Sức khỏe

Không phải ai cũng sẽ sống trường thọ

Cập nhật lúc 26-02-2014 20:17:44 (GMT+1)
Flickr.com/TomConger/cc-by-nc

 

Đến năm 2050, 120 tuổi sẽ trở thành tiêu chuẩn tuổi thọ trung bình của cư dân các nước kinh tế phát triển. Đây là dự báo từ Viện sĩ Valery Chereshnev, người đứng đầu Ủy ban khoa học và công nghệ cao của Duma Quốc gia. Chủ yếu, dự đoán này được áp dụng cho các quốc gia có tuổi thọ trung bình gần 80 tuổi.


Ở các khu vực trên thế giới, mức tuổi thọ trung bình rất khác nhau. Ngày nay, chỉ số thấp nhất được ghi nhận ở các nước Swaziland, Angola, Mozambique là 40 tuổi. Cư dân Andorra và Nhật Bản sống lâu hơn hết – trên 80 tuổi. Tuổi thọ trung bình của hai trăm quốc gia còn lại dao động giữa hai con số này. Người ta sống lâu hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố xã hội như môi trường, sự phát triển kinh tế, chất lượng chăm sóc y tế. Mặc dù khả năng của con người là sống đến 120 tuổi.

Đó là điều mà nhân loại có thể hưởng từ quá trình tiến hóa. Từ những năm 1930, nhà sinh lý học Liên Xô, Viện sĩ Alexander Bogomolets đã đưa ra lý thuyết cho rằng tuổi thọ của các động vật có vú tương đương thừa số của giai đoạn tăng trưởng và hệ số 5-6. Thời đó, nhà khoa học bị người ta chế nhạo nhưng các nghiên cứu tiếp theo đã chứng tỏ sự đúng đắn của ông, - Viện sĩ Viện Hàn lâm, Tiến sĩ khoa học y học Valery Chereshnev nói.

“Ví dụ, đàn ông phát triển đến năm 25 tuổi khi khung xương hoàn chỉnh, phụ nữ vào khoảng 20 tuổi. Đem nhân với 5, chúng ta sẽ có 100-125 năm. Quy tắc này được lặp lại ở nhiều động vật. Chó phát triển trong vòng một hoặc hai năm và sống trung bình 9-10 năm. Ngựa lớn lên trong 4 năm đầu và sống được 25 năm. Thời gian trường thọ có thể bị rút ngắn 20%, do các tác động xã hội: sự căng thẳng, chất lượng sinh thái. Nếu sống trong điều kiện bình thường, điều độ, môi trường sạch, thức ăn sạch và đầy đủ, tuổi thọ trung bình của con người có thể đạt 100-110 tuổi.”

Căn cứ vào lý thuyết này, Viện sĩ Chereshnev dự đoán ở các quốc gia có tuổi thọ trung bình khoảng 80 năm, trong tương lai thế hệ trẻ hiện tại sẽ quen với lễ mừng thọ trăm tuổi. Nga chưa thuộc diện các nước này: tuổi thọ trung bình ở Nga hiện nay là 72. Tuy nhiên, những con số đáng khích lệ cho thấy tình hình cải thiện không ngừng trong mười năm qua và chẳng bao lâu Nga sẽ lọt vào phạm vi của dự báo.

Không phải tất cả các nhà nghiên cứu lão khoa đều chia sẻ sự lạc quan của Viện sĩ Chereshnev. Trong những điều kiện sinh hoạt thuận lợi, tuổi thọ trung bình của con người sẽ tăng lên, nhưng 120 năm sẽ là giới hạn thì đúng hơn, - ông Vladimir Havinson, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu lão khoa châu Âu, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học cho biết.

“Sự tiến hóa tối đa của tuổi thọ con người là 110-120 năm. Trên thế giới hiện nay chỉ có 88 người sống ở tuổi từ 110 đến 115. Tuổi thọ trung bình 82 đến 86 tuổi được ghi nhận ở các nước kinh tế và cơ sở hạ tầng phát triển, chất lượng chăm sóc y tế cao. Tôi tin triển vọng tăng chỉ số này tới 90 - 95 năm. Còn 110 - 120 tuổi là ngưỡng tối đa. Không phải ai cũng sống được tới giới hạn này.”

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu lão khoa hàng đầu vẫn dành vài lời khuyên cho những ai hôm nay muốn sống lâu hơn:

“Kéo dài tuổi thọ bằng sự hạn chế các thức ăn calo, có nghĩa dinh dưỡng hợp lý là phương thuốc quan trọng nhất. Thứ hai, sử dụng thông minh các kết hợp đúng đắn giữa chất chống oxy hóa và vitamin. Tiếp đến, peptide - các phân tử protein điều hòa hoạt động gen. Đã chứng minh được rằng các peptide kéo dài cuộc sống thêm 30-40 %. Nguồn tài nguyên này có ở tất cả các sinh vật sống.”

Tổ hợp những công cụ được nêu sẽ không chỉ kéo dài sự sống mà còn duy trì cơ thể khỏe mạnh và tâm trí minh mẫn. Đó là những điều khó thể thiếu để có cuộc sống trường thọ hạnh phúc.

Nguồn: vietnamese.ruvr.ru

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo