các ngân hàng không được phép đòi bất cứ phí tổn nào, vì đây là một hành động thực thi trách nhiệm luật pháp. Trước đây, khách hàng có tài khoản đã kê biên sẽ bị cấm không được sử dụng và hoàn toàn bị phong toả. Kể từ ngày 1.7.2010, nhà nước cho phép mở thêm loại tài khoản gọi là tài khoản đề phòng kê biên (Pfändungsschutzkonto, gọi tắt là P-Konto) và chế tài chính sách bằng luật pháp. Mỗi khách hàng đều có thể chuyển đổi tài khoản hiện nay của mình. Trong trường hợp bị kê biên tài khoản, hàng tháng, khách hàng vẫn có thể sử dụng một khoản được miễn khấu trừ quy định theo luật pháp và tiếp tục được phép giao dịch không cần tiền mặt. Như vậy, người mắc nợ sẽ an toàn hơn, bất kể thu nhập của họ là thế nào và bất kể những thủ tục quan liêu có rườm rà đến đâu, họ vẫn có quyền hưởng một khoản tiền để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Các cố vấn về nợ khuyến cáo người tiêu dùng nên đến ngân hàng để được tư vấn riêng trước khi đổi tài khoản cũ sang P-Konto. Văn phòng tư vấn nợ cũng có thể cấp giấy chứng nhận sử dụng các khoản miễn khấu trừ. Một mẫu chứng nhận đã được Uỷ ban tín dụng trung ương của các ngân hàng và quỹ tiết kiệm (Zentrale Kreditausschuss der Banken und Sparkassen-ZKA) cùng in sẵn, có thể tải xuống miễn phí từ trên trang mạng www.infodienstschuldnerberatung.de (từ cần tìm qua 'Sucheingabe' là 'P-Konto', tiếp theo nhấn chuột vào hàng chữ 'Musterbescheinigung zu P-Konto'). Ngoài ra, các trang mạng www.vzs.de (trang của Trung tâm tư vấn người tiêu dùng Sachsen), www.bmj.bund.de (trang của Bộ Tư pháp liên bang) cũng ghi đầy đủ thông tin về vấn đề này.

Một số giải đáp điển hình trong chương trình tư vấn của Trung tâm tư vấn người tiêu dùng bang Sachsen và hai ngaanhafng Sparkasse Leipzig cũng như Commerzbank Leipzig thực hiện:

Ngân hàng nào cho phép mở P-Konto? Và thủ tục xin mở tài khoản đó như thế nào? Trên nguyên tắc, tất cả các ngân hàng đều cho phép mở P-Konto, với điều kiện phải có sẵn một tài khoản giao dịch thông thường. Khách hàng cần đặt đơn xin ngân hàng chuyển đổi tài khoản thường này sang P-Konto.

Người xin trợ cấp Hartz IV có được mở P-Konto không, kể cả khi có bảo đảm tuyên thệ? Tất nhiên, nếu người hưởng Hartz IV có một tài khoản giao dịch sẽ có thể đổi sang P-Konto.

Khoản miễn khấu trừ được bảo đảm trong P-Konto sẽ là bao nhiêu? Khoản miễn khấu trừ gốc trước khi bị kê biên là 985,15 Euro/tháng. Số tiền này tuỳ theo từng hoàn cảnh riêng sẽ tăng thêm, ví dụ như khách hàng được hưởng tiền con hoặc tiền nhà. Thêm vào đó, người đầu tiên nhận cấp dưỡng cũng được thêm 370,76 Euro/tháng trong mức miễn khấu trừ này, mỗi người tiếp theo được thêm 206,56 Euro/tháng. Để được nhận những mức khấu trừ phụ thêm đó, khách hàng cần nộp cho ngân hàng của mình các giấy chứng nhận của chủ lao động, cơ quan cấp trợ cấp xã hội hoặc của văn phòng tư vấn nợ.

Tôi có thể rút tiền về trong thời gian tới, nếu tôi không sử dụng hết mức được miễn khấu trừ? Tất nhiên là có. Khách hàng được phép nhận một tổng số tiền tương đương tối đa với mức được miễm khấu trừ.

Tài khoản đang bị âm có được chuyển sang P-Konto không? Trên nguyên tắc, P-Konto là một tài khoản tài sản. Khi một tài khoản thường đang bị âm, các ngân hàng sẽ xử lý khác nhau. Một vài ngân hàng sử dụng các khoản thu nhập để bù vào phần thiếu hụt, nghĩa là khách hàng sẽ không được bảo đảm thanh toán. Khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng của mình, lập một tín dụng hoàn nợ (Umschuldungskredit) để trả nợ tài khoản, sử dụng song song với P-Konto.

Phí trả cho P-Konto có đắt hơn tài khoản thường không? Các ngân hàng đều có phí khác nhau. Một vài nơi cho phép mở P-Konto theo những điều kiện của tài khoản trước đó. Những nơi khác lại đòi phí cao hơn. Khách hàng nên hỏi lại chính ngân hàng của mình để biết thêm thông tin cụ thể.

Người tự hành nghề có được mở P-Konto không? Mỗi người đều có quyền mở một P-Konto, với điều kiện (như đã nói trên) là có sẵn một tài khoản giao dịch thông dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả đầu vào của tài khoản đều được tính vào bên có (tiền mình có) và chỉ được sử dụng đến mức tối đa miễn khấu trừ.

Có được mở P-Konto sau khi tài khoản đã bị kê biên không? Tất nhiên là được. Sau ngày kê biên, ngân hàng còn thời gian là bốn tuần trước khi bắt buộc chuyển khoản cho chủ nợ, trong lúc đó, khách hàng vẫn được đổi tài khoản và lấy về phần miễn khấu trừ của mình.

(còn tiếp)

Nguồn Wordpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo