Sứ quán người ta chăm dân như... mẹ chăm con
![]() |
Ảnh: Internet |
Những ai từng có kinh nghiệm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là những người được cử đi theo nhiệm kỳ công tác, để phân biệt với người đi định cư thường có gia đình đi cùng, thì ở nơi đất khách quê người trong lòng luôn đau đáu hai chữ quê hương! Trong nỗi niềm đó tấm lòng họ luôn hướng về đất nước mà hình ảnh đại diện trước tiên không gì khác hơn là cơ quan ngoại giao của nước mình ở nước sở tại: Đại sứ quán, Lãnh sự quán...
Chính vì lẽ đó mà một trong những tôn chỉ hoạt động quan trọng của cơ quan ngoại giao là bảo tồn văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống tinh thần của công dân mình ở đất nước mà cơ quan ngoại giao làm đại diện.
Bản thân đã từng "thấm thía" nỗi niềm cho nên tôi đồng cảm với vài người bạn nước ngoài đang sinh sống làm việc ở Việt Nam, trong phạm vi khả năng của mình tôi quan tâm giúp đỡ họ vài việc nhỏ trong cuộc sống. Trong số đó là một chị công dân một nước thuộc nhóm G7 đang làm việc ở TP. HCM.
Năm ngoái một lần đến thăm thì nghe chị ấy kể vừa đưa các bé con của chị đi khám sức khỏe về. Thấy tôi ngạc nhiên vì các bé con chị rất khỏe mạnh vui vẻ chứ không có biểu hiện đau ốm gì, thì chị cho biết Bộ Phúc lợi Xã hội bên nhà cử phái đoàn bác sĩ qua Việt Nam khám sức khỏe tổng quát cho công dân nước họ hoàn toàn miễn phí.
Để việc kiểm tra sức khoẻ diễn ra thông suốt và có chất lượng, trước đó khoảng nữa năm thông qua Sứ quán họ làm hồ sơ, hướng dẫn lấy mẫu phân nước tiểu gởi đi xét nghiệm, trả lời bảng biểu điều tra tình hình sức khỏe, bệnh lý, thói quen sinh hoạt ăn uống, phát mã số...
Đúng ngày giờ theo lịch trình chị đưa các con đến khám ở khách sạn nổi tiếng của TP. HCM, địa điểm do Sứ quán thuê làm làm nơi tiếp công dân và khám bệnh. Khám tổng quát, tư vấn các vấn đề sức khỏe, trả lời mọi câu hỏi thắc mắc, phát sổ theo dõi và ghi chú các vấn đề sức khỏe, phát thuốc...
Cách nay vài tháng, nhân một lần gặp mặt chị kể Sứ quán mới gởi email khuyến cáo công dân buổi tối có việc phải ra ngoài thì nên đi ít nhất hai người trở lên, nên đi ô tô hoặc gọi taxi cho dù di chuyển đoạn ngắn, họ gợi ý tên công ty taxi có thương hiệu và số điện thoại công ty đó... Sứ quán giải thích mới rồi có hai công dân nước họ đến VN du lịch khi đang đi bộ đến một nhà hàng ở Bà Rịa để ăn tối thì bị những kẻ lạ đi theo gây hấn rồi tấn công xong bỏ chạy, hai vị khách bị thương phải vô bệnh viện điều trị... gây lo lắng trong cộng đồng người dân nước họ.
Ngày 22/1, chị ấy lại gọi điện thoại hỏi ý kiến của tôi về tình hình giao thông tại TP. HCM chiều ngày 23/1 và việc đi lại giờ giấc sao cho không rơi vào "tâm bão"... Tôi hỏi sao chị biết chiều ngày 23 sẽ có "bão"? Chị nói mới nhận được email của Sứ quán nhắc nhở đội tuyển bóng đá VN lần đầu tiên vào bán kết giải U23 châu Á, do đó sau trận đấu giới trẻ VN có thể "đi bão" thậm chí có thể có đua xe tự phát để ăn mừng... Trận đấu bắt đầu lúc 15h ngày 23/1 nên họ khuyên công dân nên về đến nhà trước 17:00 để tránh kẹt xe và tránh gặp rắc rối về giao thông.
Mới ngày qua, chị "forward" cho tôi một tin nhắn của Sứ quán, cảnh báo nạn trộm cắp có khuynh hướng gia tăng trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, nhắc nhở công dân cách lưu thông xe máy sao cho an toàn, giỏ xách và tư trang không để lộ ra bên ngoài đề phòng bị cướp giật gây nguy hiểm tính mạng. Tại nơi cư trú thì không nên cất giữ nhiều tiền mặt, tư trang có giá trị, giờ giấc đi đứng nhớ báo cho người thân bạn bè hoặc bên thứ ba biết. Đồng thời giới thiệu dịch vụ cho thuê tủ cất giữ tài sản cá nhân tại các ngân hàng có uy tín... Chị nói, mượn lời của Sứ quán cũng nhắc nhở tôi giống như vậy.
Được biết hằng năm Sứ quán nước này có chương trình phát miễn phí SGK bản địa cho các em nhỏ trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 9. Họ có danh sách trẻ em ở VN, em nào học trường theo hệ giáo dục của bản quốc, em nào học trường quốc tế, trường VN... để có kế hoạch phát sách phù hợp.
Sinh thời, khi biết tin tôi sắp đi công tác xa hoặc đi ra nước ngoài... Mẹ tôi ở quê thường gọi điện vào để dặn dò những điều tương tự, sự quan tâm lo lắng thì khó đong đầy nhưng về độ chi li bài bản có lẻ không bằng cách Sứ quán dặn dò dân của họ. Cho nên nói Sứ quán chăm dân như mẹ chăm con quả là không ngoa!
Thời gian vài năm sinh sống làm việc ở nước ngoài tôi không nhận được khuyến cáo nào của cơ quan ngoại giao của VN. Có lần cần vài thông tin bên nhà, để có nguồn chính thống tôi nhấc máy gọi ĐSQ hỏi thăm thì nhận được những câu trả lời kiểu "người cõi trên", từ đó về sau tôi không làm phiền ĐSQ nữa. Các bạn nào đã từng nhận được sự quan tâm chăm lo của cơ quan ngoại nước mình khi sinh sống làm việc ở nước ngoài thì nên chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người cùng biết để làm mô hình khuyến khích nhân rộng.
Thiết nghĩ nếu một số cán bộ cơ quan ngoại giao VN ở Chi Lê, Nam Phi chân thành quan tâm đến công dân nước mình thì họ sẽ có khối việc để làm, chứ không có thời gian rảnh dính líu các vụ việc như: "thân nhân đi chợ mua vây cá mập về phơi trên nóc ĐSQ gây mùi hôi" (1) hoặc đi giao dịch sừng tê giác bị đài truyền hình nước sở tại quay phim "day tận cánh" (2)... làm tổn thất thể diện quốc gia như những sự việc đã xảy ra đâu nhỉ!
Trúc Nguyễn
Chú thích:
(1) https://tuoitre.vn/vay-ca-map-mua-ngoai-cho-chile-de-su-dung-trong-nha-20180123125800682.htm
(2) https://tuoitre.vn/chuyen-tay-dinh-o-dai-su-quan-vn-tai-nam-phi-bo-ngoai-giao-len-tieng-288525.htm
Nguồn: Dân luận