Luật Séc - Slovakia

Tất cả những thay đổi cần biết xung quanh các loại hợp đồng

Cập nhật lúc 01-12-2013 12:15:00 (GMT+1)
Ảnh minh họa (ČT)

 

CH Séc - Hợp đồng tặng quà, hợp đồng mua bán hay vay mượn. Từ tháng giêng 2014, Bộ Luật Dân sự mới mang lại những thay đổi trong các hợp đồng mà chúng ta đã biết, và đồng thời mang lại cả những loại hợp đồng mà chúng ta chưa biết. Bài báo này chủ yếu sẽ viết về hợp đồng mua bán. Liệu Bộ Luật Dân sự có giữ lại thời hạn bảo hành 24 tháng? Và những thỏa thuận phụ nào có thể là được phép?


Chúng ta sẽ bắt đầu từ những điều đơn giản – tặng quà. Thông qua Hợp đồng tặng quà chúng ta chuyển quyền sở hữu của một vật sang một người khác, người này nhận lấy món quà đó, và không phải mất tiền. Bộ Luật Dân sự mới có nhiều sửa đổi đối với loại hợp đồng phổ biến này. Trong phần lớn các trường hợp, chỉ cần thỏa thuận miệng (chỉ đơn giản thỏa thuận về việc tặng quà). Việc tặng quà sẽ phải lập thành văn bản một khi quà tặng nằm trong trước bạ (ví dụ trong địa đồ nhà đất). Văn bản cần được lập ngay cả trong trường hợp quà không được chuyển giao ngay lập tức.

Ví dụ: Tôi thỏa thuận với người bạn là sẽ tặng lại anh chiếc ô tô cũ mà tôi vẫn để ở quê, và anh ấy đồng ý. Bằng cách viết lại những thỏa thuận đó, chúng tôi có hợp đồng tặng quà và từ lúc đó tôi bị ràng buộc và tôi phải chuyển cho anh ấy món quà. Nếu tôi chỉ hứa „miệng“ rằng sẽ tặng anh ấy chiếc ô tô, nhiều nhất anh sẽ chỉ được đền bù cho những chi phí mà anh đã phải chi trả vì đã được hứa (ví dụ tiền thuê gara đỗ xe) mà cuối cùng không nhận được ô tô. Như vậy thỏa thuận trên văn bản bảo vệ cho quyền lợi của người được tặng quà.

Việc tặng quà cũng có thể bị hủy bỏ. Trước kia, chỉ có thể hủy bỏ vì sự „bạc bẽo“ của người được tặng quà (nghĩa là vì thái độ xúc phạm thô lỗ với người đã tặng quà), ngày nay quà tặng có thể được hủy bỏ vì lý do kinh tế của người tặng quà (một khi người tặng quà không đủ nuôi thân hoặc nuôi con...). Một thay đổi mới là tặng quà trước khi chết, mà bộ luật hiện nay chưa cho phép. Cách tặng quà này còn được gọi là di lệnh. Khi người tặng quà từ bỏ quyền hủy bỏ việc tặng quà và đưa ra một văn bản về điều này, thì sẽ „chỉ“ tặng quà và không cần tính đến người thừa kế.

Hợp đồng mua bán

Sang năm mới, loại hợp đồng thông dụng nhất không có những thay đổi đáng kể. Một tin tốt lành cho các doanh nhân là các thay đổi sẽ xuất phát từ những sửa đổi trong bộ Luật Kinh doanh. Tuy nhiên có thay đổi.

Hợp đồng phải thành văn bản một khi đó là hợp đồng nhà đất hoặc nếu có một bên đối tác yêu cầu. Trong các trường hợp khác, chỉ cần thỏa thuận miệng. Tuy nhiên có văn bản hợp đồng lúc nào cũng sẽ tốt hơn. Ví dụ khi phải chứng minh – những thỏa thuận miệng sẽ rất khó minh chứng. Phần lớn các doanh nhân đều theo nguyên tắc này. Chỉ rất hãn hữu mớii gặp ai bán hàng mà chỉ có thỏa thuận miệng.

Điều kiện của hợp đồng mua bán là phải có sự có mặt của tiền bạc. Khi tôi đưa cho người hàng xóm chiếc máy cắt cỏ của mình và anh ta đưa lại tiền cho tôi, thì đó là một thỏa thuận mua bán. Nếu như anh ta mang lại cho tôi sáu con gà, thì đó là sự đổi chác, và là một loại hợp đồng khác.

Có một thay đổi là chúng ta gánh nhận nguy cơ hỏng hóc (điển hình là món hàng bị vỡ) vào thời điểm nhận hàng. Nhờ đó tình huống khi người đưa hàng mang đến mặt hàng đã bị vỡ, sẽ trở nên đơn giản hơn. Hiện nay, người bán hàng có thể ra định lệ là chúng ta có trách nhiệm với món hàng ngay sau khi thanh toán. Và như vậy sẽ phải đòi bên chuyên chở bồi thường và phải chứng minh được rằng chính anh ta đã làm mặt hàng hỏng vỡ.

Bộ Luật Dân sự mới cũng mở rộng thêm các thỏa thuận phụ. Nghĩa là các thỏa thuận có thể dàn xếp được và bằng cách đó có thể thay đổi hợp đồng sao cho phù hợp hơn cho mình.Bộ Luật chia ra 7 dạng thỏa thuận phụ - đặc quyền của quyền sở hữu (Theo điều 601 của bộ Luật Dân sự, đặc quyền của quyền sở hữu là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người mua và người bán về việc quyền sở hữu món đồ sẽ thuộc về người bán một khi chưa thanh toán xong – ND), mua lại, mua trước, mua thử, và phụ lục về giá như hiện nay. Ưu tiên mua lại và ưu tiên người mua thích hợp nhất là một thay dổi mới.

Ưu tiên mua lại – tôi mua của người đồng nghiệp chiếc Tivi và trong hợp đồng tôi có quy ước rằng tôi sẽ để lại cho người đồng nghiệp chiếc Tivi đó (theo dạng mua lại trong tình trạng không bị xuống cấp và người đồng nghiệp hoàn lại tiền cho tôi)

Ưu tiên người mua thích hợp nhất – với tư cách là nguời bán, tôi có quyền ưu tiên cho người mua thích hợp nhất – một khi người đó xuất hiện đúng thời hạn đã định.

Những thay đổi trong hợp đồng mua bán trong Bộ luật Dân sự mới có liên quan đến trách nhiệm của người bán đối với các mặt hàng bị lỗi. Quyền của người mua sẽ được xác định theo mức độ nghiêm trọng của các lỗi đó. Không quan trọng liệu người bán có là doanh nhân hay không. Nhờ đó việc xác định mức độ nghiêm trọng của các lỗi trong hàng hóa sẽ đơn giản hơn. (Hiện nay có thể xử lý theo Luật Dân sự hoặc theo Luật Kinh doanh)

Bán một mặt hàng bị lỗi nặng ngay cả khi biết hàng có lỗi có nghĩa là người bán đã không tôn trọng hợp đồng một cách nghiêm trọng. Bởi anh ta chắc chắn phải biết là người mua sẽ không chấp nhận hợp đồng mua bán nếu biết trước hàng có lỗi nặng.

Nếu như lỗi của hàng đồng nghĩa với việc hợp đồng mua bán bị vi phạm nghiêm trọng, chúng ta có thể đòi chữa lỗi hỏng hóc hoặc đổi lấy hàng mới, sửa hàng hoặc hạ giá một cách đúng mức. Chúng ta cũng có thể rút lui khỏi hợp đồng.Nhưng nếu như khi đến thông báo hàng có lỗi, chúng ta không nói rõ với người bán chúng ta muốn xử lý theo cách nào từ những hình thức đã nhắc đến ở trên, thì trường hợp đó sẽ được coi là hợp đồng mua bán bị vi phạm một cách không nghiêm trọng. Nhưng trong những trường hợp đó, chúng ta vẫn có thể yêu cầu sửa lỗi hoặc hạ giá hàng.

Ví dụ: Chúng ta mua chiếc máy giặt. Nếu như lồng giặt của máy không hoạt động, chúng ta có thể có một loạt các khả năng để chọn (như chọn một chiếc máy mới, hoặc hủy hợp đồng). Nhưng nếu như lông giặt „chỉ“ bị gỉ. Chúng ta hoặc sẽ có quyền đòi thay sửa, hoặc được hạ giá.

Tuy nhiên, sang năm, sau khi Bộ Luật mới sẽ có hiệu lực, sẽ có thể có rắc rối, bởi một khi lỗi chưa được sửa chữa, chúng ta không phải trả toàn bộ tiền hàng. Chúng ta có thể hạ giá „một cách đúng mức“ – đơn giản là thanh toán ít hơn. Có điều, trong thực tế „ ước đoán một cách đúng mức“ sẽ là vấn đề. Ở đây, chắc là chúng ta sẽ cần phải viện đến tòa.

Một điều quan trọng cần phải lưu ý là trách nhiệm đối với những món đồ hỏng hóc mà chúng ta mua bây giờ, sẽ được qui xử theo những quy định hiện hành ngay cả sau ngày 1/1/2014.

Liệu từ sang năm, qui định về thời hạn bảo hành hai năm có còn có hiệu lực? Câu hỏi này đã gây ra nhiều tranh cãi. Bộ Tư Pháp khẳng định là có. Theo ông Frantisek Korbel, thứ trưởng cục pháp lý của Bộ Tư pháp đã nói „ Tất cả chỉ là cơn bão trong cốc nước. Đối với người tiêu dùng, các khía cạnh chính không hề thay đổi. Chỉ là thay khái niệm bảo hành hiện đang được thông dụng bằng một khái niệm về trách nhiệm đối với hỏng hóc“.

Tuy nhiên, hàng loạt luật sư cho rằng luật pháp không đủ rõ ràng và việc đòi bồi thường xét đến những hỏng hóc đã xuất hiện ngay trong thời điểm nhận hàng. Ông Robert Pelikan đã đưa ra một ví dụ cụ thể: nếu chiếc Tivi anh mới mua không hoạt động khi anh đã nối điện, thì anh có thể đòi bồi thường. Nếu lỗi này xuất hiện trong vòng nửa năm sau khi mua, thì lỗi này được coi là lỗi tiềm ẩn từ khi mua về, chỉ trừ khi người bán chứng minh được rằng hàng không có lỗi khi trao hàng. Nhưng nếu như một năm sau khi mua, Tivi mới ngừng hoạt động, anh có thể đòi bồi thường, nhưng anh sẽ phải chứng minh là lỗi đã tiềm ẩn từ khi mua hàng. Và để làm rõ sự việc, chắc chắn sẽ cần Tòa quyết định.

Và cuối cùng là một nhận xét quan trọng: hợp đồng làm việc tuân thủ theo Bộ Luật Lao động, chứ không phải Luật Dân sự

Người dịch: Thanh Mai (vietinfo.eu)

Nguồn: ČT

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo