Liên bang Đức

Bất ổn nổ ra ở Chemnitz tức Karl Marx Stadt thời Đông Đức

Cập nhật lúc 28-08-2018 17:58:47 (GMT+1)
Các nhóm ủng hộ phát-xít tụ họp ngay dưới tượng Karl Marx nơi thời Đông Đức cũng có biểu tình phản đối Liên Xô

 

Các nhóm biểu tình cực hữu và chống Nazi đụng độ ở Chemnitz tức thành phố Karl Marx thời Đông Đức cũ sau vụ một người Đức bị đâm chết.


Cảnh sát cho hay sau hai ngày biểu tình và 'phản biểu tình' ném gạch vào nhau hôm Chủ Nhật và thứ Hai tuần này, một số người đã bị thương.

Lo lắng đang lan toả trong công đồng người Việt trên toàn nước Đức, theo nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin.

Hình ảnh truyền đi từ Đức cho thấy hàng nghìn ủng hộ viên phe cực hữu Đức biểu tình bên tượng Karl Marx ở Chemnitz, vùng thuộc Đông Đức cũ.

Đối lại, chỉ không xa họ vài mét là các nhóm chống chủ nghĩa phát-xít, lên án phân biệt chủng tộc.

Thành phố thuộc Đông Đức cũ chứng kiến hai ngày biểu tình liên tiếp của các nhóm bài ngoại sau vụ một người đàn ông Đức bị đâm chết.

Cảnh sát đã bắt một người Syria và một người Iraq bị nghi "giết người".

Chiều thứ Hai, ủng hộ viên của một đội bóng đá địa phương và những thanh niên phe hữu hô khẩu hiệu bài ngoại đã tụ tập ở quảng trường trung tâm Chemnitz, nơi có tượng Marx.

Điều đặc biệt, gợi nhớ lại thời Đông Đức, là khẩu hiểu của các nhóm thanh thiếu niên cực hữu.

Họ hô to "Chúng tôi là nhân dân", một khẩu hiệu của phe dân chủ phản đối chính quyền Đông Đức thời xã hội chủ nghĩa, nhưng với hàm ý khác.


'Người Việt cần phải thay đổi cách nghĩ'

Bình luận của ông Lê Mạnh Hùng, nhà báo tự do từ Berlin:

"Bạo lực chết người xảy ra ở Chemnitz, phong trào cực hữu bài ngoại, muốn xua đuổi người ngoại quốc đang được mùa.

Họ thậm chí có mặt trong cả Quốc hội Đức, kiểu chào Đức Quốc Xã diễn ra ngay dưới chân tượng Karl Marx, làm chính phủ Đức và các chính trị gia Đức lúng túng...

Bạn bè của tôi ở Chemnitz đang nhắc nhau hạn chế ra đường trong những ngày này. Lo lắng đang lan toả trong cộng đồng người Việt trên toàn nước Đức.

Còn chưa đủ để người Việt chúng ta giật mình? Còn có gì quan trọng hơn là chính cuộc sống, tương của chúng ta ở Đức sẽ bị đe doạ?

Người Việt cần phải thay đổi cách nghĩ, cần phải làm một điều gì chứ? "

  • Đừng biến cộng đồng người Việt trở thành một vấn đề đối với nước Đức. thành một ốc đảo khép kín với nhiều điều khó hiểu đối với người Đức
  • Cần hội nhập sâu vào xã hội Đức, hoà đồng với dân bản địa, có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Đức.
  • Hãy nỗ lực chia sẻ những khó khăn của nước Đức trong các vẫn đề: người nhập cư, môi trường, nạn phân biệt chủng tộc, những địa phương, những người gặp nạn bởi thiên tai...
  • Hãy có mặt, tham gia càng nhiều càng tốt trong các diễn đàn chính trị, văn hoá, thể thao...của Đức
  • Tham gia đông đảo các cuộc mít tinh, tuần hành vì hoà bình, chống chiến tranh, chống nạn kỳ thị chủng tộc được tổ chức rộng khắp trên nước Đức khá thường xuyên. Làm ngơ trước những vấn đề của nước Đức, một ngày nào đó chính chúng ta sẽ bị lãnh đủ.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho hay:

"Nếu chỉ chờ đợi người Đức mang tương lai tốt đẹp đến cho mình, e rằng một ngày nào đó chính chúng ta sẽ bị bất ngờ lớn. Hơn ai hết chính số lượng khá lớn các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt Nam từng du học ở Đức, thông thạo tiếng Đức, hiểu văn hoá Đức là những người càng cần tích cực đứng ra giúp đỡ, hướng dẫn cộng đồng trong mảng này. Chẳng có ai là người không bị liên quan trong tình hình đang căng thẳng ở Đức hiện nay đâu."


Cảnh sát Đức ngăn cản hai phái biểu tình nhưng vẫn xảy ra xô xát và một số người bị thương

Người biểu tình bị thương ở Chemnitz

Các nhóm tự phát và đảng chính trị

Thủ tướng Angela Merkel đã lên án những nhóm "tự cảnh giác" thiên hữu ở Chemnitz.

Báo chí Đức cho hay một số nhóm thiên hữu tự tổ chức thành các đội "tuần tra" ở các khu vực có người nhập cư sinh sống.

Một số trang của người Việt tại Đức cũng đã chia sẻ ý kiến lo ngại về làn sóng cực hữu bài ngoại tại Đức, nhất là vùng phía Đông nước này.

Có ý kiến nhắc lại vụ bạo loạn ở Rostock vào năm 1992 khi một số nhóm cánh hữu đã châm lửa đốt một ngôi nhà tập thể nơi người Việt Nam sinh sống.

Tình hình ngày nay đã khác nhưng sự lo ngại chung về xu hướng bài ngoại đã đặt ra câu hỏi trong chính người Việt Nam tại Đức rằng họ có "hội nhập" đủ vào xã hội Đức hay chưa.

Theo bình luận của BBC News bản tiếng Anh hôm 28/08 thì vấn đề người nhập cư đang trở thành rất "gai góc" tại Đức và bị chính trị hóa.

Năm 2015, bà Merkel đồng ý nhận vào chừng 1,3 triệu người nhập cư và tỵ nạn không giấy tờ, đa số từ các nước Trung Đông như Syria, Iraq.

Cả bà Merkel và đảng AfD đều gây chia rẽ ý kiến cử tri về chính sách nhập cư

Nhưng Angela Merkel và các đồng minh chính trị đã bị cử tri Đức "trừng phạt" trong cuộc bầu cử toàn quốc năm ngoái.

Đảng bài ngoại Alternative fur Deutchland (AfD) lần đầu đã vào Nghị viện Liên bang với 12,6% phiếu, và được 90 ghế.

Chemnitz nằm ở vùng Saxony (Sachsen), nơi cả đảng AfD và phong trào dân tộc chủ nghĩa mang tên Pegida đều đang lên rất mạnh, theo BBC News.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo