Luật Séc - Slovakia

Séc: Tình trạng khẩn cấp hiện tại là vi hiến

Cập nhật lúc 23-02-2021 17:24:10 (GMT+1)
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Liên tiếp chính phủ của thủ tướng Andrej Babiš hứng hai phán quyết khẳng định về những quyết định vi hiến. Sau phán quyết của Tòa Hiến pháp một ngày trước, cho rằng lệnh cấm các cửa hàng bán lẻ hoạt động trong thời gian từ 28/01 đến 14/02/2021 là vi hiến; thì Tòa án Thành phố Praha ngày 23 tháng Hai 2021 ra phán quyết khẳng định quyết định về tình trạng khẩn cấp đang có hiệu lực của chính phủ cũng vi phạm hiến pháp CH Séc.


Chính phủ của thủ tướng Andrej Babiš thể theo yêu cầu của các quan thống đốc tỉnh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 14 đến 28 tháng Hai 2021. Nhưng ngày 23 tháng Hai, Hội thẩm đoàn do chánh án Milan Tauber đứng đầu đưa ra kết luận, là chính phủ không nên ban hành quyết định này và các quan thống đốc tỉnh chỉ có thể yêu cầu chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình dịch bệnh diễn biến rất xấu. Tòa án Praha trong phán quyết của mình nêu rõ, rằng chính phủ khi ra tuyên bố mới về tình trạng khẩn cấp về bản chất chỉ là gia hạn tiếp tình trạng khẩn cấp đang có vào thời điểm đó, mà đã bị Quốc hội từ chối gia hạn.

Theo tòa án, đề nghị của các quan thống đốc tỉnh yêu cầu chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới không hề dựa trên bất kỳ lí do thực tế mới nào.

Chánh án Milan Tauber và đoàn hội thẩm đi đến kết luận như vậy sau khi xem xét đơn kiện của một nam sinh năm thứ nhất trường Gymnázia Na Zatlance ở Praha. Tòa án thỏa mãn nguyên đơn đòi tái lập hình thức giảng dậy bình thường hàng ngày. Cấm mô hình giảng dậy trực tuyến vì lí do, rằng hình thức này được thiết lập trên cơ sở tình trạng khẩn cấp mà chính phủ ban bố vi hiến. Phán quyết này đã có hiệu lực pháp lý và cơ hội kháng án duy nhất là khiếu nại lên Tòa Hành chính Tối cao.

Ví dụ điển hình về hành động lẩn tránh qui tắc hiến pháp

Trong phán quyết, tòa án cũng lưu ý, rằng Quốc hội theo luật định có thể tuyên bố hủy tình trạng khẩn cấp hiện nay của chính phủ. Bởi theo tòa, chính phủ phải chịu trách nhiệm của mình trước Quốc hội, chứ không phải trước các tỉnh trưởng và thị trưởng Praha, những người đã đề nghị chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo quan tòa Milan Tauber, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống trớ trêu khi chính phủ tuyên bố lặp đi lặp lại tình trạng khẩn cấp mới và Quốc hội lại biểu quyết hủy.

Trong khi đó, thủ tướng Andrej Babiš (ANO) và phó thủ tướng thứ nhất Jan Hamáček (ČSSD) tiếp tục kiên định quan điểm, rằng hoạt động của chính phủ đều tuân thủ hiến pháp. Với tình hình hiện nay, không chỉ nhiều thượng nghị sĩ mà cả một số chuyên viên luật hiến pháp đã đánh giá các động tác của chính phủ là vi hiến.

Cùng với diễn biến này, Tòa Hiến pháp CH Séc cũng sẽ xem xét khiếu nại của 35 thượng nghị sĩ. Các thượng nghị sĩ này muốn Tòa Hiến pháp phân xử, xem liệu tuyên bố tình trạng khẩn cấp hiện nay của chính phủ có hợp hiến hay không.

Phán quyết của Tòa án Praha có thể mang đến hệ quả hết sức to lớn. Bởi nếu tình trạng khẩn cấp hiện nay được chính phủ ban hành không tuân thủ qui tắc hiến pháp, thì mọi hành vi vi phạm bị xử lý sẽ được coi là vô giá trị.

David Nguyen- Seznam Zprávy, Aktuálnĕ.cz

©Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo