Ba Lan

Biểu tình ở Ba Lan mấy ngày gần đây

Cập nhật lúc 22-07-2017 13:58:24 (GMT+1)
Hình ảnh về cuộc biểu tình ở Warszawa ( ảnh tvn)

 

Trong mấy ngày gần đây, người dân Ba Lan lại rầm rộ xuống đường biểu tình, không đồng ý với những hành động của chính quyền đương thời, khi Quốc hội và chính phủ Ba Lan đã soạn thảo ra một cách rất vội vàng những bộ luật gây tranh cãi, mà người ta cho là vi hiến. Với lý lẽ là cần phải cải cách ngay ngành Tư pháp, chính thức chấm dứt thời kỳ hậu cộng sản ở Ba Lan, đảng cầm quyền của quốc gia này (đảng Luật pháp và Công lý) muốn phê duyệt và thực thi ngay 3 Bộ luật liên quan đến ngành Tư pháp ở Ba Lan (Bộ luật về Hội đồng Quốc gia ngành Tư pháp, Bộ luật về các tòa án Phổ thông và Bộ luật về Tòa án Tối cao).


Mọi việc tưởng như đang diễn ra theo đúng luật pháp (Hiến pháp) Ba Lan nhưng thực ra đảng cầm quyền không hề đoái hoài đến những ý kiến của các đảng đối lập và của người dân, đặc biệt là của những chuyên gia trong ngành Tư pháp. Trong Hạ viện và Nghị viện cũng vẫn có những cuộc thảo luận theo đúng lịch trình (rất vội vã), các đại biểu quốc hội của mọi phe vẫn được đưa ra những ý kiến đóng góp, nhưng đó chỉ là hình thức, bởi vì rốt cuộc là đảng cầm quyền với đa số ghế trong Quốc hội vẫn luôn đạt được ý đồ của mình, bác bỏ hết những ý kiến phản biện của phe đối lập. Những buổi bỏ phiếu phê duyệt các bộ luật gần đây thường rất nóng, thậm chí các đại biểu quốc hội phải ấn nút (không giơ tay) biểu quyết... vào ban đêm.

Do vậy, người ta đã quyết định lên tiếng phản đối, yêu cầu (và hy vọng) là Tổng thống Ba Lan là ông Andrzej Duda phải tận dụng quyền phủ quyết (veto) của mình, không phê duyện 3 bộ luật nói trên. Cao điểm là chiều tối ngày thứ năm 27.07. 2017 đã có khoảng 50 nghìn người dân đến biểu tình ở trước cổng Dinh Tổng thống và ở bên cạnh Tòa nhà Quốc hội.

Phải khâm phục người dân Ba Lan là những cuộc biểu tình này rất ôn hòa, người ta hô vang các khẩu hiệu: “Hiến pháp”, “Chúng tôi muốn veto”, “Tự do, Bình đẳng, Dân chủ”, “Tòa án tự do” và thắp những ngọn nến tượng trưng cho chuỗi ánh sáng vì tương lai Ba Lan. Cũng may là không xảy ra những hiện tượng khiêu khích của phe dân tộc cực đoan, như có lần xảy ra ở thị trấn Radom, khi đã có người đi biểu tình bị “tụi đầu trọc” xông ra cướp băng rôn khẩu hiệu và xô đẩy gây ngã. Thường là các lực lượng vũ trang ở Ba Lan luôn khách quan, phi chính trị, do vậy họ vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, cố gắng giữ trật tự xã hội, khi có những đám đông biểu tình hay tuần hành trên đường phố.

Bộ trưởng Bộ nội vụ Ba Lan gần đây cũng đã hứa hẹn nhiều cho ngành cảnh sát, áp dụng một vài chính sách có lợi cho các nhân viên cảnh sát, đặc biệt những người không phải là sỹ quan. Có một vụ cảnh sát tra tấn đánh chết một thanh niên trong đồn công an. Nhưng suốt cả năm người ta đã cố tình che dấu sự việc, mãi đến khi báo chí tự do công bố video, khán giả được thấy là cảnh sát đã dùng súng điện tra tấn bất hợp pháp, gây tử vong, chứ không phải người thanh niên chết là do dùng thuốc kích thích quá liều, khi đó mới có một vài sỹ quan bị thôi việc. Như vậy đảng cầm quyền quan tâm đền ngành cảnh sát hơn và hy vọng là ngành này sẽ luôn trung thành với đảng cầm quyền.

Rất may là quân đội Ba Lan luôn luôn phi chính trị, người dân mạnh dạn xuống đường biểu tình, không hề lo ngại là chính phủ sẽ dùng những biện pháp mạnh để đàn áp, bắt bớ những người đối kháng, như dưới thời cộng sản. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan (dân sự) luôn đưa ra những quyết định gây nhiều tranh cãi, điều này làm nhiều sỹ quan quân đội tài năng đã xin xuất ngũ. Chính phủ ngụy biện là chỉ những ai “có liên quan đến chế độ cũ” thì mới phải lo ngại, bởi vì không hề có xảy ra những chuyện thanh lọc trong quân đội.

Chính phủ tuyên truyền là những người đi biểu tình là “những kẻ tham nhũng khi còn nắm quyền”,  những người đi biểu tình lên tiếng phản đối vì đã mất lợi ích của bản thân mình, họ muốn giành lại chính quyền, mặc dù chính quyền mới là do dân bầu ra, trong cuộc bầu cử dân chủ. Cũng cần nhấn mạnh là đảng cầm quyền ở Ba Lan luôn chỉ có khoảng 35% cử tri ủng hộ, nhưng do là có nhiều đảng phái không vượt qua ngưỡng 5% trong các cuộc bầu cử, do vậy đảng cầm quyền đã được nhận thêm ghế trong Quốc hội, nên hiện nay có đa số ghế (quá bán), đủ để phê quyệt những bộ luật của mình.

Trong các cuộc thăm dò dư luận, hiện nay không có một đảng đối lập nào ở Ba Lan vượt quá tỷ lệ 35% như đảng Luật pháp và Công lý, do vậy đảng cầm quyền luôn ngạo mạn cho rằng họ sẽ được cầm quyền vĩnh viễn ở quốc gia này và sẽ tiếp tục làm nhiều cuộc cải cách, trong mọi lĩnh vực. Mục tiêu của họ là trong đợt bầu cử Quốc hội tiếp theo sẽ chiếm được đại đa số ghế (2/3), đủ để có thể thay đổi Hiến pháp. Và khi đó thì họ sẽ có được Hiến pháp của chính mình tự soạn thảo, như vẫn xảy ra ở một vài quốc gia độc tài trên thế giới.

Với mục đích đó, bất chấp những quan ngại của Liên Âu, hay thậm chí của người bạn lớn là USA, đảng cầm quyền sẽ quyết tâm thi hành những dự định của mình. Người ta lo ngại là sau khi chiếm được ngành Tư pháp, các thủ tục bầu cử ở Ba Lan sẽ bị đảng cầm quyền thay đổi, đặc biệt là Ủy ban Kiểm phiếu Quốc gia sẽ nằm trong tay đảng cầm quyền, như vậy là có thể liên tưởng đến một câu nổi tiếng của ai đó “bầu cử như thế nào không quan trọng, mà người kiểm phiếu mới là điều quyết định”.

Sau khi đã nắm trong tay hệ thống truyền thông quốc gia, đảng cầm quyền ở Ba Lan sẽ cho ra những bộ luật mới, hạn chế mọi kênh truyền thông tư nhân, lúc đó người dân sẽ không có những sự lựa chọn nữa, mà sẽ chỉ được xem kênh truyền hình quốc gia TVP, mà các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay đều cho thấy là ngày càng có nhiều người Ba Lan không muốn xem những chương trình chính thống, vì các kênh này chỉ đưa tin một chiều, mang đầy giọng điệu tuyên truyền, không sát với thực tế, gây cho khán giả nhiều bực bội.

Cách đây một năm, khi mới nắm quyền, đảng Luật pháp và Công lý cũng đã cho ra những bộ luật gây tranh cãi, khi muốn làm tê liệt Tòa án Hiến pháp. Liên Âu cũng bảy tỏ sự quan ngại, nhưng lại không đưa ra một trừng phạt cụ thể nào với Ba Lan. Thậm chí khi Ủy ban Venice đưa ra ý kiến là chế độ quốc gia pháp quyền đang bị đe dọa ở Ba Lan, thì chính quyền cũng vẫn kiêu ngạo tuyên bố“đó là công việc nội bộ của Ba Lan", không cần quan tâm đến ý kiến của nước ngoài. Những cuộc biểu tình ở Ba Lan cũng đã xảy ra rầm rộ, nhưng chính quyền vẫn kiên quyết đi theo những chỉ tiêu mình đặt ra, tuyên truyền là “thực thi những lời hứa với cử tri trong giai đoạn tranh cử”, kết cục là trong Tòa án Hiến pháp họ đã có được những thẩm phán do mình chọn.

Đảng cầm quyền đã cảm thấy mình mạnh mẽ đến mức là không một thế lực nào trong nước hay nước ngoài có thể ngăn cản những bước đi của họ. Trong phiên họp Quốc hội, ông chủ tịch đảng này đã không kiềm chế được sự ngạo mạn của mình, tự bước lên bục thuyết trình trong Quốc hội, tuyên bố dõng dạc: “Tôi sẽ phát biểu, chả cần theo nghi thức nào”. Sau khi có đại biểu nhắc đến chuyện là cố Tổng thống Lech Kaczyński (người em sinh đôi của ông Jaroslaw Kaczyński) luôn đề cao tính tam quyền phân lập và nền dân chủ ở Ba Lan, ông này đã bực bội lên tiếng, thực ra là gào thét: “Tao biết là chúng bay lo sợ sự thật. Chúng bay đừng có mà chùi những cái mõm phản bội của chúng bay bằng danh tiếng của người em đã khuất của tao. Chúng bay đã hủy diệt cậu ấy, chúng bay đã giết hại cậu ấy. Chúng bay là một lũ đểu cáng (những kẻ mạt hạng)”. Mặc dù chưa một tòa án nào tuyên án, ông này đã tự cho mình được quyền phán quyết là những người chống đối chính là những kẻ giết người, trong khi sau 7 năm, dù mọi cố gắng, đưa ra mọi thuyết, nhưng ông này chưa chứng minh được là đã có người  ám sát em trai ông ta, cần phải trừng trị, cần phải trả thù.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan quan tâm đến tình hình chính trị ở quốc gia này ngày càng nhiều hơn, do vậy khi thấy người dân Ba Lan biểu tình, khi hiểu được là cần phải ủng hộ họ, đã có khá nhiều người Việt cùng xuống đường biểu tình, mà không hề lo ngại gì. Càng tự hào hơn, khi những gì người Việt đang làm ở quốc gia này, đều được người Ba Lan để ý đến. Đã có những bài viết khen ngợi và cảm ơn người Việt, chính về những nỗ lực chính trị và xã hội đó.

Có một điều đáng mừng là trong các cuộc biểu tình gần đây, có rất nhiều thanh niên tham gia, điều đó cho thấy là giới trẻ đã không thờ ơ với chính trị, mà quyết định hành động. Do vậy, tuy người ta đang lo ngại là tình hình chính trị ở Ba Lan đang quá nóng, chưa biết nước này sẽ đi về đâu, sẽ còn trong Liên Âu hay sẽ rẽ sang bước ngoặt hoàn toàn khác, thì ước vọng được sinh sống ở một quốc gia tự do và dân chủ của những người dân ở quốc gia này sẽ luôn luôn rất mãnh liệt, mà không một nhóm người nào, không một đảng phái nào có thể lấy đi hoặc là tìm mọi cách cấm đoán hay hạn chế những quyền lợi chính đáng đó của họ.

 Nguồn: Ngô Hoàng Minh/Queviet

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo