Sức khỏe

Ngày hè, trẻ biếng ăn do sai lầm của cha mẹ

Cập nhật lúc 29-05-2018 03:46:00 (GMT+1)
Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp trẻ ăn uống tốt hơn. Ảnh: XT

 

Bồi bổ quá mức, bữa ăn thiếu vi chất dinh dưỡng… là những cách cha mẹ cố nhồi nhét trong mấy tháng hè cho con tăng cân. Tuy nhiên, ngày hè nóng nực, càng bồi bổ càng khiến trẻ dễ biếng ăn hơn.


Bồi bổ con quá mức

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trong những ngày nắng nóng thời tiết oi bức, trẻ thường biếng ăn. Cùng với đó cách chăm sóc, ăn uống sai từ bố mẹ cũng làm cho trẻ biếng ăn càng biếng ăn hơn. Số lượng trẻ đến khám biếng ăn, dinh dưỡng kém dịp này thường cao hơn. Hiện mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận từ 200-300 trẻ em đến khám về dinh dưỡng với các vấn đề như rối loạn dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thấp còi và hậu quả của các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Không ít bậc phụ huynh tận dụng thời gian con nghỉ hè để tích cực bồi bổ, cho ăn “thả ga” mong con được tăng cân. Phần lớn mọi người đều có tâm lý, trẻ ăn càng nhiều sẽ càng khỏe mạnh, nhanh lớn nên cố “ép” con bằng mọi cách vượt quá khả năng tiếp nhận dạ dày trẻ. Đặc biệt, thời tiết ngày hè nóng nực trẻ hay ốm sốt dễ bị biếng ăn, vì sợ con giảm cân cha mẹ lại càng thúc ép ăn. Từ đó, trẻ dẫn tới tình trạng sợ ăn.

Bên cạnh đó, nhiều người lại bồi bổ quá mức cho trẻ làm mất cân bằng về chất. Bữa ăn của các con cần cân đối các nhóm thực phẩm chất xơ, tinh bột, chất đạm và dầu mỡ nhưng lại chỉ cho trẻ ăn chất đạm, chất béo. Nếu các con bị nhồi nhét và quá nhiều chất bổ sẽ nhanh chóng tích lũy lượng mỡ dẫn tới thừa cân, béo phì. Hoặc bé sẽ không hấp thu, tiêu hóa được hết lượng thức ăn. Như ăn quá nhiều thịt có thể khiến cho trẻ bị thừa protein làm canxi trong cơ thể bị hạ thấp. Khi cơ thể có sự mất cân đối về chất sẽ làm cho chất này kìm hãm chất kia. Tình trạng ăn uống này kéo dài sẽ dẫn tới trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng.

Bữa ăn đơn điệu, không cung cấp đủ vi chất

BS Trần Khánh Vân, Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, dù trẻ được tẩm bổ đến đâu nhưng nếu không đầy đủ về chất vẫn biếng ăn, suy dinh dưỡng. Khi bồi bổ cho trẻ nhỏ cần phải cân bằng về chất và lượng. Điều tra dinh dưỡng cho thấy, trẻ em Việt không chỉ bị thiếu 1 hoặc 2 vi chất dinh dưỡng mà là bị thiếu đa vi chất dinh dưỡng.

Hiện khẩu phần ăn của trẻ Việt từ 2-5 tuổi dù đã đáp ứng được 95% nhu cầu năng lượng, nhưng mới đáp ứng được 57% nhu cầu sắt và 65% nhu cầu vitamin A. Trẻ bị thiếu các vitamin A, sắt, đặc biệt là kẽm. Thiếu kẽm khiến sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.

Ngoài ra, có một nguyên nhân khác khiến trẻ biếng ăn là bố mẹ cố gắng ép con ăn nhưng cách chế biến đơn điệu, nghèo nàn như chỉ cho con ăn cháo, khẩu phần ăn giống nhau từ bữa này sang bữa khác, không thay đổi cách chế biến. Hay với trẻ đã không ăn được nhiều mỗi khi đến bữa lại đưa ra cho trẻ một tô thức ăn lớn khiến trẻ nhìn đã thấy sợ…

Bữa ăn quá kéo dài

Mùa hè nắng nóng, ngay cả người lớn cũng có cảm giác ăn không ngon miệng chứ không riêng gì trẻ nhỏ. Bữa ăn vì vậy cũng thường uể oải, kéo dài. Nhưng khi cho trẻ ăn, một bữa không nên kéo dài quá 30 phút. Bởi khi ăn quá lâu, thức ăn bị vữa có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Thay vì cho trẻ ăn cùng một lúc, bố mẹ nên chia nhỏ bữa trong ngày. Điều này sẽ giúp trẻ dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.

Ăn quá nhiều đồ ngọt, nước ngọt có ga

Nhiều cha mẹ thường có thói quen cho trẻ ăn đồ ngọt, nước ngọt có ga trước mỗi bữa ăn dẫn tới tình trạng giả no, trẻ không có có cảm giác thèm muốn với các món ăn. Hơn nữa, trong nước ngọt có ga chứa nhiều chất gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ. Lượng đường trong một lon nước ngọt có ga thường rất lớn nhưng chúng lại là năng lượng rỗng không cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trẻ tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể tăng trọng lượng cơ thể lên 6,75 kg sau một năm sử dụng.

Ngoài ra, lượng axit phosphoric có trong nước ngọt có ga gây ra cảm giác tê khoang miệng khiến cho người uống không còn cảm giác thấy vị ngọt nhiều. Uống nhiều nước ngọt có ga cũng ảnh hưởng tới chức năng của gan và thận. Lượng caffein có trong đó cũng làm giảm khả năng tập trung của trẻ...

Kích thích trẻ ngon miệng ngày hè

TS Phan Bích Nga cho rằng, nghỉ hè là khoảng thời gian rất tốt để bố mẹ bổ sung thêm dinh dưỡng cho con. Dù thế nào, bố mẹ vẫn cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo con được ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất là bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn đúng giờ và ngủ đúng giấc sẽ giúp trẻ duy trì được sức khỏe tốt.

Hãy cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn thay vì kiểu hỗn hợp truyền thống và chia nhỏ bữa ăn. Nếu trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thì phải dừng ngay không ép để tránh tình trạng trẻ “sợ” khi nhìn thấy đồ ăn lúc sau. Cách chế biến thực phẩm nên linh hoạt hơn. Cha mẹ có thể thay đổi chế biến ở dạng nước, dạng súp. Trẻ lớn hơn sợ ăn cháo thì có thể thay đổi bằng mỳ, bún, phở cắt vụn. Tăng cường cho con ăn rau củ quả, trái cây tươi… Khi cho trẻ ăn nên tạo không khí thoải mái.

Điều nhất thiết cha mẹ cần nhớ để kích thích trẻ ăn ngon miệng là bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/12. Cha mẹ cần tích cực đưa con tham gia ngày vi chất dinh dưỡng để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Kẽm rất quan trọng, trong các bữa ăn, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng cách dùng các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...).

Nguồn: Phương Thuận – Hà Dương/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo