Sức khỏe

Làm sao phát hiện 'tin vịt' dạy cách chữa bệnh

Cập nhật lúc 14-03-2017 14:07:25 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Internet

 

Khi báo Anh, the Independent, phân tích 20 câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất trong năm 2016 có chữ 'ung thư' trong tiêu đề, thì có tới quá nửa đưa ra những nội dung mà giới chức ngành y tế hoặc các bác sỹ cho là không đáng tin cậy.


Tuy nhiên, vẫn có nhiều triệu người coi đó là những bài viết có nội dung thú vị, đáng chia sẻ trên mạng xã hội.

Nếu như các bài viết nêu tin tức giả về chính trị có thể ảnh hưởng tới cách thức cử tri đi bỏ phiếu, thì các bài báo về sức khỏe đưa ra những cách chữa trị chưa hề được kiểm chứng có khiến độc giả bỏ qua biện pháp điều trị đang được bác sỹ chỉ định để thử nghiệm những gì được nêu trong bài báo không?

Một số người lo sợ rằng những bài báo như thế sẽ gây tác động rất nguy hiểm.

iStock

Bản quyền hình ảnh ISTOCK

Mọi người cần phải thận trọng khi đọc tin, nhưng làm sao để biết được những gì ta nhìn thấy trên Facebook hay Twitter hàng ngày là những tin được dựa trên bằng chứng khoa học đúng đắn hay không?

Mỗi ngày, tôi nhận được hàng chục email từ các công ty quảng cáo, đôi khi là thư nói về những nghiên cứu rất hay, nhưng có lúc lại là thư nhảm.

Cũng giống như các phóng viên y tế khác, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem làm thế nào để biết được tin nào đúng, tin nào không.

Tôi tự hỏi liệu cách tốt nhất để biết được chất lượng bài báo mà mình đang đọc có phải là bằng cách bắt tay vào tìm kiếm những thông tin tương tự hay không.

Thế là cho loạt chương trình phát thanh Health Check của BBC, tôi tìm đến ba phóng viên y tế dày dạn kinh nghiệm để tham vấn, gồm Sarah Boseley, chủ biên mảng y tế của tờ The Guardian, James Gallagher, phóng viên chuyên về khoa học và y tế của BBC, và Ivan Oransky, nhà bình luận của Stat News và cũng là cây viết của Distinguished tại Đại học New York. Và tôi cũng bổ sung thêm kinh nghiệm cá nhân nữa.

Bạn có phát hiện ra những dòng tin không đáng tin cậy không?

Bạn có phát hiện ra những dòng tin không đáng tin cậy không?

1. Trước tiên, hãy nhìn nguồn tham khảo của bài báo. Hãy kiểm tra xem đó có phải là bài đăng trên một tờ báo, một trang mạng hay của một hãng truyền thông có uy tín hay không.

2. Hãy tự hỏi xem liệu kết quả nghiên cứu được đưa ra trong bài đó có thực sự hợp lý không. Nếu thấy nó có vẻ hoàn hảo tới mức không thể tin được thì có lẽ nó không đáng tin.

3. Nếu như bài báo có những mô tả như "điều bí mật thậm chí bác sỹ cũng không nói cho bạn biết" thì ta nên thận trọng. Các bác sỹ chẳng có lợi gì khi giữ bí mật những cách chữa trị hiệu quả. Họ muốn chữa khỏi bệnh cho mọi người, bởi đó chính là công việc của họ.

4. Nội dung càng tuyên bố mạnh mẽ bao nhiêu thì bạn càng cần phải xem thêm bằng chứng nhiều bấy nhiêu, đủ để bạn có thể tin rằng nội dung đó đúng. Nếu thực sự có một bước đột phá thì hẳn là cách điều trị được nhắc tới đã phải được thử nghiệm trên hàng ngàn bệnh nhân, được công bố trên các tạp chí y khoa và được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới. Nếu như đó là điều mới và chỉ có một bác sỹ khuyên dùng, thì bạn nên chờ đợi cho tới khi có thêm các bằng chứng trước khi nghe theo lời khuyên đó.

5. Nếu bài viết nói rằng kết quả nghiên cứu được nêu đã được công bố trong một tạp chí nào đó, thì bạn hãy tìm kiếm nhanh trên mạng để kiểm tra xem tạp chí đó có phải là loại được kiểm định nội dung (peer-reviewed) không. Tức là loại tạp chí trước khi in một bài báo thì họ sẽ gửi nội dung bài cho các khoa học gia làm việc trong cùng ngành đó để yêu cầu họ nghiên cứu, thẩm định. Ngay cả các tạp chí như thế cũng có khi rút lại những bài đã đăng nếu phát hiện có sự gian lận, nhưng đa phần các bài đều đạt chất lượng. Nếu như kết quả nghiên cứu chưa được công bố trên một tạp chí được kiểm định nội dung thì rất cần nghi ngờ, cảnh giác.

6. Cách chữa trị tuyệt vời được nêu trong bài viết đã từng được thử nghiệm trên con người chưa? Hay mới chỉ trong ống nghiệm, hay trên chuột trong phòng thí nghiệm? Nếu chưa được thử nghiệm trên người thì cách chữa trị đó có thể vẫn rất thú vị về mặt khoa học và hứa hẹn sẽ đem lại kết quả đáng mừng, nhưng vào lúc này thì vẫn còn quá sớm để biết liệu có hiệu quả gì khi áp dụng cho con người hay không.

7. Mạng internet có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Hãy tìm hiểu trên trang mạng chuyên bình luận về việc đưa tin trên truyền thông, như Health News Review, và bạn sẽ nhận ra là họ đã làm giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm tra độ tin cậy của thông tin được nêu trong bài báo mà bạn quan tâm.

8. Nếu không, hãy tìm kiếm tên của phóng viên viết bài để xem họ thường viết về chủ đề gì. Nếu họ thường viết về khoa học hay y tế thì nhiều khả năng họ biết cần đặt ra những câu hỏi gì liên quan tới biện pháp chữa trị mới.

9. Hãy tìm kiếm trên mạng bằng các thông tin nêu trong câu chuyện, và kèm thêm chữ "myth" (hoang đường) hoặc "hoax" (tin vịt). Có thể bạn sẽ thấy là chủ đề này đã được chỉ trích, đề cập tới ở đâu đó rồi.

10. Và cuối cùng, một khi bạn xác định được là câu chuyện về sức khỏe đó không phải là tin giả, đã được công bố trên một tạp chí y khoa có uy tín, thì bạn vẫn nên kiểm tra phương pháp tiến hành cuộc nghiên cứu. Trang Behind the Headlines thuộc Cơ quan Y tế Anh quốc (NHS) xem xét chi tiết các nghiên cứu, thảo luận về cách thức các nghiên cứu đã được thực hiện, và về việc liệu các kết quả thu được có được tường thuật một cách chính xác hay không.

Nguồn: Claudia Hammond/BBC Future

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo