Séc: Đại sứ quán có tham gia cuộc ”Đảo chính” trong cộng đồng người Việt?
![]() |
ĐS Trương Mạnh Sơn, ông Hoàng Đình Thắng, Giang Thanh cùng hội đàm với phía Séc tại chợ Sapa. Ảnh HNVN.cz. |
Các hội đoàn tại Séc hầu hết dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán hoặc gián tiếp qua “cánh tay phải” là Hội người Việt Nam. Đại diện cho Việt Nam trong Hội đồng Chính phủ Séc về các dân tộc thiểu số, tiến sĩ Phạm Hữu Uyển là cá biệt. Nhân chuyến thăm chợ Sapa của Thứ trưởng bộ ngoại giao Séc ngày 1/7/2015, ĐSQ Việt Nam, Hội người Việt Nam và Hội người Séc gốc Việt đã cùng nhau bàn bạc “đảo lại” người đại diện bằng người của mình. Tuy nhiên, sự việc không được như mong đợi. Sau đây là góc nhìn của David Nguyễn về vấn đề này.
Đảo chính trong cộng đồng người Việt
“Mấy tuần trước một số bạn bè trên Facebook xôn xao vì nghe đâu có thể có “đảo chính trong cộng đồng người Việt”. Đến hôm nay vẫn còn nhiều ồn ào vì không rõ thực hư thế nào. Hôm trước qua FB một bạn gửi cho mình bản chụp của bức thư này. Rất may là mình nhận được từ bạn FB trước khi nhận được tin chính thức nên có thể đăng tiếp, chia sẻ cùng bạn bè để mọi người quan tâm việc này có thông tin và rộng đường tranh luận,” đầu tháng Tám, tiến sĩ Phạm Hữu Uyển, thành viên Hội đồng Chính phủ Cộng hòa Séc về các dân tộc thiểu số, đại diện cho thiểu số Việt Nam chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình cùng với ảnh chụp một lá thư bằng tiếng Séc.
Thế nhưng, lí do để người viết bài này thấy rằng cần “lên tiếng” là chia sẻ tiếp theo với bạn bè của vị thành viên Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số, đại diện cho những người Séc gốc Việt Nam trong một cơ quan cố vấn uy tín như vậy của chính phủ Cộng hòa Séc: “Các bạn hỏi mình nghĩ, phản ứng gì về việc này? Chưa phản ứng gì, mình tạm coi đây là hoạt động “văn hóa” của các đạo diễn và các diễn viên chính của vụ này đóng góp cho năm văn hóa Việt Nam đang được tiến hành rầm rộ.” Vì sao ư? Vì cái kiểu “đảo chính” dạng này sớm hay muộn rồi nó cũng sẽ phải xảy ra; chỉ có điều trong lần thất bại này những nhân vật thực hiện vẫn tiếp tục thể hiện tư duy mà khó có cách định nghĩa khác đúng hơn là “ngáo đá”.
Để thiên hạ có được một bức tranh tổng quát, người viết bài này trước hết muốn nhấn mạnh bản chất vấn đề, mà trong đó bao gồm những chi tiết quan trọng mang tính quyết định, rằng: chính quyền Cộng hòa Séc chưa bao giờ chính thức công nhận người Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14 tại CH Séc (đơn giản chỉ vì không ai có cái quyền ấy); qui chế sắc tộc thiểu số là của công dân CH Séc có gốc nước ngoài, chứ không giành cho tất cả người Việt Nam trong vị thế người ngoại quốc đang sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ CH Séc.

"Ngoài những thứ khác, những người tham dự cũng bầy tỏ quan điểm mong muốn thống nhất giới thiệu 1 ứng cử viên duy nhất làm thành viên Hội đồng dân tộc thiểu số ở Praha và 1 ứng cử viên duy nhất làm thành viên Hội đồng dân tộc thiểu số thuộc chính phủ Séc".
Từ năm 2008, người viết bài này đã là người đầu tiên đưa vấn đề dân tộc thiểu số của cộng đồng người Séc gốc Việt ra bàn bạc; và đó là lá thư ngỏ gửi Ban công tác cộng đồng ĐSQ và chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đăng trên tuần báo Xa Xứ, trong đó đề cập tới nhu cầu cấp bách thành lập một cái gì đó là Hội những người Séc gốc Việt, mà thậm chí có thể là chi hội của Hội người Việt Nam ở CH Séc; để sau đó trên cơ sở pháp lý ấy yêu cầu chính quyền sở tại phải chính thức công nhận sự hiện diện tồn tại của tầng lớp công dân Séc sắc tộc thiểu số Việt Nam trong xã hội. Nguyên nhân là do, viên bộ trưởng Nội vụ CH Séc dạo đó là Ivan Langer, phó chủ tịch thứ nhất đảng Dân chủ Công dân (ODS) trong liên minh cầm quyền, trong bối cảnh người Việt Nam tràn sang CH Séc để lao động, đã có câu tuyên bố lỗ mãng, đại loại rằng “nhà nước Việt Nam đang có mưu đồ thành lập dân tộc thiểu số của mình ở đây”. Tuyên bố này lập tức bị một số nhà nghiên cứu khẳng định là vô căn cứ, thậm chí ngu xuẩn từ cửa miệng của một chính khác cao cấp, bởi đơn giản, là dân tộc thiểu số không ai có thể thành lập mà tự thân nó hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử.
Trên nền tảng thông tin ấy, người viết bài này bắt đầu đi sâu tìm hiểu thu thập tài liệu và nhận thấy, rằng nếu căn cứ vào Hiến pháp Cộng hòa Séc, Tuyên ngôn nhân quyền và tự do cơ bản và luật số 273/2001 Sb., về quyền của thành viên các sắc tộc thiểu số; thì sắc tộc thiểu số Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tồn tại. Với niềm tin dựa trên cơ sở pháp lý ấy, người viết bài này đã có hàng loạt bài phân tích về đề tài đó; và cả ý tưởng cấp thiết cần sớm thành lập mô hình tổ chức công dân mang tên ví dụ Hội người Séc gốc Việt, để có cơ sở pháp lý yêu cầu nhà nước CH Séc công nhận thực tế lịch sử đó, liên tục được nhấn mạnh trong các bài viết thường xuyên đăng trên báo Xa Xứ, tờ báo duy nhất của cộng đồng liên tục quan tâm tới vấn đề này vào thời kỳ ấy.
Còn nhớ, người viết bài này dạo đó thậm chí đã hứng nhiều chỉ trích phê phán về ý tưởng điên rồ, chán chuyện viết lách định nhảy ra làm chính trị, mà những phân tích, bình luận hay tranh cãi này nay chắc vẫn còn lưu trên một số trang tin điện tử, ví dụ như Vietinfo.eu hay báo Xa Xứ là đơn vị truyền thông cộng đồng đầu tiên và xin nhắc lại- duy nhất, đăng tải các bài viết về đề tài này.
Theo thời gian, một số cá nhân, tổ chức có lẽ cảm thấy đây là cơ hội tốt để đầu tư chính trị, nên sấn sổ nhảy vào cuộc chơi lớn.
Thế nhưng, tất cả đều bỏ qua vì không biết hay không thèm quan tâm tới bản chất vấn đề, mà không thèn cân nhắc tới những gì mà người viết bài này đã lưu ý cảnh báo ngay từ đầu và trong đó quan trọng nhất là không có sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam. Nguyên nhân rất đơn giản, vì đây là vấn đề nội bộ của nhà nước Cộng hòa Séc.
Dám “mạo muội” can ngăn khuyên giải, chỉ bởi vì người viết bài này vào thời điểm đó thường xuyên nhận được các biên bản những kỳ họp của Hội đồng chính phủ về dân tộc thiểu số, và trong khi chuyển ngữ đã phải đọc để hiểu thậm chí đến từng dấu chấm, phẩy; nên thấy rõ thái độ của từng thành viên Hội đồng trong các phiên họp như thế nào. Ví dụ như chất vấn của đại diện bộ Nội vụ về việc tại sao cứ phải tiếp và làm việc với những đối tượng không liên quan từ ĐSQ và hội Người Việt Nam ở CH Séc, và đó là nguyên nhân chính để đại diện bộ Nội vụ liên tục đưa ra đủ mọi lý sự để phản đối.
Xin hỏi, liệu tất cả những đối tượng mà hồi tháng Năm được chủ tịch nước Việt Nam tưởng thưởng cho “công lao” đóng góp vào sự nghiệp để người Việt Nam được chính phủ CH Séc chính thức công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14, có biết được, rằng sau đề nghị từ trước đó của đại diện cộng đồng người Séc gốc Belarus và đề nghị “mãnh liệt” của người Việt Nam với sự hỗ trợ của ĐSQ, Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số đã phải yêu cầu một số chuyên viên am hiểu nhất CH Séc về lĩnh vực này nghiên cứu và soạn thảo tài liệu phân tích pháp lý, để kết quả cuối cùng “lòi ra” một sự thật, sự thật mà người viết bài này khẳng định từ mấy năm trước đó- rằng không kẻ nào có pháp quyền để “công nhận” một thực tế pháp lý đã tự thân nó hình thành qua quá trình phát triển của lịch sử? Ngoài ra, tài liệu phân tích pháp lý còn cho thấy những bất cập trong Qui chế điều lệ của Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số, ví dụ như danh sách “chốt lại” trước đó của Hội đồng chỉ có 12 thành viên thiểu số chính thức; hay cái quyền “kết nạp” thành viên mới mà cho tới thời điểm đó Hội đồng này vẫn cho rằng mình có thể quyết định, mà trên thực tế không hề tồn tại. Cú “sốc” này làm cho nhiều thành viên Hội đồng (thể hiện rõ trong biên bản họp) than phiền, rằng nếu thế thì họp hành bàn cãi mà làm gì.
Cuối cùng, bằng nghị quyết số 530 ngày 03.07.2013 của chính phủ do thủ tướng Petr Nečas ký về việc đề nghị thay đổi qui chế Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số và bổ nhiệm thành viên vào Hội đồng, mà văn bản cụ thể sau đó được bà cao ủy Nhân quyền Chính phủ Monika Šimůnková soạn thảo theo ủy nhiệm thực thi của nghị quyết này, quyết định bổ nhiệm RNDr. Huu Uyen Pham, CSc, làm thành viên Hội đồng Chính phủ về các dân tộc thiểu số đại diện cho sắc tộc thiểu số Việt Nam.
Thế nhưng, những gì mà ông Phạm Hữu Uyển vừa mới viết trên statut của mình về một cuộc “đảo chính trong cộng đồng người Việt” và “tạm coi đây là hoạt động “văn hóa” của các đạo diễn và các diễn viên chính của vụ này”, thì trên thực tế nó đã manh nha từ tháng Bẩy năm 2013 rồi.
Bởi có thể nói, quyết định ngoạn mục nọ của chính phủ CH Séc- mà xin lưu ý, rằng trong văn bản bổ nhiệm do bà Monika Šimůnková soạn thảo cũng nhấn mạnh, rằng việc bổ nhiệm không phải là cử chỉ pháp lý „chính thức công nhận qui chế thiểu số“ cho bất kỳ ai; đã làm cho hầu như tất cả mọi người quan tâm đến vấn đề này bị bất ngờ. Ngoại trừ người viết bài này, vì nó hoàn toàn logic!

Bởi đề nghị „bí mật“ gửi bộ trưởng Nhân quyền Jiří Dienstbier, chủ tịch Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số của hai phó chủ tịch Hội người Séc gốc Việt Nam Thanh Giang và Sinh Nguyen, tiến cử chủ tịch Hội mình là kỹ sư Phạm Công Tú làm thành viên Hội đồng, thế chỗ cho thành viên Phạm Hữu Uyển hiện nay; đã một lần nữa khẳng định sự mê muội pháp lý và tập quán chính trị của họ về chính trường nước sở tại như thế nào. Bởi họ không hề ý thức được, rằng ông Phạm Công Tú bất chấp lời khuyên chân thành nhất của người viết bài này, vẫn tháp tùng “phái đoàn” đi vận động các chính khách để chính quyền sở tại thỏa mãn tham vọng của mình; và thực tế đó đồng nghĩa với việc tên ông Phạm Công Tú đã bị loại ra khỏi danh sách các ứng viên, mặc dù nếu cân nhắc mọi khía cạnh thì theo nguyên tắc giả thiết ông ta là đối tượng “xứng đáng” và sáng giá nhất.
Bởi họ đâu có biết, rằng “lộ trình” bốn năm bước mà họ lập ra và thực hiện đã làm giới quan chức có trách nhiệm của CH Séc sởn gai ốc cảnh giác. Và việc chọn thành viên tổ chức Văn Lang vào thời điểm cuối cùng- mà có lẽ là điều bất ngờ cả với chính cá nhân tiến sĩ Phạm Hữu Uyển- đã khẳng định lập trường của chính quyền sở tại kiên định như thế nào, trước nguy cơ rủi ro mà đại diện bộ Nội vụ liên tục nhấn mạnh về khả năng tác động của nhà nước Việt Nam tới bộ phận người Séc gốc Việt, công dân nhà nước Cộng hòa Séc.
Thế nhưng, cơn “ngáo đá” sẽ còn tiếp tục làm nỗi đau công lao của mình đã bị người khác- mà cụ thể ở đây là ông Phạm Hữu Uyển- “cướp trên giàn mướp” vẫn còn dai dẳng. Mà hơn nữa, có lẽ ngay cả cá nhân tiến sĩ Phạm Hữu Uyển cũng chưa ý thức hết được thực tế, rằng với họ những hoạt động vì một xã hội dân sự của ông và các thân hữu trong nhóm Văn Lang là không thể chấp nhận.

Bản dịch bức thư sang tiếng Việt của Nguyễn Cường:
Kính thưa quý ngài,
Bằng cách này tôi hồi âm lại Thư đề nghị của quý ngài viết ngày 08 tháng 6 năm nay, trong đó quý ngài đề nghị để tôi cân nhắc về khả năng bổ nhiệm ông Kỹ sư Cong Tu Pham, chủ tịch hội người Séc gốc Việt, vào cương vị thành viên đại diện cho cộng đồng người Việt của Hội đồng dân tộc thiểu số thuộc chính phủ. Tôi xin cảm ơn sáng kiến này của quý ngài, mặc dù tôi phải thú nhận rằng nó đã vượt quá thông lệ của các nhóm thành viên trong HĐDTTS.
Chắc qúy ngài đều biết, đại diện cho cộng đồng người Việt tại CH Séc hiện nay, ông Ts Huu Uyen Pham được chính phủ bổ nhiệm tháng 7 năm 2013 (quyết định bổ nhiệm số 530, ngày 03.7.2013). Theo điều 3, khoản 7, mục a) của Điều lệ thì nhiệm kỳ của Đại diện HĐDTTS chính phủ là 4 năm; Đại diện của HĐ không thể được HĐDTTS bổ nhiệm quá hai lần. Vì thế điều cần phải biết là người được bổ nhiệm sẽ giữ cương vị Đại diện tới năm 2017. Ngoài ra, theo điều 6 của Điều lệ của HĐ, vị trí đại diện này có thể chấm dứt nếu người đó từ chức hoặc người đó bị chết.
Hơn nữa kỹ sư Cong Tu Pham còn là ủy viên của Ủy ban phối hợp với các cơ quan hành chính, một trong 3 ủy ban trợ lý cho HĐDTTS.
Tôi muốn khẳng định với quý ngài, rằng trong cương vị là thành viên của HĐDTTS, Ts Huu Uyen Pham có nhiều đóng góp hữu ích cho HĐDTTS.
Kính thư.