Chuyện Lãnh sự quán VN ở Sydney: Lên Sứ - Có vui không?
![]() |
Từ toà nhà LS quán nhìn ra |
Ở nước ngoài, oai nhất là Cơ quan đại diện Ngoại giao (chúng ta quen gọi là Sứ), bởi Sứ là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho ta, là nơi ta phải nhờ vả đủ thứ chuyện. Thực ra “lên gặp Sứ” phải vui nhưng tôi chắc số người “vui” không nhiều. Ngại cũng có mà hãi cũng có!
Hôm nọ tôi có chuyện phải lên Sứ, hơi ngại nhưng lại thích vì có lý do được “hành nghề nhật trình”, đỡ ghiền !
Văn phòng Tòa Lãnh sự của ta ở Sydney trên lầu 2 của toà nhà hiện đại giữa một khu vực sang trọng có nhiều người Âu. Bước vào căn phòng rộng chừng hơn chục mét vuông giật mình thấy cô gái mặc áo dài đứng mỉn cười bên cạnh tấm bản đồ lớn hình chữ S quen thuộc. Định thần nhìn lại, hoá ra hình nộm cô tiếp viên hàng không Quốc gia Việt Nam!
![]() |
Nụ cười chào đón của Vietnam Arlines |
Đúng 2 giờ chiều, một nhân viên của Lãnh sự xuất hiện sau tấm kính chắn cách ly với khách. Xin nói ngay, toàn nước Úc chỉ có mỗi CQ ngoại giao VN nghỉ trưa ăn cơm và …ngủ, còn người ta thì làm thông tầm. Tôi biết trước quy định này của Sứ vì con dâu đã gọi điện hỏi trước, Sứ cho biết như thế, chứ hai vợ chồng ông bà người Việt từ Melbourne (cách Sydney cả ngàn cây số) về đây có việc, không biết nên phải ngồi chờ hơn tiếng đồng hồ rồi !
- Ông bà có việc gì? Nhân viên toà Lãnh sự hỏi
- Hai chúng tôi ở VN sang đây thăm con, nay có việc bà nhà tôi phải về trước giải quyết chuyện bán nhà, tôi muốn làm giấy Uỷ quyền cho bà nhà tôi, nhờ Tổng lãnh sự ký xác nhận …
- Biết rồi! Uỷ quyền toàn bộ hay một việc gì đó cụ thể ?
- Dạ, Uỷ quyền bán một căn nhà ở …
- Biết rối! Nhưng có bản sao giấy chủ quyền căn nhà này không?
- Dạ, đi thăm các cháu nên không mang theo.
- Vậy thì làm sao biết được ông bà có thực căn nhà đó hay không? Tôi mà chứng cho ông bà cái ông bà không có thì tôi cũng đi tù luôn! Hai ông bà có vẻ thất vọng quay sang trao đổi với nhau một lát rồi năn nỉ :
- Chúng tôi quả chưa biết, xin anh có cách nào giúp … Anh Sứ hùng hồn giải thích một chập rồi hạ giọng :
- Thôi! Đây, mẫu Hợp đồng Uỷ quyền in sẵn đây ông bà điền vào, ghi đầy đủ câu: được thay mặt tôi và nhân danh tôi toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến căn nhà XYZ
Vừa đưa tờ giấy mẫu chữ Việt anh nhân viên vừa giải thích: Luật ở ta chưa hoàn chỉnh, mỗi địa phương mỗi cách, chúng tôi ở đây chỉ chứng những chuyện chung nhất thôi, về nhà ông bà tùy cơ ứng biến !
Mọi chuyện hoá ra thật đơn giản, khác hẳn với “rào cản” lúc đầu, hai ông bà đương sự điền xong tờ Hợp đồng, ký tên rồi trao cho anh cán bộ Sứ với nét mặt hồ hởi kèm theo mấy lời cảm ơn liên tục đến nỗi suýt quên thủ tục “đầu tiên”, nếu không có bà vợ nhắc khéo.
- Dạ lệ phí hết bao nhiêu ạ?
- Đây là xin xác nhận Hợp đồng uỷ quyền nhé. 50 đô Úc/1 bản. Nếu chỉ xác nhận giấy uỷ quyền thì rẻ hơn, 20 đô .
- Thế mà con tôi nó nói hôm qua gọi điện lên hỏi thì những 6 chục
Cán bộ Sứ nhận tiền rồi trao giấy tờ cho khách, kèm theo có luôn biên lại xác nhận đã thu 50 đô la Úc (mẫu do Sứ in sẵn) rất đàng hoàng! Biết tôi cũng vừa từ VN sang, người chồng “phổ biến kinh nghiệm”: lệ phí ở đây cũng lên xuống bất tử chẳng khác gì giá xăng ở nhà mình! Trước làm một cái giấy khai sinh Sứ lấy 160 AUS, đùng cái hạ 100AUS. Hỏi sao, Sứ nói thấy mọi người kêu đắt quá thì hạ !!!
![]() |
Bản đồ Việt Nam trong phòng tiếp tân LS |
Tôi nhìn đồng hồ, vậy là làm xong một cái xác nhận (có chữ ký của ông Phó Lãnh sự và cái mộc LSQ) hết 20 phút Lúc này trong phòng chờ đã có khoảng 20 người, tây nhiều hơn ta. Chẳng biết họ sang Việt Nam với mục đích gì. Một lát có đôi trai tây, gái Việt giắt tay nhau vào, có lẽ là hai vợ chồng lần đầu tiên xin thị thực về Việt Nam. Cô vợ nói được tiếng Anh, anh chồng không nói được tiếng Việt. Tôi nghe lõm bõm họ bàn nhau đi du lịch khi về Việt Nam. Cô vợ giắt anh chồng ra chỗ treo tấm bản đồ VN có ghi nhiều địa chỉ du lịch cả ba miền. Họ chỉ chỏ và có vẻ như tranh luận chuyện gì đó. Chợt cô vợ quay lại thấy tôi đứng sau bèn hỏi: chú ơi, nhà cháu hỏi Hoàng Sa, Trường Sa ở đâu? Tôi giương mục kỉnh lên… thì lạ quá, tấm bản đồ to như thế kia, mà sao hai quần đảo đang nóng bỏng tính thời sự của đất nước lại không có trên bản đồ này???
Tôi đành chỉ vào hai chỗ trống trên bản đồ giải thích loanh quanh và đổ luôn cho thằng cha có tên là Kỹ Thuật: Lỗi tại kỹ thuật in ấn!!! Tự hỏi, tại sao người ta không mở rộng không gian để có thể vẽ thêm vào đó hai mảnh đất thiêng liêng xa xôi nhất của Tổ quốc? Chi tiết này làm tôi mất hết cả niềm hứng khởi của một ngày dạo chơi Sydney hết xe Bus, tầu điện ngầm lại tầu điện trên cao, bởi tôi còn nhớ mới đấy thôi, một tờ báo hạng B ở nhà đăng một trang quảng cáo có hình nước Việt Nam quên không chấm hai nhóm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã bị phạt tiền và TBT bị “phê bình nghiêm khắc”. Còn VTV được một khán giả phát hiện trong tiết mục dự báo thời tiết, bản đồ VN cũng thiếu Hoàng Sa, Trường Sa mà Ban Tuyên Giáo yêu cầu TGĐ Đài phải “Kiểm tra làm báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý “ !
Thế còn ở đây thì sao? Và liệu có bao nhiêu CQ Sứ VN khắp thế giới treo tấm bản đồ VN không có Hoàng Sa, Trường Sa như thế này???
Thôi, dù sao thì việc riêng của gia đình cũng đã được Sứ giải quyết nhanh gọn, không phải “bước qua rào cản” ban đầu như hai vợ chồng ông bà nọ từ Melbourne lên.
* * * * *
Hai hôm sau lấy tờ giấy “xin xác nhận” của Tổng lãnh sự ra soạn lại để gửi về nước, thì, ôi thôi , mộc của Sứ thì có đóng mà chữ ký của ông Phó TLS thì …không! Tất nhiên ngay sau đó con dâu tôi gọi điện cho Sứ. Đầu tiên Sứ yêu cầu lên tận nơi giải quyết. Sau cháu trình bày, vì có con nhỏ nên đề nghị liên lạc giải quyết bằng đường bưu điện. Tôi không tiện thuật lại nguyên văn câu trả lời của vị cán bộ này trước việc làm tắc trách của Sếp họ, bởi sự việc rồi cũng xong, vả lại ngôn từ của Sứ tôi cũng chẳng lạ lẫm gì! Nhưng thử hỏi nếu người “XIN xác nhận” lại là người nước ngoài, hoặc họ đã yên tâm về Việt Nam rồi thì biết XIN ai? Chả lẽ lại lộn sang Úc để XIN bổ sung chữ ký của Quan Sứ? Bây giờ thì tôi không chỉ ngại lên Sứ mà còn …hãi lên sứ nữa!
Chưa ký đã đóng dấu
Nguồn Dân Luận
>>> Đại sứ quán Viêt Nam ở Nhật Bản có hành xử như vậy?!
>>> Trăn trở của người Việt ở nước ngoài: Việt Nam ơi!
>>> Bí thư thứ nhất ĐSQ VN bị về nước vì buôn lậu
>>> Sự kiện PCI và vụ buôn lậu sừng tê giác với góc nhìn từ quốc tế