Sức khỏe

Vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả trong bao lâu?

Cập nhật lúc 13-11-2021 12:41:11 (GMT+1)

 

Ngày càng nhiều nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine được phê duyệt ở Mỹ theo thời gian vẫn có hiệu quả bảo vệ cao trước Covid-19 thể nặng, trừ một số trường hợp ngoại lệ.


Hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine ở Mỹ trước tình trạng bệnh nặng và nhập viện phần lớn vẫn giữ ổn định, kể cả suốt đợt bùng phát biến chủng Delta trong mùa hè qua. Nhưng một số nghiên cứu đã công bố cho thấy hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của vaccine có phần suy giảm.

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng sự suy giảm này không đồng nghĩa với việc vaccine không có hiệu quả.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy các loại vaccine này vẫn giữ được hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm hơn 50% - mức tiêu chuẩn mà mọi loại vaccine ngừa Covid-19 cần vượt qua để được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vào năm 2020.

Liệu sự suy giảm trên sẽ có tác động như thế nào, và liệu điều đó có đồng nghĩa với việc mọi người trưởng thành cần tiêm nhắc lại hay không, đây là hai câu hỏi vẫn còn đang được tranh luận.

 

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine tại Mỹ vào tháng 10. Ảnh: New York Times.

Hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng vẫn ở mức cao

Tại Anh, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá sự thay đổi theo thời gian của vaccine trước biến chủng Delta. Nghiên cứu này kết luận hai tuần sau khi tiêm mũi 2, vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm có triệu chứng vào khoảng 90%. Con số này giảm xuống 70% sau 5 tháng.

 

Đồ họa: New York Times.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine Moderna trước lây nhiễm có triệu chứng cũng sẽ giảm dần theo thời gian, theo nghiên cứu trên.

Tương tự, hai nghiên cứu khác lần lượt ở Mỹ và Canada cũng xem xét hiệu quả ngăn lây nhiễm của vaccine trước chủng Delta, không phân biệt có triệu chứng hay không. Cả hai nghiên cứu này đều thấy rằng hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, nghiên cứu ở Anh và Canada cùng cho thấy dù sau vài tháng, vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna vẫn có hiệu quả cao trong việc giúp bệnh nhân không phải nhập viện.

Trong ba nghiên cứu trên, mỗi nghiên cứu đều ghi nhận vaccine suy giảm hiệu quả ở các mức khác nhau. Nguyên nhân chênh lệch nằm ở tác động của các yếu tố như địa điểm, phương pháp nghiên cứu, khác biệt giữa hành vi của người chưa tiêm và người đã tiêm.

 

Một bảng cảnh báo Covid-19 ở miền Đông nước Anh vào tháng một. Ảnh: AFP.

Một trong ba nghiên cứu trên đã được công bố, hai nghiên cứu còn lại chưa được bình duyệt. Nhưng chuyên gia nhận định rằng các nghiên cứu đều cho thấy một số xu hướng chung.

“Mục tiêu chính của vaccine ngừa Covid-19 là ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, và chúng đang làm rất tốt mục tiêu này”, Melissa Higdon - giảng viên Trường Y tế Công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, người đứng đầu một dự án tổng hợp nghiên cứu về công hiệu vaccine Covid-19 - nói.

Dù vậy, hiện tượng vaccine suy giảm hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm vẫn sẽ có tác động tới tình hình dịch, bà Higdon bổ sung.

“Khi hiệu quả vaccine thật sự suy giảm, chúng ta nhiều khả năng sẽ ghi nhận nhiều ca mắc hơn”, bà Higdon nói.

Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) tổng hợp cũng ghi nhận các xu hướng tương tự đối với vaccine mRNA. Dữ liệu này còn cho thấy vaccine một mũi Johnson & Johnson có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm và bệnh nặng kém hơn so với Pfizer và Moderna.

Những kết quả nói trên đã giúp định hình các quy định hiện hành đối với mũi tiêm nhắc lại ở Mỹ. Theo đó, người trưởng thành có rủi ro cao và người từ 65 tuổi trở lên sẽ đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 mũi Pfizer và Moderna.

Người trưởng thành từng tiêm Johnson & Johnson cũng có thể chọn tiêm mũi nhắc lại sau hai tháng.

Chuyên gia nhất trí về tiêm nhắc lại cho người cao tuổi

Tuần này, Pfizer cùng BioNTech đề nghị FDA phê duyệt tiêm mũi nhắc lại cho mọi người trưởng thành. Nhưng các chuyên gia chưa thể thống nhất về việc liệu có cần tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng nằm ngoài nhóm dễ tổn thương nhất hay không.

Trong khi đó, việc tiêm tăng cường cho người trên 65 tuổi đạt được sự đồng thuận lớn hơn. Nguyên nhân là mức suy giảm hiệu quả vaccine có thể đem lại hậu quả lớn hơn cho nhóm tuổi này, do người cao tuổi có rủi ro nhập viện vì Covid-19 cao hơn.

 

Tổng thống Joe Biden, 78 tuổi, được tiêm mũi nhắc lại vào tháng 9. Ảnh: New York Times.

Người cao tuổi lúc này còn là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự giảm hiệu quả của vaccine, vì họ là nhóm đầu tiên được tiêm tại Mỹ. Khoảng 71% người từ 65 tuổi trở lên, tương đương 36 triệu người, đã hoàn tất 2 mũi tiêm chủng từ hơn 6 tháng trước. Đến nay, khoảng 31% nhóm này đã tiêm mũi nhắc lại.

Khoảng 69 triệu người ở Mỹ dưới 65 tuổi, chiếm hơn 25% số người trong nhóm tuổi này, cũng đã vượt qua mốc 6 tháng sau tiêm mũi 2. Hiện không phải ai cũng đủ điều kiện tiêm mũi 3, nhưng chính phủ liên bang Mỹ có thể sẽ sớm mở rộng đối tượng được tiêm nhắc lại bằng vaccine Pfizer cho mọi người từ 18 tuổi trở lên.

Các quốc gia khác, như Israel và Canada, đã phê duyệt mũi tiêm tăng cường cho mọi người trưởng thành. Dữ liệu sơ bộ từ Israel cho thấy mũi tiêm tăng cường có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và nhập viện, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng rằng việc tập trung vào tiêm nhắc lại sẽ khiến nước Mỹ rời xa mục tiêu quan trọng nhất.

“Với nhiều cuộc tranh luận về mũi tăng cường như thế, rất dễ để bỏ qua một thông điệp quan trọng là vaccine vẫn có hiệu quả”, bác sĩ Eli Rosenberg, phó giám đốc khoa học thuộc Văn phòng Y tế Công cộng, Sở Y tế bang New York, nói. “Việc chủng ngừa cho người chưa tiêm vẫn là điều quan trọng”.

Quốc Đạt
Nguồn: zingnews.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo