Sứ quán liệt truyện

Lạm thu dịch vụ lãnh sự Việt Nam: chuyện dài nhiều tập

Cập nhật lúc 18-05-2017 05:10:41 (GMT+1)
Để đổi lại một cuốn hộ chiếu mới như thế này, nhiều công dân Việt Nam ở nước ngoài phải trả phí gấp 2,3 lần quy định

 

Tình trạng lạm thu gấp rất nhiều lần mức quy định trong các dịch vụ lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài đang là thực tế mà hầu hết Việt kiều và công dân Việt Nam sinh sống ở hải ngoại đang phải đối mặt và phải…chấp nhận. Thực tế này giải thích cho những đồn đoán rằng thu nhập của các đại sứ và thậm chí là những người giúp việc cho đại sứ Việt Nam tại các quốc gia có đông kiều bào và người Việt sinh sống không thua kém những ngôi sao thể thao tại Hoa Kỳ hoặc Châu Âu. Phóng viên VOA ghi nhận phản ánh từ một số nạn nhân của tình trạng lạm thu tại một số quốc gia về ‘mánh khóe móc túi’ của các nhân viên lãnh sự Việt Nam.


Phí cao hơn quy định

Chị Trần Như Quế hiện là một Việt kiều sinh sống tại Pháp chia sẻ với VOA Việt ngữ câu chuyện đi đổi hộ chiếu và xin quốc tịch Việt Nam cho mình và 2 con nhỏ tại thành phố Bordeux. Theo chị Quế, tháng 5/2013, Đại sứ quán Việt Nam tại Paris cử đại diện đến tận Bordeux và tổ chức một hội nghị giới thiệu các dịch vụ giúp đỡ bà con Việt kiều hoàn thiện giấy tờ, thủ tục lãnh sự theo đúng quy định. Tại đây, chị được một nhân viên tên Phạm Tiến Dung cho biết có thể đổi lại hộ chiếu và xin quốc tịch Việt Nam cho hai con nhỏ mới sinh với giá 210 euro mỗi trường hợp. Nếu có được hộ chiếu Việt Nam thì mỗi lần về quê chơi, mẹ con chị sẽ không phải xin visa phiền phức như hiện nay nữa. Nghe có vẻ hợp lý, chị Quế đồng ý trả cho người đàn ông này 210 euro, trong đó bao gồm cả phí dịch thuật, theo như giải thích của ông ta, để xin lại quốc tịch Việt Nam cho mình trước.

Tuy vậy, sau khi tìm hiểu lại thông tin về mức phí đối với trường hợp của mình, chị Quế mới phát hiện là mình đã bị lạm thu gấp 2 lần so với quy định, nên quyết định không xin lại quốc tịch cho 2 con nhỏ nữa. Chị đã phản ánh việc này với đại diện Hội người Việt ở Bordeaux và nhận được câu trả lời là từ nhiều năm nay, tất cả Việt kiều tại Bodeaux đều phải chịu mức phí chung như vậy, không có gì đáng phải phàn nàn. Lo lắng sợ bị gây khó dễ nếu gia đình có nhu cầu về bất kỳ dịch vụ lãnh sự nào sau này, nên chị Quế không dám phản ánh và đối chất trực tiếp về các khoản thu này với đại sứ quán Việt Nam. Cho đến giờ, chị vẫn còn hối tiếc vì đã không xin được quốc tịch Việt Nam cho 2 con của mình để sau này chúng có thể trở về Việt Nam thuận tiện. Chị nói: “Hai đứa nhỏ nhà tôi thì giờ hiện một đứa đã quá tuổi để xin lại quốc tịch Việt Nam rồi, nên chắc là cả hai đứa sẽ không có quốc tịch Việt Nam trong tương lai nữa. Nếu như tôi chấp nhận bỏ tiền ra thì bây giờ bọn nhỏ đã có hộ chiếu Việt Nam để chúng biết rõ về gốc gác của mình, và biết đâu đấy, trong tương lai có cơ hội trở về Việt Nam làm một điều gì đó. Nhưng thôi, chuyện đã như vậy rồi thì cũng đành để các cháu bên này thôi, về sau như thế nào thì cũng tự các cháu xoay sở vậy.”

Phí phải bằng tiền mặt và ngân phiếu

Tất cả các khoản thu cho dịch vụ lãnh sự của các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài thực tế đều ưu tiên thu bằng tiền mặt và cheque. Vẫn theo các nạn nhân, trong rất nhiều trường hợp, không có chứng từ có giá trị pháp lý nào được đưa trả lại cho người nộp tiền. Đa số chỉ là những giấy biên nhận viết tay, không có tên cụ thể của nơi nhận tiền. Thậm chí như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nguyên Thủy, một lưu học sinh đang sinh sống tại Cộng hòa Liên Bang Đức, chị còn được hướng dẫn bỏ 180 euro tiền mặt vào phong bì, gửi tới lãnh sứ quán tại Frankfurt để được đổi hộ chiếu. Sau khi gửi phong bì tiền mặt tới lãnh sự quán, qua tìm hiểu trên internet, chị Thủy mới biết mình đã bị lạm thu gấp gần 3 lần so với quy định. Chị tìm cách phản ánh với đại diện lãnh sự qua email và điện thoại nhưng hoàn toàn không nhận được một sự giải thích cụ thể nào cho khoản 180 euro đã nộp, ngoại trừ giấy mời tới lãnh sự quán làm việc trực tiếp. Do thành phố chị sinh sống quá xa Frankfurt, phần vì bận bịu công việc học tập và lo không được cấp lại hộ chiếu, nên chị Thủy đã không tới làm việc và đối chất trực tiếp với đại diện lãnh sự. Chị cho biết: “Mình thì ở xa, lại vừa đi học vừa đi làm, làm sao mà đến tận Frankfurt để làm việc được. Hơn nữa mình rất cần có hộ chiếu. Mình cũng nghĩ là lại một quốc gia như nước Đức, mọi người rất tôn trọng pháp luật thì những người ở lãnh sứ quán Việt Nam cũng phải làm việc nghiêm túc, chứ đâu biết được mấy người đó lại làm cái chuyện như vậy.”

Cũng có trường hợp như chị Nguyễn Thị Cẩm Liên, đến đối chất trực tiếp với đại diện lãnh sự ở Frankfurt vẫn không được câu trả lời thỏa đáng, ngoài những giải thích vòng vo bằng miệng. Chị Liên muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam, theo hướng dẫn của một nhân viên sứ quán Việt Nam tại Đức, chị đã đóng 200 euro ngay từ khi nộp đơn. Đến ngày hẹn, chị trở lại thì được một người khác thông báo phải nộp thêm 200 euro nữa với lý do 200 euro trước đây chỉ là chi phí dịch thuật và các dịch vụ liên quan chứ chưa phải là lệ phí thôi quốc tịch. Khi bị hỏi về những quy định thu phí cụ thể đối với mỗi dịch vụ, người của lãnh sự quán đã không trưng ra được những chứng cứ xác thực.

Không bao giờ công bố các khoản thu

Không bao giờ công bố cụ thể các khoản thu là một nguyên tắc của các nhân viên đại sứ quán và lãnh sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Mỗi người nói giá tùy theo đối tượng. Đó là thực tế những gì các nạn nhân đã kinh qua và chia sẻ.

Chị Chu Thị Minh Hạnh, một Việt kiều sống tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là một trường hợp khác. Sau khi sinh con ở nước ngoài, chị Hạnh tới Đại sứ quán Việt Nam tại đây để làm giấy khai sinh và xin hộ chiếu cho con nhưng bị từ chối với lý do chị không sinh con tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Hai tháng sau, trong một dịp tình cờ quay lại đại sứ quán, chị Hạnh trao đổi với một nhân viên khác tại đây, thì nhận được câu trả lời rất nhiệt tình là làm giấy khai sinh và hộ chiếu Việt Nam cho cháu được với chi phí 750 AED, tương đương 230 USD. Chị Hạnh đồng ý, nhưng đến ngày hẹn mang giấy tờ tới sứ quán, chị lại được báo giá 1150 AED, tức cao hơn giá ban đầu 100 USD, với lý do.. chi phí dịch thuật sang tiếng Anh. Chị Hạnh thuật lại: “Anh này nói với tôi là nếu không dịch sang tiếng Anh thì sau này muốn xin xác nhận khai sinh cho cháu thì đại sứ quán không làm cho đâu, và nếu có vấn đề gì xảy ra thì rất phiền phức. Tôi vì thế đành chấp nhận đưa cho anh ấy 1150 AED và nhận được một cái giấy biên nhận kiểu như viết tay, chẳng có thông tin về việc nộp tiền cho cơ quan nào cả.”

Trong số các đại sứ quán, lãnh sự quán bị phản ánh về việc lạm thu mà VOA ghi nhận được, lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt là địa chỉ bị phản ánh nhiều nhất. Chúng tôi đã liên lạc với Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt là ông Lê Hồng Lâm. Ông Lâm từ chối phản hồi trực tiếp về những thông tin về tình trạng lạm thu tại lãnh sự, chỉ đồng ý trả lời bằng văn bản chính thức của Tổng lãnh sự sau khi nhận được công văn yêu cầu chính thức từ VOA. Theo yêu cầu, chúng tôi đã gửi điện thư tới Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt đề nghị phản hồi và sẽ cập nhật thông tin tới quý vị trong những ngày tới.

Cộng đồng người Việt tại Đức sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước Tổng lãnh sự Việt Nam ở Frankfurk vào ngày Chủ nhật 21/05 để phản đối tình trạng lạm thu tại các đại sứ, lãnh sự quán Việt Nam không chỉ ở địa phương này mà cả trên toàn thế giới, nói chung.

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #2 Ký danh: Tiêu đề

    18-05-2017 14:58

    di lam giay to cua tay tra mat dong nao
  • #1 Triết Lùn: Bố láo chấm KOM

    18-05-2017 09:35

    Uỷ quyền thường 120 Zlô ty còn uỷ quyền nhà đất 350 Zlô ty. Cứ bảo tại sao Dân ghét đảng hơn ghét chó.
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo