Nhân vật

Hậu trường “Chiến dịch khẩu trang Việt Nam”

Cập nhật lúc 24-04-2020 12:48:16 (GMT+1)
Ảnh minh họa. Nguồn FB Vojtěch Filip

 

Vào thời điểm này những số liệu thống kê lạc quan về tình hình diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Wuhan gây ra tại Cộng hòa Séc, cho thấy chính phủ đã có những biện pháp mang tính quyết định và kịp thời. Trong đó phải kể tới nghĩa vụ tất cả mọi người sử dụng khẩu trang, che mũi miệng ở nơi công cộng.


Nhưng vào thời điểm then chốt ấy, CH Séc đứng trước thử thách tưởng chừng khó có thể vượt qua. Trong quá khứ, chưa bao giờ người dân châu Âu và Séc có thói quen sử dụng khẩu trang, nên dĩ nhiên nguồn cung ứng khẩu trang trên thị trường không thể đủ cho nhu cầu bất ngờ. Cùng với nỗ lực nội địa, nhà nước Séc cũng hướng tìm kiếm nguồn cung cấp ở nước ngoài, từ Trung Quốc, Việt Nam, Malajsia, Lào, Ireland, Đức, Thụy Điển cho tới Slovakia, USA, Vương quốc Anh hay Nhật Bản....

 “Gặp trở ngại lớn nhất là thủ tục của hải quan Việt Nam, hàng hóa bắt đầu được kiểm tra lúc 5 giờ chiều và kết thúc tận hai giờ sáng,” đại sứ CH Séc ở Hà Nội  Vítězslav Grepl nhớ lại hoàn cảnh, khi mà ngành ngoại giao Séc thành công trong một chiến dịch ngoạn mục nhất giữa đại dịch virus corona- thượng tuần tháng Ba, bộ Ngoại giao đã đưa về được Séc 284 người và còn kèm thêm nửa triệu khẩu trang cùng trang thiết bị y tế khác.

Trở ngại bất ngờ phải giải quyết ở Việt Nam, là do quyết định trước đó của chính quyền sở tại cấm tuyệt đối việc xuất khẩu trang thiết bị y tế chiến lược trong phòng chống dịch bệnh, mà trong đó có khẩu trang. Thỏa thuận ban đầu về xuất khẩu 1,7 triệu khẩu trang, cuối cùng chỉ mang được sang Séc nửa triệu chiếc. Mà để đạt được số lượng khiêm tốn nhưng lại là trường hợp ngoại lệ đặc biệt ấy có nỗ lực của nhiều người. Từ lá thư riêng của chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava Vojtěch Filip gửi Tổng Bí thư, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hay những cuộc điện đàm trực tiếp giữa thủ tướng Andrej Babiš với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Cả đại sứ CH Séc tại Việt Nam Vítězslav Grepl cũng “lăn xả” vào cuộc.

“Cuối cùng thì thủ tướng Việt Nam đã đồng ý cho việc cấp giấy phép xuất khẩu đặc biệt một lần, và đó chỉ là nhờ các mối quan hệ tuyệt vời của chúng ta. Cho phép như vậy là khá đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu bất ngờ ở Việt Nam là vô cùng hiếm hoi,” đại sứ Vítězslav Grepl mô tả về lô hàng, mà một phần là quà tặng của các cơ quan nhà nước hay tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Theo Ngoại trưởng Tomáš Petříček (ČSSD), ví dụ tại Việt Nam là một trong nhiều bằng chứng cho thấy chất lượng của ngành ngoại giao Séc.

Đại sứ quán CH Séc ở Hà Nội mới đây cho biết, là một phần trong số quà tặng của Việt Nam gửi nhân dân Séc đã được chuyển cho hai nhà dưỡng lão ở Praha. Vì được gửi qua đại sứ quán Séc ở Hà Nội, nên trong sự kiện Ngoại trưởng Tomáš Petříček và nữ bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội Jana Maláčová trao quà tại các cơ sở này đã mời cả đại sứ CHXHCN Việt Nam ở Praha Hồ Minh Tuấn tham dự. Nhưng theo diễn giải tối nghĩa của một số phương tiện truyền thông tiếng Việt, dễ làm người đọc hiểu là đại sứ Việt Nam đi trao quà.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất dành cho Cộng hòa Séc

CH Séc được Việt Nam dành cho một ngoại lệ đặc biệt trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế chiến lược vừa mới được ban hành. CH Séc hay cụ thể là bộ Y tế phải trả cho lô hàng nửa triệu chiếc khẩu trang từ Việt Nam với mức giá khoảng 5 korun một chiếc. Nhưng theo mục Tin tức (Zprávy) của cổng tìm kiếm Seznam phổ biến nhất Cộng hòa Séc, thì một cái tên hầu như không ai biết đến đã góp phần không nhỏ cho thành công của toàn chiến dịch.

Seznam Zprávy đã cất công tìm hiểu người đã “kết nối đàm thoại” cho hai thủ tướng, nhân vật không ai biết đến trong mối quan hệ Séc- Việt.

Trần Mạnh Tiến, người đàn ông nhiều năm làm cố vấn riêng cho chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava Vojtěch Filip, đã trở thành cầu nối giữa hai thủ tướng Séc và Việt Nam. Theo tìm hiểu của Seznam Zprávy, thậm chí ông ta đã “trợ lý” cho thủ tướng Andrej Babiš khi đàm thoại với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Và cũng chính cố vấn riêng của Vojtěch Filip đã chọn lựa được ở Việt Nam hãng sản xuất, mà người Séc đàm phán để mua được trang thiết bị y tế.

“Nhờ Séc mà tôi được học hành. Vì thế tôi cố gắng hỗ trợ, ví dụ như trong chuyện mua khẩu trang này,” Trần Mạnh Tiến giải thích động cơ hành động động của mình đồng thời chia sẻ, rằng “chiến dịch khẩu trang” gặp thuận lợi một phần, cũng bởi những người bạn thuở thiếu thời nay đang đảm nhiệm các vị trí cao trong hệ thống vận hành nhà nước Việt Nam. Thậm chí biết cả thủ tướng Việt Nam, mà như theo lời ông Tiến là quan hệ công tác là chính chứ không phải bạn hữu. “Có vài lần đề nghị tôi giúp đỡ trong các mối quan hệ thương mại hai nước,” ông nói.

Ngoài ra ông còn cố vấn cho đại sứ Séc ở Hà Nội trong tìm kiếm tại Việt Nam công ty đủ khả năng cung cấp khẩu trang chất lượng đạt yêu cầu của người Séc. Cùng với đại sứ Vítězslav Grepl, ông Trần Mạnh Tiến đã đàm phán thành công nguồn cung 10 triệu khẩu trang, nhưng vì lệnh cấm, nên lượng hàng sang được tới Séc tạm thời “chỉ” nửa triệu chiếc như đã biết.

Đại sứ Vítězslav Grepl đã đề xuất với thủ tướng Andrej Babiš, là rất cần thiết nói chuyện trực tiếp với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; còn ông Trần Mạnh Tiến thì giúp cơ quan ngoại giao Séc thuyết phục để phía Việt Nam đồng ý tiến hành đàm thoại với thủ tướng.

“Đây là nhân vật cực kỳ quan trọng, là người điều hành toàn bộ chiến dịch,” đại sứ Vítězslav Grepl bình luận về vai trò của ông Trần Mạnh Tiến đồng thời bổ xung: “Ông ta có rất nhiều mối quan hệ tới cả những vị trí cao nhất.”

Nhưng ông Trần Mạnh Tiến còn duy trì quan hệ cả với các chính khách Séc. Ngoại cộng tác với chủ tịch Đảng Cộng sản Séc Vojtěch Filip, ông ta còn là trợ lý của nghị sĩ Cộng sản Daniel Pawlas. Hai người đã làm quen với nhau hơn một năm trước trong chuyến công cán của Ủy ban Y tế Quốc hội sang Việt Nam, do Vojtěch Filip dẫn đầu trong cương vị Phó chủ tịch Quốc hội và Daniel Pawlas là thành viên phái đoàn. Là trợ lý đại biểu Quốc hội, nên cả cánh cửa Hạ nghị viện CH Séc cũng mở rộng với ông Tiến.

“Tôi đã đề nghị, liệu ông ta có muốn làm trợ lý, vì hồi đó vị trí này của tôi còn trống,” Daniel Pawlas, dân biểu mà ngoài lĩnh vực y tế thì trong Quốc hội còn chuyên về cả chính sách đối ngoại, kể về quá trình bắt đầu cộng tác.

Trong quá khứ, ông Trần Mạnh Tiến từng hợp tác cả với cựu Ngoại trưởng Jan Kavan trong nỗ lực tuyển y tá từ Việt Nam sang CH Séc. “Nhưng cuối cùng thì dự án này bỏ dở,” ông Tiến kể.

David Nguyen- Seznam Zprávy, Aktuálně.cz

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo