Văn nghệ

Chuyện cổ tích về Phong, người đã gặp được Tiên ông – chuyển giới ở Việt nam

Cập nhật lúc 11-08-2019 20:36:42 (GMT+1)
Ảnh: Gabriel Kuchta, Deník N

 

„Có ai muốn đến lúc già mới được làm cô dâu?“ Lê Anh Phong nhìn sang tôi từ dưới bàn. Cô thì không muốn thế. Có điều, để điều đó có thể xảy ra, bộ máy chính quyền tại Việt nam quê hương cô cần phải thông qua điều luật về quyền của người đã thay đổi giới tính. Từ 4 năm nay điều luật này như đã chững lại, trong khi Phong đã là con gái từ 6 năm nay. Ngoại trừ một chi tiết không nhỏ: trên giấy tờ cô vẫn là đàn ông.


Từ nhỏ Phong đã yêu thích các câu chuyện cổ tích và thường mơ ước một ngày sẽ gặp được một nàng tiên có phép lạ biến giấc mơ của cô thành hiện thực. Cô ước có một thân thể khác, thân thể của mình, chứ không phải cái thân thể mà cô bị sinh nhầm. Cô ước, giá như nỗi buồn và sự tuyệt vọng của mình một ngày nào sẽ tan biến hết. Cô ước tìm được bản thân.

Giờ đây trên khuôn mặt cô đã hân hoan nụ cười. Có cả niềm vui từ chuyến đi thăm Praha, tham dự lễ hội Prague Pride với tư cách là nhân vật chính của bộ phim Đi tìm Phong, theo lời mời của tổ chức Người trong khốn khó (People in Need).

Bộ phim đã gây ra tiếng vang lớn tại Việt nam và được dùng như tư liệu để chuẩn bị cho điều luật đã nói ở trên, nhờ đó Việt nam được coi là "một trong các nước cởi mở nhất" tại châu Á.

Cảnh 4 năm sau: điều luật vẫn chưa thấy đâu. Còn với Phong và các bạn khác thì ngày tháng cứ dần qua.

Trên màn ảnh, câu chuyện của bạn tên là Đi tìm Phong. Bạn đã đi tới cuối chặng đường?

Vâng, cuối cùng thì tôi cũng đã tìm được chính mình. Từ bé tôi đã biết mình là đứa con gái trong hình hài con trai. Tôi không thể chấp nhận cái hình hài đó. Nó không thuộc về tôi, và tôi không thể hài lòng với nó, trong hình hài đó, tôi đã đau khổ nhiều. Chưa bao giờ tôi cởi đồ trước mặt người khác; cho đến 27 tuổi, khi vẫn còn trong hình hài đàn ông, chưa bao giờ có ai nhìn thấy tôi khỏa thân.

Tìm thấy bản thân sau một khoảng thời gian dài như thế cũng giống như một giấc mơ vậy. Đã 6 năm từ khi tôi chuyển giới - và tôi vẫn luôn thấy mình như trong giấc mơ. Nhưng đó là hiện tại. Trước kia, tôi bất hạnh vô cùng, và khóc suốt. Một chiều, khi đó tôi học năm thứ hai tại Hà nội, tôi buồn tới mức không chịu nổi, thế là tôi ra ngoài. Đi qua công viên, co ro trong chiếc áo khoác đông, hôm ấy là một trong những ngày lạnh nhất của mùa đông, lạnh vô cùng và mưa gió. Bỗng tôi chợt thấy một gia đình nọ rét cóng chỉ có một chiếc áo mưa.

Hình ảnh đó cứa lòng tôi, tự nhiên tôi thấy không thể hiểu được, chúng ta đều được sinh ra là những con người, về bản chất là như nhau, vậy thì tại sao mà tôi thì có cái giường của mình, chăn đệm của mình trong ký túc xá, tại sao tôi được ấm áp trong áo khoác đông, còn những người khác thì không? Tôi quay về ký túc xá, tôi chạy qua tất cả các bạn học và hỏi xin họ quần áo cũ. Rồi tôi giặt sạch, cho cả vào ba lô, khoác lên vai và bắt đầu vòng vòng quanh thành phố, khi gặp ai đó khốn khó, người vô gia cư, tôi hỏi họ có cần áo quần... Và tôi làm việc này lâu đến độ các nhà làm phim biết chuyện và họ đã làm một bộ phim ngắn về tôi.

Gặp ông tiên
Giống như tập một của Đi tìm Phong?

Không có, chưa phải vậy đâu. Mặc dù một cách nào đó cũng có thể cảm nhận như thế, lúc đó tôi hẵng còn đi tìm trong đau đớn. Một mặt khác, đó là thời kỳ rất đẹp, khi còn học tôi có khá nhiều thời gian, vì thế tôi có thể có thời gian cho những người khốn khổ. Tôi giúp họ và qua họ tôi tìm thấy chính mình: ý thức rằng mình làm vơi được phần nào nỗi thống khổ của người khác, cũng làm nỗi đau trong tôi vơi bớt. Mẹ tôi luôn nói, nếu như con làm việc thiện, thì việc thiện cũng sẽ xảy ra với con. Và thế là tôi tiếp tục - đến khi tôi gặp Gerry.

Hồi nhỏ, tôi mê mẩn chuyện cổ tích. Tôi luôn hình dung, một ngày mình sẽ gặp một vị tiên sẽ biến tôi thành con gái. Thay vào đó thì tôi gặp Gerry. Và "ông tiên" này đã giúp tôi để tìm được ra Phong.

Nhà sản xuất phim Gerald Herman?

Vâng, chính vậy. Chúng tôi làm quen với nhau trong một buổi dạ tiệc của sinh viên. Cả hai người đều cùng định lấy đồ ăn từ một đĩa và cùng nhường nhau, và sau đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau. Gerry đưa tôi cạc visit và cho tôi biết, ông có một xưởng phim tại Hà nội và bảo tôi ghé qua nếu có dịp.

Và tôi nhớ đến chuyện đó khi lại tuyệt vọng. Tôi thấy mình lạc lõng, một mình đi học trong thành phố, gia đình thì xã Hà nội, tôi thấy mình cô đơn vô cùng. Và thế là tôi đi tìm Gerry. Ông dẫn tôi đi xem xưởng phim, chúng tôi kể cho nhau về cuộc sống tại Việt nam và tôi chợt hiểu, rằng tôi đang thổ lộ cùng ông điều đang dằn vặt tôi, rằng tôi bị trói trong hình hài của một người khác, với tất cả sự bất lực và tuyệt vọng, tôi cởi mở hết với ông. Tôi có cảm giác rằng tôi được phép làm điều đó, chính bởi vì ông là người nước ngoài.

Rằng bởi vì ông không phải là người Việt? Điều này thật thú vị; cụ thể cái biên giới ấy nằm ở đâu?

Chị biết không, nói ra với người Việt rằng tôi là người chuyển giới đã và vẫn đang là điều chính ra rất khó. Đến tận bây giờ xã hội Việt nam vẫn chưa có được thông tin, vẫn chưa biết nhiều về những việc này, người ta vẫn chưa hình dung được, thế là thế nào và điều này mang lại cái gì. Ở Việt nam, nhiều người nổi tiếng là người chuyển giới, như các ca sĩ, các sao. Nhưng tôi là người đầu tiên trải nghiệm quá trình chuyển giới, kể cả cuộc phẫu thuật và sau đó nói về chuyện đó một cách cởi mở, kể cả về các đề tài mà trước đó thường là đề tài tối kỵ. Ví dụ, sau khi phẫu thuật, bạn phải tập luyện cho bộ phận kín của mình.

Với tôi, điều đó không dễ dàng chút nào, tôi sợ vô cùng. Nhưng khi đã quyết định sẽ làm bộ phim này với Gerry, tôi muốn chỉ ra tất cả mọi thứ - để có thể giúp những người khác đang chỉ mới bắt đầu cuộc chuyển giới. Để họ biết và nhìn thấy tận mắt, việc này là thế nào, nó mang lại điều gì và họ cần chuẩn bị cho cái gì

Tôi là con gái. Luôn luôn là vậy

Bạn có nói rằng trò chuyện với người nước ngoài dễ dàng hơn với người Việt. Vậy sau bao lâu thì bạn mới có thể trò chuyện với chính mình về việc này?

Ý thức về bản thân là một quá trình đến với tôi dần dần. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình bệnh, rằng đầu óc mình có vấn đề. Hồi nhỏ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi bị sinh nhầm - tôi muốn nói đến hình hài con trai, mà không phải là của tôi. Sau đó, ở tuổi trưởng thành bạn bè đồng tính chúng tôi trò chuyện với nhau, một số người nói rằng, ngày nhỏ họ không thể hiểu tại sao họ thích tụi con trai, và họ lo sợ, không biết liệu có chuyện gì không ổn.

Tôi thì không thế bao giờ. Tôi luôn biết rõ, tôi là đứa con gái và từ tôi đã luôn luôn là một đứa con gái, không có bất cứ nghi ngờ nào. Cái thân hình này chỉ là một sự nhầm lẫn. Đó là giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành ý thức về bản thân. Tôi trải qua giai đoạn thứ hai khi học trung học (hệ thống giáo dục của Việt nam có 3 cấp) - lúc đó tôi mới hoàn toàn nhận thức được rằng tôi không thể yêu một cô gái, chỉ có các cậu con trai mới cuốn hút được tôi. Chính trong thời gian đó tôi bắt đầu hành xử nữ tính hơn và giữ ý kín đáo, không hở hang. Và tôi tin rằng, tôi sẽ không biết tới một cuộc sống nào khác. Rằng tôi, người đàn bà bị nhốt trong thân thể đàn ông này, sẽ phải sống như thế đến tận cuối đời.

Lúc đó bạn hẵng còn chưa biết rằng có thể phẫu thuật?

Nếu như chỉ là phẫu thuật! Lúc đó tôi hầu như không biết gì hết. Khi còn nhỏ, tôi đã cố gắng nói với cha mẹ, tôi thử giải thích cho cha mẹ những điều dằn vặt trong tôi, nhưng cha mẹ tôi không lấy thế làm quan trọng. Cha tôi luôn nói, đến khi lớn thêm, tôi sẽ lấy vợ, sẽ có con và mọi sự sẽ đâu vào đấy.

Vào đại học thì tình hình mới thay đổi vả đó là giai đoạn thứ ba của hành trình hình thành ý thức về bản thân. Nhờ có internet tôi mới biết, tôi không phải là người duy nhất trên thế giới. Rằng những gì mà tôi trải là bình thường, và có rất nhiều những người như tôi ở khắp nơi. Ngày lúc đó, tôi quyết định sẽ tiết kiệm tiền để chuyển giới. Tôi biết, đó là việc tốn kém và người càng trẻ, càng có chẩn đoán tốt hơn. Nhưng tôi thì sẵn sàng chờ đợi đến cả 30 tuổi, 50 tuổi, hay thậm chí 70 tuổi - chỉ miễn là một lúc nào đó thành công! Để đến khi chết thì người ta biết đến tôi như một người phụ nữ!

Chúng ta sẽ nói đến cuộc phẫu thuật ngay đây. Tuy nhiên, nếu bạn cho phép, một khi bạn đã nhắc đến, xin được hỏi về cha mẹ của bạn. Đoạn cuối phim, cha bạn có nói "Phong vẫn luôn là con của chúng tôi, bất kể giới tính. Con trai, hay là con gái, nó luôn thuộc về dân tộc Việt nam anh hùng". Nhưng cảnh khác với mẹ thì cho thấy, đến tận bây giờ vẫn không dễ dàng, rằng cha mẹ tìm Phong hệt như Phong tìm bản thân...

Việc này diễn ra đã lâu và không dễ dàng chút nào. Tôi yêu cha mẹ và cha mẹ yêu tôi, nhưng làm quen với những gì xảy ra với tôi, giải thích để cho cha mẹ hiểu được điều đó, quả thật như một cuộc đua đường dài vậy. Hàng ngày, tôi cố gắng chỉ ra cho cha mẹ một mẩu thông tin nhỏ nhoi nào đó - ví dụ tôi kéo một bài hát của người ca sĩ chuyển giới, bật lên cho mẹ nghe và bảo mẹ "mẹ coi, có thể một ngày nào đó, con cũng sẽ như cô ấy vậy".

Hiện nay, quan hệ giữa mẹ và tôi khá ổn. Thậm chí mẹ đồng ý với việc chuyển giới và bây giờ thì mẹ mừng vì tôi - như là tôi của ngày hôm nay. Ngay cả khi tôi biết rằng mẹ vẫn lo cho tôi. Liệu có trục trặc nào mà ngày nay chúng ta chưa biết sẽ phát sinh. Liệu tôi có gặp được người đàn ông tử tế sẽ chăm sóc tôi. Điều này làm tôi vô cùng cảm động.

Một mặt khác, tất cả những điều này đều là nỗi lo bình thường và thật ra đều là những nỗi lo dễ thương của mọi bà mẹ. Dù sao thì vẫn hơn là phải lo con mình không thoải mái trong hình hài của nó, rằng con sống với cảm giác "sinh ra đã là bất hạnh" như con đã nói trong bộ phim. Và đến khi bạn may mắn gặp được ông Tiên...

Đúng là như vậy. Tôi thật vô cùng may mắn khi gặp được Gerry. Chúng tôi kết bạn với nhau khi bắt đầu trò chuyện một cách nghiêm túc về việc chuyển giới của tôi, và về việc cùng làm một bộ phim, và ông sẽ giúp tôi mọi chuyện. Chính nhờ ông mà chúng tôi kiếm được tiền và tôi đã có thể sang Thái Lan vào nhập viện.

Việt nam có luật. Hay là không?

Các bác sĩ giải phẫu của Thái có nhiều kinh nghiệm trong nghề, đó là điều không phải bàn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, nếu bạn ở lại Việt nam? Nếu như tôi không nhầm thì tháng giêng năm nay, đã có một bệnh viện chuyên cho các bệnh nhân LGBT đồng tính, đã được mở tại Sài gòn

Vâng, nhưng ở Thái người ta chú trọng cả các vấn đề như các biến chứng sau khi mổ. Bản thân việc phẫu thuật tại Việt nam hẵng còn chưa được đưa vào luật, và là điều đang trói tay các bác sĩ. Dĩ nhiên, cả tại Việt nam cũng có những nơi người ta có thể mổ chuyển giới cho bạn, nhưng bởi vì đó là bất hợp pháp, bạn không thể biết, rồi sẽ đi đến đâu. Thái Lan chuyên nghiệp hơn và an toàn hơn rất nhiều, không thể so sánh được.

Chợ đen bán hóc môn không thể là an toàn, thấy bảo ở Việt nam các chợ này khá phát triển...

Tôi được hưởng một đặc quyền là được khám tại Thái Lan và các bác sĩ ở đó đã kê cho tôi một loại thuốc thích hợp trong một liều lượng thích hợp. Nhưng đúng như chị nói vậy, ở Việt nam, rất nhiều người chuyển giới sử dụng thuốc từ chợ đen. Thông tin được người ta rỉ tai cho nhau - một người bắt đầu dùng rồi nói cho người khác, thuốc kiếm ở đâu, dùng như thế nào.

Tuy nhiên không chỉ là việc cho phép các bác sĩ sao đó và đó là chuyện cực kỳ nguy hiểm. Tồn tại hai loại hóc môn: một loại là thuốc uống, là các viên thuốc, loại thứ hai là tiêm. Ngay cả thuốc viên cũng không phải là không có rủi ro. Nhưng thuốc tiêm thì nguy hiểm cho tính mạng: bị tiêm sai liều là cơ thể bị sốc (không được cấp cứu ngay, có thể dẫn tới tử vong). Tôi có những người bạn đã gặp trải nghiệm này.

Tôi nhớ năm 2015, khi Việt nam xuất hiện trên báo chí như là một trong các nước "cởi mở nhất tại châu Á" đối với những người đồng tính. Lúc bấy giờ Việt nam còn chuẩn bị một điều luật bảo vệ quyền của những người chuyển giới, mà ngoài chuyện luật pháp cho phép phẫu thuật chuyển giới, họ còn phải giải quyết cả cơ hội để đưa dần cái tôi mới của mình tới một cuộc sống với đầy đủ các giá trị con người, kể cả việc đổi tên và giấy tờ. Nay đã là tháng 8/2019 và luật chưa được Quốc hội thông qua. Vấn đề nằm ở đâu vậy?

Chính tôi cũng không biết, cụ thể tắc nghẽn ở chỗ nào, vì vậy tôi không thể nói cho các bạn biết. Tôi cho rằng đối với chính phủ thì đây là câu chuyện về mức độ ưu tiên, rằng chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề mà họ coi là cấp bách hơn. Nhưng cái gì cũng thay đổi và thay đổi rất nhanh. Xã hội Việt nam ngày nay cởi mở hơn rất nhiều so với mấy năm trước đây, các tổ chức đồng tính LGBT xuất hiện, họ làm việc với chính phủ và cố gắng thuyết phục để điều luật được thông qua sớm nhất.
Tình hình hiện nay là chính phủ đã tuyên bố Quốc hội Việt nam sẽ thảo luận về điều luật. Nhưng chúng tôi đang chờ mãi mà chưa thấy kết quả.

Từ nỗi sợ đến cô dâu

Mà năm 2015 cũng là năm ra mắt bộ phim Đi tìm Phong. Sự kiện này có liên quan gì tới điều luật đó không?

Khi ra mắt khán giả, bộ phim đã gây được ảnh hưởng tới công luận. Tôi được biết, cả các đại biểu Quốc hội, những người đề xuất dự thảo điều luật, cũng đã xem bộ phim. Ngoài ra, báo chí cũng tìm đến tôi, các bài báo kể về trải nghiệm của tôi đã xuất hiện - không chỉ liên quan đến cuộc phẫu thuật, mà liên quan tới toàn bộ quá trình chuyển giới, cả những năm tháng của cuộc đời trước đó.

Khi cùng Gerry làm phim, ông luôn nhắc tôi trong suốt thời gian quay phim: hễ mà em không thấy thoải mái, chúng ta sẽ ngừng ngay lập tức. Phim là quan trọng, nhưng em còn quan trọng hơn. Bất cứ lúc nào em cũng có thể dừng lại, chỉ cần nói một câu. Và tôi chưa bao giờ dừng lại. Tôi nói với ông, tôi muốn làm hết bộ phim, bất kể nó sẽ ra sao. Mà tôi thì thực sự sợ bất cứ điều gì! Bạn đã xem bộ phim Cô gái Đan mạch?

Có, tôi đã xem. Và bộ phim này cũng đã ra mắt khán giả năm 2015, phải không?

Vâng, tôi cũng đã xem. Ngoài ra, còn một bộ phim về đề tài tương tự, phim này được quay tại Sài gòn. Trong cả hai bộ phim, nhân vật chính đều có thật. Trong cả hai bộ phim, họ đều bị đánh đập một cách tàn nhẫn, mà trong bộ phim thứ hai, người đánh đập người phụ nữ ở Sài gòn là một viên cảnh sát.

Vì thế mà tôi sợ. Tôi sợ kinh khủng. Rằng khi phim ra mắt, người ta sẽ nhận ra tôi trên phố. Rồi tất cả mọi người sẽ biết tôi là ai. Rồi họ sẽ trói tôi vào cọc. Rồi ai đó cũng sẽ đánh đập tôi như thế, có khi đánh đến chết.

Nhưng tôi luôn tự nhủ, rằng mình phải chịu đựng nỗi sợ. Rằng phải có ai đó là người đầu tiên, trực diện với nỗi sợ và phơi bày những gì vốn dễ bị tổn thương nhất của mình ra chốn đàm tiếu của người đời. Bởi vì những người kế tiếp, những người sẽ đến sau đó, nhờ vậy sẽ dễ dàng hơn...

Chúng ta đã nói đến việc lúc đầu tôi đã thiếu thông tin như thế nào. Vì thế, tôi đã dễ bị tổn thương ra sao. Và tôi muốn tất cả các cô gái, mà con đường chông gai đó vẫn còn ở phía trước, đều nhìn thấy và có được thông tin. Để họ có thể sử dụng thông tin trong bộ phim, như là một cuốn sách giáo khoa vậy. Vì thế tôi đã chấp nhận rủi ro.

Cuối cùng thì nỗi sợ của bạn có là hợp lý? Kết cục thế nào?

Ngược lại (Phong mỉm cười). Sau khi phim ra mắt, tôi trở nên nổi tiếng, người ta đi theo tôi, rằng tôi là người hùng. Tôi mừng chủ yếu là bởi vì, một số người giống như tôi đã tìm đến tôi. Với những nỗi dằn vặt tương tự. Và họ bắt đầu công khai nói về những gì mà trước kia họ không dám nói, bởi xấu hổ.

Hiện nay, rất cần để điều luật nói trên được thông qua. Tự nhận mình là người chuyển giới là điều hợp pháp tại Việt nam, bạn có thể công khai nói về mình - nhưng tất cả chỉ có thế. Với tôi, điều đó có nghĩa là, ví dụ tôi không thể có giấy tờ mới. Và nghĩa là tôi không thể lấy chồng, vì trên giấy tờ tôi vẫn là đàn ông. Tôi rất mong, vấn đề này có được tiến triển nào đó. Có ai muốn đến lúc già mới được làm cô dâu?

Magdalena Slezakova

Nguồn: denikn.cz

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo