Liên bang Đức

Đức: Tất cả vì nguồn nguyên liệu

Cập nhật lúc 10-06-2013 20:59:46 (GMT+1)
Ảnh minh họa

 

Tạp chí “Al-Alam As-Shiasiya” (Chính trị thế giới) vừa có bài viết nhận định rằng cùng với Mỹ, nước Đức sẽ không ngần ngại tiếp tục tham gia các cuộc xung đột lớn trên thế giới, chủ yếu để bảo vệ nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp của mình. Nội dung bài viết như sau:


Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lothar de Maiziere và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cùng cho biết quân đội Đức sẽ duy trì ít nhất 800 binh sĩ tại Ápganixtan sau thời hạn NATO chính thức rút quân vào cuối năm 2014. Cùng thời điểm với những tuyên bố này, các phương tiện thông tin đại chúng Đức cũng tiết lộ thương vụ Đức bán 62 xe tăng và 24 súng cối cho Cata.

Cuộc tấn công của các nước phương Tây vào vùng Trung Á và vùng Vịnh do Mỹ đứng đầu, quốc gia mà Đức coi là một đồng minh chiến lược, chủ yếu để buộc các nước phải tôn trọng các lợi ích địa chiến lược và kinh tế của các nước này và Đức ở nước ngoài. Vào lúc này, chính phủ Mỹ của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa thông báo số lượng binh sĩ sẽ ở lại Ápganixtan và Oasinhtơn vẫn tiến hành thương lượng với chế độ của Hamid Karzai về những điều kiện triển khai quân sau thời hạn 2014. Mỹ nhấn mạnh yêu cầu các binh lính Mỹ phải được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn trước những lời cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hay những vi phạm khác. Sau một cuộc họp các bộ trưởng NATO hồi tháng 2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Maiziere thông báo rằng Mỹ đã quyết định để lại từ 8.000 đến 12.000 binh sĩ tại chỗ sau năm 2014, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Leon Panetta đã phủ nhận ngay và nói rằng thông tin ấy còn chưa chính xác.

Nước Đức giữ vai trò khá quan trọng trong việc chiếm đóng Ápganixtan từ khi cuộc xâm lược nước này bắt đầu vào năm 2001. Từ năm 2006, Đức là quốc gia đi đầu trong sứ mệnh của Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) ở Ápganixtan, và nước này giữ quyền lãnh đạo bộ chỉ huy miên Bắc ISAF, bao gồm 9 tỉnh và một vùng rộng hơn 162.000 km vuông. Đức là nước đóng góp quân lớn thứ ba sau Mỹ và Anh trong ISAF. Bộ Ngoại giao Đức đã mô tả vai trò của nước này trong chiến lược mới về việc chiếm đóng Ápganixtan, theo đó Đức sẽ gánh trách nhiệm ơ miền Bắc Apganixtan, huấn luyện, cố vấn và dịch vụ hậu cần, nhưng sau đó hai năm, Đức sẽ tập trung mạnh hơn vào khu vực Cabun. Nói cách khác, Đức đang chuẩn bị cho sự có mặt không xác định ở Ápganixtan và tham gia chiếm đóng về quân sự trong thời hạn lâu dài ở nước này cùng với các đồng minh NATO. Đức sẽ làm cố vấn cho Chính quyền Cabun và tiến hành huấn luyện quân đội Apganixtan v.v… Cũng như Mỹ, Đức cũng cho rằng Apganixtan quan trọng về mặt chiến lược đối với lợi ích của họ, vì đây là một đầu cầu giữa các khu vực giàu tài nguyên ở Trung Đông và châu Á, và cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú. Đức có được những lợi ích đáng kể trong các nguồn tài nguyên của khu vực và đã có quan hệ đối tác với một vài quốc gia ở đây, vì thế họ cho rằng cần tăng cường các hoạt động quân sự để có thể thỏa mãn cơn khát tài nguyên và năng lượng của nền kinh tế Đức, trong đó có đất hiếm, đồng, vàng, sắt và liti của Ápganixtan.

Việc kéo dài sứ mệnh ở Ápganixtan cũng liên quan đến việc Đức giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Cata. Hai hành động này nhằm gia tăng ảnh hưởng của Đức tại khu vực Trung Đông và Trung Á, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Việc Đức bán lô xe tăng trị giá 1,89 tỷ euro cho Cata đã đượ thông báo vào lúc Mỹ ký hiệp định bán vũ khí vói các đồng minh ở khu vực Trung Đông. Theo tờ New York Times, Mỹ đã cung cấp các hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu trị giá hơn 10 tỷ USD cho Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, và Ixraen. Các vũ khí này liên quan trục tiếp đến khâu chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp vào Xyri và một cuộc chiến tranh chống Iran, đã được tăng cường trong thời gian qua. Trong các cuộc thương lượng song phương giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Cata, Hamad bin Jassim Al-Thani, hai bên cũng không giấu giếm việc Đức bán vũ khí cho Cata có liên quan trực tiếp đến những bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống Xyri và Iran. Cũng như vậy, mới đây, trong một hội nghị của “Những người bạn của Xyri” tổ chức tại Ixtanbun, Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có sự tham dự của Đức và Cata, cả hai đã thông báo công khai rằng họ sẽ tăng cường ủng hộ cho phe đối lập Xyri. Và như vậy có thể hiểu rằng sau hơn một thập niên cùng NATO chiếm đóng Ápganixtan, Đức ngày càng coi chiến tranh là một phương tiện hợp pháp và bình thường để làm chính trị.

Nước Đức với cuộc chiến tranh tài nguyên

Đức đang tiến hành những bước chuẩn bị tích cực để tiến hành các cuộc chiến tranh mới nhằm bảo đảm cho mình các nguồn nguyên liệu. Đây là bức thông điệp rõ ràng được thể hiện trong một bài xã luận đăng trên tờ báo kinh tế Handelsblatt của Đức với nhan đề “Cuộc viễn chinh nguyên liệu: con đường mới của Đức”.

Cũng như trong nửa đầu thế kỷ 20, khi nước Đức hai lần giữ vai trò trung tâm trong việc nhấn chìm nhân loại vào một cuộc chiến tranh thế giới, hiện nay Đức lại nuôi tham vọng áp đặt những lợi ích của mình bằng chiến tranh. Sự phụ thuộc về nguyên liệu là gót chân Asin của nền kinh tế Đức, nơi ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt nguồn nguyên liệu chủ chốt. Vì vậy, Liên minh an ninh về nguyên liệu của Đức đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Đức để lập kế hoạch tự bảo đảm nguyên liệu chủ chốt trên toàn cầu bằng mọi cách, kể cả bằng bạo lực. Điều đó chứng tỏ nỗi khát khao nguyên liệu và thị trường của ngành công nghiệp Đức là rất lớn. Theo Handelsblatt, nhập khẩu nguyên liệu của Đức đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ qua. Cuộc chiến giành nguồn nguyên liệu của Đức liên quan đến dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản như liti, côban, crôm, inđi và đất hiếm, và giới quan sát cho rằng nước này sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo đảm an toàn cho các nguồn nguyên liệu này. Lịch sử đã chứng minh rằng nhiều cuộc xung đột có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh giành các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt. Hơn ai hết, người Đức hiểu rất rõ rằng việc ổn định nguồn cung Cấp nguyên liệu là cơ sở tạo nên giá trị và sự sung túc của một đất nước, và vì vậy họ sẵn sàng làm tất cả để có được nó. Ai cũng biết rằng sự có mặt của quân đội Mỹ tại vịnh Pécxích hoặc sự phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân của Trung Quốc cũng chính là nhằm bảo vệ những lợi ích như vậy. Đối vơi Đức, việc kiểm soát các nguyên liệu là một vấn đề chiến lược trong chính sách đối ngoại. Sự trở lại của chủ nghĩa đế quốc ở Đức đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột liên đế quốc và đe dọa nổ ra một cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra đã phá hoại thị trường châu Âu, nơi đã cung cấp cơ sở cho sự phát triển sản xuất và thương mại của Đức trong suốt các thập niên qua. Với việc gia tăng cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, Đức một lần nữa cảm thấy mình buộc phải tham gia các cuộc chiến tranh để bảo đảm an toàn nguyên liệu cho mình.

Với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã chớp cơ hội tiến hành các chiến dịch ở khắp nơi trên thế giới. Trong hơn 10 năm qua, Mỹ đã tiến hành các “cuộc chiến tranh phòng ngừa” ở Trung Đông, và hiện nay họ lại đang hướng tới châu Á để bảo vệ các lợi ích chiến lược và kinh tế của mình. Pháp cũng sử dụng các phương tiện quân sự để bảo vệ lợi ích của mình ở châu Phi và Trung Đông. Sau khi đã giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến tranh ở Libi và các cuộc xung đột ở hai thuộc địa cũ của Pháp là cốt Đivoa và Xyri, Pháp hiện đang xâm chiếm Mali. Nhật Bản, đồng minh chiến lược của Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, đã đối phó với cuộc khủng hoảng nguyên liệu bằng các cuộc tấn công cả ở trong nước và nước ngoài. Trong bối cảnh như vậy, Đức đang tiến hành tái vũ trang để quân đội của họ có thể được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong tuyên truyền chính thức, các sứ mệnh của quân đội Đức ở khu vực Bancăng, ở Ápganixtan và những nơi khác vẫn được cho là vì những lý do nhân đạo hoặc được coi là một phần trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, nhưng thực ra đều nằm trong chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp của nền kinh tế số một châu Âu này.

Cách đây một năm, giới công nghiệp Đức đã lập ra một liên minh an ninh nguyên liệu để đảm bảo an toàn cho sản xuất trong tương lai. Trong một bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Giám đốc của liên minh này, Dierk Paskert, đã yêu cầu chính phủ phải có một chính sách mang tính chiến lược về ngoại thương và an ninh để bảo đảm cho các nhà sản xuất công nghiệp Đức luôn được cung cấp đầy đủ nguyên liệu. Và nhân vật này cũng cho rằng phải làm tất cả để có được điều đó, kể cả giải pháp quân sự. Trả lời nhật báo kinh tế Handelsblatt, hỏi rằng liệu Đức có nên tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến về tài nguyên không?, Paskert đã trả lời bằng câu khẳng định rằng lịch sử đã cho thấy nhiều cuộc xung đột có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh giành tài nguyên…, và vì thế nền công nghiệp Đức rất cần một cam kết lớn hơn từ chính phủ, và cả quân đội nữa trong việc bảo đảm an ninh nguyên liệu. Dưới nhan đề “Cuộc viễn chinh nguyên liệu: con đường mới của nước Đức”, bài báo của Handelsblatt cho rằng đối với Chính phủ Đức, sự kiểm soát nguyên liệu là một “vấn đề chiến lược”. Handelsblatt cho rằng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trên thế giới đang dần cạn kiệt, an ninh và quyền được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên là mối quan tâm lớn nhất trong chính sách an ninh và quốc phòng hiện nay của Đức. Mục tiêu này không phải là mới, vì vào giữa những năm 1990, chính sách quốc phòng của Đức đã xác định những nhiệm vụ chính của quân đội Đức là “duy trì quyền tự do thương mại trên thế giới và tiếp cận các nguồn nguyên liệu mang tính chiến lược”. Quan điểm này đã mở đường cho sự biến đổi của quân đội Đức từ lực lượng bảo vệ lãnh thổ thành lực lượng can thiệp quốc tế.

Cách đây chưa lâu, khi bài trả lời phỏng vấn tờ Suddeutsche Zeitung, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Thomas de Maiziere, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các cuộc can thiệp quân sự trực tiếp trong tương lai, và nhân vật này đã đưa ra một kiểu biện minh mới, khi nói rằng các chiến dịch quân sự quốc tế phải được “giải thích một cách thực tế”. Dưới sự lãnh đạo của De Maizere, con trai một viên tướng và là tham mưu trưởng lâu đời của quân đội Đức, việc thay đổi vai trò của quân đội Đức đang diễn ra rất nhanh. Các phương tiện trinh sát, vận chuyển và triển khai quân đang được mở rộng. Ngoài ra, quân đội Đức còn lên kế hoạch mua thêm máy bay do thám không người lái và tàu hộ tống để hăm dọa các đối thủ. Trong khi hồi năm 2003 ở Irắc và ngay cả năm 2011 trong cuộc chiến tranh ở Libi, Đức vẫn tỏ thái độ dè dặt nào đó, thì hiện nay Đức lại hoàn toàn ủng hộ cuộc can thiệp của Pháp tại Mali và những bước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Xyri của phương Tây. Một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi này là nhận thức phải tăng cường tranh giành nguồn nguyên liệu, nhất là với Trung Quốc. Việc Trung Quốc đang ráo riết chuấn bị chiến tranh khiến người ta nhớ lại những chương đen tối nhất trong lịch sử nước Đức. Những mục tiêu chiến tranh của Đức trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất là dựa vào những nhu cầu và những dự án của “các bộ óc lỗi lạc của giới kinh doanh, chính trị và quân đội”, đúng như nhà sử học Fritz Fischer đã viết trong cuốn sách mang tên “Những mục đích chiến tranh của Đức quốc xã”. Ngay cả giới kinh doanh khi đó cũng đã ủng hộ tham vọng chinh phục thế giới của Hitler và nhu cầu về “không gian sống còn” ở phía Đông phù hợp với những kế hoạch tìm kiếm nguyên liệu và thị trường.

Và bây giờ, khi nền kinh tế châu Âu đang chao đảo mạnh, và nguồn tài nguyên trên thế giới đang cạn kiệt trông thấy, người ta có cơ sở để lo ngại rằng các quốc gia có nền công nghiệp hùng hậu sẽ lao vào cuộc tìm kiếm nguyên liệu, và không loại trừ khả năng họ sẽ dùng đến súng đạn để đạt được mục tiêu ấy. Nếu điều đó xảy ra thì nước Đức khó mà đứng ngoài cuộc, nhất là khi đã có quá nhiều những dấu hiệu khá rõ ràng cho nhận định ấy./.

Nguồn: TTXVN/ Basam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo