Nhân vật

Câu chuyện pháp đình - Nguyễn Hữu Tráng (Berlin)

Cập nhật lúc 10-12-2019 07:09:47 (GMT+1)
Elizabeth Haysom và Jens Söring

 

Ký ức từ những dòng tin ngắn

Những ngày cuối năm 2019 thế giới và Đức đón nhận nhiều tin tức gây lo ngại, từ cuộc đấu trí chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc giải quyết xung đột thương mại, về việc Tổng thống Pháp Marcon coi NATO là „chết não“, mớ lùng nhùng BREXIT chưa biết sẽ ra sao, là nguy cơ đổ vỡ của Chính phủ „Đại liên minh“ ở Đức v.v. Giữa rừng thông tin như thế thì những bản tin ngắn cuối tháng 11 vừa qua liên quan đến một công dân Đức đã ngồi tù hơn 30 năm ở Mỹ vì tội giết người man rợ sắp được thả về Đức cũng không phải là „hot news“. Với tôi cũng vậy. Ai mà quan tâm đến tên tội phạm mang hai án tù chung thân sắp về nước. Nó chắc cũng giống như tin một nữ chiến binh IS người Đức vừa được phép mang con quay trở về cố quốc sau thời gian tham gia „thánh chiến“ (!).


Nhưng khi nhìn ảnh người này vào thời điểm phạm tội hơn ba mươi năm trước thì tôi giật mình vì trông hơi... quen quen.

Đó là vào cuối những năm 90 khi nước Đức còn chia cắt Đông-Tây. Tôi nhận được học bổng của DAAD (Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức) sang bên Tây Đức nghiên cứu và học tập. Tôi đến làm „nghiên cứu viên khách“ („Gastforscher“) tại Viện Max-Planck về luật công nước ngoài và công pháp quốc tế (Max-Planck Insititut für ausländisches öffentliches Recht und Völkerrecht) ở thành phố Heidelberg xinh đẹp bên sông Neckar bang Baden-Württemberg miền tây nam nước Đức. Đây là viện nghiên cứu hàng đầu của Đức và Châu Âu về luật công và luật pháp quốc tế, nơi có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Đức và nghiên cứu viên đến từ nhiều nước. Giáo sư Rudolf Bernhardt, Giám đốc Viện, là người đang giữ chức Chánh án Tòa án Châu Âu về nhân quyền khi đó hay mang những vụ việc cụ thể đang rất thời sự ở Tòa về Viện để các học giả nghiên cứu và tranh luận tại các buổi thảo luận khoa học vào mỗi ngày đầu tuần. Một trong những vụ việc như thế mà tôi được tham dự là vụ án liên quan đến một thanh niên Đức phạm tội giết người ở Mỹ, bị bắt giữ ở Anh và đang chờ thủ tục dẫn độ về Mỹ xét xử.

Những năm đó internet chưa phát triển như bây giờ. Mọi tin tức đều chỉ được đọc qua báo giấy, tạp chí chuyên môn hay những tài liệu của Viện. Tôi cũng thường chăm chỉ đọc những tài liệu như thế trước mỗi buổi thảo luận và hình ảnh của tên tội phạm chiếm trang nhất nhiều báo ở bên Tây Đức như in vào đầu tôi cũng như những người tham gia các phiên thảo luận ở Viện Max Planck khi đó.

Rồi năm 1990 phiên tòa ở Mỹ được xét xử sau khi phía Mỹ  cam kết không áp dụng án tử hình đối với tội phạm người Đức theo quyết định của Tòa án nhân quyền Châu Âu và đề nghị của Chính phủ Đức.

Có vẻ khi đó mọi người đều „hài lòng“ với bản án hai lần chung thân dành cho tên giết người trẻ tuổi nhưng máu lạnh đó và mọi sự dần đi vào quên lãng. Cuối năm 1990 tôi cũng rời Heidelberg về nước sau khi hai nhà nước Đức đã thống nhất.

Kỳ 1: Ngược dòng thời gian

Ngày 25/11/2019 vừa qua phía Đức nhận được một thông báo đặc biệt của cơ quan tư pháp Hoa Kỳ về việc công dân Đức Jens Söring (53 tuổi), người bị tòa án Mỹ kết án hai lần chung thân vào năm 1990 vì tội giết người, sẽ được trả tự do và bị trục xuất về Đức. Nếu chỉ là việc trục xuất một tù nhân về nước như những trường hợp khác thì dư luận cũng không mấy quan tâm. Nhưng đây lại là một vụ án hình sự vốn gây nhiều tranh cãi cả ở Mỹ và Đức, nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ và dư luận hai nước. Năm 2016 vụ này đã được dựng thành phim chiếu trên toàn nước Đức với tựa đề „Lời hứa - Chuyện tình của Jens Söring và Elizabeth Haysom“ của nhà báo Karin Steinberger. Trước đó, năm 2012 cuốn tự truyện của „tên tội đồ“ Jens Söring – người từng bị báo chí Mỹ gọi là „German Monster“ („quái vật Đức“) với tựa đề  „VÔ TỘI ! Tôi đã trở thành nạn nhân của tư pháp Mỹ như thế nào“ gây tiếng vang lớn và người ta mới giật mình xem lại toàn bộ vụ án. Hơn 30 năm ngồi tù và từ 1996 không được phép đọc báo chí Đức nên dù là người Đức nhưng ông không thể diễn tả được bằng tiếng mẹ đẻ mà phải viết bằng tiếng Anh và sau đó được dịch ra tiếng Đức.

 

Jens Söring năm 18 tuổi (1984) - Ảnh internet

Trong cuốn tự truyện „Vô tội” Jens Söring viết, khi ngồi trong nhà tù tôi mới nghĩ lại những ngày còn tự do, sống cùng gia đình và thấy mình khi ấy như là thuộc tầng lớp „đặc quyền“ không hề biết cuộc sống bên ngoài thực tế ra sao. Jens là con cả trong một gia đình cán bộ ngoại giao Đức, sinh năm 1966 tại Thái Lan khi cha ông làm việc ở đó, lớn lên ở Đức, Anh, Síp và Mỹ, đặc biệt có năng khiếu về ngoại ngữ và âm nhạc, thông thạo ba ngoại ngữ, cũng từng chơi trong những band nhạc ở trường phổ thông tại những nơi mà cha cậu được cử đến làm việc, từ thủ đô Bonn khi đó, đến Thái Lan và lâu nhất là ở Mỹ do cha cậu có mấy nhiệm kỳ ở đó. Cuộc sống của con em cán bộ ngoại giao cứ phải theo cha mẹ đi hết chỗ này đến chỗ khác, thay đổi trường học và bạn bè khiến cậu hầu như không có bạn thân. Nhưng bù lại cậu có cái cảm giác mình đứng ngoài những gì đang xẩy ra xung quanh, miễn dịch với những xung đột bên ngoài. Năm 1984 trong một chuyến đi nghỉ cùng gia đình sang Mexiko lần đầu tiên được chứng kiến những đứa trẻ trần truồng bẩn thỉu trong các khu ổ chuột tù đọng hôi thối ở đó cậu mừng thầm là mình sinh ra đã được hơn người. Và cũng trong chuyến bay từ Mexiko trở về Mỹ lần đó cậu sung sướng khi không phải xếp hàng dài để chờ đến lượt làm thủ tục nhập cảnh mà chỉ cần chìa hộ chiếu ngoại giao ra là được „vẫy cho đi“. Nhìn dãy người xếp hàng dài cậu như thấy mình thuộc đẳng cấp khác, hơn rất nhiều người thậm chí còn không có cơ hội được đi máy bay. Cũng vì thế trong cậu hình thành lòng tự tin thái quá về bản thân và dần dần cộng với những sự ngộ nhận khác cậu như trở thành một học sinh cá biệt, một người hãnh tiến, không cần học nhiều cũng luôn đạt điểm tuyệt đối. Nhưng trong sâu thẳm cậu biết mình cô độc, đã có lúc bị trầm cảm nặng mà cha mẹ và em trai không hề biết. Khi đến tuổi biết suy nghĩ chứng kiến cuộc sống xa nhau của cha mẹ khi cha cậu vì muốn các con được học hành liên tục ở một nơi nên đã từ chối lời đề nghị về làm việc ở Bộ Ngoại giao tại Bonn làm cơ sở cho sự thăng tiến trong sự nghiệp để ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Mỹ. Nhưng vì không thể ở Virginia nên cha cậu phải chuyển đến Tổng lãnh sự quán Đức tại Detroit. Em trai đi với cha còn mẹ cậu ở lại Virginia với cậu. Gia đình từ đó cũng bị chia đàn xẻ nghé. Trong đầu óc non nớt của cậu con trai đang trong thời kỳ dậy thì cậu cho rằng Tình yêu đồng nghĩa với sự hy sinh giống như cha mẹ cậu. Chính điều này ảnh hưởng đến quyết định sau này mà cậu cho là ngu ngốc nhất đã hủy hoại cuộc đời cậu khi nó chưa bắt đầu.

Thuộc diện học sinh có năng khiếu cao nên chẳng khó khăn gì cậu không giành được học bổng „Jefferson Scholarship“ cho những sinh viên năng khiếu hay còn được gọi là „Echols Scholars“ thuộc „University of Virginia“. 18 tuổi, lần đầu tiên rời khỏi vòng tay cha mẹ và được sống tự lập trong ký túc xá, cũng như những thanh niên mới lớn khác, Jens cảm thấy như mở ra một chân trời mới rực rỡ cần được khám phá. Từ nay cậu không còn bị cha mẹ kiểm soát, không còn bị coi là „trẻ con“ và có thể tự quyết định mọi vấn đề, được làm những gì mình thích.

Và buổi gặp mặt đầu tiên của những „Echols Scholars“ tại Trường đại học tổng hợp Virginia năm 1984 đã đẩy con trai nhà ngoại giao Đức Jens Söring rơi vào lưới tình và mở đầu cho những tháng ngày còn hơn dưới địa ngục.

Nguyễn Hữu Tráng (Berlin)
Nguồn: tapchihuongviet.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo