Thể thao

Séc: Chiến thắng thể thao trả thù quân xâm lược

Cập nhật lúc 22-03-2019 06:02:34 (GMT+1)
Đội trưởng Jozef Golonka. Foto – archív ČTK

 

Vào những ngày này cách đây nửa thế kỷ, người dân Tiệp Khắc phần nào được an ủi lòng căm thù quân Liên Xô xâm lược, khi đội tuyển khúc côn cầu trên băng Tiệp Khắc chiến thắng ngoạn mục đội tuyển Liên Xô hai trận liền tại giải Vô địch Thế giới ở Stockhom, Thụy Điển.


Lẽ ra theo kế hoạch giải Vô địch Thế giới năm 1969 được tổ chức tại Praha, nhưng vì Tiệp Khắc bị Liên Xô xâm lược, nên đã chuyển sang Thụy Điển.

Và các trận đấu trên sân băng tại Thụy Điển tháng Ba 1969, lần đối đầu thể thao đầu tiên giữa Tiệp Khắc và Liên Xô nửa năm sau sự kiện tháng Tám 1968 đối với nhân dân Tiệp Khắc, đã trở thành biểu tượng cuộc chiến tranh thực sự phản đối quân xâm lược. Các vận động viên thể thao Tiệp Khắc đã đón nhận sứ mệnh mà nhân dân giao phó khi thi đấu với "kẻ thù".

Thậm chí dạo đó ý thức được sự căng thẳng, cảnh sát Thụy Điển còn muốn các trận đấu giữa Tiệp Khắc và Liên Xô diễn ra không khán giả đến từ Tiệp Khắc và cả người Tiệp nhập cư.

"Tôi cảm thấy toàn thân sởn gai ốc, khi khán giả Thụy Điển trong trận đấu giữa Tiệp Khắc với Liên Xô luôn hô vang: Dubček, Dubček! Cả người Thụy Điển cũng đã hiểu, rằng đối thủ của chúng tôi là đại diện của sức mạnh xâm lược và nhân dân Séc và Slovakia căm thù nguyền rủa chúng," cựu tuyển thủ, cựu phóng viên thể thao đã quá cố Václav Pacina từng mô tả lại.

Trong trận đấu ngày 21.3.1969 với hai bàn thắng của Suchý và Černý và thủ môn Vladimír Dzurilla không để cầu thủ Liên Xô nào chọc thủng lưới, đội Tiệp Khắc đã thắng 2:0. Một tuần sau đó chiến thắng tái diễn với tỉ số 4:3 sau diễn biến cực kỳ căng thẳng. Cho tới thời điểm đó trong lịch sử hokej thế giới chưa ai thắng Liên Xô hai lần trong một giải đấu quốc tế. Có thể nói lòng căm thù quân xâm lược đã là động lực thúc đẩy các cầu thủ Tiệp Khắc viết lên lịch sử. Một số cầu thủ Tiệp Khắc trong trận thứ hai đã dùng băng dính dán đè lên ngôi sao trên quốc huy áo thi đấu của mình để thể hiện thái độ. Và sau đó họ đã phải chịu sự trừng phạt nặng nề của chế độ độc tài Cộng sản Tiệp Khắc chư hầu Liên Xô. Kết thúc các trận đấu bỏ qua thông lệ, các cầu thủ Tiệp Khắc đã không bắt tay đội Liên Xô.

Thái độ của nhân dân

Phản ứng của nhân dân Tiệp Khắc trước chiến thắng lịch sử bùng phát nhanh chóng thành các cuộc biểu tình tuần hành. Mặc dù sau đó với hai thất bại trước đội chủ nhà Thụy Điển, Tiệp Khắc chỉ giành huy chương Đồng và Liên Xô vô địch, nhưng với người dân Tiệp Khắc quan trọng và quí giá nhất là "đã chiến thắng chúng nó". Các tuyển thủ khi về nước được chào đón như những anh hùng thực sự.

Nhân dân mừng chiến thắng thể thao đã không lo sợ nói lên thái độ của mình trên đường phố. Tại Mladá Boleslav người tuần hành đã tấn công hồng quân Liên Xô và ở Ústí nad Labem thậm chí cả bộ chỉ huy quân Liên Xô. Đoàn biểu tình điên cuồng lên đến đỉnh cao khi tấn công cướp bóc trụ sở hãng hàng không Liên Xô Aeroflot ở Praha. Sự kiện mà sau này xác minh thấy là hoạt động do chính lực lượng công an chìm StB đạo diễn để lấy cớ đàn áp.

Sự đàn áp của chế độ

Có thể nói Mùa xuân Praha đã bị chính thức bóp chết vào những ngày nhân dân Tiệp Khắc mừng chiến thắng thể thao. Chế độ chư hầu của Liên Xô đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt nhân bản mà nhân dân và các chính trị gia Tiệp Khắc trước đó muốn xây dựng.

Moscow và những người Cộng sản Tiệp Khắc "chân chính" nhân cơ hội xã hội hỗn loạn đã trừng phạt tất cả những ai không cùng chí hướng vẫn là trở ngại cho quá trình "bình thường hóa" mới. Gustav Husák lên thay Dubček và kỷ nguyên đen tối dưới ách đô hộ của Liên Xô tại Tiệp Khắc chính thức bắt đầu.

David Nguyen - tổng hợp theo Denník N, ctidoma.cz

©Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo