Nhân vật

Hillary Clinton: Một người phụ nữ phi thường

Cập nhật lúc 08-08-2012 18:46:25 (GMT+1)

 

Nói về những người phụ nữ. Thông tin đầu tháng 7/2012 cho biết bà bác sĩ Lakshmi Sehgal người Ấn độ vừa qua đời hôm 3/7 hưởng thọ 97 tuổi. Khi bà còn sống thế giới ít nói đến bà. Nhưng bà quả là một trong những người phụ nữ phi thường của thế kỷ 20.


Bà là một bác sĩ từng tham gia cuộc đấu tranh chống Anh quốc giành độc lập cho Ấn độ giữa thập niên 1940. Bà tham gia đoàn quân của lãnh tụ kháng chiến Subhas Chandra Bose và được ủy thác thành lập và chỉ huy trung đoàn nữ du kích đầu tiên với quân hàm Đại Tá. Khi người Anh trả độc lập cho Ấn, bà tham gia nội các tạm thời của lãnh tụ Chandra Bose với một chương trình giải phóng người phụ nữ Ấn, và san bằng giai cấp trong tôn giáo.

Trong sinh hoạt chính trị bà từng là Thượng nghị sĩ và năm 2002 tuy đã 87 tuổi bà Lakshmi Sehgal còn đại diện thành phần tả phái Ấn độ ra tranh cử tổng thống. Thất bại, bà trở về thành phố Kanpur miền bắc Ấn độ, mở một phòng khám bệnh miễn phí. Mỗi ngày bà đến phòng khám bệnh, tự tay quét dọn văn phòng trước khi mở cửa. Bà qua đời sau một cơn đau tim tại phòng khám bệnh của bà. Đó là tấm gương của một phụ nữ đã sống với tình thương trong thế kỷ 20 bên cạnh những người phụ nữ lừng danh khác.

Nói về những phụ nữ lừng danh khác trong thế kỷ trước và đầu thế kỷ này phải có một cuốn sách dày mới điểm qua hết như bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh 1979-1990; bà Gro Harlem Brundtland, thủ tướng Na Uy nhiều lần trong thời gian từ 1981 đến 1996; bà Corazon Aquino, tổng thống Phi Luật Tân 1982-1996; bà Benazir Bhutto, thủ tướng Pakistan 1988-1990, 1993-1996 và nhiều tên tuổi khác…. Trong đó có bà Hillary Rotham Clinton phu nhân tổng thống Bill Clinton đương kim bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bà Hillary Clinton là một người phụ nữ có chí lớn. Bà muốn trở thành tổng thống Hoa Kỳ để đưa Hoa Kỳ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp siêu cường đầu thế kỷ. Mộng không (hay chưa?) đạt được, nhưng trong chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao bà đã để lại một dấu ấn trên chính sách ngoại giao hướng về Á châu của Hoa Kỳ.

Từ đầu thập niên 1970, khi còn là một sinh viên trường luật tại đại học Yale bà đã có sắc thái đặc biệt. Giữa bao sinh viên ưu tú bà đã chọn Bill Clinton, một sinh viên bụi đời của một gia đình có nhiều vấn đề vì bà thấy qua Bill một tiềm năng chính trị, và bà đã không đánh giá nhầm. Thời gian Bill Clinton làm tổng thống vướng vào vụ Monica Lewinsky, bà đã đau khổ chịu đựng, quyết không li dị như thường tình theo văn hóa Tây phương để theo đuổi con đường vào Bạch Cung sau chồng. Nhưng ý người không vượt qua ý trời, bà đã không thắng được ông Obama trong cuộc tranh cử năm 2008, và bà đã can đảm nhận làm bộ trưởng ngoại giao cho tổng thống Obama để tạo uy tín cá nhân trên tầm vóc quốc tế để thực hiện những gì bà từng ấp ủ.

Hillary Rodham Clinton. Ảnh Wikipedia

Bà Clinton biết rằng chính sách đối ngọai của một quốc gia là một vấn đề thuộc phạm trù sức mạnh của quốc gia đó. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống Obama là người vạch chính sách đối ngoại, và bà, bộ trưởng ngoại giao là người thi hành chính sách của ông Obama. Nhưng bà cũng biết rằng quan hệ giữa bà và tổng thống Obama có tính đặc biệt và bà có nhiều tự do hơn các bộ trưởng ngoại giao khác trong sự chọn lựa chính sách.

Nếu tổng thống Obama thích ứng với khung cảnh mới của thế giới trong đó sức mạnh của Hoa Kỳ đã đạt đến cao điểm thì bà Clinton nghĩ rằng Hoa Kỳ còn có khả năng của một đại cường. Theo bà Clinton, sự nhìn nhận thế yếu không lợi gì cho thế đứng Hoa Kỳ mặc dù bà Clinton không có ảo tưởng về sức mạnh của Hoa Kỳ và thực tế trước mắt là thế kỷ 21 không còn là thế kỷ của Hoa Kỳ.

Bà Clinton đã chứng tỏ có tầm nhìn sâu sắc. Trong cuộc tranh luận năm 2007 giữa hai ứng cử viên Barack Obama và Hillary Clinton, khi trả lời một câu hỏi của cử tọa rằng nếu đắc cử tổng thống, trong năm đầu tiên ông có sẵn sàng gặp các lãnh tụ của Iran, Syria, Venezuela, Cuba, và Bắc Hàn mà không cần điều kiện tiên quyết không, ông Obama trả lời: “sẵn sàng”, trong khi bà Clinton cho rằng một cuộc gặp gỡ như vậy chỉ giúp cho kẻ địch dùng làm lợi khí tuyên truyền. Sau này, trong các lãnh tụ nói trên tổng thống Obama chỉ gặp bắt tay xã giao một lần với ông Hugo Chavez tổng thống Venezuela khi gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước Châu Mỹ tháng 4/2009 tại Cộng hòa Trinidad and Tobago.

Và qua 4 năm làm tổng thống ông Obama đã chứng tỏ không ‘bồ câu” như khi tranh cử. Ông đã gián tiếp chứng tỏ quan điểm đối ngoại của bà Clinton là đúng. Ông Obama giữ lời hứa rút quân ra khỏi Iraq, nhưng tăng quân tại Afghanistan, tăng gia các cuộc đột kích giết các lãnh tụ al Qaeda bằng máy bay không người lái, quyết định đánh và giết Osama bin Laden tại Abbottabad bất chấp vi phạm chủ quyền của Pakistan.

Nhận lời làm bộ trưởng ngoại giao cho tổng thống Obama là một quyết định khó khăn và can đảm. Nhưng bà biết ở chức vụ bộ trưởng ngọai giao bà sẽ có một diễn đàn tốt nếu không gíup bà trở lại Bạch ốc khi thời cơ đến cũng là nơi để thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Bà xem sự thất bại trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc chỉ là thua một trận đánh, chưa thua một trận giặc.

Quyết định của bà còn là một quyết định thức thời. Trong khi tổng thống Obama lo củng cố lại uy tín của Hoa Kỳ bằng thái độ khiêm nhượng thụt lùi tư thế quốc tế của Hoa Kỳ để mua chuộc lại lòng tin thế giới thì bà Clinton có tư thế để xác định Hoa Kỳ vẫn mạnh và vẫn lãnh đạo thế giới trong một thời gian dài trước mắt.

Đó là cái nhìn nhất quán của bà Clinton. Trong mọi chính sách bà quan tâm nhất đến tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới trong thời đại bản lề thay bật đổi ngôi siêu cường trên thế giới. Và theo dõi cách hành xử của bà từ cuộc bỏ phiếu thuận năm 2003 cho phép tổng thống Bush tấn công Iraq lật đổ Saddam Hussein cho đến lập trường của bà trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 và các chính sách của bà trong gần 4 năm làm bộ trưởng ngoại giao chúng ta không thể không thấy cái nhìn chiến lược của bà:

Khi ra tranh cử bà Clinton đã không đưa ra những chủ trương lớn có tính triết lý như chủ trương Bảo thủ Với Tình Thương – Compassionate Conservative – của George W. Bush hay lập trường Người Dân Chủ Mới – New Democrat -, của ông Clinton. Lập trường của bà là củng cố thế mạnh của Hoa Kỳ lâu chừng nào hay chừng đó trong thế tương quan mới.

Chính sách của tổng thống Bush tại Trung đông là một thất bại, nhưng bà đã không đánh giá cuộc chiến Trung đông đánh Iraq là một điều vô ích. Máu và tiền của nhân dân Hoa Kỳ đã đầu tư vào Trung đông thì phải được dùng như một vốn liếng cho nền an ninh của thế giới và của Hoa Kỳ. Tầm nhìn của bà là bảo vệ chiến tuyến Trung đông đừng để cho nó sụp đổ trong khi chuẩn bị cho mặt trận mới tại Á châu Thái Bình Dương.

Bà Hillary Clinton không tỏ ra hối tiếc năm 2002 (khi còn là Thượng nghị sĩ) đã bỏ phiếu thuận cho phép Hoa Kỳ tấn công Iraq, và bà vẫn giữ lập trường đó, không đòi hỏi rút quân như nhiều thành viên thuộc đảng Dân chủ. Trong một cuộc phỏng vấn bởi phóng viên Dan Balz của tờ tuần báo Washington Post ngày 26/5/2006 bà nói “Tôi từng nói rằng tôi rất tiếc tổng thống đã xử dụng quyền hành của mình như vậy. Nhưng tôi phải nhìn vào toàn bộ vấn đề một cách có trách nhiệm. Tôi tin rằng chúng ta đang lâm vào một hoàn cảnh khó khăn để chúng ta có quyền hốt hoảng và vì vậy tôi không muốn a dua theo những người muốn ấn định một thời biểu rút quân cũng như những người ủng hộ tổng thống Bush và thủ tướng Tony Blair 100 phần trăm. ” (nguyên văn: I have said many times I regret how the president has used his authority. But I think I have a responsibility to look at this as carefully as I can and say what I believe, and what I believe is we’re in a very dangerous situation and it doesn’t lend itself to sound bites, and therefore I have resisted going along with either my colleagues who feel passionately they need to call for a date certain or colleagues who are 100 percent behind the policy and with the president and Prime Minister Blair … (“Does She Have a Platform To Stand On?”, The Washington Post National Weekly Edition June 5 -11, 2006).

Và cũng trong cuộc phỏng vấn đó bà Clinon nói: “Triết lý lãnh đạo quốc gia của tôi không thu gọn trong một vài danh từ đơn giản. Mỗi vấn đề sẽ được giải quyết tùy theo bối cảnh của nó và dựa vào những lý tưởng đẹp tôi hằng ôm ấp để tìm ra một giải pháp thực tế. Nó có thể không được giải quyết theo tiền lệ vì thật ra các vấn nạn của quốc gia chúng ta không có cái nào giống cái nào” (nguyên văn: I don’t think like that. I approach each issue and problem from a perspective of combining my beliefs and ideals with a search for practical solutions. It doesn’t perhaps fit a preexisting box, but many of the problems we face as a nation don’t either. (“Does She Have a Platform To Stand On?”, The Washington Post Natinonal Weekly Edition June 5 -11, 2006).

Tuy có kẻ thương người ghét nhưng không ai có thể chối cãi bà Hillary là một nhân vật lịch sử có cá tính đặc biệt. Trong cuốn hồi ký “Living History” của bà (nhà xuất bản Simon & Schuter – New York) phát hành giữa năm 2003, ba năm sau khi bà đắc cử Thượng nghị sĩ bang New York, một cuốn sách trình bày con người và lập trường xuyên qua tiểu sử của bà, bà đã dùng một văn phong nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một sức sống mãnh liệt. Qua đó người ta thấy một phụ nữ cương quyết nhưng không kém dịu dàng của một người đàn bà khi giải quyết sự việc, bà tranh đấu cho nữ quyền và nhân quyền nhưng không quá khích, biết thông cảm và tha thứ cho chồng, và quan trọng hơn cả bà chứng tỏ nắm vững công việc quốc gia và các vấn đề lớn của thế giới. Bà tin vào thuyết con người sinh ra vốn vô nhiễm mọi thứ trên đời và “tính bổn thiện”. Bà viết trong phần mở đầu của cuốn sách như lời trần tình với cử tri toàn quốc: “Tôi sinh ra không phải đã là một đệ nhất phu nhân, không phải là một người Dân chủ, không phải là một Thượng nghị sị, cũng không phải là một luật sư, không phải là một người tranh đấu cho nữ quyền và nhân quyền, tôi sinh ra chưa phải là một bà mẹ, một người vợ. Tôi sinh ra như một người Mỹ giữa thế kỷ 20, tại một địa điểm và vào một thời điểm đặc biệt. Tôi được tự do lựa chọn không bị giới hạn như những người phụ nữ Hoa Kỳ của những thế hệ trước tôi, và đa số những người phụ nữ thuộc thế hệ này ở những nước khác. Tôi sinh ra trong trào lưu thay đổi trên thế giới, và tôi được tham dự vào cuộc đấu tranh bảo vệ thế đứng của Hoa Kỳ trên thế giới (nguyên văn: I was’t born a first lady or a senator, I wasn’t born a Democrat, I wasn’t born a laywer or an advocate for women’s rights and human rights. I wasn’t born a wife or mother. I was born an American in the middle of the twentieth century, a fortunate time and place. I was free to make choices unavailable to past generations of women in my own country and inconceivable to many women in the world today. I came of age on the crest of tumultuous social change and took part in the political batổng thốngles fought over the meaning of America and its role in the world (Living History, trang 1).

Dự phần vào những cuộc đấu tranh chính trị xác lập thế nào là nước Mỹ và nhiệm vụ của Hoa kỳ trên thế giới là đường lối chính trị của bà. Bước vào chính quyền Obama với chức vụ Bộ trưởng ngoại giao bà Clinton triển khai chính sách đối ngoại siêu cường của Hoa Kỳ. Bà cùng với ông bộ trưởng quốc phòng Robert Gates (nguyên là giám đốc Trung ương Tình báo – CIA) bén nhạy nhận ra mối đe dọa của Trung quốc và đã nhanh chóng công bố chính sách của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tại Hà Nội tháng 7 năm 2010 khi dự Hội nghị ARF (Asean Regional Forum).

Bà Clinton (và ông Gates) là người đã thuyết phục tổng thống Obama để tâm đến vai trò của Hoa Kỳ tại Á châu và công bố chính sách “pivot” trong chuyến đi Úc châu cuối năm 2011. Nếu hôm nay Việt Nam có một tư thế rộng rãi để chọn đường lối đối ngoại (Trung quốc hay Hoa Kỳ) là nhờ sự mở đường của bà Clinton.

Dấu ấn chính sách trở lại Thái Bình Dương của bà Clinton cũng thấy được qua các chuyến đi Miến Điện của bà cuối năm 2011. Cảm nhận được sự trăn trở của các tướng lãnh Miến Điện trước áp lực của Trung quốc, bà Clinton đã thuyết phục Miến Điện chấp nhận tư thế chính trị của bà Aung San Suu Kyi và qua đó giải tỏa lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Tây phương đối với Miến Điện để giúp Miến Điện cân bằng và giải tỏa sức ép của Trung quốc. Chuyến đi Miến Điện 3 ngày của bà Clinon đầu tháng 12/2011 là một phần trong một chính sách lớn của Hoa Kỳ tại Á châu.

Khung cảnh chính trị tại Hoa Kỳ đang chuyển biến. Qua năm 2013 dù ông Mitt Romney hay Barack Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton cũng không còn giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao. Nhưng vị tổng thống nào cũng còn cần đến bà trong cuộc đối đầu với Trung quốc trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này.

Nguồn: Trần Bình Nam/ Danchimviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo