Luật xứ người: Xung quanh tờ Giấy khai sinh tại Séc
![]() |
Bộ luật mỗi nước khác nhau và ngay cả việc áp dụng luật cũng khác nhau tùy nơi và tùy người ... Cơ quan Đại diện tại nước ngoài làm việc theo chỉ thị chung từ trong nước. Nhiều hướng dẫn thi hành luật tại nước ngoài quá bất cập và đôi khi dẫn đến “khóc dở, mếu dở” cho một vài hòan cảnh của công dân Việt Nam. Vietinfo đăng bài viết cùng tư liệu của bạn Hà Lâm Praha về sự bất cập này từ một góc độ nhìn khác…
Giấy khai sinh (bản chính) là văn bản đầu tiên và suốt đời người ai cũng cần đến nó. Bạn cùng tôi nhìn thử “của tây” và “của ta”, nó khác nhau và giống nhau thế nào. Tôi không sùng ngọai, không thích cái gì cũng mang “tây” ra để chê “ta”, vì rất nhiều vấn đề khập khiễng, tây khác, ta khác. Nhưng giờ đến lượt tôi lại mang cái của “tây” ra để chê “ta”, quả là mâu thuẫn, ‘nói zậy mà không làm zậy”... |
1 – Bắt đầu từ chuyện “ăn cơm” và “đánh kẻng”.
“Đánh kẻng” xong mới được phép “ăn cơm”, thì chẳng có gì để nói, đằng này “cơm chín, đói bụng là ăn”, nó mới sinh ra nhiều chuyện. Tôi không bàn đề tài “cơm hay kẻng” trong bài viết này, mà chỉ muốn nói rằng : ngày nay, nếu không phạm pháp (như mấy vị quan chức cấp tỉnh vừa bị lộ ở Việt Nam) thì luật pháp và ngay dư luận xã hội hiện nay tuy không khuyến khích nhưng cũng không bị trừng phạt cái chuyện “ăn cơm trước kẻng” như mấy chục năm về trước. Tuy nhiên, việc sinh con ngòai giá thú (nôm na là đẻ hoang) lại được pháp luật bảo hộ, thậm chí còn được ưu ái (trợ cấp độc thân nuôi con) và đã thành quyền cơ bản của con người. Điều này ai cũng biết nhưng “nói zậy mà không phải zậy”, bạn hãy xem qua 2 tờ giấy khai sinh dưới đây của một đứa con hoang, một cái có bố, cái kia thì không. (tờ tiếng tây dù bạn không hiểu tiếng nhưng cũng đoán được nội dung là có bố). Đây không phải sự nhầm lẫn hay cố tình của người đi khai sinh, mà đây là cách xử lý với người có con ngòai giá thú ngay tại sứ quán Việt Nam tại C.H.Séc. Xin các bạn cứ lên án tôi là người buôn chuyện vì tôi đã ghi lại một phần câu chuyện của một bà mẹ trẻ, mà tôi gặp tình cờ gặp ở chợ Sapa (Praha, C.H.Séc). Tôi cũng xin phép chụp lại 2 bức ảnh để “mách có chứng”. Một đọan câu chuyện như sau.
2 – “Tây” thì ‘chuyện nhỏ” - miễn phí, “ta” thì “phức tạp quá” đòi 500 USD.
“… Kỳ thực chúng em cũng sinh cháu ngoài ý muốn. Gia đinh hai bên ở Việt Nam không ủng hộ chúng em lấy nhau, vì bạn em (à chồng em), ít tuổi hơn em, chúng em lại chưa có việc làm ổn định. Khi có bầu, bọn em hoang mang lắm, chẳng biết tính sao, nhưng em vẫn quyết tâm đẻ. Tiếng tăm không biết, đường xá không biết, người quen chẳng có ai, em chỉ nhờ mấy anh chị trước cùng làm thuê ở Sapa cho ở nhờ một thời gian. Chồng em cũng đi làm thuê, nên sang trước em nhưng chậm chạp, cũng chẳng nhờ cậy được gì. Em sinh cháu xong, vì con hoang nên em có quan tâm đến khai sinh gì đâu, hơn nữa bọn em định mang về gửi cho bố mẹ em ở Việt Nam nuôi vài năm. Bố mẹ em chia tay nhau đã lâu, ai cũng có gia đình riêng, nếu mang cháu về Việt nam gửi thấy bất tiện quá. Theo mọi người tư vấn, em phải làm khai sinh cho con, nó sẽ được ăn theo bố,(vì chồng em có giấy tờ định cư), dù chưa kết hôn, em và cháu vẫn được chế độ trợ cấp xã hội. Thế là em và chồng em quyết định để cháu ở lại, nhờ người dẫn đi làm giấy tờ. Té ra “bọn tây” nó dễ thật, giấy chứng sinh của bệnh viện chẳng ghi tên con ai mà lên ủy ban bảo con chúng tôi, họ cũng tin. Họ xem hộ chiếu và cấp luôn giấy khai sinh có đủ tên cha tên mẹ. Thế là cháu được ăn theo, em còn đựoc truy lĩnh nữa lương nữa.Hôm ấy, chúng em cũng lên lãnh sự để làm luôn thể khai sinh tiếng Việt cho cháu, mình là người Việt mà. Em cứ nghĩ tây nó dễ thế, ta còn dễ hơn, nhất là em hoàn cảnh khó khăn, mang theo con nhỏ thế này thế nào họ cũng cho làm đầu tiên.
Nhưng em đã nhầm. Khi nói rõ là chúng em chưa kết hôn nhưng muốn làm khai sinh có bố để cho con ăn theo, nhân viên sứ quán sau một vài câu thẩm vấn ra vẻ đăm chiêu nói: “ trường hợp này phức tạp quá, khó nghĩ quá, giấy khai sinh thì cấp ngay thôi, nhưng tôi không tự động ghi tên bố vào được, giấy kết hôn thì chưa có, ai dám khăng định cậu này là bố cháu bé. Lại còn nộp tờ khai trễ quá, đẻ xong một hai tuần thì làm ngay sao bây giờ mới lên, giấy bệnh viện cũng không ghi bố là ai, … ghi tên bố vào đây lỡ sau này có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm, khó quá, tôi rất thông cảm nhưng chuyện này không đơn giản tý nào, v.v.. và v.v..”.
Sau khi trình bày chán chê, nhưng chẳng có kết quả, cháu khóc quá, chúng em đành chấp nhận ghi mỗi tên mẹ, con không cha”, họ bảo OK thế thì đơn giản. Tuy nhiên, một lúc sau có người đến nói nhỏ :”để anh nói giúp một tiếng, nhưng nói thật phải mất chục nghìn (khỏang 500 USD), thế là hữu nghị lắm rồi”. Em lưỡng lự nhưng đành lắc đầu, vì quả thực chúng em làm gì có tiền, đành liều và cuối cùng em phải nhận cái tờ khai sinh cho cháu không có cha. Cũng may là bọn tây nó chẳng “soi” cái giấy này. Hôm đấy buồn và tủi thân, nhưng nghĩ lại thấy may mắn, ngu gì mà nộp chục nghìn cho nó, thế này chẳng làm sao cả“.
3 – những mẫu văn bản không giống ai.
Bạn có gặp câu chuỵện nào tương tự trên không? Tôi không dám khẳng định 100% là chuyện thật vì không có bằng chứng nhưng tôi tin là nó có, vì người mẹ trẻ này không biết tôi có ý định viết bài này, và chẳng biết tôi là ai. Chỉ thấy tôi thắc mắc khi chuyện tại sao tờ thì có bố, tờ thì không, nên cô ta bộc bạch ra như vậy. Thôi, tôi buôn chuyện thế là đủ, chúng ta cùng quay sang cái văn bản mang hình quốc huy này.
Giấy khai sinh (bản chính) là văn bản đầu tiên và suốt đời người ai cũng cần đến nó. Bạn cùng tôi nhìn thử “của tây” và “của ta”, nó khác nhau và giống nhau thế nào. Tôi không sùng ngọai, không thích cái gì cũng mang “tây” ra để chê “ta”, vì rất nhiều vấn đề khập khiễng, tây khác, ta khác. Nhưng giờ đến lượt tôi lại mang cái của “tây” ra để chê “ta”, quả là mâu thuẫn, ‘nói zậy mà không làm zậy”.
Thứ nhất “của tây ”to hơn “của ta”. Nói đúng ra là tây làm theo chuẩn thông thường khổ A4, còn ta thì làm tí tẹo, bằng nửa của tây. Không phải làm nhỏ là tiết kiệm, mà là kích thước chẳng giống ai.
Thứ hai “của tây” cứng hơn, bền hơn “của ta”. Vì chụp ảnh không thể hiện độ cứng, nhưng nếu cầm trực tiếp, thì tờ giấy của ta chỉ mỏng như tờ giấy vở học sinh rẻ tiền, rất dễ rách, dễ nhàu. Còn của tây, họ in giấy cứng hơn, bền hơn, ít thấm hơn. Ừ, cứ cho là tây nó giàu hơn ta, nhưng quả thực giấy tờ dùng cả đời người cần có lọai giấy tốt, giàu nghèo đâu phải chỗ này. Thiệp cưới hay cardvisit bây giờ ta in cũng xịn chẳng thua tây.
Thứ ba, việc nộp khai sinh chậm hay sớm thì theo quy định hành chính mà phạt người khai sinh, đằng này “của ta” bố mẹ lỡ nộp chậm là con cái suốt đời mang cái bản chính khai sinh có dòng chữ KHAI SINH QUÁ HẠN (viết in hoa, gạch đít) ngay bên cạnh cái quốc huy, y như là một cái án từ kiếp trước, chắc là lưu ý đời sau nhớ nộp đúng hạn?
Thứ tư, “của tây”, (cũng như “của ta” ở trong nước) chỉ cần một ông phường hay xã ký vào, đóng dấu tròn là xong. Đằng này “của ta” ở nước ngòai phải cần có 2 chữ ký mới đóng dấu được (ông bí thư thứ ba và ngài tham tán). Có lẽ công dân VN ở nước ngòai quan trọng hơn trong nước, nên phải thêm 2 cấp ký duyệt nữa mới dám đóng dấu? còn ai đó nói lý do hai chữ ký để chia “màu” là không có bằng chứng.
Thứ năm, phía dưới chữ ký 2 vị quan trọng trên của ta còn có chú thích “…Nghiêm cấm tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong Giấy khai sinh.” (chữ Giấy viết hoa). Ô hay, đã là giấy tờ tùy thân do nhà nước cấp như hộ chiếu, CMND, giấy khai sinh, … thì cấm việc tẩy xóa, sửa chữa là có trong luật định rồi, bao nhiêu quy định khác sao không liệt kê ra? Như “nghiêm cấm vẽ chim, vẽ cò,… ”. Câu cảnh báo vô duyên quá!. Đó là chưa kể, chữ “giấy khai sinh” là danh từ chung lại viết hoa, y như tên người vậy. Kiến thức sơ đẳng thông thường về chính tả của tất cả các ngôn ngữ.
Thứ sáu, là chữ ký của người xin khai sinh thì không có. Lạ thật, nếu không cần thì đừng ghi vào đây, mà đã ghi nhưng không ký, tức là người đi khai sinh chưa xác nhận vào văn bản này, thế mà mấy ngài bí thư và tham tán lại ký tên, đóng dấu?. Ai cũng biết các ngài bân “trăm công nghìn việc”, cái này là bộ phân hành chính làm, nhưng làm thế này thì hơi cẩu thả.
Thôi, không “vạch lá tìm sâu” nữa, biết đâu họ cũng đã hết nhiệm kỳ rồi, bây giờ họ đang đi sứ nơi khác rồi. Nói ra chẳng rút kinh nghiệm cho ai, chỉ khổ nỗi bà con ta thôi.
Hà Lâm (Praha) 7/2010
|