Sức khỏe

Làm thế nào phòng tránh đột quỵ trời nắng nóng?

Cập nhật lúc 04-06-2017 14:08:04 (GMT+1)
Tận dụng tối đa bóng mát giúp bảo vệ cơ thể ngày nắng nóng. ẢNH THÚY ANH

 

Say nắng có thể gây ra biến chứng như liệt, méo miệng, đột quỵ, nếu không được cấp cứu kịp thời.


Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân Y cho biết, say nắng là rối loạn bệnh lý xảy ra khi đối tượng bị nắng chiếu trực tiếp vào đầu và gáy trong một thời gian đủ dài và nắng đủ lớn.

Người bị say nắng có dấu hiệu như mặt mũi đỏ gay, mồ hôi toát ra trên mặt, trên người, cùng với đó là tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, thường được mô tả là thở hổn hển, rối loạn vận động, mất điều hòa động tác, ngất hoặc có rối loạn ý thức. Lúc này nhiệt độ cơ thể tăng, thường từ trên 38 độ C .

Say nắng có thể nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng như liệt, méo miệng, nói ngọng, nặng nhất là tình trạng đột quỵ xảy ra, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Tử vong có thể gặp ở mọi đối tượng, bao gồm cả người già, trẻ em, phụ nữ và nam giới trưởng thành.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, với trẻ nhỏ, nguyên nhân của say nắng là do trẻ đùa nghịch quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, gây ra rối loạn điều hòa thân nhiệt và mất nước cấp. Bệnh nhi bị say nắng thường có biểu hiện nặng ngay từ đầu, có thể có dấu hiệu thần kinh sớm. Tổn thương này có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, với người bị say nắng, say nóng, trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, cần nhanh chóng được sơ cứu ngay lập tức, như chuyển ngay vào chỗ mát, thoáng gió; nới rộng, bỏ bớt quần áo, cho uống nước pha chút muối; chườm mát ở các vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, đồng thời vẫn duy trì chườm mát cho nạn nhân.

Để phòng say nắng nóng, không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Cho trẻ uống đầy đủ nước; không để trẻ ra bên ngoài khi nắng nóng gay gắt; giữ môi trường trong nhà thoáng mát. 

Với người lớn, hạn chế ra ngoài khi nắng nóng gay gắt; cần lưu ý bù đủ nước; có mũ, áo che, chắn nắng; tận dụng tối đa bóng mát cây xanh để bảo vệ cơ thể trước nắng nóng trong trường hợp phải di chuyển, làm việc bên ngoài.

Nguồn: Nam Sơn/ Thanhnien.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo