Ba Lan mượn oai hùm thách thức Nga?
![]() |
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Warsaw ngày 13/2 |
Ba Lan hy vọng nhờ vào Mỹ để có được thanh thế một nước lớn trong EU và NATO, chơi kế sách “cáo mượn oai hùm” để đối phó với Nga.
Thắt chặt tình thân Mỹ
Ba Lan đang là nước chủ nhà của hội nghị quốc tế về Trung Đông theo sáng kiến của Mỹ. Giới phân tích cho rằng mục tiêu chính của diễn đàn với sự tham dự của đại diện 60 quốc gia, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, là nhằm vào Iran và Nga.
Nhân hội nghị này, Mỹ và Ba Lan đã phát đi những thông điệp củng cố mối quan hệ song phương. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda còn bày tỏ hy vọng việc Mỹ tăng cường lực lượng trên lãnh thổ Ba Lan sẽ sớm diễn ra.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp song phương với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Warsaw ngày 13/2, Tổng thống Duda bày tỏ hy vọng các nỗ lực chung của hai bên trong việc tăng cường sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Ba Lan sẽ sớm đem lại hiệu quả. Ông mong muốn trong tương lai gần, các cam kết này sẽ sớm được hiện thực hóa.
Về phần mình, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã hoan nghênh Ba Lan vì cam kết bảo vệ lĩnh vực viễn thông trước Trung Quốc. Ông nêu rõ hai bên cần tiếp tục làm việc để xúc tiến các cơ chế xem xét đầu tư nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh và kinh tế.
Tháng 1 vừa qua, Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc và một cựu quan chức an ninh nước này với cáo buộc hoạt động gián điệp. Chính phủ Ba Lan hiện cũng đang cân nhắc loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng lưới 5G trong tương lai.
Cũng tại cuộc gặp trên, hai bên đã thảo luận về hợp tác năng lượng và kinh tế. Trước đó, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống phóng rocket di động HIMARS của Mỹ cùng một số quân dụng với tổng trị giá 414 triệu USD. Toàn bộ đơn hàng sẽ do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin sản xuất.
Ba Lan đang vướng vào những tranh cãi kịch liệt với Liên minh châu Âu (EU) nhưng sẵn sàng ủng hộ các chính sách của Mỹ chống lại cả Nga và Trung Quốc. Điều này cho thấy Warsaw sẵn sàng đánh đối để có mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Washington.
Hiện Mỹ đang có 4.000 binh sĩ đồn trú tại Ba Lan trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ba Lan đề nghị Mỹ bố trí sư đoàn thiết giáp của Mỹ tại nước này và sẽ chịu toàn bộ chi phí.
Hồi tháng 9/2018, nhân chuyến thăm Ba Lan, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ đang xem xét khả năng lập căn cứ của Mỹ vĩnh viễn ở Ba Lan, và Warsaw sẵn sàng chi trả “hàng tỷ USD”.
Không dễ đe dọa Nga
Việc Ba Lan đứng ra tổ chức một hội nghị quốc tế theo đề xuất của Mỹ càng chứng tỏ quyết tâm của quốc gia Đông Âu này thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với cường quốc số một thế giới. Tuy nhiên, Ba Lan đang phải đánh đổi khi bị không ít cường quốc châu Âu quay lưng, trong đó có Đức và Pháp.
Có tới 20 nước phản đối không tham dự hội nghị, nhiều nước lớn ở châu Âu tỏ thái độ lạnh nhạt, trong đó có Đức và Pháp không cử ngoại trưởng tham dự hay Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cũng có lý do vắng mặt.
Hội nghị cũng bị một số quốc gia quan trọng ở Trung Đông như Qatar, Lebanon, Iran hay cả đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay.
Dù ủng hộ Mỹ trong vấn đề “kiềm chế” ảnh hưởng của Iran, song đồng minh quan trọng hàng đầu của Washington tại Trung Đông là Saudi Arabia lại công khai bày tỏ quan điểm trái với Mỹ trong vấn đề Palestine.
Ngay trước thềm hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman tuyên bố Riyadh “vĩnh viễn đồng hành với Palestine hướng tới một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô”.
Thực tế này buộc Mỹ và Ba Lan phải hạ thấp tham vọng chương trình nghị sự ban đầu được đưa ra hồi tháng 1, theo đó, hội nghị Warsaw sẽ không tập trung vào Iran hay gây dựng liên minh chống lại Tehran mà sẽ xem xét tổng thể các vấn đề tại Trung Đông, trong đó có khủng bố, cực đoan, thương mại và an ninh hàng hải.
Theo giới phân tích, Ba Lan đã bất chấp quan điểm của đa số các nước châu Âu phản đối Mỹ đơn phương xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ba Lan đang muốn “chiều” theo Mỹ đề đạt được mục tiêu chiến lược riêng của mình.
Chuyên gia Ba Lan Robert Czulda thừa nhận nước này đang đứng ở giữa, một bên là Mỹ, một bên là EU.
Tuy nhiên, Ba Lan chọn Mỹ vì chính NATO với vai trò then chốt của Washington, chứ không phải EU, mới là lực lượng bảo đảm an ninh cho Ba Lan. Bằng việc chạy theo Mỹ, Ba Lan toan tính chiến lược xa hơn, đó là gây dựng vị thế đặc biệt trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu và Nga.
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Ba Lan
Theo chuyên gia này, Ba Lan hy vọng nhờ vào Mỹ để có được thanh thế của một nước lớn trong EU, trong NATO. Cũng có thể, Warsaw chơi kế sách “cáo mượn oai hùm” để đối phó với Nga.
Tuy nhiên, Nga đã phát đi những thông điệp cứng rắn đối với Ba Lan. Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 9/2018 đã tuyên bố căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan là nguy cơ đe dọa đối với Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko - từng là Đại sứ Nga tại NATO - cho biết kế hoạch lập căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan là nhằm bố trí lực lượng vươn tới gần biên giới Nga.
Chuyên gia quân sự Nga Alexander Zhilin thì cảnh báo: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng khi bố trí căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước Đông Âu, Mỹ đưa an ninh quốc gia của họ về số không. Chính phủ Ba Lan buộc Liên bang Nga phải thực hiện một điều chỉnh.
Do thời gian bay của tên lửa tấn công được giảm xuống mức tối thiểu, chúng tôi sẽ phải đưa Ba Lan vào danh sách các nước mà trong trường hợp tấn công sẽ bị giáng đòn phủ đầu nghiêm trọng”.
Chuyên gia Nga giải thích thêm: “Ai được lợi từ chuyện này? Giới quân sự Mỹ được lợi. Còn bên thiệt hại sẽ là toàn bộ người dân Ba Lan, trong đó có cả Tổng thống Ba Lan. Trong thực tế, cứu thoát là điều không thể.
Mỹ đặt căn cứ quân sự của họ dưới chiêu bài bảo vệ nhân dân những quốc gia mà họ chọc mũi vào.
Họ có thể tạo ra tình huống nghiêm trọng mà cỗ máy quân sự Mỹ sẽ kiếm được tiền. Bi kịch là ở chỗ cỗ máy này rất dễ dàng khởi động, nhưng không thể dừng lại”.
Nguồn: Đông Triều/ Baodatviet.vn