Từ việc Putin bỗng dưng buồn ngủ
![]() |
Ảnh minh họa |
Putin cỡi ngựa, Putin lội sông, Putin bắn súng, Putin lái máy bay…, tất cả Putin đó đã không ngăn được một Putin “bỗng dưng buồn ngủ” khi phó hội G-20, giữa những “tiếng ru” không êm tai của các nguyên thủ thế giới. Và Putin đã phải quay gót sớm trở về, nơi mà một nước Nga, trong cuộc thăm dò tháng 10-2014, có tỉ lệ ủng hộ ông lên đến 88%! Home sweet home!
Đây không là kết quả “đểu”. Nó được thực hiện bởi Levada, trung tâm thăm dò công chúng uy tín số một Nga bởi tính độc lập của họ. Khảo sát riêng của Washington Post (9-9-2014) cho thấy, trong khi chỉ 48% đối tượng trí thức thành thị ủng hộ Putin vào tháng 10-2013 thì đến tháng 7-2014 con số trên là 75%. Tỉ lệ người Nga tin rằng đất nước họ đi đúng hướng tăng gấp đôi, từ 27 lên 55% trong cùng thời gian; trong khi đó, tỉ lệ bất mãn Putin vào tháng 10-2013 là 37% thì đến tháng 10-2014 giảm còn 11%.
Theo dõi các diễn biến chính trị trong giai đoạn mà tỉ lệ ủng hộ Putin tại Nga tăng vọt, có thể thấy đó là nhờ sự kiện thôn tín Crimea trong cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Nga bị phương Tây cấm vận. Như vết tích khó tẩy của thời Chiến tranh lạnh, người Nga chưa bao giờ thật sự thích phương Tây. Một tổng thống Nga dám đối đầu Mỹ là hình ảnh luôn thỏa mãn tâm lý số đông. Còn là vấn đề ái quốc và chủ nghĩa dân tộc. Không gì kích thích cực độ bằng việc chứng kiến một Putin mạnh mẽ đứng giữa Quảng trường Đỏ, bắn ra quả đại bác nhân danh dân tộc: “Sau cuộc hành trình dài, gian khổ và tuyệt vọng, Crimea và Sevastopol đang trở về với cảng của mình, với bờ biển quê hương, với cảng quê hương, với nước Nga!”.
“Putinkini” (thời trang bikini "phong cách Putin") – một trong vô số “kỹ xảo” tô đậm hình ảnh Putin (Ảnh: Daily Mail) |
Nếu việc Putin được ủng hộ cao trong nước là sự thật thì đằng sau sự thật này còn có một lớp sự thật khác. Liệu Putin có thể đạt tỉ lệ ủng hộ cao nếu ông không nắm trong tay bộ máy tuyên truyền cực kỳ hiệu quả? Suốt những năm quyền lực, Putin đã bóp nát tự do báo chí và biến gần như tất cả hệ thống báo chí Nga thành công cụ riêng. Việc tổng biên tập Galina Timchenko của trang tin lenta.ru bị sa thải vào tháng 3-2014 và được thay bằng Alexei Goreslavsky, người có “chính kiến” trung thành với “Chính phủ”, là một ví dụ (New Yorker 25-4).
Còn nữa: hãng truyền hình độc lập duy nhất, Dozhd, nơi có quan điểm riêng trong vấn đề Ukraine, đã bị tất cả mạng truyền hình cáp cắt hợp đồng vào tháng 2-2014 (New Republic 13-3-2014). Tháng 12-2013, thậm chí hãng thông tấn nhà nước lớn nhất Nga, RIA Novosti (thành lập 1941), cũng bị Putin xóa sổ và được đổi thành Rossiya Segodnya (“Nước Nga Ngày Nay”). Mục đích việc “tái cơ cấu” là sắp xếp lại bộ máy quản lý báo chí theo “công thức” trung thành Putin. Khôn sống mống chết. Làng báo Nga hẳn còn chưa quên vụ phóng viên Anna Politkovskaya của tờ báo độc lập Novaya Gazeta bị bắn chết tại chung cư mình ngày 7-10-2006. Politkovskaya nổi tiếng với các bài điều tra vi phạm nhân quyền của lính Nga ở Chechnya. Trong 7 năm tường thuật cuộc chiến Chechnya, Politkovskaya đã bị tù, bị tống lưu vong, bị đánh thuốc độc… (và cuối cùng bị giết!).
Putin còn đứng sau việc dựng nên mô hình “Set” (Mạng lưới), chủ yếu gồm thanh niên học sinh mà nhiệm vụ của họ là tuyên truyền các “giá trị Nga”, và đặc biệt tổ chức các “show event” ủng hộ Putin. Gọi “Set” là một hình thức “PR chính trị” (Public Relation) chắc không sai. Foreign Policy 11-10-2014 cho biết, “Set” là thoát thai của nhóm Nashi bùng nổ từ những năm 2000, từng được sử dụng như lực lượng đối đầu với các nhóm đối lập biểu tình chống Putin. Hàng ngũ “Set” hầu hết là thanh niên sùng bái Putin như thần tượng, thường xuyên “làm event Putin” bằng các buổi trình diễn thời trang, diễn thuyết chính trị với đề tài ca ngợi Putin. “Set” liên tục kết nạp thành viên tại nhiều thành phố lớn. Hầu hết được nhập hội sau khi dự các nhóm thảo luận chính trị do “Set” tài trợ mà thành phần dự khán thường được nhận tương đương khoảng 10 USD (Foreign Policy, nđd). Khó có thể nói hoạt động “Set” là xuất phát từ ý thức cá nhân và lòng “yêu kính” thuần túy Putin của giới trẻ. Oleg Morozov, giám đốc cơ quan quản lý nội chính của tổng thống, từng gặp họ. Putin cũng từng gặp họ. Một số thành viên “Set” cho biết, việc gia nhập “Set” còn giúp họ dễ tìm được việc làm. Trong một xã hội mà trình diễn thời trang cũng có Putin, ca nhạc cũng Putin, buổi chiếu phim ra mắt cũng Putin thì làm sao kết quả thăm dò có thể “bỏ quên” Putin?
Phải thừa nhận Putin giỏi, rất giỏi, trong mánh lới xây dựng hình ảnh bằng truyền thông, kết hợp giữa báo chí xu nịnh với kỹ thuật PR chuyên nghiệp. Vấn đề ở chỗ, uy tín chính trị trong nước của Putin lại tương phản với tỉ lệ mà cộng đồng thế giới dành cho ông. Một nguyên thủ thành công phải là nguyên thủ kiến tạo được nhiều đồng minh chứ không phải tự đưa mình vào con đường cô lập. Một nguyên thủ thành công phải là nguyên thủ biết cách đưa quốc gia gắn kết với thế giới chứ không phải đẩy đất nước vào con đường bị cấm vận. Một nguyên thủ thành công là nguyên thủ xây dựng hình ảnh bằng tài năng chứ không phải chiêu trò.
Kết quả thăm dò ủng hộ Putin tại Nga, có được nhờ sự kiện Crimea, dù vậy, không phải là “hằng số bất biến”. Cơn sốt dân tộc và ái quốc rồi sẽ nguội, nhường chỗ cho những vấn đề thực tế liên quan trực tiếp đến bao tử. Đồng rúp đang tuột dốc (mất giá 23% so với USD trong ba tháng qua); lạm phát tăng (8%; cao nhất kể từ 2011), và nguồn sống của nước Nga – công nghiệp dầu – đang gặp khó khăn. Ngân sách Kremlin cho năm 2015-2017 dựa vào giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Thế mà bây giờ, giá dầu tụt xuống còn 80 USD vào tháng 10-2014 (Forbes 6-11-2014). Tổn thất hàng tỉ. Nguồn vốn đầu tư cũng đang chảy khỏi nước Nga. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã là 75 tỉ USD – như con số công bố chính thức (nhưng theo Tổng thống Obama thì khoảng 100-200 tỉ USD).
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, số người Nga du lịch nước ngoài bắt đầu giảm (BusinessWeek 28-8-2014). Tâm lý người dân thật ra luôn bất an, trong một xã hội bất công tràn lan và tham nhũng nhan nhản (chỉ số tham nhũng thứ 127 trong 177 nước, theo Transparency International; New Repubic 20-10-2014). Đó là tất cả những gì mà nhân vật “quyền lực nhất thế giới”, như cách tờ Forbes (5-11-2014) “gán” cho Putin, đang thực sự đối mặt. Ông có thể rời sớm khỏi hội nghị G-20 với lý do “bỗng dưng buồn ngủ” nhưng tại chính nước Nga của mình, ông có thể tránh đi đâu?
Nguồn: FB Mạnh Kim