Ba Lan

Chuyện Ba Lan 'đòi Đức trả' 850 tỷ đô bồi thường chiến tranh

Cập nhật lúc 28-04-2019 15:54:57 (GMT+1)
Phát-xít Đức giết trên 5 triệu công dân Ba Lan, gồm 3 triệu người Do Thái

 

Một nghị sĩ Ba Lan nêu con số khổng lồ 850 tỷ USD mà ông ta cho rằng "nước Đức phải trả cho Ba Lan" vì tàn phá quốc gia này hồi Thế Chiến 2.


Theo Reuters (26/04/2019), ông Arkadiusz Mularczyk, chủ tịch một ủy ban trong Hạ viện Ba Lan chuyên về bồi thường chiến tranh, nói "không chỉ hàng triệu công dân Ba Lan bị giết, mà đất nước cũng bị tàn phá khủng khiếp thời chiến".

Đây không phải là lần đầu tiên một số chính khách Ba Lan nêu ra yêu cầu Đức bồi thường vì đã giết hại công dân Ba Lan cũng như tàn phá nước này.

Hồi 2015, khi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) nêu ra chương trình tranh cử, họ cũng nhắc đến việc đòi bồi thường từ Đức.

Nhưng chưa có đảng phái hay chính phủ Ba Lan nào chính thức nêu vấn đề trên với Berlin.

Các sử liệu cho hay gần sáu triệu công dân Ba Lan, gồm ba triệu người Do Thái, bị giết trong Thế Chiến 2 và Warsaw bị Hitler cho san phẳng sau Khởi nghĩa 1944.

Chỉ trong Khởi nghĩa Warsaw, chừng 200 nghìn thường dân thủ đô Ba Lan bị quân Đức giết.

Tháng 9/1939, nước Đức phát-xít bất ngờ tấn công Cộng hòa Ba Lan, mở màn cho Thế Chiến 2 ở châu Âu.

Sau khi chiếm Ba Lan, Hitler cho sát nhập nhiều tỉnh phía Tây vào Đế chế Đức Quốc xã và bắt hàng triệu công dân Ba Lan làm lao công khổ sai hoặc buộc vào quân đội.

Phần còn lại của Ba Lan bị đặt dưới chế độ quân quản và lính Đức thường vây bắt người dân trên phố để xử bắn, trả thù cho các vụ tấn công của du kích Ba Lan.

Trại tập trung Auschwitz của Đức giam giữ nhiều phụ nữ và trẻ em để chuẩn bị đưa vào lò thiêu. Ảnh chụp khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng vùng này trên đất Ba Lan ngày 27/01/1945.

Nhưng hiện nay, Đức là đối tác kinh tế lớn nhất của Ba Lan, và là đồng minh trong Nato và EU.

Berlin luôn nói các khoản bồi thường đã được giải quyết từ lâu.

Tuy nhiên, phe hữu, dân tộc chủ nghĩa Ba Lan đôi khi nêu lại các vấn đề liên quan đến Thế Chiến 2.

Hy Lạp, Ba Lan và CH Czech

Ba Lan không phải là nước duy nhất có ý tưởng đòi Đức bồi thường tiền tỷ.

Cuối năm 2018, nghị viện Hy Lạp đã bàn về vấn đề này.

Sang tháng 4 năm nay, thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói với các dân biểu rằng việc đòi từ Đức khoản bồi thường cho sự tàn phá, chiếm đóng trong Thế Chiến 2 "là trách nhiệm đạo đức".

Hồi 2016, một ủy ban của Quốc hội Hy Lạp nêu ra con số họ ước tính rằng thiệt hại cho Hy Lạp mà Đức gây ra thời chiến tranh là trên 300 tỷ euro.

Sau phát biểu của ông Tsipras, Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đòi Đức bồi thường.

Chúng tôi hiểu trách nhiệm của người Đức về mặt lịch sử, và hiểu nỗi đau đớn Đức gây ra cho Hy Lạp thời Nazi, và đó là một bài họcBà Merkel

Hồi tháng 10/2018, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã chính thức xin lỗi Hy Lạp vì các tội ác quân Đức gây ra ở nước này.

Nhưng ông bác bỏ việc mở lại vấn đề bồi thường chiến tranh.

Hồi tháng 1/2019, Thủ tướng Angela Merkel của Đức đáp lời yêu cầu của tổng thống Hy Lạp rằng bà "hiểu trách nhiệm của người Đức về mặt lịch sử, và hiểu nỗi đau đớn Đức gây ra cho Hy Lạp thời Nazi, và đó là một bài học".

Nhưng bà Merkel cũng không nói gì về yêu cầu Athens muốn Berlin trả hàng trăm tỷ euro.

Người dân Hy Lạp viết dòng chữ 'Hitler là tên tội phạm to nhất' để chào đón du kích về giải phóng họ năm 1944 sau khi Đức thua quân Đồng minh do Anh chỉ huy đổ bộ vào Hy Lạp

Hy Lạp đang nói sẽ đưa vấn đề này lên Toà án Công lý Quốc tế.

Có ý kiến ngay tại Đức như của sử gia Karl Heinz Roth cho rằng không thể so sánh Ba Lan với Hy Lạp.

Ông được trang DW của Đức dẫn lời nói:

"Theo kế hoạch Phía Đông (Generalplan Ost), quân Đức muốn Đức hóa toàn bộ Ba Lan. Còn ở Hy Lạp thì tình hình hoàn toàn khác, người Đức chỉ lập hai căn cứ cho không quân và hải quân ở Thessaloniki và Crete. Quân Đức có đáp trả phong trào kháng chiến Hy Lạp bằng những cuộc thảm sát. Nhưng họ không hề có một kế hoạch nào như ở Ba Lan."

"Tại Ba Lan, 5,4 triệu thường dân bị quân Nazi giết, còn ở Hy Lạp là 300 nghìn."

Cùng lúc, tại Đức có những ý kiến chống Ba Lan, như của bà Erika Steinbach, chủ tịch một hội bảo vệ quyền lời của cả triệu kiều dân Đức bị trục xuất khỏi Ba Lan, và Đông Âu sau Thế Chiến 2, cho rằng đòi hỏi của Ba Lan là "vô lý".

Chính Ba Lan đang mắc nợ Đức và nếu có bồi thường thì họ phải bồi thường cho người Đức

Erika Steinbach

Bà Steinbach cho rằng "chính Ba Lan đang mắc nợ Đức và nếu có bồi thường thì họ phải bồi thường cho người Đức".

Được biết một quốc gia nạn nhân của Đức nữa trong Thế Chiến 2 là CH Czech thì không muốn nêu ra vấn đề "đã là lịch sử" này.

Một dân biểu Czech, Jiri Valenta gần đây cũng nêu ra yêu cầu Đức bồi thường.

Nhưng chính phủ Czech cũng cho rằng giống như Ba Lan, họ ở vào tình trạng địa chính trị khác Hy Lạp sau Thế Chiến 2, khi các đại cường ký kết hiệp ước Potsdam.

Cả Tiệp Khắc và Ba Lan đều không có mặt tại hội nghị Potsdam tập hợp các nước thắng trận sau khi đập tan chế độ Hitler.

Tất cả tại Liên Xô?

Theo các văn bản thời đó thì đến năm 1953 Liên Xô nhận bồi thường từ Tây Đức thay cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và vấn đề đến đó là khóa sổ.

Stalin loại đồng minh cộng sản là Ba Lan ra khỏi danh sách trực tiếp nhận bồi thường từ Đức với lời hứa Warsaw sẽ được 15% tổng số khoản bồi thường chung.

Nhưng trên thực tế, các nguồn sử liệu Ba Lan cho hay nước này không nhận được gì từ Liên Xô mà còn phải nộp thêm.

Người gốc Đức, cả già trẻ lớn bé, hớn hở chào đón quân Hitler vào vùng núi Sudet thuộc Tiệp Khắc. Sau sự kiện chiếm Sudetenland tháng 10/1938, Hitler tiến quân đánh nốt Tiệp Khắc và Ba Lan. Nhưng nay chính phủ Czech không muốn nhắc đến vấn đề bồi thường chiến tranh từ Đức nữa.

Stalin quyết định rằng phần đất phía Tây gồm nhiều thành phố công nghiệp phát triển của Đức mà Ba Lan nhận về, có giá trị 9,6 tỷ USD, tính theo thời giá 1939.

Phần lãnh thổ Ba Lan phải nộp cho Liên Xô (nay là Tây Ukraine) nghèo hơn, được định giá chỉ khoảng 3,5 tỷ USD.

Vì thế, Liên Xô bắt Ba Lan trả khoản chênh lệch bằng than đá trong nhiều năm sau Thế Chiến 2, theo một bài trên trang wp.pl.

Ba Lan thời cộng sản phải đồng ý với Liên Xô trong tình thế bị cưỡng bức

Nữ GS sử học Magdalena Bainczyk

Khi Hoa Kỳ đem Chương trình Marshall vào châu Âu, cả Ba Lan và Tiệp Khắc được mời nhận tiền tái thiết hậu chiến nhưng Moscow cấm hai nước này tham gia.

CH Czech nay cho rằng yêu cầu của Ba Lan với Đức không có cơ sở pháp lý gì nữa.

Tuy vậy, giáo sư sử học Ba Lan, Magdalena Bainczyk cho rằng nếu đem ra tranh cãi, lập luận trên có thể bị bác bỏ, vì Ba Lan thời cộng sản "phải đồng ý với Liên Xô trong tình thế bị cưỡng bức" nên quan điểm của Warsaw không có giá trị pháp lý.

Bà nói:

"Chính phủ Ba Lan khi đó bị bắt buộc phải rút khỏi các yêu sách đáng ra họ có thể nêu tại Hội nghị Potsdam, đồng thời phải nhận lời hứa không được thực hiện từ Liên Xô về khoản 15%."

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo