Ba Lan

Vài nét về tình hình Ba Lan thời gian gần đây.

Cập nhật lúc 18-07-2017 15:49:28 (GMT+1)
Tổng thống Ba Lan tiếp đón tổng thống Mỹ ( Ảnh Internet)

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi sang Đức dự Hội nghị thượng đỉnh G20 đã có ghé thăm Ba Lan và đã được chính phủ và người dân ở quốc gia này đón tiếp rất nồng nhiệt. Thăm Ba Lan trước, để lấy khí thế, vì Tổng thống biết là ở Hamburg mình và các nguyên thủ quốc gia khác cũng sẽ được những người biểu tình (từ khắp mọi miền thế giới) đón tiếp „không kém phần nồng nhiệt” như người dân Ba Lan? Do vậy, Ba Lan cũng đã được khen ngợi rất nhiều trong bài diễn văn của Tổng thống.


Liên hiệp Anh sắp tới lại tiếp tục bàn bạc để ký kết một loạt các hiệp ước với các quốc gia lục địa thuộc Liên minh Châu Âu, khi quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị phải thực hiện chương trình Brexit. Do vậy, cặp đôi trẻ Hoàng Gia Anh là Thái tử William và công nương Kate cùng 2 cháu nhỏ cũng đã cố gắng sắp xếp thời gian sang thăm Ba Lan (cũng trước khi sang Đức).

Tại cuộc tiếp đón Tổng thống Mỹ, chính phủ Ba Lan đã cố tình không mời cựu thủ lĩnh của công đoàn Đoàn kết là Lech Walesa đến dự. Rất may là Đại sứ quán Mỹ ở Ba Lan đã làm tròn vai trò ngoại giao của mình, mời ông này (cùng các nhà chính trị của các đảng đối kháng) cùng đến dự buổi gặp mặt Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên những người dân Ba Lan ủng hộ đảng cầm quyền đã hò hét huýt sáo phản đối khi Tổng thống Mỹ nhắc đến Lech Walesa. Buối tiếp đón được nhiều kênh truyền hình thế giới quan tâm, do vậy chắc người ta cũng hiểu được phần nào là tình hình chính trị ở Ba Lan hiện nay lại đang rất phức tạp,vì người dân của quốc gia này đang bị chia rẽ thành 2 phe rõ rệt.

Cặp đôi Hoàng Gia Anh trong chương trình cũng có buổi gặp mặt với Lech Walesa, nhưng các kênh của TVP Ba Lan lại cố tình không nhắc đến. Do vậy người ta đã cho là TVP đã không là những kênh truyền hình của quốc gia, mà đã trở thành kênh tuyên truyền chỉ của một đảng (đang nắm quyền).

Vậy là Ba Lan có vẻ đang có hướng đi gây ra nhiều quan ngại cho Liên minh Châu Âu? Liên Âu lo ngại là Ba Lan sẽ không còn lạ một quốc gia dân chủ, với hệ thống tam quyền phân lập. Chính phủ hiện hành sau khi chiếm được đa số ghế trong Quốc hội, đã tích cực thay đổi hàng loạt bộ luật có lợi cho mình, hạn chế quyền tự do của công dân. Tuy nhiên, họ cũng có một số các bộ luật khác làm cho người dân hài lòng, nhất là những người dân nghèo, như là chương trình 500+ (cấp cho trẻ em dưới 18 tuổi 500 zloty hàng tháng). Ban đầu, dự định trẻ em nào cũng được nhận, nhưng do thiếu kinh phí, chỉ có những cháu là con thứ 2 hoặc tiếp theo mới được nhận khoản tiền này. Những cháu bé là con cả trong gia đình đông con, hoặc những gia đình chỉ có 1 con là không được nhận, trừ khi thu nhập trung bình của mỗi người trong gia đình quá thấp, dưới 800 zloty một đầu người. Hoặc là chính phủ cũng những chính sách xiết chặt chuyện thu thuế, nhất là đối với các công ty lớn (thuế VAT) với vốn đầu tư của nước ngoài, nên những người ủng hộ chính quyền cho là Ba Lan đang trở thành một quốc gia độc lập dân tộc (suweren).

Quan ngại nhất vẫn là vấn đề tam quyền phân lập. Bộ luật cơ bản của CH Ba Lan vẫn là Hiến pháp. Mọi bộ luật khác do Quốc hội đề ra, về lý thuyết vẫn phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp. Do vậy, Tòa án Hiến pháp, cũng về lý thuyết thì phải là một cơ quan công minh, độc lập, không thể phục vụ một đảng phái (cầm quyền) mà phải phục vụ lợi ích chung của toàn dân. Sau khi nắm quyền, chính phủ Ba Lan đã tìm mọi cách thâu tóm cả hệ thống Tư pháp.

Các thành viên của Tòa án Hiến pháp đã được chính phủ của đảng cầm quyền (trong Quốc hội có đa số ghế) thay đổi dần hết. Người ta không cần tuyển chọn những Giáo sư ngành luật nổi tiếng, giỏi giang về chuyên môn luật, về Hiến pháp, mà chỉ cần những người trung thành với phe mình. Do vậy Chủ tịch Tòa án Hiến pháp được dựng lên hiện nay là một bà thẩm phán chỉ có bằng tốt nghiệp đại học (Thạc sỹ). Như vậy có thể coi là Tòa án Hiến pháp đã hoàn toàn bị tê liệt. Tòa án Hiến pháp có thể ví như là một thanh tra xây dựng, còn Quốc hội (cơ quan lập pháp) và chính phủ (cơ quan hành pháp) là những công ty xây dựng, cùng làm tất cả những gì tốt nhất để cùng xây dựng đất nước, có lợi cho toàn dân. Nếu như có dự án xây dựng không tốt cho toàn dân (ra những bộ luật mới), thì thanh tra phải can thiệp. Vậy mà thanh tra cũng thuộc đảng nắm quyền, không đại diện chung cho ngành Tư pháp, vậy thì còn thanh tra gì nữa? Do vậy Quốc hội và chính phủ có thể muốn làm gì thì làm, không quan tâm những ý kiến đóng góp hay những phản đối của phe đối lập hay của những người dân thường.

Gần đây Quốc hội và chính phủ đã dự thảo ra 2 bộ luật (Bộ luật về Hội đồng Quốc gia ngành Tư pháp và Bộ luật về các tòa án Phổ thông). Bộ trưởng Tư pháp có quyền chọn các Chủ tịch tòa án. Do vậy liệu các thẩm phán có dám cho ra những tuyên án bất lợi cho chính quyền hay không, khi có những vụ việc kiện cáo giữa người dân và chính quyền? Liên Âu đang dọa là sẽ phạt Ba Lan (không tài trợ nhiều, khi quốc gia này không muốn theo các giá trị của Phương Tây trong cả khối) và hy vọng là Tổng thống Ba Lan sẽ dùng quyền phủ quyết, không phê duyện 2 bộ luật này, nhưng ai cũng biết rằng Tổng thống hiện nay là do đảng cầm quyền dựng nên (thắng cử với trên 51% số phiếu), nhưng ông này lại tuyên bố là mình không cần sự ủng hộ của gần 49% người dân Ba Lan còn lại.

Tiếp đó, Quốc hội và chính phủ lại đang có những dự án mới, làm cho người dân Ba Lan rất hoang mang và lo ngại, do vậy họ lại xuống đường biểu tình. Giới cầm quyền muốn cho ra bộ luật thay đổi hoàn toàn các thành viên của Tòa án Tối cao (cho về hưu hết), hoặc là chỉ để lại những thẩm phán mà Bộ trưởng Tư pháp tự quyết định, tự „chọn lọc”. Tức là một nhà chính trị có thể quyết định về tương lai của những thẩm phán trong tòa án này, không quan tâm thẩm quyền hay trình độ chuyên môn. 
Cũng cần nhớ rằng Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan hiện nay cũng giữ luôn chức vụ Tổng Công tố viên Quốc gia. Do vậy toàn ngành tư pháp Ba Lan sẽ nằm trong tay một nhà chính trị thuộc đảng cầm quyền? Tòa án Tối cao có quyền cho ra quyết định không công nhận những cuộc bầu cử, vậy nên người ta lo ngại là nếu đảng cầm quyền không thắng trong những cuộc bầu cử tiếp theo, thì chuyện không công nhận có thể sẽ xảy ra, khi toàn bộ các thành viên của Tòa án Tối cao là đảng cầm quyền chọn ra.

Chủ tịch đảng cầm quyền (đảng Luật pháp và Công lý) là ông Jaroslaw Kaczyński hiện nay đã tuyên bố: tất cả những ai xuống đường phản đối hoặc nghe lời „các thế lực nước ngoài xúi giục” sẽ bị trừng trị đích đáng theo đúng pháp luật hiện hành (của mình). Vào ngày 10 mỗi tháng, những người hâm mộ ông này vẫn tuần hành tưởng niệm những người đã quá cố trong vụ tài nạn máy bay vào năm 2010 ở Smoleńsk, mà thực chất những buổi này đã không đơn thuần là một sự kiện tôn giáo, mà đã là những cuộc mit-tinh chính trị thực sự, khi ông J. Kaczyński luôn lên tiếng chỉ trích những người đối kháng, coi những người không ủng hộ mình là „những công dân hạng hai kém cỏi hơn”. Ông này vẫn muốn chứng minh vụ tai nạn máy bay là một vụ ám sát chính trị và bỏ tù tất cả những người có liên quan, rồi sau đó dựng tượng cố Tổng thống Lech Kaczyński (người anh em sinh đôi của mình) tại khắp Ba Lan, đặc biệt là trong TP Vác-sa-va.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng luôn quan tâm đến tình hình chính trị ở quốc gia này, vì chính trị luôn liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân (các chính sách về di dân, chuyện kinh doanh, vấn đề giá cả, thuế má v.v...). Khi có những cuộc biểu tình đòi thực thi tự do dân chủ (phản đối chính quyền), có một số người dân gốc Việt cũng đã mạnh dạn cùng tham gia, tận dụng điều kiện được làm những công dân tự do thực sự, lên tiếng phản đối mà không hề lo ngại sự trả thù hay đàn áp (tuy số lượng tham gia chưa nhiều).

Năm 2015 và 2016 Quỹ Hỗ trợ người Việt Hội nhập tại Ba Lan đã cùng một số bà con trong cộng đồng tham dự vui vẻ và quảng bá văn hóa Việt trong chương trình Lễ hội Đường phố Street Party. Rất tiếc là năm nay Lễ hội sẽ không được tổ chức nữa, vì những người nước ngoài ở Ba Lan bây giờ đã không được tự do tổ chức lễ hội ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, người Việt ở Ba Lan đã có rất nhiều cố gắng trong vấn đề hội nhập với những người dân bản xứ (Ba Lan), do vậy vào ngày 17.09.2017 Quỹ sẽ cùng cộng đồng người Việt (được TP tài trợ) tổ chức ngày Người hàng xóm, để quảng bá văn hóa Việt với người dân quận Ochota, địa điểm tại Hội trường của trường PTTH đằng sau khu chợ Banacha.

Trại hè vui cùng tiếng Việt năm nay cũng sẽ được Quỹ nói trên đứng ra tổ chức cùng các đơn vị cộng đồng khác ở Ba Lan. Đây là một dịp cho các cháu thiếu nhi người Việt được du lịch nghỉ ngơi sau một năm học vất vả (cũng được TP tài trợ một phần kinh phí, chủ yếu nguồn tài chính do phụ huynh đóng góp), chuyện học thêm và vui chơi bằng tiếng Việt được xen kẽ với các chương trình giải trí Ba Lan, do vậy số lượng các cháu đăng ký tham gia khá đông (đã kín chỗ ở nơi nghỉ mát). Những năm tới, nếu chương trình này vẫn được các cháu đón nhận nhiệt tình, các nhà tổ chức sẽ cố gắng tiếp đón được số lượng các cháu tham gia đông hơn.

Hy vọng là tình hình chính trị cũng như kinh tế Ba Lan dù có thay đổi như thế nào, cộng đồng người Việt ở quốc gia này sẽ hội nhập ngày càng sâu với người dân quốc gia sở tại, để Việt Nam và Ba Lan luôn có những quan hệ ngày càng mật thiết hơn nữa.

Nguồn: Ngô Hoàng Minh/ Queviet.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo