Nghị viện châu Âu thảo luận về hiệp định thương mại với Việt Nam
![]() |
Ảnh minh họa. Foto: ČTK |
Ngày 11 tháng Hai 2020 các nghị sĩ châu Âu bắt đầu thảo luận về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, mà theo đó sẽ dỡ bỏ hầu như toàn bộ mọi loại thuế quan trong quan hệ thương mại song phương.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đánh giá là thỏa thuận rộng rãi toàn diện nhất mà Liên minh châu Âu từng ký kết với quốc gia đang phát triển. Trong trường hợp thỏa thuận này được đi vào áp dụng trên thực tế, các công ty từ EU sẽ có điều kiện tiếp cận tới các đơn hàng công ở Việt Nam và sản phẩm của mình sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn trước nguy cơ bị làm giả. Hiệp định đồng thời bao gồm cả những qui định mà các bên tham gia cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và cả nhân quyền cùng những biện pháp chế tài.
“Đây là cơ hội duy nhất để nhấn mạnh tham vọng của chúng ta trở thành nhân tố địa chính trị bênh vực chủ nghĩa đa phương và tranh đấu chống chủ nghĩa bảo hộ” nghị sĩ Bỉ Geert Bourgeois- tân báo cáo viên nghị viện châu Âu về thỏa thuận mới thay thế nghị sĩ Séc Jan Zahradil tự từ chức sau cáo buộc “vừa đá bóng vừa thổi còi” cho phía Việt Nam- tuyên bố. Theo Geert Bourgeois, đây là thỏa thuận nhiều tham vọng nhất của EU ký với một quốc gia thu nhập trung bình, sẽ trở thành qui chuẩn mới để EU ký kết những hiệp định tương tự trong tương lai.
Tổng mức trao đổi mậu dịch hàng năm giữa Việt Nam và EU vào khoảng 50 tỉ euro và theo các nhà đàm phán theo thời gian và cả nhờ hiệp định này sẽ có thể tăng gấp đôi. Hiện Việt Nam đang áp thuế tới 78 phần trăm lên sản phẩm xe hơi châu Âu, 50 phần trăm với rượu vang và 35 phần trăm với các sản phẩm máy móc. Với hiệp định mới trong vòng mười năm tới 99 phần trăm các loại thuế sẽ được gỡ bỏ.
Trong năm 2018 thâm hụt thương mại giữa EU với Việt Nam lên đến gần 27 tỉ euro và vì thế nhiều nghị sĩ châu Âu trong tranh luận đã bày tỏ lo ngại, là hậu quả của thỏa thuận sẽ chỉ làm cán cân thâm hụt tăng thêm
Nhiều tổ chức nhân quyền cũng lên tiếng quan ngại và đề nghị các nghị sĩ châu Âu trì hoãn phê chuẩn hiệp định cho đến khi chính phủ cộng sản Việt Nam thực hiện những động tác cụ thể và xác minh được trong vấn đề tôn trọng nhân quyền và bảo vệ quyền của người lao động. Theo tổ chức Ân xã Quốc tế (AI) hiện nay Việt Nam vẫn đang giam cầm 128 tù chính trị. Một người trong số họ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã bị bắt năm ngoái, sau khi lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ châu Âu không biểu quyết phê chuẩn hiệp định.
Thanh tra châu Âu về thương mại Phill Hogan cho rằng, trước khi ký hiệp định phía Việt Nam đã đạt “tiến bộ lớn” trong lĩnh vực cải cách quyền lợi người lao động và cả trong lĩnh vực nhân quyền. “Nếu chúng ta không phê chuẩn hiệp định này, thì chúng ta sẽ có rất ít cơ hội để tác động tới vấn đề tại Việt Nam,” Phill Hogan tuyên bố đồng thời bổ xung, rằng cơ quan thanh tra hỗn hợp sẽ có trọng trách theo dõi giám sát việc tuân thủ các điều khoản của hiệp định.
“Chúng ta trao cho chế độ độc tài tấm séc khống để buôn bán với một khu vực kinh tế lớn nhất thế giới mà không kèm theo bất kỳ điều kiện chế tài bắt buộc nào,” nữ nghị sĩ châu Âu của đảng Pirát CH Séc Markéta Gregorová bất bình. Theo Markéta Gregorová, thậm chí trong thời gian tám năm đàm phán tình hình trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam ngày càng trở nên bi quan.
Ngày mai, 12 tháng Hai 2020 các nghị sĩ châu Âu sẽ biểu quyết EVFTA. Nếu được thông qua, hiệp định còn phải được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
Các nghị sĩ châu Âu trong kỳ họp cũng tranh luận với người đứng đầu ngành ngoại giao EU Jossep Borrell và các phương án giải quyết xung đột Israel- Palestine mà tổng thống Mỹ Trump đưa ra hồi cuối tháng Một.
David Nguyen- Euroskop, ČTK
©Vietinfo.eu