Sức khỏe

Rau muống – vị thuốc dân gian

Cập nhật lúc 07-06-2011 20:34:15 (GMT+1)
Rau muống (ttvn).

 

Là rau ăn quen thuộc hàng ngày, nhưng ít ai biết rau muống còn là vị thuốc quý. Đông y có ghi, rau muống tính mát, vị ngọt nhạt, có công dụng giải độc, tốt cho da thịt.


 

Rau muống có thể chia làm 2 loại, rau muống nước và rau muống cạn. Rau muống nước to và mọng hơn, luộc chín ăn rất ngon. Rau muống cạn mọc không cần nước nhưng vẫn lên tốt, thân trắng xanh, nhỏ.

Đông y cho rằng, rau muống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu và trị những bệnh về đường tiêu hóa. Theo y học hiện đại, rau muống cung cấp nhiều chất xơ, chất sắt và vitamin, nhất là vitamin B2, vì thế nó có tác dụng kích thích sinh tạo máu và tế bào mới, tốt cho mọi người, đặc biệt là người mới ốm dậy.

Phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ có thể lấy rau muống luộc, nghiền lấy nước cho trẻ uống để bổ sung khoáng chất. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thường thiếu sắt khiến da khô, tóc, móng chóng gãy, rụng, mỏi mệt, giảm trí nhớ có thể dùng rau muống để bổ sung.

Ảnh minh họa

Rau muống có thể trồng trong chậu hoa (ảnh: internet).

Tuy có công dụng chữa bệnh rất tốt, nhưng với một số trường hợp, nhất là người bị huyết áp thấp, nhịp tim chậm, suy nhược, hư hàn khi dùng rau muống phải thận trọng. Còn với người có vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, ăn rau muống có thể làm sẹo lồi, xấu. Hoặc đang uống thuốc Đông y mà ăn rau muống sẽ làm giã thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị.

 

Bài thuốc dân gian (tham khảo):

Chóng mặt: 150g rau muống, 12g hoa cúc, đổ nước đủ dùng đun sôi với lửa to, sau 20 phút lọc lấy nước uống.

Sốt, khó thở: rau muống, mướp đắng, hai thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát đắp lên ngực hoặc trán sẽ giảm sốt và khó thở.

Chảy máu cam: rau muống tươi nghiền nát với đường đỏ rồi uống.

Ho ra máu: Rau muống và củ cải tươi lượng bằng nhau, giã nát, vắt lấy khoảng 150 ml nước, thêm một ít mật ong quấy đều uống.

Viêm lưỡi, viêm môi: 100g rau muống, 50g hành tươi, nấu canh ăn hàng ngày.

Ngộ độc: Trước lúc đến bệnh viện có thể lấy 1kg rau muống rửa sạch, giã nát lọc lấy nước uống.

Mẩn ngứa: dùng nước nấu rau muống rồi dùng để xoa, rửa, tắm.

Mụn nhọt: rau muống tươi đánh nhuyễn với mật ong đắp vào chỗ đau.

Sâu bọ, rắn cắn: rau muống rửa sạch, giã nát, lọc lấy 250ml cho thêm 25ml rượu trắng vào uống. Lấy bã đắp vào chỗ đau.

Tiểu đường: 60g rau muống, 30g râu ngô nấu nước uống.

Bí tiểu: 12g râu ngô, 12g rễ tranh sắc lấy nước uống ngày một lần.

Táo bón: Rau muống có tác dụng nhuận tràng, khi bị táo bón có thể uống nước rau muống luộc thay cho nước khi khát.


Món ăn (tham khảo):

Rau muống luộc lấy nước, vắt thêm ít chanh và rắc một chút muối sẽ giúp giải nhiệt. Ngược lại, khi thời tiết lạnh, dùng rau muống xào tỏi giúp cơ thể ấm áp, đồng thời chống cảm cúm và nhiễm lạnh. Rau muống còn có thể ăn sống, ăn lẩu, làm nộm với lạc rang, nấu canh ngao, canh me. Có một món làm từ rau muống đơn giản, hấp dẫn mà nhiều người chưa biết, đó là món dưa rau muống.

Ảnh minh họa

Dưa rau muống (ảnh: internet).

Muối dưa rau muống chỉ dùng cọng, dài 2-3 đốt ngón tay. Trước khi muối, phải nhúng qua nước sôi cho tái, rồi thả ngay vào nước lạnh để giữ màu xanh rồi xếp vào lọ thủy tinh. Pha nước đun sôi để nguội với đường, dấm, muối thành hỗn hợp nước chua mặn ngọt vừa miệng, cho thêm tỏi để nguyên nhánh và ớt cả quả rồi đổ vào lọ cho nhập rau, một hai ngày là ăn được.

Nhật Huyền – vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo