Nhân vật

Chân dung mỹ nhân Việt tàn đời vì... 'nàng tiên nâu'

Cập nhật lúc 21-04-2012 04:18:13 (GMT+1)

 

Rất nhiều mỹ nhân nổi tiếng Sài thành thưở ấy đã trở thành đệ tử "ruột" của nàng tiên nâu, rồi... thân tàn ma dại.


Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, Sài Gòn dày đặc các tiệm hút và thuốc phiện có ma lực, khiến giới nhà giàu, vũ nữ, đào hát... say đắm. Buổi đầu, hút thuốc phiện tăng thêm cảm khoái, hứng thú và cả sinh lực. Nhưng khi bắt đầu ghiền, người hút trở nên tôi tớ cho nó, chỉ biết sống theo bản năng. 

Nếu những người đẹp hút đủ và điều độ thuốc nguyên, thì có lẽ nhan sắc và giọng hát có thể cầm cự được với khoảng thời gian dài. Đằng này, sau vì không tiền, họ hút thuốc sái và bi kịch đến... 

Nhớ lại cô Sáu Huỳnh Kỳ, ngôi sao trong gánh Huỳnh Kỳ - Trần Đắc có giọng kim đồng bất hủ. Đó là giọng ca thật cao vút trong trẻo và lảnh lót mỗi khi cô ca tới câu “... chuông đồng hồ điểm boong boong, em lắng nghe 12 tiếng” thì thính giả cảm thấy xương sống mình tê rần ngay. Vì rằng khi hát tới hai chữ “boong, boong” giọng cô ngân nga, dư vang lanh lảnh như tiếng chuông... Về sau, cô bị mê hoặc bởi thuốc phiện, phải bỏ nghề. 

Cô thêm mắc lao phổi, mất luôn thanh. Mỗi khi cô cần gọi ai, cô không thể kêu lớn, đành phải lắc cái lon rỗng có đựng sỏi sạn. Một dịp đi chợ Tết, cô mua một trái dưa hấu rồi khấn hứa: “Vái cùng hoàng thiên hậu thổ, xin cho con biết cái thời vận con ra sao khi xẻ trái dưa hấu này. Nếu ruột dưa hấu mà đỏ tươi là điềm lành cho con biết thời cơ còn đỏ. Còn nếu ruột dưa lợt nhách, tức là vận số đưa con tới bước đường cùng”. Khi trái dưa hấu bị cắt đôi, chỉ một màu lợt. Cô thất vọng và treo cổ tự tử.

Trong khi đó, cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) được các nhà văn, nhà báo tiền bối mô tả như Ngôi sao Sài Gòn, Huê Khôi Nam Kỳ, Bà hoàng vũ trường, sòng bài Sài Gòn. Sắc đẹp của Cô Ba Trà đã trở thành niềm mơ ước của tất cả người Sài Gòn, Lục tỉnh. Nhà văn, hoạ sĩ lão thành Phạm Thăng kể rằng: "Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên bìa một tờ báo, lâu quá không nhớ tên".


Trong quãng thời gian 20 năm làm người đàn bà đẹp, cô Ba Trần Ngọc Trà không chỉ lần lượt "đốn ngã" hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn, mà cả Nam Vang, Băng Cốc. Bộ sưu tập người tình của cô gồm các đại điền chủ, đại công tử Cậu Tư Phước Georges (biệt hiệu Bạch Công Tử), con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, chủ nhân Cù Lao Rồng ở Mỹ Tho; cậu Ba Qui (biệt hiệu Hắc Công Tử), con trai của đại điền chủ Trần Trinh Bạch ở Bạc Liêu, mà Thống Đốc Nam Kỳ gọi bằng Papa (Bố); công tử Bích chủ nhà băng Đông Pháp (chi nhánh Cần Thơ), một người dám cho Cô Ba 70 000 đồng trong lúc lúa 2 cắc 1 gia. Chưa kể, những tay trí thức, máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc cũng “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, như quan toà Trần Văn Tỷ, thầy Kiện Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, vua Cờ Bạc chủ các sòng bạc Sài Gòn là Sáu Ngọ…

Cuộc sống của người đẹp cứ như thực như mơ, khi nghèo mạt rệp, khi lại cầm tiền vảy như trấu. Song vì mê nàng tiên nâu và ngụp lặn trong "đỏ - đen", đến cuối đời thì cô quả là không xu dính túi. Năm 1936, người ta bắt gặp Trà làm công ở một tiệm hút tồi tàn trong Chợ Lớn. Cô đã già, tròm trèm 60 tuổi, mặt mày tiều tuỵ, nhưng sống mũi vẫn còn thanh tú, mắt vẫn còn đen láy và loang loáng ánh gương...

Với Marianne Nhị - gái làng chơi hạng sang, có nhan sắc đậm đà và hoang dã, thì số phận cũng ba chìm bảy nổi không kém. Khi dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò ở khu vực chợ Thái Bình, rồi sau được cô Ba Trà dìu dắt, cô lao vào cuộc chơi với giới thượng lưu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ). Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Nhị lại "cặp" với công tử Gò Đen và "tậu" thêm một căn phố trệt ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975.

Marianne Nhị tiếp tục cặp bồ với nhiều dân nhà giàu khác, trong đó phải kể tới chuyện lùm xùm giữa giai nhân với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu và một đại gia người Hoa ở Chợ Lớn... Ngoài ra, bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm, cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”.  

Thế nhưng, đến giữa thập niên 1940, Nhị bỗng dưng biến mất khỏi chốn ăn chơi trác táng của Sài Gòn xưa. Ông Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca, người duy nhất gặp lại cô Tư, cho biết: Hoa khôi số hai của Sài Gòn ngày ấy đã thành... kẻ ăn mày.

Nguồn: Yên Chi/ Baodatviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo